Hội Thánh đích thật của Chúa Giêsu Kitô có bốn dấu hiệu (hoặc đặc tính). (Xem Câu hỏi số 51.) Công giáo Byzantine cũng thừa nhận bốn đặc tính này. Có những nghi lễ hoặc truyền thống phụng vụ khác nhau trong Giáo hội Công giáo. Thuật ngữ chung để chỉ các nghi lễ khác nhau là Nghi Lễ Đông Phương hoặc Tây Phương, phụ thuộc vào nguồn gốc của truyền thống phụng vụ. Nếu các nghi lễ này hợp nhất với Rôma thì chúng là một phần của Giáo hội Công giáo, còn được gọi là Nghi Lễ Latinh, vốn là nghi lễ lớn nhất cho đến nay ở phương Tây. Có một số nghi lễ mang tính địa phương, chẳng hạn như Nghi Lễ Ambrosian ở Milan và Nghi Lễ Mozarabic ở Toledo, Tây Ban Nha.
Ở phương Đông có nhiều nghi lễ khác nhau, trong đó Nghi Lễ Byzantine cho đến nay là lớn nhất. Nghi lễ này bao gồm các biến thể nhỏ hơn như nghi lễ Anbani, Bulgaria, Byelorussian, Georgia, Hy Lạp, Ý-Anbani, Melkite, Hungary, Nga, Ruthenian, Romania, Ukraina, Yugoslav và Slovakia. Nghi Lễ Alexandrian bao gồm Nghi Lễ Coptic và Abyssinian. Nghi Lễ Antiokiaia bao gồm Chaldean và Syro-Malabarese, Maronite và Syria. Cuối cùng, Nghi Lễ Armenia bắt nguồn từ những người đầu tiên ở phương Đông tiếp nhận Kitô giáo.
Trong một số trường hợp, các Nghi Lễ Đông Phương là một bản sao của Chính Thống giáo. Chính Thống giáo đã phá vỡ mối quan hệ của họ với Giáo hội Công giáo vào thế kỷ XII. Một số Nghi Lễ của Chính Thống giáo đã trở lại với Giáo hội Công giáo vào thế kỷ XVII. Những Nghi Lễ này bị Giáo hội Chính thống xem là Giáo hội Quy Hiệp (Uniates), bởi vì những Giáo hội này tìm kiếm sự hợp nhất với Rôma. Kể từ Công đồng Vaticanô II, người ta đã quay trở lại và tôn trọng các Nghi Lễ Đông Phương, đồng thời ra sức bảo tồn nghi lễ này như một phần di sản của Giáo hội hoàn vũ. Nhiều Giáo hội Đông Phương đã được “Latinh hóa” và được các Nghị Phụ của Công đồng yêu cầu trở về cội nguồn phụng vụ của họ.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).