Tòa Thẩm Tra (Inquisition) là một tòa án của Giáo hội được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX thiết lập vào năm 1230 để loại trừ tận gốc lạc giáo. Tòa Thẩm Tra khét tiếng của Tây Ban Gia được Đức Giáo Hoàng Sixtus IV thành lập theo thỉnh cầu của Vua Ferdinand và Nữ hoàng Isabella của nước Tây Ban Nha vào năm 1478. Đức Giáo Hoàng Phaolô III đã lập Thánh Bộ Thẩm Tra Hoàn Vũ (được gọi là Tòa Thẩm Tra Rôma) vào năm 1542, sau này đã trở thành Bộ Thánh Vụ vào năm 1908 và thành Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin vào năm 1965.

Lạc giáo là giáo huấn sai lạc có khả năng đe dọa đến chính nền móng của Giáo hội. Sai lạc về giáo thuyết là đưa ra những luận đề đối nghịch với một tôn giáo vốn có nền tảng là việc giảng dạy chân lý được mặc khải. Các thành viên của Tòa Thẩm Tra Rôma bao gồm các tu sĩ Dòng Phanxicô hoặc Dòng Đa Minh. Họ đi từ làng này sang làng khác và thiết lập các tòa án để mời gọi người dân tố cáo lạc giáo. Thông thường, người bị tố cáo sẽ có một tháng để từ bỏ giáo thuyết sai lạc của mình. Nếu họ không từ bỏ, một cuộc xét xử công khai sẽ được tổ chức; và nếu bị phán xét có tội mà vẫn không từ bỏ những giảng dạy sai lạc, họ sẽ bị giao nộp cho cơ quan dân sự, thường có nghĩa là chịu án tử.

Trong các xã hội nơi mà Giáo hội và quốc gia là một, lạc giáo ảnh hưởng không chỉ đến Giáo hội mà còn đến lợi ích của xã hội. Vì thế, lạc giáo trở thành một tội ác đối với quốc gia cũng như đối với Giáo hội. Tòa Thẩm Tra thường khiến hầu hết mọi người liên tưởng đến một nơi để tra tấn, và thật đáng tiếc, điều này không xa với sự thật là mấy. Tòa Thẩm Tra đã tồn tại trong một giai đoạn mà người dân có tính bạo lực cao. Và việc xã hội trừng phạt theo kiểu mắt đền mắt và răng đền răng là chuyện bình thường. Nói cách khác, nếu một người phạm tội ăn trộm sẽ phải bị chặt tay. Án treo cổ công khai được xem như những sự kiện để người dân tham dự, rất giống với những cuộc sát tế người ở Đấu Trường La mã, nơi có vô số Kitô hữu đã làm mồi cho sư tử. Xã hội trung cổ chỉ mới thoát khỏi thời kỳ man di một vài thế hệ thôi. Thế nên, không có gì lạ khi xã hội dân sự sử dụng sự tra tấn như phương tiện để thanh tẩy tội phạm. Trong một sắc lệnh, Đức Giáo Hoàng Innocent IV đã cho phép sử dụng việc tra tấn như một giải pháp cuối cùng trong những trường hợp rất nghiêm trọng để đạp tan sự ngang bướng của những kẻ lạc giáo và buộc họ phải thú nhận tội lỗi. Sự thú nhận đầy đau đớn chỉ kết thúc sau khi một tòa án của Giáo hội đã có đủ bằng chứng chứng minh kẻ bị tố cáo thực sự phạm tội. Nếu họ nhận tội, họ sẽ chịu hình phạt nhẹ nhất. Nếu họ cố chấp không nhận tội dù đã có đủ lời khai của nhân chứng và chứng cứ xác thực, thì họ sẽ bị tra tấn để nói ra sự thật.

Ngày nay, chúng ta xem điều này là tàn ác và vô nhân tính. Thế nhưng, thời Trung cổ quan niệm rằng phần rỗi các linh hồn đang trong tình cảnh nguy hiểm. Nếu những kẻ lạc giáo chết mà không hoán cải, họ sẽ bị chúc dữ đời đời. Nếu thú nhận và hoán cải, họ sẽ được tha tội và cứu vớt được linh hồn mình khỏi sa hỏa ngục. Vì thế, nên cứu vớt linh hồn để họ được sống đời đời hơn là đánh mất linh hồn bất tử chỉ để cứu lấy sự sống mau qua này – đó là quan niệm của thời Trung cổ. Do đó, việc tra tấn được xem như một phương dược cuối cùng để giúp kẻ có tội thú nhận và nhờ đó cứu được linh hồn họ. Tất nhiên, phương thế này thời ấy cũng được sử dụng vì lợi ích chính trị. Thánh Joan Arc, người đã bị thiêu sống vì bị cho là một kẻ lạc giáo và là phù thủy, đã chịu đau khổ vì những lời cáo gian của kẻ thù. Giáo hội Công giáo không bao giờ sử dụng án tử hình, cũng không hành quyết những người lạc giáo hoặc phù thủy trong Tòa Thẩm Tra. Phiên tòa xét xử là của Giáo hội và dưới sự điều hành của các dòng tu, nhưng việc tử hình và hầu hết các cuộc tra tấn lại được thự hiện bởi các cơ quan dân sự dưới quyền của Hoàng đế, của vua, hoặc của hoàng thân, công tước, v.v..

Sau cuộc Cải Cách Tin Lành, các quốc gia trước kia đã chịu đau khổ vì các Tòa Thẩm Tra đã thành lập các Tòa Thẩm Tra theo hình thức riêng của họ, và đã hoạt động giống như thế nhân danh Thiên Chúa, tôn giáo và quốc gia. Vô số tín hữu Công giáo bỏ mạng vì không chịu cải đạo sang Tin Lành. Mary, Nữ hoàng xứ Scots, là một ví dụ tiêu biểu. Nữ hoàng Elizabeth I của Anh quốc đã giết nhiều tín hữu Công giáo còn hơn người chị cùng cha khác mẹ của bà, Nữ hoàng Mary I, đã làm đối với các tín hữu Tin Lành. Thậm chí trong Thế Giới Mới, các phiên tòa xét xử phù thủy Salem được xem như một kiểu Tòa Thẩm Tra của Tin Lành. Việc tra tấn và đe dọa xử tử được sử dụng để đạt được sự thú tội và hoán cải. Thông thường, hình phạt cho việc từ chối thú tội là bị thiêu sống.

Sau Công đồng Trentô cùng với những cải cách sâu rộng, Tòa Thẩm Tra đã được thay đổi tận gốc. Tòa đã được các Hồng y đảm trách và trở thành tòa án phúc thẩm sau cùng. Sự tra tấn đã bị loại bỏ, các hình phạt bây giờ là các vạ và rút phép thông công.

Trong thế kỷ XX, tên của Tòa Thẩm Tra đã được đổi thành Bộ Thánh Vụ, có mục đích chính yếu là kiểm tra sự tinh tuyền của giáo thuyết. Sau Công đồng Vaticanô II vào năm 1965, tên gọi cuối cùng được đổi thành Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin với mục đích chính là bảo toàn giáo huấn đúng đắn của đức tin và luân lý.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *