Thuyết đồng kết (concomitance) tuyên bố rằng Đấng Cứu Thế phục sinh hoàn toàn hiện diện dưới cả hai hình thức (bánh đã truyền phép và rượu đã truyền phép). Người Công giáo rước Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Đức Kitô hiển vinh khi Hiệp Lễ. Linh mục truyền phép riêng biệt, trước hết là các tấm bánh (lúa mì) và sau đó là rượu (nho), để tượng trưng cho sự tách biệt giữa thân xác và máu, nhờ đó vị linh mục có thể tái hiện một cách bí tích hy tế trên đồi Canvê nơi Chúa Giêsu đã đổ máu ra và bị đóng đinh trên cây thập giá. Tuy nhiên, khi Hiệp Lễ, không phải là ta rước lấy thịt và máu của người chết, nhưng là thân xác và bửu huyết phục sinh của chính Đức Kitô. Những gì bị sự chết phân tách thì giờ đây được hợp nhất trong sự phục sinh.

Tín điều của Giáo hội Công giáo tuyên bố rằng cả Mình và Máu Đức Kitô đều có trong mỗi hình riêng biệt – Mình Thánh (bánh được truyền phép) và Máu Thánh (rượu được truyền phép). Do đó, nếu các tín hữu chỉ rước Mình Thánh, thì trên thực tế, họ đã rước cả mình và máu rồi. Bởi vì, nếu mình và máu vẫn còn bị tách biệt, Đức Kitô vẫn chưa thực sự phục sinh. Tuy nhiên, Đức Kitô đã sống lại, nên bất cứ nơi nào có thân xác của Ngài, thì ở đó cũng có máu của Ngài, và ngược lại. Martin Luther và các nhà Cải cách Tin Lành khác dạy rằng các tín hữu phải rước lễ bằng cả hai hình. Công đồng Trentô vào thế XVI định nghĩa rằng chỉ có linh mục mới phải rước cả hai hình để hoàn tất hy tế bí tích. Các tín hữu có thể chỉ rước Mình Thánh chứ không nhất thiết phải rước cả Máu Thánh vì chỉ một trong hai là cũng đã bao gồm cả hai hình rồi (Mình và Máu Chúa Kitô).

Những người bị bệnh không có khả năng hấp thụ chất protein của lúa mì (celiac disease) hoặc dị ứng nghiêm trọng với lúa mì hoặc với chất gluten, thì có thể chỉ rước Máu Thánh (rượu đã truyền phép), cũng như những người có chứng nghiện rượu chỉ cần rước Mình Thánh. Không có ai trong trường hợp này chỉ nhận được một nửa Chúa Giêsu. Mỗi người đều nhận được đầy đủ trọn vẹn cả Mình và Máu, Linh Hồn và Thiên Tính của Đức Kitô. Hình dạng của bánh và rượu vẫn giữ nguyên, nhưng bản thể đã được Thiên Chúa biến đổi cách kỳ diệu (khi linh mục đọc chính xác từng lời của Đức Kitô trong Bữa Tiệc Ly: “Đây là mình Thầy” và “Đây là máu Thầy”).

Kể từ Công đồng Vaticanô II (1962-1965) và gần đây hơn, kể từ khi có hướng dẫn mới trong Sách Lễ Rôma năm 2000, Giáo hội hết sức khuyến khích người Công giáo tham dự Thánh Lễ rước cả hai hình như một dấu hiệu có giá trị đầy đủ hơn (liên quan đến hành vi ăn và uống); tuy nhiên, phải cẩn thận để không ai lầm tưởng rằng họ phải rước cả Mình Máu Thánh thì mới có thể nhận được trọn vẹn Mình và Máu Chúa Kitô. Trong thực tế, những bận tâm về mục vụ hoặc về y tế đã khiến Giáo hội phải suy nghĩ và quyết định không nên cho giáo dân rước rượu đã truyền phép khi Hiệp Lễ; trong trường hợp này, Giáo hội đã khẳng định rằng bất kỳ linh mục nào cũng được phép chỉ trao Mình Thánh, chứ không cần trao cả Mình và Máu cho tất cả những người chịu lễ vì Mình hay Máu thì cũng có sự hiện diện trọn vẹn của Đức Kitô rồi.

Quy chế Tổng quát của Sách Lễ Rôma số 85 có nói: “Các linh mục buộc phải rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh Lễ cử hành, thì cũng rất ước mong là các tín hữu cũng được rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh Lễ họ đang tham dự. Trong những trường hợp đã được trù liệu, họ cũng được rước Máu Thánh, để, cả bằng những dấu chỉ, họ thấy rõ hơn hiệp lễ là tham dự vào hy lễ đang cử hành”.

Tuy nhiên, nếu không có đủ thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, đặc biệt khi có một số lượng lớn tín hữu tham dự, thì linh mục và phó tế (là những thừa tác viên thường vụ cho rước lễ) chỉ phải cho rước Mình Thánh thôi. Mặc dù cảm cúm và dịch bệnh có lẽ không lây lan khi dùng chung chén thánh, nhưng chúng ta nên khôn ngoan không dùng chung chén thánh trong mùa dịch bệnh. Lý do khiến ta phải phòng ngừa là vì dù ta có đầy đủ bằng chứng y khoa để chứng minh sự an toàn, thì hầu hết mọi người vẫn nghĩ ngược lại và sẽ tránh rước Máu Thánh trong mùa cảm cúm. Chỉ riêng nồng độ cồn trong rượu lễ thôi cũng đã có thể tránh được mọi nguy cơ lây nhiễm, nhưng một số chủng bệnh nhiễm trùng cấp nguy hiểm hơn và có thể gây ra dịch bệnh gần đây đã khiến nhiều người lo lắng về việc uống chung một chén thánh. Trớ trêu thay, các bác sĩ cho biết là có nhiều vi trùng được lây lan và truyền nhiễm mạnh hơn qua đường tay chân, đặc biệt khi bắt tay. Thay vì để quá nhiều Máu Thánh còn sót lại (do rất ít người chịu lễ từ chén thánh) vào cuối Thánh Lễ, một số linh mục và giáo xứ chỉ thỉnh thoảng mới cho giáo dân rước Máu Thánh, mỗi tháng một lần hoặc vào những ngày lễ đặc biệt, thay vì mỗi Thánh Lễ. Tất cả rượu đã truyền phép còn sót lại phải được uống ngay và không được cất giữ trong nhà tạm cùng với bánh thánh, cũng như không được đổ xuống giếng thánh (được gọi là sacrarium – chậu rửa đặt ở phòng thánh để giặt rửa các vật dụng thánh). Vị chủ tế nên khôn ngoan sử dụng các thực hành tùy nghi trong những thời điểm nhạy cảm như vậy. Tại Đền thờ Thánh Phêrô và trong những Thánh Lễ đại triều, do số người tham dự lớn nên chỉ cho rước Mình Thánh.

 

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 356-358.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *