Trong Chương  này, chúng ta đề cập đến:

  • Các đấng sáng lập Dòng Phansinh và Đaminh
  • Các đấng sáng lập khác

Cũng như một quốc gia tôn vinh các vị lập quốc, Giáo Hội cũng tôn vinh các đấng nam nữ thánh thiện đã thiết lập các cộng đoàn tu sĩ để phục vụ cho nhu cầu của nhiều người trong suốt bao thế kỷ. Trong chương này, chúng ta nhìn ngắm những người nam nữ được xem như các đấng sáng lập của nhiều dòng tu khác nhau.

Các đấng sáng lập này quyết định danh xưng, đặc sủng hoặc tinh thần của cộng đoàn họ thiết lập. Có hơn một danh xưng được sử dụng khi những cộng đoàn dòng tu được những vị này sáng lập, như tên của cộng đoàn được lấy từ tên riêng của đấng sáng lập (Dòng Đaminh tức Dòng Thuyết Giảng; Dòng Phansinh tức Dòng Anh Em Hèn Mọn; Dòng Vinhsơn tức Dòng Truyền Giáo, v.v…)

THÁNH ANPHONGSÔ LIGÔRI

Thánh Anphongsô Ligôri
(1696-1787)

Sinh tại Campania, Vương quốc Napoli (nay là nước Ý) (1696-1787)

Được phong chân phước: 1816

Được phong thánh: 1839

Bổn Mạng: Các nhà Thần học Luân lý, các nhà Đạo đức học, những bệnh nhân đau khớp.

Mừng lễ: Ngày 01 tháng 8.

Anphongsô là một thần đồng, đậu tiến sĩ Luật khi mới 16 tuổi, và được hành nghề Luật sư ở tuổi 21. Mặc dầu đầy năng lực, có lần ngài thua kiện; điều này thúc bách ngài nhìn lại chọn lựa sống và nhận ra ơn gọi thực sự của mình là trở thành linh mục.

Qua hành trình học vấn và cách suy tư của ngài, Anphongsô có thể dạy Thần học Luân lý không quá lỏng lẻo cũng không quá cứng nhắc. Những thủ bản của ngài về đạo đức học được xem như những thủ bản cổ điển qua nhiều thế kỷ, dù ngàì bị vài chống đối ban đầu, cho rằng ngài quá tiến bộ hoặc quá phản động.

  Anphongsô được truyền chức linh mục vào năm 1726. Chưa đầy 6 năm sau, ngài thành lập một cộng đoàn tu sĩ dành cho người nam, được biết đến như Dòng Redemptoris, sau đó là Dòng Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ, Chúa chúng ta và Đấng Cứu Độ. Hội Dòng Đấng Cứu Độ Chí Thánh (CSsR là tên tắt của Dòng bằng tiếng Latinh) được thiết lập như hội dòng của những nhà truyền giáo giảng thuyết; cho đến ngày nay, được biết đến về các bài giảng và thuyết giáo lừng danh.

THÁNH AUGUSTINÔ THÀNH HIPPÔ

Thánh Âu Tinh

Sinh tại Algeria (354-430)

Bổn Mạng: Các giáo sư thần học và triết học, những kẻ từng ăn chơi.

Mừng lễ: Ngày 28 tháng 8.

Augustinô –cũng chính là đấng sáng lập dòng tu dành cho nam đan sĩ, được gọi là thầy tu Augustinô– đã trải qua thời trai trẻ trong một cuộc sống trụy lạc và suy đồi luân lý. Ngài chìm mình trong lối sống đam mê thái quá và những thú vui sai trái, bắt chước lối sống của đế quốc Rôma lúc ấy. Đế quốc này đã từng có thời là đế quốc khắc kỷ và được tôn trọng, nhưng rồi thoái hóa thành quá khích, hỗn tạp và đam mê khoái lạc.

Khi đế quốc sụp đổ, những người mọi rợ tấn công, xâm lấn biên giới và thủ đô, thì nỗi khao khát của Augustinô là khoái lạc tột đỉnh bằng mọi giá bắt đầu tàn lụi. Ở tuổi 18, ngài đã là cha của một đứa con hoang, đó là Adeodatus (có nghĩa là “Món quà của Chúa”) nhưng “đời sống tốt lành” này bị tước mất, và Augustinô bắt đầu khao khát một cái gì đó hơn là của cải vật chất. Ngài nhận ra rằng lãnh vực tinh thần cùng hiện hữu với thế giới vật chất.

Thêm đoạn bị thiếu:

  Tiếc thay, Augustino chuyển từ lối sống hưởng lạc sang  thuyết nhị nguyên, hoặc Mani giáo. Thuyết này cho rằng về bản chất, vật chất là xấu; và chỉ có những gì hoàn toàn phi vật chất mới tốt. Thay vì trở về với tôn giáo như mẹ ngài hằng cầu nguyện, Augustine  hấp thụ nền triết học Ba Tư, cho rằng cuộc chiến giữa thiện và ác tựa như cuộc chiến giữa tinh thần và vật chất.

Sách Sáng Thế thuật lại cho chúng ta rằng Thiên Chúa đã dựng nên cả tinh thần lẫn vật chất, và điều đó là “tốt đẹp”. Kitô giáo đón nhận quan niệm này cách sâu xa hơn: giáo lý về việc Nhập Thể dạy rằng Thiên Chúa nhận lấy bản tính loài người nơi Chúa Giêsu Kitô. Nói cách khác, thuần tinh thần (Thiên Chúa) nhận lấy thân xác hữu hình. Điều này xảy ra thế nào được nếu thân xác là xấu xa?

Thánh Ambrosiô thành Milanô đi trước Augustinô, giải thích rằng tuy thế gian gồm cả điều lành và điều dữ, nhưng chúng không ngang nhau về sức mạnh. Điều dữ là sự thiếu vắng điều thiện mà lẽ ra nó phải hiện diện. Chẳng hạn một sự dữ về mặt vật chất như một cơn bão mãnh liệt tàn phá một ngôi làng yên bình. Sự dữ luân lý là khi một người làm điều sai thay vì làm điều đúng (như nói dối thay vì nói thật).

Augustinô ngẫm nghĩ về nhận xét của Ambrôsiô. Sau thời gian dài suy tư và cầu nguyện –với sự trợ giúp của ơn thánh– ngài đón nhận đức tin và trở thành một tín hữu. Ngài và đứa con trai được rửa tội vào năm 384 và hai cha con trở nên những Kitô hữu nhiệt thành. Augustinô là người trung thành bảo vệ đức tin, đã dùng triết học của Platon để giải thích và bênh vực Giáo lý Công giáo. Sau khi người mẹ thân yêu qua đời, ngài bán tất cả sản nghiệp và thành lập đan viện đầu tiên tại miền Tây.

Augustinô cũng chống lại lạc thuyết Pelagiô, cho rằng con người có thể đạt được Nước Trời bằng sức riêng mình, mà không cần đến Chúa trợ lực. Ngài nhiệt tâm chống lại lạc thuyết này và dạy rằng bất cứ công việc siêu nhiên nào cũng là kết quả của ân sủng.

Hội Dòng của Augustinô mang tên của ngài: Dòng Thánh Augustinô, viết tắt là OSA (Order of Saint Augustino). Ví dụ: Rev. Dudley, OSA. Khởi đầu, Augustinô muốn sống cuộc đời của một đan sĩ –đời sống cô tịch và ít hoặc không bị ảnh hưởng của thế giới bên ngoài– với cố gắng thoát khỏi sự bạo tàn của những người man rợ.

Augustinô đã viết cuốn Tự thuật, trong đó ngài thú nhận thời tuổi trẻ ngông cuồng, suy đồi của mình, và những phản ứng mạnh mẽ bất cẩn khi say mê thuyết Nhị nguyên. Ngài giải thích rằng đạo Do Thái-Kitô giáo là chân thật vì bắt nguồn từ thực tại; cụ thể là Thiên Chúa đã dựng nên cả cái hữu hình và vô hình, cả vật chất và tinh thần. Dù chúng có thể bị lạm dụng cho những mục đích ghê tởm, nhưng cuối cùng sự thiện hảo sẽ thắng thế bởi vì nó vỗn dĩ vượt trên sự dữ.

THÁNH BENEĐICTÔ THÀNH NURSIA

Thánh Biển Đức
(480-547)

Sinh tại Cassino, nước Ý (480-543)

Được phong thánh: 1220

Bổn Mạng: Châu Âu, các nạn nhân bị đầu độc

Mừng lễ: Ngày 11 tháng 7

Khác xa với những năm đầu đời của Thánh Augustinô, Beneđictô tránh xa lối sống ngông cuồng và quá khích tại Roma và ẩn mình tại Subiaco, nước Ý. Ngài sống trong một cái hang trong vòng 3 năm, sau đó chuyển đến đồi Monte Cassino và thiết lập lối sống đan tu. Ngài và các đan sĩ của ngài sống theo nguyên tắc ora et labora, tức “cầu nguyện và lao động”, phân chia đều thời gian trong ngày giữa chiêm niệm và lao động. Tại đan viện, cứ mỗi 3 giờ lại có tiếng chuông vang lên, nhắc nhở các đan sĩ cầu nguyện.

Trong đêm tối của sự lan tràn và sụp đổ của văn minh Tây phương, Benedicto đã đem đến sự ổn định và hướng dẫn cần thiết. Các đan viện của ngài lớn mạnh và nhanh chóng lan rộng. Vào thời trung cổ, các đan viện Beneđictô nhân lên mạnh mẽ. Ban đầu các đan sĩ rời khỏi những thành phố nguy hiểm để sống cuộc đời đơn sơ, nhưng sau khi đế quốc Roma sụp đổ (năm 476) và những người mọi rợ trở nên văn minh hơn, thì sứ mạng của các đan sĩ bao gồm việc bảo tồn văn hóa, nghệ thuật, văn chương và giáo dục thời cổ. Các đan sĩ không chỉ duy trì ngôn ngữ Latinh và Hy Lạp mà còn dạy những người mọi rợ trước đây học đọc và viết. Kết cục là, dân chúng rời khỏi các thành phố cổ và xây dựng các thành phố mới chung quanh các đan viện.

Scholastica, người em gái song sinh với Beneđictô, đã thiết lập đan viện nữ cùng tinh thần với Đan viện của anh mình. Các nữ đan sĩ Beneđictô cũng theo luật “cầu nguyện và lao động”. Cả ngành nam và nữ Beneđictô đều sử dụng chữ viết tắt của dòng là OSB (Order of St. Benedict) sau tên riêng của họ, để nói lên họ là thành viên của Dòng Beneđictô.

THÁNH CLARA THÀNH ASSISI

Thánh Clara

Sinh tại Assisi, nước Ý (1194-1253)

Được phong thánh: 1255

Bổn Mạng: Ngành truyền hình, các thợ kim hoàn

Mừng lễ: Ngày 11 tháng 8

Năm lên 18 tuổi, lần đầu tiên Clara nghe nói đến một nhà giảng thuyết được nhiều người ngưỡng mộ, là thánh Phanxicô thành Assisi. Chị xúc động đến nỗi ngay lập tức, quyết định thành lập ngành nữ theo tinh thần của thánh Phanxicô.

Clara thiết lập cộng đoàn Chị Em Thanh Bần (Được biết đến như Dòng Clara Thanh Bần), đêm ngày chiêm niệm và cầu nguyện cho Hội Thánh. Chị của ngài là Agnes cũng như nhiều phụ nữ khác đã gia nhập dòng, sống đức thanh bần tu trì, rất giống với các anh em Phanxicô. Không tiền bạc, cũng chẳng có đất đai; họ phải đi khất thực hằng ngày.

Ngày nay các Chị Em Clara Thanh Bần vẫn còn hoạt động, mạnh nhất là Mạng Truyền hình Lời Hằng Sống (EWTN) tại  Alabama –Mạng Truyền Thông Công giáo quốc tế, gồm truyền thanh, in-tơ-nét, vô tuyến truyền thanh, vệ tinh và truyền hình cáp.

THÁNH ĐAMINH GUZMAN

Thánh Đaminh
(1170-1221)

Sinh tại Calaruega, Tỉnh Burgos, Vương quốc Castile (Nay là Tây Ban Nha) (1170-1221)

Được phong thánh: 1234

Bổn Mạng: Các nhà giảng thuyết, những người khổ hạnh, Nước Cộng Hòa Đôminicô

Mừng lễ: Ngày 8 tháng 8

Thị kiến đầu tiên ảnh hưởng đến cuộc sống của Đaminh xảy ra trước khi ngài chào đời. Khi đang mang thai Đaminh, mẹ của ngài được thị kiến thấy một con chó ngậm bó đuốc. Dòng tu do Đaminh sáng lập được gọi là Dòng Đaminh (Dòng của các tu sĩ thuyết giảng) – domini cani, tiếng Ý, có nghĩa là “những chú chó của Chúa”, là câu nói được sử dụng để mô tả sự rao giảng không ngừng.

Đaminh được truyền chức linh mục năm 1194. Vào khoảng năm 1215, ngài thành lập một cộng đoàn tu sĩ khất thực, giống như Dòng của Thánh Phanxicô Assisi. Các tu sĩ Đaminh, giống như các tu sĩ Phanxicô, theo ngữ nghĩa thì họ không phải là đan sĩ, nhưng là tu sĩ; sống nơi các Dòng tu, chứ không nơi các Đan viện.

Thách đố lớn nhất của Đaminh là bè rối Albigensê. Giống như thuyết Manikêu và Nhị nguyên mà thánh Augustinô đã phải đương đầu trong những thế kỷ trước, bè rối Albigensê cho rằng Đức Kitô không có bản tính nhân loại thực sự. Những bè rối này tin rằng bất cứ cái gì là vật chất hoặc hữu hình thì thực chất là xấu xa, nên Đức Giêsu chỉ vờ vĩnh mang lấy thân xác cùng với thần tính của Ngài. Họ cho rằng việc tạo dựng không tốt đẹp, và Chúa Giêsu chỉ có bản tính Thiên Chúa, chứ không có bản tính con người.

Dầu có tài hùng biện, Đaminh vẫn không thể thuyết phục các tín hữu theo bè rối Albigensê tại Tây Ban Nha và Pháp. Quá thất vọng, ngài cầu xin sự trợ giúp, và Đức Trinh Nữ Maria đã đáp lời. Trong một thị kiến, ngài thấy Đức Mẹ và Hài Nhi Giêsu. Mẹ trao cho ngài một tràng chuỗi Mân Côi. Từ thời Cựu ước, các tín hữu Do Thái dùng tràng hạt để đếm khi họ đọc 150 Thánh vịnh trong Kinh Thánh. 150 hạt này cũng được dùng để đánh bại bè rối Albigensê, theo đúng thị kiến của thánh Đaminh.

Dân chúng dùng tràng hạt để cầu nguyện bằng Thánh vịnh. Thánh Đaminh xin họ dùng cùng tràng hạt đó để để suy niệm về các mầu nhiệm của Chúa Kitô (xem phần bổ sung “Chiêm ngắm mầu nhiệm của Chúa Giêsu”), các mầu nhiệm này mạc khải nhân tính và thần tính của Chúa Giêsu. Chỉ có con người có thể chịu đau khổ và chết, tuy nhiên chỉ có Thiên Chúa có thể trỗi dậy từ cõi chết và lên trời. Sức mạnh tinh thần của Kinh Mân Côi thật hiệu nghiệm, và bè rối Albigensê bị đánh bại. Dân chúng tin nhận giáo lý chính thống dạy rằng Chúa Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật, một con người thần linh với hai bản tính Thiên Chúa và con người.

CHIÊM NGẮM MẤU NHIỆM CỦA CHÚA GIÊSU

Với sự trợ giúp của tràng chuỗi Mân Côi, người tín hữu chiêm ngắm 15 mầu nhiệm của Đức Kitô qua việc đọc 1 Kinh Lạy Cha, 10 Kinh Kính Mừng và 1 Kinh Sáng Danh. Trong khi cầu nguyện, người đọc chiêm ngắm các Mầu Nhiệm Mùa Vui (Truyền tin, Thăm viếng, Giáng sinh, Dâng con và Tìm thấy Chúa trong đền thờ) các Mầu nhiệm Mùa Thương (Hấp hối trong Vườn Nhiệt, Bị đánh đòn, Chịu đội mão gai, Vác Thánh Giá, Chịu đóng đinh và chết), và các mầu nhiệm Mùa Mừng (Sống lại, Thăng thiên, Hiện xuống, Mẹ Lên Trời, Được Ân thưởng).

CÁC TU SĨ ĐAMINH NỔI TIẾNG

Đức Thánh Giáo Hoàng Piô V từng là tu sĩ Đaminh trước khi trở thành Giáo Hoàng vào năm 1566. Trước đó, chỉ có vài vị Giáo Hoàng mặc phẩm phục màu trắng, còn đa số vẫn mặc phẩm phục màu đỏ của chức vụ hồng y, là chức vụ  trước khi các đấng được bầu chọn làm Giám Mục Roma và Đấng kế vị Thánh Phêrô. Khi Đức Piô đắc cử Giáo Hoàng, ngài muốn giữ lại tu phục màu trắng của tu sĩ Đaminh. Vì thế, kể từ thời Đức Piô V, các Đức Giáo Hoàng chính thức mặc phẩm phục màu trắng.

Thánh Albertô Cả, Bổn Mạng của các nhà khoa học, cũng là một tu sĩ Đaminh nổi tiếng. Ngài là người đầu tiên đi từ thuật giả kim đến ngành hóa học, say mê kiến thức khoa học, triết học và thần học, đã khích lệ học trò ưu tú của mình là Thánh Tôma Aquinô. Cả hai vị thánh xuất thân từ Dòng Đaminh này sống vào thế kỷ XIII và đã để lại một di sản vô giá cho Dòng Giảng Thuyết.

THÁNH PHANXICÔ ĐỆ SALÊ

Sinh tại Lâu đài Thorens, Savoy, nước Pháp (1567-1622)

Được phong chân phước: 1662

Được phong thánh: 1665

Bổn Mạng: Các ký giả

Mừng lễ: Ngày 24 tháng 1

Thân phụ của Phanxicô muốn con mình học Luật và Chính trị, nhưng Cha tinh thần của ngài giúp ngài trong lúc quá căng thẳng, khiến Phanxicô thuần phục hoàn toàn cho sự quan phòng của Chúa. Ngài quyết định trở thành linh mục và được truyền chức tại Geneva năm 1593. Sau đó ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Geneva và được tấn phong Giám Mục vào năm 1602.

Phanxicô thiết lập cộng đoàn tu sĩ của Thánh Phanxicô đệ Salê (Oblati Sancti Francisci Salesii. O.S.F.S) để giúp thăng tiến đức tin vượt qua biên giới của giáo xứ và giáo phận. Linh đạo của ngài đặt nền tảng trên cuốn sách của ngài: Dẫn vào đời sống đạo đức, cuốn sách dành cho những người cố gắng trở nên những Kitô hữu sốt sắng.

Thánh Phanxicô là một trong các vị thánh có thi hài không hư nát (x. Chương 5).

THÁNH PHANXICÔ ASSISI

Thánh Phanxicô Assisi

 

Sinh tại Assisi, nước Ý (1181-1226)

Được phong thánh: 1228

Bổn Mạng: Các loài vật, người nuôi vật cưng, bác sĩ thú y, Thành phố San Francisco

Mừng lễ: Ngày 04 tháng 10

Phanxicô –ngày nay được biết đến là người sống khó nghèo, hoạt động với người nghèo và những người có nhu cầu– đã từng là một thanh niên ngang tàng, ưa thích sống dễ dãi, ăn chơi thâu đêm suốt sáng với bạn bè.

Nước Ý không được thống nhất cho đến thế kỷ XIX, vì thế vào thời của Phanxicô, những cuộc chiến thường xảy ra giữa các thành phố và các bang. Dân thành Assisi và Perugia thường xuyên đánh nhau; Trong một trận chiến, Phanxicô và các bạn bè đi bảo vệ thành phố Assisi. Người Perugia đánh thắng Assisi, và Phanxicô bị cầm tù trong 1 năm.

Trong tù, Phanxicô bị bệnh sốt và phải nằm tại bệnh xá, điều này giúp anh có nhiều thời gian suy nghĩ và tự hỏi sao mình đã lãng phí cuộc đời cho đến giờ phút này. Khi được ra tù, anh quyết định gia nhập quân đội và lên đường đi gia nhập đội quân của bá tước Walter tại Brienne. Khi đi đường, anh được thị kiến và Chúa phán với anh: “Phanxicô, hãy đi và sửa lại Nhà của Ta. Con thấy đó, nó sắp đổ xuống rồi.”

Phanxicô hiểu lầm đòi hỏi của Chúa. Anh chạy đến cửa tiệm bán quần áo của cha anh, lấy đi những thứ đắt tiền nhất. Anh bán đi những thứ lấy được và con ngựa của mình, đem tiền đến cho vị linh mục của một nhà thờ ọp ẹp ở San Damiano. Khi biết Phanxicô đã lấy cắp các vật dụng của cha mình, vị linh mục khước từ số tiền của anh.

Khi ông Bernadone, cha của Phanxicô, biết được điều con mình làm, ông giận điên lên. Phanxicô phải chạy đi ẩn mình trong một cái hang ở San Damiano ròng rã một tháng trời. Người anh bẩn thỉu, râu ria không cạo, bị suy dinh dưỡng, nhếch nhác lôi thôi, trở thành trò cười cho mọi người. Cha của Phanxicô lôi anh về nhà, đánh đập anh và xích anh trong một căn phòng nhỏ. Một ngày nọ, lợi dụng lúc cha anh ra khỏi nhà, bận bịu với công việc buôn bán, người mẹ đã giúp anh thoát cảnh xích xiềng.

Phanxicô trở lại ngôi nhà thờ tại San Damianô và giúp đỡ vị linh mục tại đó. Khi cha anh đến tìm anh, anh nói với ông: “Cho đến giờ này, con đã gọi cha là cha ở dưới đất; nhưng từ nay trở đi, con chỉ muốn nói: ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời.’” Rồi anh cởi bỏ bộ quần áo đang mặc, trao lại cho cha mình, rồi mặc vào bộ quần áo của kẻ ăn xin. Sau đó, anh cùng vài người bạn cùng ý hướng xây dựng lại Giáo Hội, anh đã nhận ra điều Chúa muốn: Ngài muốn Phanxicô xây dựng, không phải tòa nhà vật chất, nhưng đúng hơn là những con người đến phụng thờ Ngài nơi đó. Phanxicô nhận ra sứ mạng của mình là rao giảng sự canh tân tinh thần cho dân Chúa. Đức Giáo Hoàng Inocentê ban phép cho ngài thành lập một cộng đoàn tu trì mới, Dòng các tiểu đan sĩ (OFM), sau này được biết đến là Dòng Phanxicô.

Phanxicô và các anh em tuyên các lời khấn thanh bần, khiết tịnh và vâng phục. Tuy nhiên, họ không giống như các đan sĩ tại các đan viện, là tuyên lời khấn vĩnh cư, tức sống chết tại một đan viện; anh em Phanxicô và Đaminh là những kẻ khất thực, họ đi xin ăn, vì họ chẳng có nhà cửa, đất đai, tiền bạc cho chính mình. Nói nôm na, họ phải sống nhờ vào lòng quảng đại của người khác.

Thánh Phanxicô được nhìn nhận là bổn mạng của loài vật và những người yêu loài vật vì ngài dành nhiều thời gian chiêm niệm ngoài trời và truyện trò với các tạo vật. Ngài làm bạn với một con sói dữ thường đe dọa dân làng ở Gubiô. Ngài dạy con vật phải đối xử đàng hoàng và nó vâng nghe lời ngài.

Phanxicô đã đi đến Đất Thánh, cố gắng hoán cải người Hồi Giáo Saraxen tại đó và đã kết thúc Thập Tự Chinh cách an bình. Tuy chưa thành công trong mục tiêu riêng, nhưng ngài đã nhận được sự thán phục của Caliph, người đã ra lệnh rằng tất cả các đền thờ Kitô giáo tại Giêrusalem phải được đặt dưới sự chăm sóc của tu sĩ Phanxicô –một nhiệm vụ mà họ đã thực hiện qua bao thế kỷ.

Trước khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Phanxicô được phúc in Năm Dấu Thánh, tức Năm Dấu Đanh của Chúa Giêsu trên thân thể mà không gây hại cho ngài (Năm Dấu Thánh biến mất ngay khi ngài qua đời). Xem hình số 9-1: Thánh Phanxicô với Dấu Thánh trên đôi tay, đang chiêm ngắm Tin Mừng, tay đặt trên một cái sọ (biểu tượng  của sự chết đi cho chính mình, hoặc thay cái tôi bằng ý muốn của Thiên Chúa).

(hình 9-1: Thánh Phanxicô)

THÁNH INHAXIÔ LOYOLA

Thánh Inhã-Đấng sáng lập Dòng Tên
(1491-1556)

Sinh tại Loyola, nước Tây Ban Nha (1491-1556)

Được phong chân phước: 1609

Được phong thánh: 1622

Bổn Mạng: Các binh sĩ

Mừng lễ: Ngày 31 tháng 7

Inhaxiô đã nhiều năm mong ước sống đời binh sĩ. Năm 1517, ngài gia nhập quân đội và tham gia nhiều chiến dịch với lòng dũng cảm và tính ưu việt. Năm 1521, khi chân trái của ngài bị trúng đạn, thì cuộc đời của ngài bắt đầu bước sang một ngã rẽ.

Việc hồi phục kéo dài và gây đau đớn. Lúc rảnh rỗi, ngài đọc Kinh Thánh và Truyện Các Thánh. Ngài nhận ra rằng mình không nên lãng phí đời mình cho một vị vua trần thế khi Vua của Các Vua hứa ban cho ngài sự sống đời đời. Inhaxicô gác kiếm và trở thành “chiến sĩ của Đức Kitô”, hiến mình cho Chúa Giêsu. Ngài thiết lập một ngành nam gọi là Dòng Chúa Giêsu, tức Dòng Tên, sau này được biết đến là  Giêsu hữu (x. Hình 9-2)

Inhaxiô nhận thấy lợi ích của việc huấn luyện người nam trong các tác phẩm Thần học và Triết học, cũng như trong địa lý, khoa học, toán học, ngôn ngữ và khoa học nhân văn khác. Ngài muốn chinh phục các lầm lạc và bè rối bằng chân lý và sự hiểu biết. Đó là lý do tại sao các tu sĩ dòng Tên cho đến ngày nay là một trong những cộng đoàn tu trì được giáo dục cao. Thêm vào đó, họ được tuyên khấn trọng thể các lời khấn khó nghèo, trinh khiết và vâng phục. Inhaxiô đã thêm lời khấn thứ tư là phục vụ hoàn toàn cho Đức Giáo Hoàng.

Các Đức Giáo Hoàng qua mọi thời đã sử dụng các tu sĩ Dòng Tên và ảnh hưởng lớn lao của họ để thăng tiến và bảo vệ đức tin. Các vua chúa, hoàng tử thế trần đã bực bội và ghen tỵ với những thành công của các tu sĩ Dòng Tên và làm áp lực cho Roma phải giải thể Dòng vào năm 1767. Cho đến khi Công đồng Viena vào năm 1814, sau chiến tranh Napoléon thì Dòng Tên mới được phục hồi.

Hình 9-2: Thánh Inhaxiô chiêm ngắm Thánh Danh của Chúa Giêsu (IHS là 3 mẫu tự đầu của Danh Thánh Chúa Giêsu bằng tiếng Hy Lạp).

THÁNH LUCIA PHILIPPINI

Sinh tại Corneto, Tuscany, nước Ý (1672-1732)

Được phong chân phước: 1926

Được phong thánh: 1930

Bổn Mạng: Các học giả ngôn ngữ Công giáo

Mừng lễ: Ngày 25 tháng 3

Lucia mồ côi từ nhỏ và được Đức Hồng Y Marc’Antonio Barbarigo cưu mang. Ngài bảo bọc Lucia và khuyến khích cô làm việc với các thanh thiếu nữ của giáo phận. Ngài muốn Lucia phải bảo đảm rằng các em được đón nhận nền giáo dục Kitô giáo.

Lucia thiết lập Dòng tu Philippini năm 1692 để giáo dục và huấn luyện các nữ tu, để đến lượt họ, họ cũng giáo dục những người trẻ, đặc biệt những phụ nữ trẻ, chuẩn bị cho họ sống đời tu sĩ hoặc đời hôn nhân sau này. Các trẻ nam cũng được huấn luyện để trở thành linh mục hoặc những người giáo dân tốt; nhưng những trẻ nữ hiếm khi được hướng dẫn về đời sống thiêng liêng hoặc được học hành cao. Dòng tu Philippini được thành lập để trao cho những người nữ trẻ khí cụ họ cần để thành công về mặt thiêng liêng.

THÁNH PHILIPPHÊ NÊRI

Sinh tại Florence, nước Ý (1515-1595)

Được phong chân phước: 1615

Được phong thánh: 1622

Bổn Mạng: Những lực lượng đặc biệt tại Hoa Kỳ

Mừng lễ: Ngày 26 tháng 5

   Philipphê sống đời sống của mình như một người giáo dân đạo đức, và chỉ được truyền chức linh mục vào năm 1551, khi ngài đã 36 tuổi. Sau đó ngài học tập, cầu nguyện và làm việc tại các bệnh viện để giúp đỡ bệnh nhân.

Ngài rất sùng kính Bí Tích Thánh Thể và khuyến khích người khác dành nhiều thời gian cầu nguyện trước Thánh Thể. Sau khi được thụ phong linh mục, ngài thiết lập Dòng Hùng Biện (CO) để giúp các linh mục trở nên thánh thiện hơn và giúp các giáo dân sống thánh thiện.

Dòng Hùng Biện của Thánh Philipphê Nêri ngày nay có sự đổi mới: Các linh mục chung sống với nhau gần như một cộng đoàn nhưng vẫn làm việc như một linh mục giáo xứ. Tình huynh đệ và tình bằng hữu cũng như sự nâng đỡ tinh thần là một nỗ lực để đền bù cho điều còn thiếu sót trong các nơi ở nổi tiếng nhất (nơi hầu hết các linh mục giáo xứ sống). Một trong những nơi nổi tiếng nhất này là tại Luân Đôn, thủ đô nước Anh, nơi Đức hồng Y Newman, tín đồ Anh giáo trở lại, đã trải qua những năm cuối đời của ngài.

THÁNH VINHSƠN ĐỆ PHAOLÔ

Sinh tại nước Pháp (1581-1660)

Được phong chân phước: 1729

Được phong thánh: 1737

Bổn Mạng: Những công nhân xã hội, giáo sư chủng viện

Mừng lễ: Ngày 27 tháng 9

Đời linh mục của Vinhsơn đệ Phaolô có chút khó khăn lúc buổi đầu. Khi thụ phong linh mục được 5 năm, ngài bị các hải tặc Thổ Nhĩ Kỳ bắt làm con tin trong vòng 2 năm. Nhưng chính ngài đã hoán cải “kẻ chủ mưu” trở lại đạo Công giáo và ngài được trả tự do. Ngài trở về Roma học thêm và cuối cùng kết thúc việc học tại một giáo xứ tốt lành ở Ba Lê.

Tại Ba Lê, ngài kết thân với một vài giáo dân giàu có và thuyết phục họ dùng của cải để giúp người nghèo. Đây là một trong 2 nhu cầu lớn ngài nhận thấy vào đầu thế kỷ XVII. Nhu cầu khác là việc giáo dục hàng giáo sĩ, giúp những linh mục gieo hạt giống Canh tân, vì nếu không biết đến những hoàn cảnh khó khăn của người nghèo thì cũng tương đương với việc gây hại cho Giáo Hội và xã hội nói chung.

Vị Tử Thần Đen (bệnh dịch vào những năm 1348-1350) tàn sát đến 1/3 dân Tây Âu và 2/3 số giáo sĩ. Dân chúng thất vọng vì đôi khi các linh mục thực thi các bí tích lại ít học và một số người nam kém cỏi được truyền chức linh mục. Cách cư xử xấu xa và những tư tưởng lầm lạc của họ chính là mảnh đất màu mỡ cho các cuộc nổi loạn tôn giáo.

Vinhsơn thiết lập Dòng Truyền giáo (MC) để hoạt động cho 2 việc ưu tiên này: phục vụ người nghèo và giáo dục hàng giáo sĩ. Công đồng Triđentinô vào những năm 1545-1563 là lời đáp trả cho Martin Luther và cuộc Cải Cách Kháng Cách. Một trong những sắc lệnh của Công đồng là thiết lập những chủng viện thích hợp để giáo dục và quản lý việc huấn luyện để phục vụ tốt hơn cho các nhu cầu thiêng liêng của giáo dân trong giáo xứ.

Nt. M. Teresa Lê Thị Kim Thu SJP chuyển ngữ