Sống tốt ở đời này là mục đích của mọi Kitô hữu vì nó đảm bảo hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau. Dễ thương hay hay thân thiện không giống như tốt. Tốt có nghĩa là làm điều tốt. Thực hành các nhân đức luân lý như khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ sẽ giúp một người trở nên tốt và nhân đức. Theo cách hiểu của đạo Công Giáo, một Kitô hữu tốt là một người cam kết suốt đời làm điều lành và tránh điều dữ. Điều đó làm cho bạn trở thành một người tốt. Tuy nhiên, để được lên thiên đàng, còn cần một bước nữa.
Chỉ tốt thôi thì chưa đủ – người ta còn phải thánh thiện nữa. Tuy nhiên, thế giới ngày nay yêu và sống cực đoan. Nhiều người chỉ đánh đồng sự thánh thiện với nhân đức anh hùng của một người nào đó, như Mẹ Têrêxa thành Calcutta chẳng hạn. Họ nói, “Tôi không bao giờ có thể tốt lành như mẹ.” Vì vậy, họ không bao giờ cố gắng. Tuy nhiên, chúng ta không cần phải là bản sao đạo đức hay thiêng liêng của Mẹ Teresa. Chúng ta được mời gọi để nên thánh, hay những người sống đời sống thánh thiện. Điều đó không có nghĩa là sống một đời sống hoàn hảo hay vô tội. Các thánh không bao giờ là những người hoàn hảo và cũng không vô tội. Các vị ấy từng mắc sai lầm, và cũng từng phạm tội. Các ngài chỉ không hợp lý hóa hoặc biện minh cho mình. Các thánh là những tội nhân không ngừng cố gắng sống và trở nên những Kitô hữu tốt lành hơn, bất kể họ đã thường xuyên hay nhiều lần thất bại.
Sống một đời sống tốt lành và thánh thiện có nghĩa là không bao giờ từ bỏ đấu tranh để làm điều lành và tránh điều dữ bằng cách giữ các Điều Răn. Nó có nghĩa là tích cực tìm kiếm sự thánh thiện nhờ thường xuyên thực hành việc các việc bác ái cả về thể lý và linh hồn, cầu nguyện hàng ngày, và không ngừng tìm kiếm để biết và làm theo thánh ý Thiên Chúa.
Sách Giáo Lý liệt kê các việc bác ái trong số 2447. Theo truyền thống, dựa trên trình thuật cuộc phán xét chung trong Tin Mừng Máthêu 25: 31–46, có bảy mối (hay việc) thương xác và bảy mối (hay việc) thương linh hồn. Đây là những việc làm của lòng bác ái mà các Kitô hữu phải thực hành trong suốt đời sống của họ. Thương xác liên hệ đến các nhu cầu giúp đỡ về mặt thể xác, trong khi thương linh hồn lên hệ đến các nhu cầu trợ giúp về mặt đạo đức và luân lý.
Thương xác bảy mối:
Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn
Thứ hai: Cho kẻ khát uống
Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc
Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc
Thứ năm: Cho khách đỗ nhà
Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi
Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết
Thương linh hồn bảy mối:
Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người
Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội
Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo
Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội
Thứ năm: Tha kẻ dể ta
Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta
Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 174-176.