Thánh Inhã-Đấng sáng lập Dòng Tên
(1491-1556)

Tôi gọi là sự sầu khổ… [một cảm giác của linh hồn] như bị lìa xa Đấng Tạo Hóa và Chúa mình.

_ Linh Thao, Các quy tắc nhận định thần loại, tuần I, # 4 _

Từ sầu khổ có nguồn gốc trong Tiếng Anh Trung Cổ [the Middle English] de sole, được dịch là “bị cô độc, bị bỏ rơi”. Cảm giác Thiên Chúa xa cách tôi chính là một phần trong kinh nghiệm sầu khổ. Tôi không thể cảm nhận sự hiện diện của Thiên Chúa một cách mạnh mẽ được. Tôi cảm nhận sự đơn độc và bị bỏ rơi về khía cạnh thiêng liêng. Tôi nói là “cảm thức” về sự vắng mặt của Thiên Chúa hoặc “cảm giác” đang bị Thiên chúa bỏ rơi, bởi vì đức tin đảm bảo cho tôi rằng Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi tôi. Nếu Thiên Chúa đã làm như thế thì tôi đã không còn tồn tại nữa rồi. Thiên Chúa luôn ở gần bên tôi, luôn luôn dõi theo và yêu thương tôi, luôn hành động vì ích lợi cho cuộc sống của tôi. Nhưng bản thân tôi không phải lúc nào cũng cảm nhận được tình yêu thánh thiêng đó. Tôi không thể luôn luôn cảm thức được sự hiện diện của Thiên Chúa trong trái tim tôi.

Một thầy chủng sinh trẻ tuổi, đang gặp một chút sầu khổ, đã miêu tả một thời gian cầu nguyện mà suốt thời gian đó anh ta đã suy niệm về Chúa Kitô như là Vị Chủ Chăn tốt lành. Anh ta đã nói rằng “Bản thân tôi đã nghi ngờ rằng liệu tôi có thực sự là một trong những con chiên ở trong vòng tay của Chúa Kitô hay không.” Câu nói trên từ một thầy chủng sinh sốt mến như thế quả thực là một điều kỳ lạ, nhưng đó là những gì được cảm nhận lúc bấy giờ. Đối với những giai đoạn về sau trong đời sống của thầy chủng sinh, việc cầu nguyện trở nên dễ dàng và mang lại cho anh ta cảm giác gần gũi với Thiên Chúa, nhưng trong lúc sầu khổ này thầy chỉ cảm thấy một sự trống rỗng như bị bỏ rơi trong cầu nguyện. Những lời của thầy dành cho Thiên Chúa cảm thấy giống như những bộ xương khô, những thỉnh cầu của thầy có vẻ như không được nghe và không được trả lời. Thầy cô đơn trong phòng, và dường như không được Thiên Chúa an ủi.

Cảm giác khô khan sầu khổ trong cầu nguyện thường xảy ra ở giữa dân thánh. Chính Chúa Giê-su đã kêu vang trên thánh giá: “Lạy Chúa, lạy Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” Thánh vịnh gia nói về linh hồn của ngài như “mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước” (Tv 63:1), và hỏi:

Lạy Chúa con thờ, muôn lạy Chúa,

Ngài nỡ lòng ruồng bỏ con sao?

Dù con thảm thiết kêu gào,

nhưng ơn cứu độ nơi nao xa vời!

Ngày kêu Chúa, không lời đáp ứng,

đêm van Ngài mà cũng chẳng yên.

(Tv 22:2-3)

Thánh Tê-rê-sa Lisieux đã có lúc coi mình như một đồ chơi bị em bé Giê-su bỏ rơi. Mẹ Tê-rê-sa Calcutta đã trải qua một thời gian rất dài trong cầu nguyện mà không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Cha. Bị nản lòng bởi “sự vắng mặt” thường xuyên của Thiên Chúa, tác giả thần bí Thomas Kempis đã một lần kêu lên trong cầu nguyện rằng nếu Thiên Chúa vắng mặt thêm một lần nữa, Thomas sẽ phạm các điều răn trong sách thánh! Những ví dụ trên cho thấy rằng một kinh nghiệm như thế là bình thường trong đời sống cầu nguyện.

Thật vậy, tôi đang ở trong cơn sầu khổ không chỉ với những lúc tôi cảm thấy khô khan trong cầu nguyện mà còn với những lúc tôi đánh mất đi cảm thức về niềm hy vọng và niềm tin rằng tình trạng này sẽ có lúc qua đi. Trong cơn sầu khổ, tôi bị lôi kéo đến sự nghi ngờ không chỉ lúc này mà nghi ngờ toàn bộ tương quan của tôi với Thiên Chúa. Tôi sẽ bắt đầu tự hỏi liệu rằng toàn bộ kinh nghiệm của tôi về Thiên Chúa chỉ là một sự giả vờ, một điều gì đó mà tôi đã thiết lập trong trí nhớ của tôi. Tôi sẽ nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa, hoặc chí ít là nghi ngờ sự tồn tại về tình bạn của tôi với Thiên Chúa. Tôi nhớ lại có một lần chính bản thân đã trải qua một kỳ tĩnh tâm hết sức khô khan, và trong đợt đó tôi đã bảo với vị hướng dẫn tĩnh tâm của tôi rằng “Con không chắc là mình biết cách cầu nguyện”. Tôi có thể kể rằng vị hướng dẫn đang cười thầm về câu nói của tôi; bởi vì từ quan điểm khách quan hơn của ngài, ngài biết được sự nghi ngờ của tôi thật là ngây thơ làm sao. Nhưng trong tâm hồn tôi, thần dữ đã xúi tôi tin rằng những năm tháng cầu nguyện của tôi không là gì cả ngoại trừ một việc làm mang tính tưởng tượng – một sự tưởng tượng của trí óc.

Chuyển ngữ: Tấn Tài, SJ.