USCCB là đại hội của tất cả các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ gồm cả Công giáo Latinh (Nghi thức Tây Phương) và Byzantine (Nghi thức Đông Phương). Mỗi năm USCCB nhóm họp hai lần để thảo luận về các chủ đề và vấn đề mà Giáo hội Công giáo trong nước quan tâm.

Các Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã thành lập Hội đồng Chiến tranh Công giáo Quốc gia (NCWC) vào năm 1917 để cho phép người Công giáo Hoa Kỳ đóng góp quỹ cho việc chăm sóc tinh thần và các dịch vụ giải trí cho những người phục vụ trong Thế Chiến I. Năm 1919, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XV thúc giục hàng giáo phẩm (các Giám mục trên thế giới) cùng với ngài hoạt động vì công lý và hòa bình, dẫn đến việc các Giám mục Hoa Kỳ đổi tên tổ chức NCWC thành Hội đồng Phúc lợi Công giáo Quốc gia. Kể từ năm 1966, sau khi Công đồng Vaticanô II kết thúc, NCWC lại được gọi là Hội đồng Giám mục Công giáo Quốc gia (NCCB) cùng với một chi nhánh nữa là Hội đồng Công giáo Hoa Kỳ (USCC). Tên của hội đồng một lần nữa được đổi vào năm 2001 thành tên như hiện tại (USCCB) khi cả hai nhánh hợp nhất thành một.

Giáo luật quy định rất rõ ràng về thẩm quyền của tất cả các hội đồng Giám mục quốc gia. Các hội đồng Giám mục không phải là cơ quan lập pháp song song giống như kiểu của Thượng Viện và Hạ viện. Chúng cũng không ngang hàng hoặc cao hơn Tòa Thánh, nơi đại diện cho Giáo Hoàng và tất cả các cơ quan của Giáo Triều, là nơi thực thi quyền tài phán phổ quát của Giáo Hoàng. Các hội đồng Giám mục được xem như là việc thực thi nguyên tắc phân quyền, đây là một nguyên tắc được Công đồng Vaticanô II xác nhận rằng, khi có thể, công việc nên được thực hiện ở các cấp thấp hơn bởi những người ở gần với thực tế công việc hơn. Do đó, mỗi cha sở của một giáo xứ tự quyết định thời gian Thánh Lễ, trong khi Giám mục giáo phận đưa ra quy định về cách thức Lễ Chúa Nhật có thể diễn ra sớm vào tối thứ Bảy, và hội đồng Giám mục quốc gia quyết định những ngày nào là lễ buộc (và chờ sự chuẩn nhận cuối cùng từ Rôma).

Đôi khi, ta sẽ thấy dễ hiểu hơn nếu xem Rôma và Vatican giống như Nhà Trắng (nhánh hành pháp), Quốc hội (nhánh lập pháp), và Tòa án Tối cao (nhánh tư pháp), tất cả được tập hợp thành một cơ quan quyền lực liên bang; Giám mục giáo phận địa phương giống như một tiểu bang và các cha sở giống như chính quyền thành phố. Trong việc so sánh loại suy này, USCCB sẽ giống như đại hội của các thống đốc bang.

Như một đại hội của hàng phẩm trật Hoa Kỳ và Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ, USCCB đôi khi có thể thực thi thẩm quyền, nhưng từng Giám mục thành viên không bao giờ mất quyền tự chủ trong việc điều hành các giáo phận của mình. Sắc lệnh Apostolos Suos do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành năm 1997 tuyên bố rằng các hội đồng Giám mục không tự mình sở hữu riêng thẩm quyền về giáo thuyết, vốn có tính ràng buộc và cao hơn mỗi Giám mục trong các hội đồng Giám mục. Nếu các tuyên bố về giáo thuyết từ một hội đồng Giám mục được các Giám mục nhất trí thông qua, chúng có thể được công bố nhân danh chính hội đồng, và các tín hữu phải tuân theo. Khi không có sự nhất trí hoặc về các vấn đề mang tính chất phụng vụ, thì cần phải có sự chuẩn nhận của Tòa Thánh.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *