Lần tới bạn đi xem một trận bầu dục hoặc một trận bóng đá, hãy tìm kiếm một ai đó trong đám đông cầm một bảng hiệu vỏn vẹn có mấy chữ: Gioan 3,16. Cái bảng ấy có nghĩa gì? Đó là một sự quy chiếu về Tin Mừng của Thánh Gioan, chương 3 câu 16. Trích đoạn nói rằng: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của mình để bất cứ ai tin vào Ngài sẽ không bị hư mất, nhưng được sống đời đời.” Đó là một sự tuyên xưng đức tin Kitô giáo một cách công khai, dễ thương. Tuy nhiên, nếu bạn và tôi ở một cuộc đua ngựa tại hý trường Coliseum của Rôma vào năm 200, và nhìn thấy một bảng hiệu (hầu chắc nó được viết bằng tiếng Latin: Ioannes III: XVI) chúng ta sẽ không có ý kiến gì về dấu hiệu mà nó muốn nói, ngay cả khi chúng ta là những Kitô hữu nhiệt thành.
Vậy điều mà hầu hết mọi người ngày nay cho là đương nhiên khi họ cầm lấy cuốn Thánh Kinh của họ là họ có thể tìm thấy bất cứ đoạn nào với việc chỉ cần biết đoạn đó thuộc sách nào, chương mấy, và câu mấy mà thôi. Trớ trêu thay, các tác giả thánh đầu tiên không bao giờ dùng những công cụ này. Khi Thánh Matthêu, Maccô, Luca và Gioan viết các Tin Mừng theo cách của riêng các ngài, thì không có tác giả nào viết vào bản văn số chương và số câu. Ngay cả các dịch giả như Thánh Giêrônimô là người đầu tiên dịch toàn bộ Cựu Ước từ tiếng Do Thái và Hy Lạp sang tiếng Latin, và dịch toàn bộ Tân Ước từ tiếng Hy Lạp sang tiếng Latin, và rồi đã kết hợp cả hai thành một bộ sách (khoảng năm 400), cũng không bao giờ ghi số chương và số câu vào đó. Thánh Kinh đã không phân chia thành chương và câu cho đến năm 1205, khi Đức Tổng Giám mục của Canterbury là Stephan Langton đã ấn định con số các chương để việc đọc Thánh Kinh được dễ dàng hơn. Phải mất thêm ba thế kỷ rưỡi nữa, vào năm 1550, việc phân chia các câu mới được Robert Stephanus thêm vào. Điều đó có nghĩa rằng, không có con số 3,16 [trích lược chương 3 câu 16] cho tới năm 1550. Người ta phải nhớ các đoạn trích trọn vẹn trong toàn thể Thánh Kinh trước khi họ có thể nói cách đơn giản “Matthêu 16,18” hay bất cứ đoạn trích nào khác. Chi tiết thú vị khác là các tác giả thánh đầu tiên cũng không sử dụng bất cứ chức năng nào của các dấu chấm câu. Các dấu phảy, dấu chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm than và các dấu khác đã không tồn tại vào lúc các cuốn sách Thánh Kinh được viết ra. Sau này các dịch giả thêm các dấu ấy vào, để làm cho phù hợp với ngôn ngữ bản xứ và các qui luật văn phạm của các ngôn ngữ.
Chuyển ngữ: Nhóm Maiorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D., The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question, (Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc.), 35.