Từ khi trung tâm của Đế chế La mã được chuyển về Constantinople ở phía Đông, Tây Phương rơi vào tình trạng suy thoái. Tất cả các bộ tộc xâm lược từ phía bắc, như các dân Visigoths, Vandals và the Huns, đã xâm phạm và cướp phá Rôma. Xã hội Tây Phương chìm vào Thời Kỳ Đen Tối. So với trước kia, thời vinh hiển của Đế chế La mã vốn đã trải qua một giai đoạn an bình và một mức sống cao, các thành phố lúc này trở thành những vùng đất tan hoang đầy bệnh tật, tội ác và rác rưởi.

Nhằm nỗ lực cứu lấy nền văn minh Tây Phương, các đan sĩ đã cố gắng bảo tồn triết học, văn hóa, văn chương, thơ ca, ngôn ngữ Latinh và Hy Lạp cổ điển trong các tu viện. Đan viện bên Tây Phương đã phát triển rất khác biệt so với bên Đông Phương bởi tính cộng đoàn. Đời sống đan tu theo kiểu mới này đạt đến đỉnh cao nhờ Thánh Biển Đức. Ngài đã hình thành một lối sống với tám tiếng cầu nguyện, tám tiếng lao động và tám tiếng nghỉ ngơi.

Các đan viện đã trở thành các trung tâm học tập và giáo dục. Nhờ bảo tồn di sản của thế giới Hy-La, mọi thứ từ kiến trúc cho đến kịch nghệ đều được gìn giữ cho các thế hệ tương lai. Phong trào Phục Hưng có phồn thịnh về sau là nhờ ơn của các đan sĩ này. Các nghệ sĩ, điêu khắc gia và kiến trúc sư của Thời Phục Hưng đã xem thời đại của họ như là làm sống lại thế giới cổ điển. Ngoài việc bảo tồn những tài sản lịch sử này, các đan sĩ còn phát triển chính những gì thuộc về thời đại của mình. Họ trở thành những thợ thủ công điêu luyện. Đây là thời kỳ trước khi có máy in, cho nên một cuốn sách cần phải được các đan sĩ viết tay hết sức chăm chỉ. Các Thủ Bản như Kinh Thánh, Phụng Vụ Các Giờ Kinh và Sách Lễ đã được họ trang trí một cách tinh xảo. Bên cạnh đó, nhiều bức họa nổi tiếng cũng được các đan sĩ, như Fra Angelico, tạo ra.

 Do đó, các đan viện đã phát triển thành các đại học. Nhiều trong số các đại học lâu đời nhất ngày hôm nay đã được hình thành như những phần mở rộng của các đan viện. Các đan sĩ thường dạy các môn khoa học trong những cơ sở này. Những đại học đầu tiên này đã trở thành những trung tâm tranh luận tri thức và học tập cấp đại học. Các đan sĩ và đan viện trung cổ cũng thành lập các bệnh viện cũng như các trường và đại học. Khoa học, nghệ thuật, luận lý, triết học, âm nhạc, lịch sử, văn phạm, tu từ học, toán học và thần học (các môn khai phóng – the liberal arts) là xương sống của nền giáo dục đại học của thời Trung cổ và thậm chí của thời Phục Hưng.

Ở Ireland, một sự phát triển khác đã diễn ra trong lĩnh vực các bí tích. Cho đến thế kỷ VII, xưng tội vẫn còn mang hình thức công khai với việc đền tội công khai. Việc gia tăng số lượng các tín hữu và bản chất riêng tư hơn của việc xưng tội đã khiến các đan sĩ ở Ireland triển khai việc xưng tội riêng. Đây là hình thức xưng tội phổ biến nhất ngày nay. Các đan sĩ Ireland cũng cổ võ văn hóa, văn chương và đức tin Kitô giáo nơi dân ngoại, những vùng đất Celtic. Giống như ở Châu Âu, các đan viện tại Ireland đã trở thành trung tâm giáo dục và tôn giáo.

Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,

The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,

(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *