Các đám táng Công Giáo thường bắt đầu từ đêm trước khi an táng với buổi canh thức tiễn biệt tại nhà hiếu. Buổi canh thức này gồm có các bài đọc từ Kinh Thánh, các lời nguyện, lời cầu, kinh cầu, đáp ca, thánh vịnh và thường có các bài giảng. Thông thường, một phó tế hoặc linh mục cử hành nghi thức này, nhưng một giáo dân cũng có thể làm được.
Thánh lễ an táng Kitô giáo được cử hành tại nhà thờ của người quá cố. Đó là một Thánh Lễ đặc biệt nhắc nhở chúng ta về cùng đích cuộc đời mình ở nơi Thiên Chúa đến muôn đời. Đó cũng là một cách chính thức bày tỏ lòng tiếc thương của gia đình qua lời cầu nguyện. Linh cữu được đón rước ở cửa nhà thờ với nước phép, nhắc nhở chúng ta về bí tích Rửa Tội. Chính trong bí tích Rửa Tội, chúng ta được mời gọi hiệp thông đời đời với Thiên Chúa. Trong suốt cử hành Phụng vụ, mọi người hiện diện hy vọng người tín hữu đã qua đời được chia sẻ cùng đích đời đời này. Đó cũng là thời gian cầu nguyện cho người tín hữu đã qua đời nếu họ phải đền tội nơi luyện ngục.
Các quan tài sau đó được phủ bằng một tấm khăn, một mảnh vải dài. Điều đó lần nữa nhắc nhở chúng ta về Bí tích Rửa tội, như ân sủng của Chúa Giêsu Kitô bao trùm linh hồn. Trên đầu quan tài, có thể đặt một cây thánh giá và một quyển Kinh Thánh. Sau đó tất cả vào nhà thờ. Thánh lễ không bắt đầu bằng dấu thánh giá, vì thánh lễ đã bắt đầu bằng dấu thánh giá đêm hôm trước tại buổi canh thức tiễn biệt rồi. Các bài đọc từ Kinh Thánh (trích từ: Cựu Ước, Thánh vịnh, Tân Ước và Tin Mừng) được tiếp nối bằng bài giảng. Bài giảng không phải là một bài điếu văn; đúng hơn, nó nhắc lại niềm tin của chúng ta về cuộc sống mai hậu. Các lời nguyện tín hữu xoay quanh Phụng vụ Lời Chúa.
Phụng vụ Thánh Thể tiếp tục với phần dâng lễ, kinh tiền tụng, kinh sanctus (Thánh! Thánh! Thánh…) và Lễ quy thánh lễ (canon of the Mass). Trong Lễ quy, qua vị linh mục, tất cả mọi người cầu nguyện cho người thân yêu đã qua đời. Tiếp sau đó là Kinh Lạy Cha, kinh đây Chiên Thiên Chúa (Agnus Dei), và phần rước lễ. Sau lời nguyện hiệp lễ là nghi thức phó dâng và tiễn biệt. Sau đó, linh cữu được khiêng ra khỏi nhà thờ và đưa đến nơi an táng. Việc chôn cất kết thúc phụng vụ lễ táng với việc làm phép huyệt hay mộ, lời nguyện tín hữu và một bài đọc từ Kinh Thánh. Sau khi hoàn thành chúc lành sau cùng, đám tang Công giáo kết thúc. Linh mục hoặc phó tế có thể mặc lễ phục trắng, tím hoặc đen. Màu trắng tượng trưng cho sự phục sinh, màu tím tượng trưng cho việc sám hối và màu đen biểu thị sự đau buồn.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 167-168.