Để bí tích Hòa Giải được cử hành cách thành sự, hối nhân phải xưng thú mọi tội lỗi. Nếu hối nhân cố tình giữ lại bất cứ tội trọng nào, thì việc xưng tội không thành sự và hối nhân phạm thêm một tội khác: tội phạm thánh (sacrilege). Tuy nhiên, nếu hối nhân đã thực sự quên và thành thật quên xưng một tội trọng, thì sau khi đọc lời xá giải, mọi tội lỗi của họ vẫn được tha. Bạn chỉ chịu trách nhiệm cho những gì bạn biết. Có một thực hành khá phổ biến đối với hối nhân là kết thúc việc xưng tội bằng câu, “…những tội này, và tất cả những tội con quên sót kể từ lần xưng tội cuối cùng, con xin ơn tha thứ và đền tội”.
Thế nào là một tội trọng? Về mặt khách quan, đó là một vấn đề nghiêm trọng, một cái gì đó sai nghiêm trọng hoặc dẫn đến sự vi phạm nghiêm trọng các điều răn của Thiên Chúa. Về mặt chủ quan, có hai điều kiện khác để một tội trở thành tội trọng – đó là có hiểu biết và ý chí tự do. Người đó phải biết rằng tội đó là một vấn đề nghiêm trọng và tự do làm điều đó. Phải hội đủ ba điều kiện này thì một tội mới là tội trọng. Nếu không, tội đó là một tội nhẹ hoặc ít nghiêm trọng hơn.
Người ta không nhất thiết phải đến với bí tích Giải Tội để xưng thú những tội nhẹ. Một hành động thống hối chân thành – nhận Nước Phép với ý thức về các tội nhẹ đã phạm, xin ơn tha thứ; và cuối cùng, chính Thánh Lễ, với tinh thần thống hối ăn năn sẽ xóa bỏ các tội nhẹ đã phạm. Tuy nhiên, người Công Giáo vẫn được khuyến khích đi xưng tội ngay cả khi chỉ phạm những tội nhẹ, vì những tội nhẹ có thể làm cho linh hồn ra yếu đuối và dễ sa ngã trước tội lỗi. Thử hình dung tội nhẹ giống như bị cảm lạnh. Khi không được điều trị, nó có thể trở thành viêm phế quản hoặc viêm phổi. Ân sủng được ban qua bí tích Giải Tội là để bảo vệ và giúp hối nhân nhận thức rõ hơn về môi trường xung quanh, những cám dỗ và những điều cần phải thay đổi. Ân sủng của bí tích – sức sống chữa lành của Chúa bên trong bí tích – sẽ giúp các hối nhân tránh xa dịp tội hoặc cơn cám dỗ trong tương lai. Theo một cách loại suy, ân sủng của bí tích trở thành một vitamin tăng sức cho linh hồn, giúp linh hồn chống lại tội lỗi trong tương lai.
Đôi khi, người ta đến với bí tích Hòa Giải để làm một việc được biết đến như là một cuộc xưng tội chung. Một cuộc xưng tội chung bao gồm toàn bộ quá khứ của họ. Sự thật là khi một tội đã được tha trong bí tích Giải Tội, thì không cần phải xưng lại nữa. Tuy nhiên, trước một thay đổi lớn trong đời, thì việc xưng tội chung và sốt sắng là một việc làm tốt cho đời sống thiêng liêng. Nó có thể diễn ra trước khi một người kết hôn, chịu chức, hay làm một việc thay đổi lớn lao trong sự nghiệp, hoặc sau một lần tĩnh tâm. Suy nghĩ về nơi mà họ vừa trải qua, hiện tại và nơi mà họ muốn đến, giúp họ phản tỉnh về những lỗi lầm trong quá khứ để không tái phạm chúng trong tương lai.
Cuối cùng, người ta đến với bí tích Giải Tội khi họ đang đương đầu với một thói quen xấu mà họ đang cố gắng chừa bỏ. Mặc dù người đó không phạm tội trọng vì ý chí tự do suy giảm, nhưng người đó vẫn có nghĩa vụ phải biến đổi. Bí tích Giải Tội, với ân sủng chữa lành và củng cố, sẽ giúp hối nhân “đá bay thói xấu” và thay bằng một thói quen tốt. Linh mục đưa ra lời khuyên và khuyến khích hối nhân, cũng là để trợ giúp cho tiến trình chữa lành.
Để giúp đỡ hối nhân, có những tập sách nhỏ với tựa đề “Xét Mình” (“An Examination of Conscience”) dựa trên Mười Điều Răn với tất cả các khía cạnh của nó bằng ngôn ngữ hiện đại. Các quyển sách nhỏ này cũng giúp phản tỉnh về sáu luật điều Hội Thánh và Bảy Mối Tội Đầu. Việc xét mình phải diễn ra trước khi đến với bí tích. Nó giúp hối nhân thực sự trung thực với chính mình.
Sáu giới răn, hay luật điều Hội Thánh, là những bổn phận cụ thể của người Công Giáo: giữ ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc; sống đời sống bí tích bằng cách thường xuyên rước lễ và sám hối; học hỏi giáo lý Công Giáo để chuẩn bị lãnh bí tích Thêm Sức, sau đó được Thêm Sức và tiếp tục học hỏi và đào sâu con đường của Chúa Kitô; tuân thủ luật hôn nhân của Giáo Hội và giáo dục đức tin cho con em của mình; củng cố và hỗ trợ Giáo Hội bằng cách quản lý thời gian, tài năng và nén bạc của mình; và cuối cùng, để làm việc đền tội, bao gồm ăn chay và kiêng thịt vào những ngày được chỉ định.
Bảy mỗi tội đầu vốn là lòng kiêu ngạo, hà tiện, mê dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và lười biếng. Bảy mối tội đầu là căn nguyên hoặc là động cơ đằng sau sự vi phạm các điều răn của Thiên Chúa. Chúng là những điều phải xưng thú vì khi xưng thú những tội này, hối nhân trở nên ý thức về điều khiến họ phạm tội.
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 114-16.