Hội đồng (Synod) có gốc từ hai từ Hy Lạp syn (cùng nhau) và hodos (đường) có nghĩa là “đi đến cùng nhau” hoặc “một cuộc gặp gỡ”. Hội đồng gồm có các Giám mục, như trong trường hợp của Thượng hội đồng Giám mục do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập năm 1965, sẽ nhóm họp định kỳ khi được vị đương kim Giáo Hoàng triệu tập. Không giống như một hội đồng đại kết mà trong đó mọi Giám mục Công giáo trên thế giới đều được mời gọi, Thượng hội đồng chỉ dành cho đại diện của các Giám mục từ mỗi quốc gia hoặc từ hội đồng Giám mục quốc gia. Thượng hội đồng không có thẩm quyền lập pháp của riêng mình nhưng có vai trò cố vấn cho Đức Giáo Hoàng về các vấn đề và những bận tâm hiện tại.
Đức Giáo Hoàng ấn định chương trình nghị sự, triệu tập, đình chỉ và giải tán Thượng hội đồng. Ngài có thể tự mình chủ tọa hoặc chỉ định một chủ tịch từ các Giám mục thành viên. Đã có 21 Thượng hội đồng kể từ khi được thành lập (1965). Trước khi bắt đầu, một Lineamenta (dự thảo) được trao cho các Giám mục để thiết lập chủ đề và phạm vi của Thượng hội đồng sắp diễn ra. Những kiến nghị từ các Giám mục về các chủ đề thảo luận có thể có liên quan đến dự thảo được gửi đến Rôma. Sau khi được triệu tập, các Giám mục được trao một bản dự thảo Instrumentum laboris (bản làm việc) dựa trên Lineamenta và những kiến nghị được gợi hứng.
Một Tổng Giám mục Chính Tòa có thể triệu tập một hội đồng cấp tỉnh, nơi các Giám mục trong khu vực đó tụ họp lại. Ví dụ, Hồng y Tổng Giám mục Chính Tòa của Philadelphia có thể triệu tập một hội đồng cấp tỉnh với sự tham gia của Tổng giáo phận Philadelphia và các giáo phận phụ thuộc Erie, Pittsburgh, Greensburg, Altoona-Johnstown, Harrisburg, Scranton và Allentown.
Các hội đồng quốc gia ít phổ biến hơn, và Hoa Kỳ cho đến nay chỉ có ba hội đồng. Ba hội đồng toàn thể đầu tiên của Baltimore diễn ra vào các năm 1852, 1866 và 1884, và từ đó ra đời Sách Giáo lý Baltimore nổi tiếng, đây là sách giáo lý quốc gia đầu tiên của Hoa Kỳ.
Hội đồng giáo phận có một chút khác biệt ở chỗ thường chỉ có một Giám mục, vốn là Đấng Bản Quyền sở tại, hoặc nhiều Giám mục nếu có các Giám mục phụ tá hoặc đã nghỉ hưu trong giáo phận. Hầu hết những người tham dự hội đồng giáo phận sẽ là những đại diện của các giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân địa phương. Giám mục giáo phận là người duy nhất có phiếu bầu, nhưng lý do chính mà ngài triệu tập hội đồng giáo phận là để nhận được những tư vấn và lời khuyên từ các linh mục và giáo dân của ngài. Các sắc lệnh của hội đồng mà Giám mục phê chuẩn trở thành luật của giáo phận (địa phương). Tất nhiên, luật này phải phù hợp với luật chung Hội Thánh và không được mâu thuẫn với bất kỳ điều khoản nào của đức tin cũng như không được nghịch với các luật phụng vụ chung của Sách Lễ Rôma (đối với Thánh Lễ) hoặc Nghi Lễ Rôma (đối với các bí tích khác).
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).