Nếu Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan đã viết bốn sách Tin Mừng, và Phaolô đã viết hầu hết các thư, vậy ai là người biên tập bản cuối cùng thành cuốn sách mà ngày nay chúng ta gọi là Thánh Kinh? Như đã đề cập trong Câu 17, Cựu Ước thành hình từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ II trước Công Nguyên (250- 100 TCN) khi bản Bảy Mươi được công bố. Vua Ptolemy II Philadelphus của Ai Cập (309-246 TCN) đã xây một thư viện vĩ đại tại Alexandria và đã quyết định hoàn thành bộ sưu tập của mình với bản dịch tiếng Hy Lạp của bộ Thánh Kinh Do Thái [dịch từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp]. Vào thời đó, hai phần ba đến ba phần tư số người Do Thái trên phần đất của họ bị phân tán (gọi là Diaspora[1]) trong thời Babylon chiếm đóng (586 TCN). Hầu hết người Do Thái không còn dùng tiếng Do Thái cổ nữa, vì ngôn ngữ chung lúc bấy giờ là tiếng Hy Lạp. Vua Ptolemy đã yêu cầu hơn 70 học giả khởi đầu công việc chuyển ngữ [bộ Thánh Kinh] từ tiếng Do Thái sang tiếng Hy Lạp. Công việc này mất hơn 70 ngày. Ấn bản một tập ấy gồm 46 quyển, trong đó có 39 quyển nguyên gốc được viết bằng tiếng Do Thái và 7 quyển được viết bằng tiếng Hy Lạp, vì các thánh ký đã sống trong thời gian bị đô hộ và các ngài chỉ thông thạo tiếng Hy Lạp.
Mãi cho đến năm 400, khi Thánh Giêrônimô thực hiện một công trình vĩ đại là dịch Thánh Kinh từ tiếng Do Thái và Hy Lạp sang tiếng Latin (ngôn ngữ chung lúc bấy giờ), thì bộ Thánh Kinh mới hoàn thiện, thành một bộ và một thứ ngôn ngữ duy nhất. Trước đó, các công đồng Laodicea (năm 363) và Carthage (năm 397) đã tuyên bố số sách Tân Ước là 27 quyển. Có một số ý kiến bất đồng về danh mục các sách Cựu Ước được công nhận (quy điển)– Thánh Athanasius (296- 373) và Thánh Gregory Nazianzus (325- 389) đã chọn quy điển Palestine- Do Thái (ngắn và mới hơn) gồm 39 quyển – nhưng bản Thánh Kinh cuối cùng, xuất hiện vào năm 400, là bản Latin Vulgata của Thánh Giêrônimô, bao gồm tất cả 46 quyển của quy điển Alexandrian- Hy Lạp (dài và cổ xưa hơn) theo yêu cầu của Đức Giáo Hoàng Đamasô I. Năm 405, vị kế nhiệm của Đức Đamasô là Đức Giáo Hoàng Innocent I đã tái khẳng định tính xác thực của bảy quyển sách được thêm vào này. Chỉ tám năm trước (năm 397), Thánh Augustinô và Công đồng Thứ Ba ở Carthage đã chấp nhận danh mục các sách bản Bảy Mươi – quy điển dài hơn gồm 46 quyển thay vì chỉ có 39 quyển.
Do đó, Kitô giáo đã có 46 quyển sách Cựu Ước và 27 quyển sách Tân Ước khoảng hơn 1000 năm, từ năm 400- 1517, cho đến khi Martin Luther và phong trào Cải Cách Tin Lành loại khỏi Cựu Ước những sách họ cho là Apocrypha[2] (Baruc, 1-2 Maccabê, Tôbita, Giuđitha, Huấn ca và Khôn Ngoan) và chấp nhận quy điển Palestinian – Do Thái của năm 100[3]. Công Giáo Rôma và các Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp vẫn giữ bảy quyển sách đệ nhị quy điển này, vì chúng vẫn có trong quy điển Alexandrian – Hy Lạp của năm 250 TCN. Việc Chúa Giêsu và các Kitô hữu sơ khai đã biết, đã sử dụng và đã coi những quyển sách ấy như một phần của Thánh Kinh nên vẫn tiếp tục được sử dụng. Cho đến khi đền thờ Giêrusalem bị người Rôma phá hủy thì các Kitô hữu sơ khai vẫn bị coi là một phái hay một nhánh của Do Thái giáo được hình thành từ những năm 33- 70. Kitô giáo đã bị các nhà lãnh đạo Do Thái giáo khai trừ và trở thành một tôn giáo tách rời và độc lập khoảng 30 năm trước khi các học giả Do Thái ở Jamnia (năm 100) chính thức bác bỏ quy điển Alexandria, và thay vào đó họ chọn quy điển Palestina.
Công đồng Trentô (1545- 1563) đã long trọng xác định rằng người Công giáo phải chấp nhận – như được linh hứng và một phần của mạc khải – tất cả 46 quyển sách của Cựu Ước, cùng với 27 quyển sách của Tân Ước. Anh em Tin Lành phái Luther, Anh giáo, Calvin, Trưởng Lão, Báp-tis, … chỉ chấp nhận 39 quyển, nhưng thường bạn sẽ tìm thấy 7 quyển đệ nhị quy điển này được liệt vào mục “Apocrypha” ở phía sau quyển Thánh Kinh của người Tin Lành.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 32-33.
[1] Tình trạng người Do Thái phải rời bỏ quê hương và phiêu bạt từ thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên- ND.
[2] Tin Lành dùng từ Apocrypha để chỉ những bản văn “huyền bí.” Những sách này vẫn mang những giá trị thiêng liêng nhưng không được công nhận là những bản văn được Thiên Chúa linh hứng- ND.
[3] Xem thêm Câu 13 của sách này- ND.