Trong chương này, chúng ta tìm hiểu về:

  • Các vị vua và nữ hoàng đã làm thánh
  • Các nhà quý tộc khác cũng đã nên thánh

Trong chương này, chúng ta nhìn lại các vị thánh thuộc nền quân chủ, họ đều là những Kitô hữu đạo hạnh và là những lãnh tụ tài đức. Chúng tôi đề cập đến cả những vị nổi tiếng cũng như những vị ít được biết đến để chúng ta thấy được bình diện rộng lớn của sự thánh thiện, ngay cả nơi những người có đặc quyền.

THÁNH CANUTE IV, VUA CỦA ĐAN-MẠCH

Thánh Canute IV

            – Đan-mạch (1043 – 1086)

            – Được phong thánh: năm 1101

            – Bổn mạng: Nước Đan-mạch

            – Lễ kính: ngày 19/1

Nhiều sử gia tin rằng vua Canute là con ngoại hôn của Vua Swein Estrithson của Đan-mạch. Người là cháu của vua nước Anh, và vào năm 1081, kế vị anh trai Harold để trở thành vua của Đan-mạch. Cùng với vợ là Adela, họ có một con trai tên là Charles the Good.

Là người điều hành đất nước, vua Canute đã rất sôi nổi cả trong lãnh vực dân sự lẫn tôn giáo. Về mặt dân sự, người củng cố quyền lực thuộc về vua trong việc sở hữu đất đai, thừa kế di sản, và tuyên bố chiến lợi phẩm từ chiến tranh và tàu đắm. Về mặt tôn giáo, người bênh vực quyền lợi của người nghèo, người dễ bị tổn thương, cô nhi, và goá phụ. Người ban nhiều đặc quyền và miễn trừ cho giáo sỹ; ngay cả khởi xướng một chiến lược xây dựng đầy tham vọng, trong đó nhiều nhà thờ được xây dựng trong khắp vương quốc Đan-mạch.

Một trong những chiến lược sau cùng của vua này là việc tái thiết quyền thừa kế ngai vàng dành cho mình tại Anh quốc. Người đã huy động một hạm đội và khởi sự một cuộc tấn công nước Anh, nhưng người đã phải bỏ cuộc tại Flanders. Ở đó, người đã phải lưu vong cùng với anh trai Benedict nơi nhà thờ Thánh Alban –nơi mà trước đây người đã ban một thánh tích của Thánh Alban vốn được người giải cứu từ một chiến dịch ở York, Anh quốc. Co ro cầu nguyện gần bên Nhà Tạm, người đã xưng thú tội lỗi của mình, rước lấy Mình Thánh, và đã tử đạo trong nhà nguyện vào năm 1086. Con trai của người là Charles the Good, Bá tước của Flanders, cũng trải nghiệm cái chết như vậy năm 1127 tại Bruges.

CHÂN PHƯỚC CHARLEMAGNE (CHARLES THE GREAT)

– Nước Đức (742 – 814)

            – Được phong chân phước: những năm 1700

            – Lễ kính: ngày 28/1

Thánh Charles là trưởng tử của vua Pepin the Short miền Franks và hoàng hậu Bertha của Laon. Ông nội của thánh nhân là Charles Martel, người đã chiến thắng the Battle of Tours vào năm 732 và cứu Châu Âu khỏi cuộc xâm chiếm của người Hồi giáo.

Thánh Charles đã giải cứu Rôma, Đức Giáo hoàng, và lãnh địa của Giáo hoàng khi họ bị người Lombards tấn công. Để thưởng công, Đức Giáo hoàng Leo III đã phong người làm Hoàng đế La-mã thánh vào ngày lễ Giáng Sinh năm 800. Từ đó trở đi người được biết đến như là Carolus Magnus (tên La-tinh), hoặc Charlemagne (tên Pháp).

Dưới triều đại của người, thánh nhân đã hợp nhất Châu Âu qua việc ủng hộ việc phát triển nông nghiệp và giáo dục, cũng như hệ thống hoá luật lệ. Người là một tín hữu Công giáo mộ đạo, và đã nỗ lực bảo vệ sự hiệp nhất cũng như sự tự trị của Giáo hội. Trong suốt triều đại của người, quan niệm về một châu Âu thống nhất dưới một nhà cầm quyền thế tục tối cao – hoàng đế, và một vị lãnh đạo tinh thần tối cao – giáo hoàng, lần đầu tiên khai hoa kết trái và được gọi là Thế giới Kitô giáo.

Đức Giáo hoàng Bê-nê-đíc XIV phong chân phước cho người vào những năm 1700. Kẻ chống giáo hoàng, hay nguỵ giáo hoàng Paschal III đã phong thánh cho người vào năm 1165 khi ông này cố gắng thoả hiệp với Hoàng đế La-mã Thần thánh Frederick Barbarossa để được nhìn nhận là giáo hoàng, nhưng đã không đạt được kết quả. Không có vị giáo hoàng hợp pháp nào đã phong thánh cho người, và người vẫn là chân phước Charlemagne.

THÁNH ĐA-VÍT CỦA SCỐT-LEN

            – Nước Scốt-len (1085 – 1153)

            – Bổn mạng: nước Scốt-len

            – Lễ kính: ngày 24/5

Thánh Đa-vít là con trai của Thánh Margaret và Vua Malcolm của nước Scốt-len. Vào năm 1113, ngài kết hôn với Nữ bá tước Matilda của xứ Huntingdon và được trao danh hiệu Bá tước vùng Northampton.

Thánh Đa-vít là một người đạo đức, yêu thương người nghèo, và là người con tận tuỵ với Giáo hội. Đã có lúc người xin Đức Giáo hoàng nâng giáo phận Công giáo ở Glasgow lên hàng tổng giáo phận, điều này sẽ dẫn tới việc độc lập với xứ York của nước Anh. Mặc dù Toà Thánh đã không ban đặc ân này, ngài vẫn là một người ủng hộ trung thành của Đức Giáo hoàng.

Thánh Đa-vít lên ngôi vua xứ Scốt-len năm 1124. Ngài là một cầm quyền mẫu mực đã khởi xướng những thay đổi nơi hàng giáo sỹ, thiết lập nhiều đan viện, giáo xứ, và giáo phận trong khắp nước Scốt-len. Bởi thế, các tu viện đã trở thành những trung tâm giáo dục rất tốt cho người Scốt-len. Hơn nữa, các đan sỹ đã giới thiệu nhiều phương pháp canh nông mới vốn đảm bảo về nguồn lương thực và sự sung túc cho người dân, qua việc bán những vụ mùa cho các nước Châu Âu khác. Các sử gia chỉ ra tất cả những thuộc tính này như là bước ngoặt trong lịch sử Scốt-len, khi Scốt-len đã trở thành một quốc gia đúng nghĩa.

THÁNH EDWARD – HỐI NHÂN

            – Nước Anh (1003 – 1066)

            – Được phong thánh: năm 1161

– Bổn mạng: các quốc vương nước Anh, những cặp hôn nhân khó khăn, và những người phối ngẫu ly tán.

            – Lễ kính: 13/10

Thánh Edward được biết đến như là người rất sùng kính Thiên Chúa; ngài chưa từng quở trách ai ngay cả những địch thủ của mình. Trong những chuyến đi săn dài ngày, thánh nhân mời theo mình vị linh mục tuyên uý để có thể tham dự thánh lễ mỗi ngày.

Sự bất ổn dân sự ở Anh đã khiến ngài phải lưu vong ở Normandy một thời gian, và ngài đã mong muốn di hành tới mộ thánh Phêrô để chuộc tội mình. Sau khi đã mãn hạn lưu đày, thánh Edward đã bỏ tiền ra để xây dựng một nhà thờ đặc biệt ở Luân-đôn, tên là Đan viện Westminster, để tôn kính Thánh Phêrô.

Đan viện này được xây với phòng chứa đủ cho 70 đan sỹ, và được Đức Giáo hoàng Nicholas II ban cho những đặc ân. Sau khi Cuộc Cải cách Tin lành đã có ảnh hưởng rộng rãi ở nước Anh cùng với sự thiết lập của Anh giáo, Nữ hoàng Elizabeth I đã giải tán đan viện và sử dụng nó như là một trong những nguyện đường của hoàng gia. Tuy nhiên,

ngai vàng mà thánh Edward đã được phong vương vẫn được bảo tồn và sử dụng trong tu viện. Mọi vị vua và nữ hoàng vương quốc Anh đều được phong vương trên ngai vàng của Thánh Edward.

Thánh Eward được an táng ngay trong ngôi đan viện yêu dấu của mình. Khi người ta khai quật ngôi mộ ngài 100 năm sau đó, xác của ngài đã không bị phân huỷ.

THÁNH NỮ ÊLISABÉT CỦA HUNGARY

            – Nước Hungary (1207 – 1231)

            – Được phong thánh: năm 1235
– Bổn mạng: thợ làm bánh, người hành khất, cô dâu, nhân viên và tổ chức từ thiện, công việc bác ái, nữ bá tước, người lưu đày, người bị kết án oan, người vô gia cư, bệnh viện, người làm ren, viện dưỡng lão, người bị nhạo báng vì lòng đạo đức của mình, goá phụ, người xung đột với sui gia, bệnh nhân đau răng; bầu cử cho việc chống lại cái chết của trẻ em.

            – Lễ kính: 17/11

Thánh nữ Êlisabét là con gái của Vua Andre và Hoàng hậu Gertrude của Hungary. Lúc mới lên 4 tuổi ngài được hứa gả cho Hermann, con trưởng của vua Landgrave Hermann I của xứ Thuringia. Mẹ ngài bị các quý tộc Hugary sát hại năm 1213, và ba năm sau Hermann cũng đột ngột qua đời. Vậy nên Êlisabét lại được gả cho người em kế là Ludwig.

Lễ cuới được tổ chức vào năm 1221, lúc đó Ludwig 21 tuổi và Êlisabét thì chỉ mới 14. Họ đã sống hạnh phúc và có với nhau ba người con: Hermann, Sophia, và Gertrude là người sau này được phong chân phước.

Thánh nữ Êlisabét đã thực hành những nhân đức mang tính thần học suốt cuộc sống hôn nhân của mình, cách riêng là đức bác ái. Người đã giúp làm giảm bớt nỗi khổ của những người đói rách bằng cách bán đi những bộ trang phục hoàng tộc và nữ trang của mình để mua lương thực cho họ. Khi một nạn đói đã hoành hành vương quốc (nay là nước Đức), Elisabét cảm thấy bị thúc bách phải làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ người dân.

Người cho xây dựng và hỗ trợ tài chính cho các bệnh viện, một trong số này là nơi người thường xuyên cư trú, để thuận tiện cho việc người dễ dàng đáp ứng nhu cầu căn bản hằng ngày của những bệnh nhân. Người dọn dẹp, thay khăn trải giường và cho bệnh nhân ăn.

Thánh nữ Êlisabét đã gia nhập Dòng Ba Phan-sinh dành cho người giáo dân. Tương tự như Dòng nam Phanxicô và Dòng nữ Phan-sinh, Dòng Ba này được thiết lập nhằm để quảng bá tinh thần của thánh Phanxicô Assisi giữa đời thường.

Ludwig đáp lại lời kêu mời gia nhập đội thập tự chinh chống lại Đế quốc Hồi giáo Ottoman. Ông đã mắc bệnh dịch hạch và tử vong chỉ sáu năm sau khi ông và Êlisabét cưới nhau. Khi Êlisabét nhận được tin về cái chết của chồng mình, người đã rơi vào trạng thái trầm cảm nghiêm trọng.

Đức Giáo hoàng Gregory IX bổ nhiệm một người bảo vệ hoàng gia, Cha Conrad của Marburg, thuộc công quốc xứ Hesse, để giám sát công việc của Êlisabét. Cha này là một tu sỹ nhiệm nhặt và là một người đầy nhiệt huyết. Dưới sự hướng dẫn của cha, Êlisabét đã tuyên giữ các lời khấn như một tu sĩ. Với mong muốn để có Êlisabét được tăng trưởng  trong đời sống thiêng liêng với Chúa, vị linh mục này đã để thánh nhân trải nghiệm tất cả sự thiếu thốn về đàng an ủi, ngay cả cả sự ấm áp của con cái mình. Chính những khổ hạnh khắc nghiệt đã gây thương tổn cho thánh nhân kèm theo là sự nghiêm nhặt trong đời sống bác ái người thực hiện, sức khoẻ của Êlisabét bắt đầu giảm sút, và người qua đời ở tuổi 24.

THÁNH NỮ ÊLISABÉT CỦA BỒ ĐÀO NHA

– Nước Bồ Đào Nha (1271 – 1336)

– Được phong thánh: năm 1625

– Bổn mạng: các cô dâu, các tổ chức và nhân viên làm từ thiện, thành phố Coimbra của Bồ Đào Nha, các cặp hôn nhân gặp khó khăn, những người bị kết án oan, người kêu cứu khi bị ghen tị và trong thời chiến tranh.

– Lễ kính: 4/7

Thánh nữ Êlisabét là nữ tử của Vua Pedro III và Hoàng hậu Constantia của Aragon, là (cháu) chắt của Hoàng đế La mã Frederick II, là cháu gái của thánh nữ Êlisabét Hungary (ngài đã được đặt theo tên của vị này). Ngay khi còn rất trẻ, thánh nhân đã tỏ sự quan tâm và lòng thương cảm dành cho người nghèo.

Năm 12 tuổi, người được gả cho Vua Denis (Diniz) của Bồ Đào Nha. Vua này giỏi giang trong việc cai trị đất nước, nhưng ông lại là một người chồng tồi: ông ngược đãi Êlisabét và bội tín với người trong nhiều năm. Có một lần chồng của người đã lên cơn ghen khủng khiếp khi vua ấy tin vào lời nói dối từ một anh lính trẻ cho biết về mối tình giữa Êlisabét và một người lính khác. Vua đã ra lệnh hạ sát anh lính trẻ mà vua tin là đang dan díu với vợ mình. Nhưng điều trái ngược đã xảy ra, kẻ nói dối đã bị giết chết thay vì người lính trẻ bị vu oan. Vua Denis nhận ra rằng Thiên Chúa đã bảo vệ người lính vô tội và đặc biệt là người vợ vô tội của mình. Vua đã thay đổi những cách sống xấu xa của mình từ lúc đó.

Họ có với nhau hai người con: Constance, người kết hôn với vua của Castile; và Affonso IV, người sau này kế vị ngai vàng của cha mình. Nhưng bất hạnh thay, bởi nhà vua có nhiều con ngoại hôn, những người con này đã tranh giành nhau sự quan tâm và nhất là ngai vàng của ông.

Những năm cuối đời mình, vua Denis đã trải qua những căn bệnh hiểm nghèo cho đến lúc qua đời. Ngoại trừ những lúc phải tham dự thánh lễ, Êlisabét đã luôn túc trực bên cạnh chồng mình. Vua đã xin được Êlisabét tha thứ cho tất cả những sự bất trung, ngược đãi, và hiểu lầm ghen tương của mình.

Sau khi vua Denis từ trần, Êlisabét đã ước muốn được gia nhập Dòng thánh Clara Nghèo do chính người lập nên tại Coimbra, Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, Êlisabét được khuyên ngăn không nên gia nhập vào một đời tu nhiệm nhặt khép kín; thay vào đó, người đã mặc áo Dòng Ba thánh Phanxicô và sống tại một ngôi nhà gần với đan viện. Một trong những nỗ lực cuối cùng của người về việc hoà giải là Êlisabét đã lên đường để ngăn chặn cuộc chiến tranh giữa Bồ Đào Nha và Castile, và người đã bị giết vào ngày 4 tháng 7.

THÁNH NỮ HÊLÊNA CỦA CONSTANTINOPLE

– Nước Nicomedia (nay là Thổ Nhĩ Kỳ; 246 – 330)

– Bổn mạng: các nhà khảo cổ, những tín hữu trở lại, những cặp hôn nhân khó khăn, những người đã li dị, các nữ lãnh tụ, giáo phận của Hêlêna, Montana.

– Lễ kính: 18/8

Hêlêna có một sự khởi đầu khiêm nhường, nhưng sau đó đã lập gia đình với một sỹ quan La-mã tên là Constantius I Chlorus và họ có với nhau một con trai là Constantine. Chồng bà trở thành Hoàng đế La-mã năm 293, đã ly dị bà để cưới người con gái riêng của hoàng đế Maximian. Constantius băng hà vào năm 308, và con trai Constantine của Hêlêna lên kế vị cha.

Sau khi lên ngôi hoàng đế, Constantine tuyên bố Chỉ thị của Milan vào năm 313 hợp pháp hóa Kitô giáo sau ba thế kỷ chịu đế quốc La Mã bắt bớ. Tuy vẫn coi Kitô giáo là dị giáo, nhưng Chỉ thị này xoá bỏ lệnh cấm dành cho Kitô hữu đã bị áp đặt từ thời hoàng đế Nêrô.

Mặc dầu vua Constantine vẫn chưa hoàn toàn trở lại với đức tin Kitô giáo mãi cho đến thời điểm gần kề cái chết, ông đã luôn yêu kính mẹ mình và dành cho bà mọi đặc quyền và mọi cơ hội để thăng tiến Kitô giáo.

Ở tuổi 80, thánh nữ Hêlêna trẩy đi Palétin để tìm kiếm những vết tích lịch sử của Đức Kitô thời còn ở dương thế. Người đã đến Đồi Can-vê ở Giêrusalem nơi Chúa chịu đóng đinh, và đã tìm thấy tàn tích của ba cây thập tự người La-mã dùng để đóng đinh các tử tội. Thánh nữ Hêlêna đã đem một phụ nữ đau bệnh đến chạm vào ba cây thập tự, và chỉ có một cây – thánh giá thực sự của Chúa Kitô – đã chữa lành cho người phụ nữ ấy hoàn toàn và ngay lập tức.

Thánh nữ Hêlêna đã cho xây một nhà thờ tại đúng nơi Chúa Kitô đã tử nạn; và cho lưu giữ vài dấu tích của cây thánh giá Chúa tại nguyện đường này. Thánh nữ gởi những dấu tích còn lại cho Đức Giáo hoàng ở Rôma và cho Hoàng đế con trai của mình. Người cũng cho xây dựng một ngôi thánh đường tại Vườn Ôliu, và ngôi thánh đường Chúa Giáng Sinh ở Bêlem.

Thánh nữ được tôn kính tại Giáo đường Thánh Phêrô ở Rôma.

THÁNH NỮ HEDWIG CỦA BA-LAN

– Buda, Hungary (1374 –  1399)

– Được tôn phon chân phước: năm 1986

– Được phong thánh: năm 1997

– Bổn mạng: nước Ba-lan

– Lễ kính: 16/10

Hedwig là con gái út của Vua Louis I nước Hungary và Êlisabét của Bosnia, là cháu gái của Vua Casimir III của Ba-lan. Khi vua Casimir băng hà, Louis lên nối ngôi và làm vua đất nước Ba-lan. Khi vua Louis qua đời, người chị cả Mary của Hedwig lên thừa kế ngai vàng và cai quản Hungary; trong khi đó Hedwig thừa kế ngôi vua từ cha để cai quản Ba-lan năm 1384 lúc cô chỉ mới 10 tuổi.

Hedwig hứa hôn với người mình yêu là công tước William của nước Áo, nhưng cuộc hôn nhân đã không thành vì lý do thời cuộc, và cô đã buộc phải kết hôn với một hoàng tử ngoại giáo của vùng Lithuania lúc 13 tuổi. Hedwig đã dâng cho Đức Kitô mọi sự thất vọng và đau khổ của mình để cầu nguyện cho người chồng ngoại giáo tên Jagiello, người sau này đã gia nhập đạo và là Vua Landislaus II của nước Ba-lan.

Thánh nhân nổi tiếng với việc làm từ thiện cho người đau bệnh và người nghèo, cùng với việc sửa đổi lại hiến luật để giúp đỡ người nghèo. Người được mai táng tại nhà thờ chính toà ở Kraków.

THÁNH KENNETH

– Không biết rõ nơi sinh (525 – 599)

– Bổn mạng: xứ Wales

– Lễ kính: 1/8

Kenneth (hay còn được gọi là Canicus, hay Canice, và Cenydd) là hoàng tử của Brittany, con Vua Dihoc (Deroch) xứ Domnonée. Người được sinh ra với thân hình dị dạng, nên cha mẹ ngoại giáo của người đã bỏ người vào một một cái thùng và thả ra biển cả.

Kenneth trôi dạt vào bờ biển Worms Head (xứ Wales) và được cứu sống; được nuôi dưỡng như là một Kitô hữu và đã trở thành một ẩn sỹ. Thánh Đa-vít của xứ Wales đã tới gặp người và chữa trị cho người khỏi những khuyết tật bẩm sinh. Người được tôn kính cách đặc biệt ở xứ Wales.

THÁNH KENNETH (CỦA AI-LEN)

– Nước Ai-len (515 – 600)

– Bổn mạng: nước Ai-len

– Lễ kính: 11/10

Một vị thánh khác cũng tên Kenneth đến từ Ai-len. Người là con của nhà thơ nổi tiếng Lughadh Leithdhearg. Người được thụ phong linh mục rồi sau đó trở thành một viện phụ, đứng đầu đan viện ở Clonard.

Thánh Kanneth không trụ lâu ở một nơi, nhưng mỗi lần thành lập xong một đan viện, người lại lên đường tìm cách đem đức tin Công giáo đến mọi miền thuộc Ai-len, Scốt-len, và Wales. Người đã rất thành công và được kể như một trong 12 tông đồ của Ai-len.

Người sát cánh làm việc với thánh Columba của Scốt-len, cũng như giúp thành lập nhiều tu viện và đan viện ở đó. Cho đến nay, thánh Kenneth vẫn được người dân yêu mến cả ở Ai-len lẫn Scốt-len.

THÁNH LOUIS IX CỦA PHÁP

– Tunisia (1214 – 1270)

– Được phong thánh: năm 1297

– Bổn mạng: Tổng giáo phận thánh Louis, Dòng các nữ tu thánh Louis, hoàng gia Pháp, thợ cắt tóc, chú rể, công nhân xây dựng, người làm nút áo/quần, nhân viên cấu trúc, đạo binh thánh giá, người làm rượu, thợ nề, thợ may vá, bậc phụ huynh, tù nhân, thợ điêu khắc, người ốm đau; bầu cử cho việc chống lại cái chết của trẻ em.

– Lễ kính: 25/8

Louis Capet là con trai của Vua Louis VIII nước Pháp và Hoàng hậu Blanche của Castile. Khi lên 11 tuổi, cha người băng hà, và mẹ người làm hoàng hậu nhiếp chính cho đến khi người được 22 tuổi; đây là lúc người tiếp nhận ngai vàng và cai trị nước Pháp trong 44 năm. Người đã kết hôn với Marguerite của Provence, và họ có 11 người con với nhau. Dòng hoàng tộc này tiếp tục trị vì đến thời của hoàng đế Pháp cuối cùng là Louis XVI – qua đời trong thời kỳ bạo lực của Triều đại Khủng  bố (Reign of Terror) theo sau là cuộc Cách mạng Pháp.

Vua Louis cho xây dựng nhà thờ nổi tiếng Sainte-Chapelle và cải cách vấn đề tiền tệ cho vay có lãi suất. Người là một trung thần của Đức Giáo hoàng, đã nỗ lực dập tắt những dị giáo trong vương quốc của mình.

Vua Louis tổ chức hai cuộc thập tự chinh vào những năm 1245 và 1267 để giải cứu Đất Thánh, nhưng cả hai lần đều gặp thất bại. Trong cuộc thập tự chinh thứ nhất, nhà vua đã bị bắt nhưng sau đó được trả tự do. Trong cuộc thập tự chinh thứ hai, người ngã bệnh rồi băng hà. Thi thể người được mang về lại Paris, và người được mai táng tại Đan viên Thánh Denis.