Hy Lễ Thánh Lễ là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Kitô hữu. Mọi việc thờ phượng đều tuôn chảy từ Thánh Lễ, như Các Giờ Kinh Phụng Vụ chung, các giờ chầu Bốn Mươi Giờ và kiệu Mình Thánh Chúa Kitô, gia tăng niềm tin của chúng ta vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Cực Trọng. Cầu nguyện riêng, như lần chuỗi, tuần cửu nhật kính các thánh, đi Đàng Thánh Giá, và đọc kinh, giúp chúng ta thêm phần sốt sắng thờ phượng Thiên Chúa duy nhất. Tất cả những việc đạo đức này nhằm chuẩn bị tâm hồn chúng ta đón tiếp Thiên Chúa.
Bốn Mươi Giờ là thời gian tôn kính Thánh Thể được lưu giữ trên bàn thờ phụ trong khoảng bốn mươi giờ. Chầu Thánh Thể tiếp nối Thánh Lễ, khi linh mục giữ Mình và Máu Châu Báu Chúa Kitô sau khi đã thánh hiến (làm phép) để mọi người tôn thờ. Việc thờ phượng này tiếp nối các phiên chầu Thánh Thể. Thánh John Newman, tổng giám mục giáo phận Philadelphia đã phổ biến Bốn Mươi Giờ ở Mỹ vào cuối thế kỷ XIX. Trên thực tế, tại giáo tỉnh Philadelphia, bao gồm tất cả các giáo phận Pennsylvania, truyền thống này vẫn được thực hiện cho đến ngày nay. Trong bốn mươi giờ, giáo dân luân phiên nhau chầu Thánh Thể suốt đêm. Trong suốt ba buổi tối, có thể có các cử hành chung đặc biệt về cầu nguyện, rước kiệu, cử hành Sám hối và phép lành Thánh Thể (benediction). Benediction là từ gốc tiếng Latin chỉ việc ban phép lành. Chúa Giêsu ban phép lành cho các tín hữu bằng sự hiện diện thiêng liêng của Ngài trong bí tích Thánh Thể, và linh mục hoặc phó tế đặt Mình Thánh Chúa vào mặt nhật và ban phép lành bằng cử chỉ nâng lên theo hình thánh giá.
(Ảnh sưu tầm từ Internet)
Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô (Corpus Christi) là Thánh Lễ trọng được cử hành vào cuối mùa Phục sinh sau lễ Chúa Ba Ngôi. Thánh Lễ này có nguồn gốc từ một phép lạ Thánh Thể diễn ra tại thị trấn Orvieto, nước Ý, vào thế kỷ XIII. Phép lạ Thánh Thể có thể có nhiều hình thức. Thông thường, “các tùy thể” hay hình bánh và rượu vẫn không đổi, mặc dù chất thể của bánh và rượu đã không còn và đã trở thành Mình, và Máu, Linh hồn và Thần Tính của Chúa Giêsu. Trong trường hợp phép lạ Thánh Thể, ngay cả “các tùy thể” thậm chí đã biến đổi thành máu thịt thể lý. Biến đổi tự nhiên này gia tăng niềm tin vào sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu và vào giáo lý về sự biến đổi bản thể và về sự tồn tại đồng thời của Mình và Máu Thánh Chúa trong Thánh Thể.
Trong trường hợp phép lạ của Orvieto-Bolsena, một cha người Đức dừng chân ở Bolsena trên đường đến Rome năm 1263. Ngài đã nghi ngờ về sự hiện diện thực sự của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Trong khi cử hành Thánh Lễ và thánh hiến bánh và rượu, máu bắt đầu rỉ ra từ Thánh Thể được thánh hiến đặt trên khăn thánh. Đức Giáo Hoàng Ubanô IV, đang thăm viếng mục vụ Orvieto, đã yêu cầu được xem thánh tích này. Sau khi điều tra, phép lạ này được xác nhận là có thật. Thánh tích này được lưu giữ trong nhà thờ ở Orvieto. Đức Giáo hoàng Ubanô muốn ghi nhớ phép lạ này bằng một ngày lễ và ủy thác cho Thánh Tôma Aquinô viết các lời nguyện và thánh ca cho phụng vụ Thánh Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Mình Máu Thánh Chúa Kitô trở thành ngày lễ chính thức của Giáo Hội hoàn vũ năm 1264. Trong ngày kỷ niệm bảy trăm năm thiết lập ngày lễ này, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã cử hành Thánh Lễ tại bàn thờ nơi lưu giữ phép lạ Thánh Thể.
Vào ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Giáo Hội có truyền thống kiệu Thánh Thể từ nhà thờ giáo xứ qua nẻo đường thị trấn. Trên đường đi, cha xứ dừng lại và ban phép lành thánh thể cho các tín hữu. Cuối cùng, kiệu Thánh Thể kết thúc trong nhà thờ với phép lành Thánh Thể trọng thể. Những hình thức bên ngoài của lòng đạo đức gia tăng lòng nhiệt thành, niềm tin và thờ phượng của các tín hữu.
Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã dâng hiến cả năm ngài qua đời cho Thánh Thể Chúa. Ngài hy vọng việc rước kiệu Thánh Thể, chầu Bốn Mươi Giờ, Chầu canh thức vào các thứ sáu đầu tháng và Chầu lượt, một lẫn nữa, sẽ nuôi dưỡng Giáo Hội, vì những hoa trái của Bí tích Thánh Thể – là sự kết hợp không ngừng của Chúa Giêsu với Giáo hội của Người, là sự đổi mới đời sống nhờ ân sủng, và là sự tăng trưởng tình yêu dành cho tha nhân – những hoa trái này rất dồi dào phong phú.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 153-54.