Có nhiều khác biệt giữa ảnh tượng và ngẫu tượng. Khác biệt đó liên quan đến khía cạnh tinh thần. Giáo hội Công Giáo cho phép tạc tượng Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các thánh đặt trong các Nhà Thờ và trong gia đình. Việc đó được hiểu là người Công Giáo tôn kính vị thánh trên trời qua hình ảnh của họ. Người Công giáo không thờ ảnh tượng. Họ biết ảnh tượng chỉ được làm ra từ gỗ đá, thạch cao. Cũng giống như ai đó cất một tấm ảnh người thân đã khuất trong ví của họ, rất nhiều người Công giáo có bức ảnh của một vị thánh nào đó. Chúng ta ca ngợi Thiên Chúa qua năm giác quan; và thị giác (nhờ đó chúng ta nhìn ngắm và sau đó chiêm niệm) là một trong những giác quan này.
Các ngẫu tượng, chẳng hạn như bò vàng của người Do Thái, được thờ lạy và gán cho sức mạnh thần linh. Ảnh tượng hoặc biểu tượng không hiểu như vậy. Tuy nhiên, như một khí cụ thiêng liêng và có tính bí tích, các tín hữu có thể hướng về vị thánh đang ở trên thiên đàng bằng một gợi nhớ hữu hình khi họ cầu nguyện. Thế kỷ IX, Giáo Hội Đông Phương nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt về việc có nên giữ các ảnh tượng trong nhà thờ không; nhưng cuối cùng, Giáo Hội quyết định vẫn giữ các ảnh tượng thánh trong nhà thờ. Quyết định đó được kỷ niệm cho đến nay trong một chiến thắng được gọi là “Triumph over Iconoclasm”. Vào thế kỷ XVI, những người theo phái Thệ Phản (Protestants) dựa vào sách Xuất Hành và việc Thiên Chúa khiển trách tội thờ bò vàng của người Do Thái, nên đã gỡ bỏ tất cả ảnh tượng khỏi nhà thờ của họ. Ngay cả tượng Chúa chịu nạn cũng được gỡ khỏi thập giá. Suốt thời công đồng Trentô và phản cải cách, Giáo Hội liên tục dạy rằng các ảnh tượng hoàn toàn được phép đặt trong gia đình và các nhà thờ, nhắc nhở chúng ta rằng người Công giáo không tôn thờ một tác phẩm nghệ thuật nhưng tôn kính vị thánh trên trời ngang qua tác phẩm nghệ thuật.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 161-162.