Thánh Lễ Tridentine là Thánh Lễ từ Công đồng Trentô (1545-1563), do đó có tên là “Tridentine”, được ban hành bởi Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V (Quo Primum, 1570).

Novus Ordo là Thánh Lễ của Công đồng Vaticanô II (1962–1965) được ban hành bởi Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (Novus Ordo, 1970).

Thánh Lễ Tridentine lâu đời hơn, được chia thành hai phần: phần phụng vụ trước dâng lễ (mass of the catechumens) và phần phụng vụ Thánh Thể (mass of the faithful). Thánh Lễ Novus Ordo của Vaticanô II cũng có hai phần, nhưng được gọi là Phụng vụ Lời Chúa (Liturgy of Word) và Phụng vụ Thánh Thể (Liturgy of the Eucharist).

Thánh Lễ Tridentine chỉ được cử hành bằng tiếng Latinh, trong khi Thánh Lễ Novus Ordo có thể được cử hành hoàn toàn bằng tiếng Latinh, hoặc hoàn toàn bằng tiếng bản địa, hoặc với một số phần bằng tiếng Latinh và phần còn lại bằng tiếng bản địa.

Cả hai Thánh Lễ đều có các bài đọc từ Sách Thánh (Kinh Thánh) cho các ngày trong tuần hoặc Chúa Nhật.

Mặc dù không bắt buộc, vị trí thông thường đối với vị chủ tế là đối diện với mọi người (versus populum) trong Phụng vụ Thánh Thể của Novus Ordo. Thánh Lễ Tridentine quy định rằng vị chủ tế dâng Thánh Lễ ad orientem (hướng về phía đông) hoặc ad apsidem (hướng về cung thánh hoặc nhà tạm) trong phần Phụng vụ Thánh Thể.

Thánh Lễ Tridentine có những phần phụ thêm không có trong Novus Ordo, như những lời cầu nguyện dưới chân bàn thờ (introibo ad altare Dei), phần dâng lễ (Suscipe Sancta Trinitas), bài Phúc Âm cuối lễ và những lời cầu nguyện sau Thánh Lễ thường (salve regina và cầu nguyện với Thánh Micae). Trong Thánh Lễ Tridentine, linh mục cũng làm nhiều dấu thánh giá hơn và có nhiều chỉ dẫn chữ đỏ tỉ mỉ hơn tùy theo mức độ trang trọng của Thánh Lễ (lễ trọng, lễ trọng thể, lễ đại triều).

Tự sắc Ecclesia Dei (1988) cho phép sử dụng cách rộng rãi và phổ biến hơn Thánh Lễ Tridentine cho người Công giáo Rôma, vốn là những người cảm thấy Thánh Lễ theo nghi thức này đáp ứng nhu cầu thiêng liêng của họ nhiều hơn Thánh Lễ Novus Ordo. Trước đây, hiếm khi thấy một Thánh Lễ Tridentine được chính thức chấp thuận bởi Giám mục giáo phận địa phương sau Công đồng Vatican II, vì Đức Giáo Hoàng Phaolô VI muốn Thánh Lễ theo nghi thức mới là tiêu chuẩn. Cố Tổng Giám mục Marcel Lefebvre đã thành lập Hiệp hội Thánh Piô X vào năm 1970, và họ đã chống đối những thay đổi về Phụng vụ (Thánh Lễ và các bí tích khác) có nguồn gốc từ Công đồng Vaticanô II. Khi Lefebvre truyền chức bất hợp pháp cho các Giám mục mà không có sự ủy nhiệm của Đức Giáo Hoàng, ông và những Giám mục đó đã tự động mắc vạ tuyệt thông, và trên thực tế, chính là ly giáo. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ban hành Tự sắc Ecclesia Dei, và cũng sáng lập ra Dòng Huynh Đệ Thánh Phêrô (FSSP) cho những cựu thành viên của Hiệp hội Thánh Piô X (SSPX) muốn trở lại hiệp thông trọn vẹn với Rôma. Một nhánh phản bội của Hiệp hội Thánh Piô X là Hiệp hội Thánh Piô V; đây là một hội truyền thống cực đoan. Chỉ những cộng đoàn tu trì hiệp thông trọn vẹn với Rôma, như Dòng Huynh Đệ Thánh Phêrô, mới được Tòa Thánh và các giáo phận địa phương chấp nhận cho cử hành Thánh Lễ Tridentine cũng như Thánh Lễ Novus Ordo, khi các linh mục nhận được sự ủy nhiệm từ Giám mục giáo phận. Công giáo Byzantine sử dụng Phụng Vụ Thánh Lễ của Thánh Gioan Kim Khẩu hoặc của Thánh Basilô, được cử hành bằng các ngôn ngữ Hy Lạp, Slava cổ, Aramai và các tiếng bản xứ.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *