Ngoài Thánh Lễ, cũng có nhiều phẩm phục và trang phục giáo sĩ mà một linh mục có thể mặc. Áo chùng thâm (cassock) là một chiếc áo dài màu đen được mặc thay cho bộ vest đen. Ở các nước Công giáo, các linh mục sẽ mặc áo chùng thâm ở những nơi công cộng như chợ búa, ngoài đường phố và các khu vực thế tục khác. Ở Hoa Kỳ, áo chùng thâm thường được giới hạn trong phạm vi của Giáo hội và đặc biệt được mặc bên trong lễ phục, hoặc khi thực hiện các tác vụ mục vụ hoặc có tính phụng vụ. Áo chùng thâm của linh mục triều có hai kiểu. Đầu tiên là kiểu Rôma. Kiểu Rôma có 33 cúc áo phía trước được đính từ cổ áo xuống tận phía dưới gấu áo. 33 cúc áo biểu trưng cho số tuổi của Chúa Giêsu. Kiểu áo này cũng có một đường viền màu đen dưới cánh tay áo tạo thành giá đỡ cho đai thắt lưng. Đường viền cũng có thể được may ở cổ tay áo, khu vực nút áo và khu vực xung quanh cổ áo. Các linh mục mặc áo chùng thâm có viền và thắt lưng màu đen; đường viền và thắt lưng màu tím tươi dành cho đức ông; đường viền và thắt lưng màu tím sậm dành cho các Giám mục; còn đường viền và thắt lưng màu đỏ dành cho các Hồng y; và Đức Giáo Hoàng mặc áo chùng trắng, đường viền và thắt lưng cũng màu trắng. Những trang phục này được gọi là áo choàng ca đoàn, và sẽ được mặc khi các linh mục quy tụ trong nhà thờ để hát Kinh Thần Vụ. Đức ông là những Giám Chức Danh Dự (prelates of honor), Đệ Nhất Lục Sự của Tòa Thánh (prothonotary apostolic), có thể mặc nguyên bộ áo chùng thâm, đường viền và thắt lưng màu tím. Các Giám mục cũng có thể mặc nguyện bộ áo chùng thâm, đường viền và dây thắt lưng màu tím sậm; và các Hồng y cũng có thể mặc nguyên bộ chùng thâm, đường viền và thắt lưng màu đỏ.
Trong các nghi thức phụng vụ ngoài Thánh Lễ, linh mục mặc áo các phép (surplice) bên ngoài áo chùng thâm. Trang phục giáo sĩ kiểu này có thể được làm bằng nhiều chất liệu kể cả ren, nhưng luôn có màu trắng. Ngoài ra, phải đeo dây các phép và áo choàng bên ngoài áo các phép khi cử hành các nghi lễ trọng thể ngoài Thánh Lễ, chẳng hạn như Chầu Thánh Thể, rước kiệu, nghi thức hôn phối, rửa tội và an táng. Áo choàng (cope) là một chiếc áo khoác dài được làm cùng chất liệu với dây các phép. Áo này có thể được mặc theo màu của mùa phụng vụ. Tuy nhiên, khi Chầu Thánh Thể, một áo khoác bên ngoài, được gọi là khăn phủ vai (humeral veil), được mặc bên trên áo choàng (cope) và phải luôn là màu trắng. Khăn phủ vai được mặc khi ban phép lành Thánh Thể lúc Chầu Mình Thánh vì những người tham dự nhận được sự chúc lành của chính Đức Kitô, chứ không phải của linh mục. Trong Hy Tế Thánh Lễ, nếu một linh mục chỉ giảng lễ và không đồng tế, ngài có thể mặc áo chùng thâm, áo choàng, và dây các phép với màu theo mùa phụng vụ, vốn biểu thị cho tác vụ tư tế của linh mục.
Áo khoác ngắn (Mozzetta) là một áo choàng ngắn khoác bên ngoài áo chùng thâm của một Giám mục và thường được thiết kế dài đến khuỷu tay với cổ áo tròn. Áo này được gắn chặt bởi mười hai nút, biểu thị cho mười hai Tông Đồ. Thông thường màu sắc của áo mozzetta tương ứng với cấp bậc của Giám mục. Tuy nhiên, Đức Thánh Cha có thể mặc áo mozzetta được tô điểm bằng nhung và lông chồn cùng với cây thánh giá trước ngực được treo bằng dây thừng nhỏ có màu đỏ, còn dây màu vàng cho các Hồng y và màu xanh lá cây cho các Giám mục.
Mũ barét là một loại mũ vuông đặc biệt có ba góc và những đường gờ do các giáo sĩ đội và được sử dụng tương tự như các mũ tốt nghiệp (mortarboards) được đội vào thời Trung cổ để phân biệt cấp bậc. Một chiếc mũ barét màu đen với quả chóp mũ màu đen dành cho linh mục; một chiếc biretta màu đen với quả chóp mũ màu tím dành cho đức ông; một mũ barét màu đen với một quả chóp mũ màu đỏ dành cho Giám mục; một chiếc barét màu đỏ không có quả chóp mũ dành cho một Hồng y. Đức Giáo Hoàng không đội mũ barét. Các giáo sĩ có bằng tiến sĩ đội mũ barét có bốn góc. Mũ sọ (zucchetto) được đội bên dưới mũ barét.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 363-364