Đức Giêsu chỉ có một người mẹ nhân loại, mẹ Ngài là là Đức Maria. Thánh Giuse- chồng của Đức Maria- không phải là cha ruột của Đức Giêsu vì chính Chúa Thánh Thần đã dùng quyền năng cho Đức Maria thụ thai mà không có sự cộng tác của người đàn ông. Đây là lý do tại sao Đức Giêsu được gọi là Con Thiên Chúa và Con của Đức Maria. Đức Maria là người y như chúng ta. Người cũng có cha mẹ (thánh Gioakim và thánh Anna), và Người là một phần của nhân loại như bao người khác. Điều đó có nghĩa là Người cũng bất toàn, Người không phải là thần thánh. Dù được hạ sinh, nhưng Đức Giêsu- Con của Người- là Thiên Chúa. Vì Đức Maria đã hạ sinh Con Thiên Chúa nên bằng phép loại suy, chúng ta gọi Người là mẹ Thiên Chúa bởi vì chúng ta không bao giờ có thể tách rời thiên tính và nhân tính của Đức Kitô.
Phong tục, truyền thống và luật pháp Do thái nêu rõ rằng: con nuôi hợp pháp có mọi quyền lợi và nghĩa vụ như con ruột. Thế nên, thánh Giuse- người chồng theo pháp lý của Đức Maria trở thành cha theo pháp lý của Đức Giêsu (chứ không phải là cha ruột). Đây là điều tại sao Đức Giêsu đôi khi được gọi là “con bác thợ mộc” hoặc “con trai ông Giuse.” Ngay cả người Hylạp và Rôma cũng có những tập tục tương tự cho thấy đặc ân và cấp độ quyền lợi bình đẳng giữa con nuôi và con ruột.
Không ai biết thánh Giuse qua đời khi nào, nhưng chắc chắn là trước khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài vào năm 30. Có mặt khi Ngài sinh ra và chịu cắt bì, cha nuôi của Ngài cũng dạy Ngài nghệ thuật của nghề mộc, như được chỉ ra trong Maccô 6,1: “Ông ta không phải là con bác thợ mộc sao?” Điều ấy ám chỉ đến việc chính Đức Giêsu cũng là một ông thợ mộc. Thánh Giuse chỉ được đề cập đến trong Thánh Kinh lúc Đức Giêsu được sinh ra và khi Đức Giêsu mười hai tuổi. Ngoài những thời điểm đó, thánh Giuse không được biết đến gì hơn nữa. Những điều như Đức Giêsu lớn lên lại Nazareth và học nghề thợ mộc từ cha nuôi của Ngài là do suy ra mà thôi.
Nếu thánh Giuse qua đời khi Đức Giêsu ba mươi tuổi thì sẽ giải thích được tại sao Đức Giêsu chỉ bắt đầu sứ vụ công khai, như một Rabbi [nghĩa là Thầy] lúc ba mươi tuổi, chỉ ba năm trước cái chết của Ngài. Cho đến lúc đó, Ngài chỉ được biết đến như chàng thợ mộc hay con trai của bác thợ mộc. Đức Maria đã sống để chứng kiến người con trai duy nhất của mình bị đóng đinh, bị chết và được mai táng, sau đó Mẹ lại được hiệp nhất với Đức Giêsu Phục Sinh vào ngày lễ Phục sinh. Đức Maria sống sau cả ngày Đức Giêsu Thăng Thiên về thiên quốc, nghĩa là bốn mươi ngày sau khi Phục sinh, và Mẹ được ghi nhận khi hiện diện trong phòng, nơi Đức Giêsu dùng bữa cuối, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Mẹ và mười hai Tông đồ.
Chúng ta không biết khi nào Mẹ của Đức Giêsu rời bỏ thế gian này. Thánh Kinh không nói gì về ngày Mẹ qua đời. Người Công Giáo thực sự tin rằng khi thời giờ của Mẹ đến, Người Con của Mẹ đã đưa Mẹ lên trời cả xác lẫn hồn (được gọi là Thăng thiên). Dù ngày lễ Thăng thiên được cử hành phụng vụ vào ngày 15 tháng Tám hằng năm, nhưng không ai chắc chắn đó là ngày Mẹ thực sự lên trời.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 44-45.