Về mặt ngữ nghĩa, môn đệ (discipulus trong tiếng Latinh, có nghĩa là “người tiếp thu những giáo huấn của người khác”) là người đang học tập từ một tôn sư. Trong Kitô giáo, thuật ngữ này dùng để chỉ bất kỳ người nào bước theo sự dạy dỗ của Chúa Giêsu. Tin Mừng Matthêu 10:1 thuật lại rằng: “Rồi Chúa Giêsu gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền”. Vì Tin Mừng đề cập đến cùng mười hai người này là “Tông Đồ” trong Matthêu 10:2, nên rõ ràng rằng Tông Đồ (Apostolos trong tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “người được sai đi; người đưa tin”) cũng là một hình thức môn đệ đặc biệt. Tuy nhiên có thể phát sinh một số nhầm lẫn vì các sách Tin Mừng nói về mười hai người này vừa là môn đệ vừa là Tông Đồ, nhưng cũng nói đến bảy mươi môn đệ nữa khác biệt với mười hai Tông Đồ này. Matthêu và Gioan đều là Thánh Sử (người viết Tin Mừng) và là Tông Đồ (2 trong số 12 người), nhưng Maccô và Luca, trong khi cũng là Thánh Sử nhưng chỉ là môn đệ (là 2 trong số 70 môn đệ).
Thuật ngữ Tông Đồ có ý nói đến mười hai người được Chúa Giêsu chọn làm phụ tá trực tiếp của Ngài. Chúa Giêsu đã hướng dẫn họ trong thời gian ba năm hoạt động công khai. Sau khi Ngài thăng thiên, các Tông Đồ quy tụ tại Phòng Tiệc Ly cùng với Đức Maria và cầu nguyện trong chín ngày chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Sau Lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói và hành động một cách tự tin và xác tín để dạy dỗ người khác những gì Chúa đã dạy cho họ. Họ trở thành những người lãnh đạo Hội Thánh với Phêrô là Tông Đồ trưởng. Họ đã được Chúa Giêsu trao ban chức tư tế tròn đầy trong Bữa Tiệc Ly khi Ngài nói: “Anh em hãy làm điều này mà nhớ đến Thầy”. Với mệnh lệnh này, họ được truyền chức tư tế để tiếp tục hy tế vĩnh viễn của Chúa Giêsu, nhưng theo cách thức phụng vụ của Thánh Lễ.
Ngày nay trong Giáo hội, người kế vị trực tiếp của Thánh Phêrô và các Tông Đồ là Đức Giáo Hoàng và các Giám mục. Đây được gọi là sự kế nhiệm các Tông Đồ. Chưa bao giờ có sự đứt quãng trong dòng chảy kế nhiệm này từ ban đầu cho đến hiện nay, tức là Đức Giáo Hoàng thứ 265, Đức Bênêđictô XVI. Trong Matthêu 10:2-5, chúng ta có tên của mười hai Tông Đồ: “Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, rồi đến ông Anrê, anh của ông; sau đó là ông Giacôbê con ông Dêbêđê và ông Gioan, em của ông; ông Philípphê và ông Batôlômêô; ông Tôma và ông Matthêu người thu thuế; ông Giacôbê con ông Anphê và ông Tađêô; ông Simôn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giuđa Ítcariốt, là chính kẻ nộp Người”.
Vì Giuđa Ítcariốt cuối cùng đã tự vẫn, nên cần phải có người thay thế. Công vụ Tông đồ 1:26 thuật lại rằng: “Họ rút thăm, thăm trúng ông Mátthia: ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ”. Mười hai được xem là một con số trong Kinh Thánh. Giống như có mười hai chi tộc Israen, thì cũng có mười hai Tông Đồ. Tước hiệu Tông Đồ danh dự, theo nghĩa loại suy, đã được trao cho Maria Mađalêna (Tông Đồ của các Tông Đồ) vì bà là người đầu tiên có mặt tại ngôi mộ trống vào Chúa Nhật Phục Sinh; bà đã thấy Đức Kitô Phục Sinh hiện ra bảo bà về nói với Phêrô và các môn đệ khác rằng Ngài đã sống lại. Tuy nhiên, bà không có tác vụ mục vụ, và cũng không có mặt tại Bữa Tiệc Ly. Chỉ có mười hai Tông Đồ ở đó với Chúa Giêsu.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 358-359.