Mật nghị Hồng y (conclave), cum clave trong tiếng Latinh, có nghĩa là “với chìa khóa” vì các Hồng y khi bầu Giáo Hoàng thực sự bị nhốt trong nhà nguyện Sistine tại Vatican cho đến khi một vị nào đó được chọn. Sau khi Đức Giáo Hoàng qua đời, tất cả các Hồng y dưới tám mươi tuổi đều được triệu tập đến Rôma. Các Hồng y có thể bầu chọn bất kỳ một người nam Công giáo nào cũng được, nhưng thông thường sẽ là một Hồng y trong mật nghị. Không ai được phép vận động bầu cử cho chính mình, và cũng không có bầu cử sơ bộ, những thỏa thuận hoặc đảng phái chính trị.
Trong khi báo chí và phương tiện truyền thông thích suy đoán và liệt kê các ứng viên có khả thể như là papabile (một từ tiếng Ý nghĩa là “một Hồng y có khả thể được bầu Giáo Hoàng), thì cũng có một câu nói của người La mã xưa mô tả tình hình chính xác hơn: “Ai vào mật viện như thể là Giáo Hoàng, thì khi đi ra vẫn là Hồng y”. Điều này có nghĩa là vị nào trong Hồng y Đoàn sẽ được bầu chọn chỉ là phỏng đoán của người ta mà thôi. Không ai nghĩ rằng sẽ có một Hồng y không phải là người Ý (sau 450 năm) – và đến từ Ba Lan (Karol Wojtyla) – được bầu làm Giáo Hoàng Gioan Phalô II vào năm 1978. Và sau đó là Hồng y Josef Ratzinger được bầu làm Giáo Hoàng Bênêđictô XVI vào năm 2005. Một nửa truyền thông cho rằng Đức Tân Giáo Hoàng sẽ là người Ý, người Nam Mỹ hoặc người Châu Phi. Nửa còn lại thì suy đoán cơ hội có thể rơi vào một Hồng y người Đức. Đôi khi một Hồng y “được yêu mến” hoặc nổi tiếng sẽ được bầu chọn, nhưng thường là một ứng viên mờ nhạt và ít người biết đến lại được chọn.
Cần phải có hai phần ba tổng số phiếu để được bầu chọn làm Giám mục Rôma, đồng thời cũng là Giáo Hoàng và vị Mục Tử Tối Cao của Giáo hội Công giáo. Nếu sau hai mươi mốt phiếu bầu mà không có ai nhận được hai phần ba số phiếu, thì vị nào đạt đa số phiếu (50 % cộng một) trên lá phiếu thứ hai mươi hai sẽ được chọn. Mỗi Hồng y có một lá phiếu kín, viết bầu chọn của mình vào một mảnh giấy được gấp lại và sau đó đặt trong một bình lớn. Sau khi các phiếu bầu được kiểm, nếu vị nào có hai phần ba tổng số phiếu bầu, ngài sẽ được hỏi có chấp nhận cuộc bầu cử hay không. Nếu ngài không ưng thuận hoặc không có hai phần ba tổng số phiếu bầu, các lá phiếu sẽ được đốt bằng rơm ướt. Rơm ướt sẽ tạo ra khói đen và rất đông các tín hữu đang quy tụ tại Quảng trường Thánh Phêrô sẽ nhìn thấy. Khói đen có nghĩa là không có Giáo Hoàng, và đám đông sẽ rên rỉ, la ó, đồng thời lại tiếp tục cầu nguyện. Bất cứ khi nào có hai phần ba tổng số phiếu bầu và người được chọn ưng thuận, các lá phiếu sẽ được đốt mà không cần rơm, và tạo ra khói trắng đồng thời các chuông nhà thờ được đánh lên để dân chúng biết đã bầu chọn được một vị Giáo Hoàng.
Sau đó, Tân Giáo Hoàng được hỏi sẽ lấy danh hiệu Giáo Hoàng là gì. Ngài có thể lấy tên thánh của mình, hoặc theo truyền thống và chọn một tên mới. Sau đó, ngài sẽ được đem đi và khoác cho một áo chùng trắng, một vị Hồng y sẽ thông báo từ ban công Đền thờ Thánh Phêrô, như đã diễn ra vào ngày 19 tháng 4 năm 2005, rằng: “Annuntio vobis gaudium magnum: Habemus Papam! Eminentissimum ac REvarendissimum Dominum, Dominum Josephum, Sanctæ Romanæ Ecclesiæ Cardinalem Ratzinger, Qui sibi nomen imposuit Benedictum XVI. “
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).