Quyền tối thượng của Giáo Hoàng (papal primacy) có nghĩa là vị Giám mục Rôma (Giáo Hoàng) là mục tử hoàn vũ và là người đứng đầu tối cao của Giáo hội Công giáo. Ngài có quyền trọn vẹn, tối cao, trực tiếp, và phổ quát trong Hội Thánh. Nói cách khác, không một Giám mục, Thượng Hội đồng hoặc Hội đồng Giám mục nào có thể vượt quyền của ngài. Thẩm quyền giáo huấn được xác định trong giáo thuyết về tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng. Còn quyền tối thượng của Giáo Hoàng liên quan đến thẩm quyền điều hành và quản trị Giáo hội.

Giáo hội Chính Thống Đông Phương coi Giám mục Rôma là người có quyền ưu tiên hàng đầu trong số 5 Thượng Phụ của Giêrusalem, Alexandria, Antiokia, Constantinople và Rôma. Tuy nhiên, họ không công nhận quyền tối thượng của ngài.

Mọi Giám mục trong Giáo hội Công giáo phải được sự chuẩn nhận của Đức Giáo Hoàng và nhận sự ủy nhiệm của ngài trước khi được tấn phong Giám mục, và chính Đức Giáo Hoàng sẽ trao cho Giám mục đó quyền cai quản giáo phận được bổ nhiệm.

Công đồng Vaticanô I đã xác định tính bất khả ngộ và quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng: “Tất cả mọi tín hữu của Đức Kitô phải tin rằng Đức Giáo Hoàng và cũng là Giám mục Rôma có quyền tối thượng trên toàn thế giới, và rằng chính Đức Giáo Hoàng là vị kế nhiệm Thánh Phêrô, người đứng đầu trong số các Tông Đồ, là Đại diện đích thực Đức Kitô và là đầu của toàn thể Giáo hội, là thầy dạy của tất cả Kitô hữu”. (Xem thêm Giáo lý của Hội Thánh Công giáo # 882.)

Nền tảng giáo huấn về quyền tối thượng và tính bất khả ngộ của Đức Giáo Hoàng được tìm thấy trong Tin Mừng Matthêu 16:17-19 khi Chúa Giêsu nói với ông Simôn: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.

Một số người phản đối quyền tối thượng của Đức Giáo Hoàng lập luận rằng những từ gốc Hy Lạp được Thánh Matthêu sử dụng (Petros cho Phêrô và petra cho đá) cho thấy sự khác biệt giữa tảng đá (rock) và viên đá (stone); Phêrô chỉ là một viên đá nhỏ và Giáo hội là một tảng đá lớn. Nhưng thật ra, viên đá trong tiếng Hy Lạp là lithos. Và Petros không gì khác hơn là chính petra (tảng đá) được chia ở giống đực. Gọi ông Simôn là “petra” cũng giống như gọi John là “Joan” hoặc “Johanna”. Thế nên, các bạn bè ngư phủ có lẽ sẽ cười trêu ông Simôn đến sái quai hàm nếu Chúa Giêsu đặt cho ông một cái tên có âm cuối là giống cái, đây là điều mà ngôn ngữ tiếng Anh của chúng ta không có. Vì vậy, mặc dù Petra có âm cuối là giống cái (a), nhưng những nhà ngôn ngữ học và các học giả Kinh Thánh vẫn cho rằng Simôn “Phêrô” là tảng đá mà trên tảng đá đó Chúa Kitô đã xây dựng Giáo hội của Người.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *