Lễ phục ban đầu là những trang phục bình thường của người La mã cổ đại. Mặc dù thời trang ăn mặc đã thay đổi qua nhiều thế kỷ, nhưng tại bàn thờ, linh mục vẫn tiếp tục mặc trang phục này như những vị linh mục trước đây đã mặc. Vì vậy, linh mục, khi cử hành Thánh Lễ, là một nhân chứng tuyệt vời cho sự liên tục mang tính lịch sử của Giáo hội Công giáo với Giáo hội sơ khai thời Đế quốc La mã, được thành lập bởi vị Thủ lãnh các Tông Đồ. Theo trình tự mà các linh mục mặc, lễ phục của Thánh Lễ như sau. [Những phân biệt này chỉ áp dụng cho các giáo sĩ của Giáo hội Latinh (phương Tây). Các giáo sĩ của Giáo hội Byzantine cũng mặc những áo lễ tương tự nhưng với những tên gọi khác nhau, có thêm một số phụ kiện và sử dụng các màu phụng vụ khác nhau.]
Khăn quàng vai (Amice): Một khăn hình vuông bằng vải lanh trắng quấn quanh cổ và vai. Vào thời Trung cổ, khăn quàng vai được mặc như một chiếc mũ trùm đầu để bảo vệ đầu trong các nhà thờ lạnh giá. Khăn quàng vai tượng trưng cho “chiếc mũ của sự cứu rỗi”, được ví như đức cậy giúp linh mục chiến thắng những tấn công của Satan. Khăn quàng vai thường được mặc bên ngoài áo dòng (áo choàng của linh mục) hoặc bên ngoài áo của giáo sĩ.
Áo chùng trắng (Alb): Một bộ áo bằng vải lanh trắng dài đến chân. Áo chùng trắng tượng trưng cho sự đơn sơ và thuần khiết tô điểm cho tâm hồn của vị linh mục khi bước lên bàn thánh. Áo chùng trắng được mặc bên ngoài khăn quàng vai trừ khi áo này phủ hoàn toàn cổ và che khuất cổ áo La mã (Roman collar). Các phó tế và linh mục mặc áo chùng trắng.
Dây thắt lưng (Cincture): Sợi dây được sử dụng như một dây đai để buộc áo chùng trắng. Dây này tượng trưng cho các đức tính khiết tịnh và độc thân cần có của linh mục. Dây thắt lưng bình thường có màu trắng nhưng cũng có sẵn những màu khác để phù hợp với màu phụng vụ trong ngày cùng với dây các phép và áo lễ ngoài.
Dây các phép (stole): Các thẩm phán La mã đội khăn quàng cổ dài khi thi hành công vụ, cũng như các thẩm phán ngày nay mặc trang phục tòa án. Bất cứ khi nào một linh mục cử hành Thánh Lễ hoặc chủ sự các bí tích, ngài sẽ đeo dây các phép như một dấu hiệu cho thấy ngài đang thi hành tác vụ linh mục chính thức của Giáo hội. Khi đeo dây các phép trên cổ để cử hành Thánh Lễ, vị linh mục cầu xin Chúa ban cho ngài vào ngày sau hết cũng được khoác lấy “chiếc áo bất tử” đã bị đánh mất khi cha mẹ nguyên thủy phạm tội. Dây các phép được đeo quanh cổ với hai tà hai bên phủ trước ngực của linh mục – một bên trái và một bên phải. Trước Công đồng Vaticanô II, Thánh Lễ Tridentine yêu cầu linh mục phải vắt chéo dây các phép lên ngực, và chỉ với Giám mục dây các phép mới được đeo thẳng. Với Thanh Lễ Novus Ordo (Thánh Lễ từ thời Công đồng Vaticanô II của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI), yêu cầu đó không còn được áp dụng nữa. Các phó tế đeo dây các phép chéo từ vai trái xuống đến thắt lưng bên phải.
Áo lễ ngoài (Chasuble): Áo bên ngoài khoác lên người. Ban đầu, đây là một bộ áo đầy đủ, có hình dạng giống như một cái chuông và dài gần đến gót chân. Bây giờ, áo có nhiều độ dài khác nhau và kiểu dáng thì tùy theo sở thích và truyền thống của từng vùng miền. Áo lễ ngoài tượng trưng cho đức bác ái, và cái ách của sự phục vụ Thiên Chúa cách vô vị lợi mà linh mục đảm nhận khi được truyền chức.
Áo lễ phó tế (Dalmatic): Chiếc áo chùng dài tay đã đến Rôma từ vùng Dalmatia.Vì thế, áo này có tên gọi như vậy. Áo lễ phó tế trông giống như áo lễ ngoài nhưng có tay áo. Áo này được phó tế mặc trong Thánh Lễ, tượng trưng cho niềm vui và hạnh phúc là hoa trái của sự dâng mình cho Thiên Chúa.
Lễ phục có màu sắc phụng vụ theo mùa của Giáo hội (Xem thêm Câu hỏi 279) như:
Màu trắng: Biểu tượng của sự trong trắng và vinh thắng. Màu này được sử dụng trong tất cả các lễ liên quan đến các mầu nhiệm vui tươi và vinh quang trong cuộc đời của Chúa Giêsu, chẳng hạn như Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh, các lễ về Đức Mẹ, và các ngày lễ của các thiên thần và các thánh không phải là tử đạo. Màu trắng cũng có thể được sử dụng trong lễ cầu hồn.
Màu đỏ: Màu máu được sử dụng trong tất cả các lễ liên quan đến Thánh giá và Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, bao gồm cả Chúa Nhật Lễ Lá, lễ các Tông Đồ và tất cả các vị tử đạo. Màu đỏ cũng được sử dụng trong Lễ Hiện Xuống và trong các Thánh Lễ của Chúa Thánh Thần, để tưởng nhớ những hình lưỡi lửa trong Lễ Ngũ Tuần đầu tiên.
Màu tía hoặc tím: Là biểu tượng của sự sám hối và đền tội. Màu này được sử dụng trong thời gian thống hối của mùa Vọng và mùa Chay, cũng như khi cử hành bí tích Hòa Giải. Màu tím cũng có thể được sử dụng trong lễ cầu hồn và lễ các Đẳng Linh Hồn.
Màu xanh lá cây: Màu của cây cối sinh sôi đâm chồi nảy lộc là biểu tượng của hy vọng. Màu này được sử dụng trong các mùa bên ngoài mùa Vọng-Giáng Sinh và mùa Chay-Phục Sinh, hay còn được gọi là mùa Thường Niên.
Màu hồng: Màu này được phép thay thế cho màu tím vào Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, được gọi là Chúa Nhật Gaudete. Nó cũng được sử dụng vào Chúa Nhật thứ tư Mùa Chay, được gọi là Chúa Nhật Laetare. Với màu hồng này, Giáo hội muốn xoa dịu nỗi đau buồn của mùa đền tội bằng lời mời gọi hãy vui mừng lên trong sự tốt lành của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta.
Màu vàng: Lễ phục làm bằng chất liệu gấm hoa vàng được phép thay thế cho màu trắng, và thường được mặc trong mùa Giáng Sinh, các Thánh, Chúa Kitô Vua, và Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô.
Màu đen: Màu của sự chết chóc và tang thương. Màu này có thể được sử dụng trong lễ an táng hoặc lễ giỗ và lễ các Đẳng Linh Hồn.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 360-362.