Mục Lục
Dẫn nhập
Cùng với Do thái giáo và Kitô giáo, Hồi giáo cũng là tôn giáo tin vào Thiên Chúa duy nhất. Nếu Do thái giáo gọi Thiên Chúa của mình là Yavê và Kitô giáo gọi Ngài là Chúa Ba Ngôi, thì Hồi giáo gọi Ngài là Allah[1]. Với cả ba tôn giáo này, niềm tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa hẳn phải được xem là một trong những điều cốt yếu nhất trong đời sống các tín đồ. Tuy nhiên, làm sao để nói về sự hiện hữu của Ngài? Đây là vấn đề khó khăn và thu hút sự quan tâm của nhiều tư tưởng gia. Trong số đó, về phía Hồi giáo, Averroes là một gương mặt sáng giá. Triết gia này đã dành chương một của tác phẩm Faith and Reason in Islam[2] (tạm dịch là Đức Tin và Lý Trí trong Đạo Hồi) để bàn về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Cùng chia sẻ mối quan tâm đến vấn đề đang bàn tới, người viết sẽ dựa vào chương một của tác phẩm này để trước tiên thử tìm hiểu lý do tại sao triết gia Averroes bàn đến chủ đề sự hiện hữu của Thiên Chúa; sau đó cố gắng phần nào tiếp cận những lý luận của ông về vấn đề này; và cuối cùng sẽ đưa ra vài thiển ý cá nhân nhận xét lập luận của ông.
Lý do Averroes đưa ra lý luận về Thiên Chúa hiện hữu
Averroes sống trong bối cảnh Hồi giáo đã bị chia thành nhiều giáo phái khác nhau, mà theo ông, lý do của sự chia rẽ nằm ở chỗ có những cách giải thích khác nhau về Sách Thánh.[3] Người ta có thể kể ra bốn giáo phái được xem là nổi tiếng nhất: (1) phái Ash‘arites; (2) phái Mu‘tazilite; (3) phái Bàtini; và (4) phái hiểu Sách Thánh (Shari‘a)[4] theo nghĩa đen (literalist).[5] Và nếu bàn về sự hiện hữu của Thiên Chúa, những phái này có thể được chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất cho rằng chỉ dựa vào bản văn Sách Thánh như phương cách duy nhất để nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa.[6] Đại diện cho nhóm này là phái hiểu Sách Thánh theo nghĩa đen (xin tạm gọi phái này là Literalist). Nhóm còn lại, mà phái Ash‘arites có thể làm đại diện, cho rằng chỉ lý trí mới giúp con người nhận biết sự hiện hữu của Ngài. Cùng lúc đó, mỗi phái tự cho mình là chính thống và sở hữu lối giải thích Sách Thánh nguyên thủy mà mọi người được mời gọi để gìn giữ, và bất cứ ai đi trệch khỏi lối nẻo ấy sẽ bị coi là dị giáo hoặc bất tín.[7] Đứng trước hai quan điểm như thế, những tín đồ Hồi giáo hẳn không tránh khỏi những bối rối, thậm chí những chia rẽ nặng nề trong nội bộ tôn giáo này.
Tuy nhiên, Averroes cho rằng tất cả những phái này đã nuôi dưỡng những niềm tin khác nhau về Thiên Chúa và làm méo mó ý nghĩa hiển nhiên của rất nhiều câu trong Sách Thánh với những giải thích được áp dụng riêng cho những niềm tin khác nhau đó, và như thế, họ đã xa rời với ý định được gửi gắm trong Sách Thánh.[8] Như vậy, khởi đi từ những vấn đề dẫn đến sự chia rẽ của các giáo phái Hồi giáo, ở chương thứ nhất của tác phẩm Faith and Reason in Islam, ông đưa ra lý luận mới mẻ về sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng những phương pháp mang tính triết học có thể hòa hợp giữa lý trí và đức tin hầu giúp các tín đồ Hồi giáo trở về với ý định của Đấng ban Luật (the Lawgiver) gửi gắm trong Sách Thánh, đồng thời củng cố tình hiệp nhất trong tôn Giáo hội này.
Lập luận của Averroes về sự hiện hữu của Thiên Chúa
Như đã nói, nội bộ Hồi giáo lúc ấy tồn tại nhiều cách giải thích Sách Thánh khác nhau, trong đó bao gồm những giải thích về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhưng với Averroes, những cách đó không những chưa đáp ứng được nhu cầu, mà đôi khi còn gây thêm những lúng túng, chia rẽ cho các tín đồ. Chính vì thế, ông sẽ đưa ra lối lập luận của riêng mình. Và trước khi đưa ra lập luận ấy, ông xem xét một số quan điểm nổi tiếng của một số giáo phái Hồi giáo thời đó (tuy nhiên trong giới hạn của bài viết, người viết chỉ tập trung vào lối nhìn của ông về hai đại diện của hai nhóm được đề cập bên trên); sau đó, ông đưa ra lập luận của riêng ông về vấn đề này.
Trước tiên, Averroes xem xét lối giải thích của phái Literalist.[9] Theo phái này, người ta chỉ có thể dựa vào bản văn (report), chứ không thể dựa vào lý trí (reason), để nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chính vì thế, ngoài niềm tin ra, không có bất kỳ phương pháp nào có thể dẫn mọi người đến sự hiểu biết này. Như thế, họ chỉ cần đón nhận niềm tin về sự hiện hữu của Thiên Chúa nhờ vào những gì Đấng ban Luật trao cho họ qua Sách Thánh, chẳng hạn như:[10] “Hỡi các người, hãy tôn thờ Ngài vì chính Ngài đã tạo ra các ngươi và tổ tiên các người. Rồi các ngươi sẽ trở thành người chính trực.” (Qur’an, 2:20) hay “Các ngươi còn nghi ngờ Allah, Đấng tạo thiên lập địa hay sao?” (Qur’an, 14:10) Nói chung, đối với phái này, người ta chỉ cần tin vào những gì Sách Thánh nói là có thể nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa.
Tiếp đến, Averroes xem xét lập luận của phái Ash‘arites vốn cho rằng chỉ có lý trí mới giúp người ta tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa.[11] Phương pháp nổi tiếng nhất của họ dựa trên chứng cứ rằng thế giới được tạo dựng trong thời gian, trong khi theo họ, việc tạo thành thế giới được đặt nền trên khẳng định rằng những vật thể (bodies) được kết hợp bởi những thành phần không thể phân chia được (indivisible parts), mà mỗi phần không thể bị phân chia được lại được tạo ra trong thời gian và những vật thể ấy được tạo nên do bởi chính việc tạo nên của nó (its creation). Tuy nhiên, Averroes cho rằng phương pháp mà qua đó họ trình bày cách thức một thành phần không thể phân chia được tạo thành trong thời gian là điều khó hiểu mà nhiều người giàu kinh nghiệm trong bộ môn Luận lý học cũng không thể hiểu được, huống chi là đại chúng tín đồ. Hơn nữa, ông cho rằng phương pháp này không thể kiểm chứng được và cũng không dẫn đến một khẳng định chắc chắn nào về sự hiện hữu của Đấng Tạo Hóa.
Mà nếu giả định thế giới được tạo thành được chấp nhận, thì theo họ, thiết yếu phải có một Đấng tạo thành nó. Thế nhưng chính sự tồn tại của Đấng Tác Tạo (the Maker) như thế lại khơi lên mối nghi ngờ mà ngay cả năng lực của bộ môn thần học (Kalam) cũng không xua tan được. Người ta vừa không thể nói Đấng Tác Tạo được tạo thành, vừa không thể nói Ngài vĩnh cửu. Nếu nói Ngài được tạo thành, vậy thì cần có một Đấng Sáng Tạo, và tiếp tục, cần một Đấng Sáng Tạo tạo nên Đấng ấy. Cứ như thế, vấn đề kéo dài đến vô tận. Và đây là điều lố bịch. Người ta cũng không thể nói Ngài vĩnh cửu được, vì: Trước tiên người viết xin trở lại giả thiết vừa được nêu ra rằng thế giới được tạo dựng trong thời gian, đồng thời cũng trở về với hai tiền đề của phái này – thứ nhất, hành động gắn liền với cái được tạo thành thì được tạo thành; thứ hai, họ không thừa nhận giả thiết có thể có một hành động được tạo thành do bởi tác nhân vĩnh cửu.[12] Có thể nói, dựa vào những giả thiết và tiền đề trên, Averroes cho rằng:[13] Nếu không có một hành động được tạo thành do bởi tác nhân vĩnh cửu, thì sự tồn tại của cái được tạo thành phải gắn liền với hành động được tạo thành, và từ đó suy ra sự tồn tại của cái được tạo thành không buộc phải gắn liền với hành động được tạo thành nếu có thể có một hành động được tạo thành do bởi tác nhân vĩnh cửu (mà phái Asha’ristes không chấp nhận điều này). Mặt khác, dựa theo lập luận này Averroes cho rằng nếu Đấng Tác Tạo là vĩnh cửu thì hành động của Ngài vốn gắn liền với những sản phẩm Ngài làm ra sẽ là vĩnh cửu, do vậy làm cho những sản phẩm đó tự nó vĩnh cửu. Trong khi đó, thế giới – như được giả định bên trên – là sản phẩm của Ngài và được tạo dựng trong thời gian. Và nếu thế giới được tạo dựng trong thời gian thì nó không vĩnh cửu. Vì tất cả những lý do trên đây, người ta không thể nói rằng Ngài vĩnh cửu.
Nói chung, khi nhìn về hai hướng tiếp cận sự hiện hữu của Thiên Chúa nơi hai nhóm quan điểm, Averroes nhận xét: Đối với phái Ash‘arites, đại diện cho nhóm chỉ dựa vào lý trí, ông cho rằng những phương pháp phái này sử dụng trong những bàn luận này mang hai đặc tính, đó là không thể kiểm chứng được và quá phức tạp để đại chúng tín đồ có thể tiếp cận.[14] Còn với phái Literalist, đại diện nhóm chỉ nại vào niềm tin, ông cho rằng họ biết về một thực tại nhưng không biết được nguyên lý ẩn dưới thực tại đó.[15] Và như thế, việc đưa ra phương pháp tiếp cận hòa hợp được cả đức tin và lý trí là điều cần thiết. Vì lẽ đó, ông đưa ra hai lập luận sau đây:
Lập luận thứ nhất của ông được rút ra từ sự Quan Phòng (Providence).[16] Lập luận này dựa trên hai nguyên lý cơ bản. Thứ nhất, muôn loài muôn vật đang tồn tại đều phù hợp với sự hiện hữu của con người. Thứ hai, sự phù hợp ấy thiết yếu do bởi một Đấng Tác Thành (the Agent) cả về ý hướng (intending) và khao khát (willing), bởi vì không thể có chuyện một sự phù hợp như thế lại gắn liền với một sự tình cờ, ngẫu nhiên. Từ đó, ông mời gọi người ta suy xét sự phù hợp của ngày và đêm, mặt trời, mặt trăng, của bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, của cỏ cây muông thú, v.v, đối với sự hiện hữu của con người. Và cả những bộ phận trên cơ thể con người, tất cả phù hợp với sự hiện hữu của họ. Đây hiển nhiên là một sự quan phòng dành riêng cho con người. Và thật thú vị khi những điều lý trí suy tưởng lại được chứa đựng Sách Thánh, chẳng hạn như: “Ta đã chẳng trải mặt đất thành giường ngủ, và đem núi non làm cái chốt hay sao? Ta đã tạo ra các ngươi thành đôi. Ta đem giấc ngủ làm sự yên nghỉ cho các ngươi, và khiến đêm tối làm màn phủ, và đã đem ban ngày làm nguồn sống. Ta đã tạo trên đỉnh đầu các ngươi bảy vòm trời thật kiên cố, và đem mặt trời làm ngọn đèn soi sáng. Từ những đám mây ta làm mưa rơi xuống dào dạt, để nhờ đó làm ngũ cốc và thảo mộc nảy nở, và cả những vườn tược đầy hoa quả phong đăng.” (Qur’an 78, 6-16) Nói chung, với sự quan phòng như thế, người ta phải thừa nhận tồn tại một Đấng Tác Thành.
Lập luận thứ hai được rút ra từ từ sự Phát Minh (Invention).[17] Lập luận này cũng bao gồm hai nguyên lý. Thứ nhất, mọi thực thể (entities) đang tồn tại đều được phát minh ra; thứ hai, nếu mọi sự được phát minh ra, phải có một Đấng phát minh ra chúng. Điều hiển nhiên này cũng được chứa đựng trong Sách Thánh, như Đấng Toàn Năng nói: “Thay vì Allah, những kẻ mà các ngươi cầu khẩn dù có quyết tâm hiệp lực đi nữa cũng không thể tạo ra được một con ruồi.” (Qur’an, 22,73) Và khi thấy những đối tượng không có sinh khí, mà nơi đó, sự sống bắt đầu xuất hiện, người ta biết chắc có một Đấng làm ra sự sống đang hiện hữu, và Ngài là Thiên Chúa Toàn Năng.
Một vài nhận xét
Sau khi đã tìm hiểu những lập luận của triết gia Averroes, người viết xin được đưa ra vài ý kiến cá nhân. Trước tiên người viết muốn đặt vấn đề về sự cần thiết trong việc phối hợp đức tin và lý trí trên hành trình đi tìm chân lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa; sau đó với hiểu biết còn giới hạn, người xin mạo muội đề cập đến ảnh hưởng của Averroes đối với hành trình triết học đi tìm chân lý.
Thứ nhất, người viết thử đặt vấn đề về sự cần thiết phối hợp lý trí và đức tin trong hành trình đi tìm chân lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Trước tiên, trên hành trình ấy, liệu lý trí có thực sự là điều duy nhất dẫn con người đến sự hiểu biết Thiên Chúa? Qua việc xem xét lập luận của phái Asha’rites, Averroes cho thấy sự phức tạp và khó tiếp cận khi chỉ cậy dựa vào lý trí để tìm hiểu sự hiện hữu của Thiên Chúa. Và rõ ràng, chỉ cậy dựa vào lý trí, con người không bao giờ trả lời thuyết phục và rốt ráo được các vấn nạn nguồn cội về sự hiện hữu của Thiên Chúa, có lẽ vì lý trí con người rõ ràng có giới hạn. Và câu hỏi khác cũng được đặt ra, liệu người ta vẫn cần đền lý trí để tìm hiểu về Thiên Chúa khi đã có chân lý vốn được vén mở trong đức tin? Về vấn đề này, người viết thấy tâm đắc với kết luận của Averroes. Ông cho rằng:[18] người ta có thể nhận biết điều ấy nhờ niềm tin, qua bản văn Sách Thánh, nhưng họ không biết được lẽ khôn ngoan ẩn dưới thực tại đó. Còn những người khi sử dụng cả lý trí và đức tin để tìm hiểu, thì chắc chắn họ sẽ biết Ngài nhiều hơn, sâu hơn.
Thư hai, nếu tìm hiểu về lý thuyết Ngũ Đạo trong tác phẩm Summa Theologica – Tổng Luận Thần Học của thánh Tôma Aquinô,[19] đặc biệt nơi con đường thứ hai (chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng nguyên nhân tác thành) và con đường thứ năm (chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa bằng trật tự của vũ trụ), người ta có thể phải thừa nhận rằng tư tưởng của Averroes phần nào tác động trên tư tưởng triết học Tây Phương sau này, và đặc biệt trên thánh Tôma Aquinô.
Kết luận
Như thế, sau khi xem xét kỹ lưỡng những lập luận của những giáo phái khác nhau về sự hiện hữu của Thiên Chúa, nơi hai lập luận của mình, Averroes đã vận dụng tới khả năng của lý trí con người để suy xét sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bên cạnh đó, ông cũng đưa độc giả trở về với bản văn Sách Thánh để qua đó, mở ra với chân lý vốn được vén mở nhờ Mạc Khải. Việc Averroes làm xem ra phù hợp với cả hai nhóm các giáo phái Hồi giáo đề cập trên đây. Như thế, ý định ban đầu của ông dường như đã thành toàn khi, với những lập luận mới mẻ này, đức tin và lý trí đã có thể hòa hợp với nhau trên đường đi tìm chân lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Và như thế, người ta phải công nhận những nỗ lực và đóng góp của ông trong việc làm hòa và nối kết hai trường phái Triết học lớn trong Hồi giáo, dẫn đến sự nhất quán khi bàn về lối tiếp cận về sự hiểu biết Thiên Chúa và sự hiện hữu của Ngài.
THƯ MỤC THAM KHẢO
Averroes. Faith and Reason in Islam. Dịch bởi Ibrahim Najjar. Oneworld Publications, 2014.
Hồng, Đậu Văn. Triết Trung Cổ. Học Viện Dòng Tên (lưu hành nội bộ), 2018.
Muhammad. Thánh Thư Koran. Không rõ dịch giả. Ahmadi, 1988.
Stumpf, Samuel Enoch. 2004. Dịch bởi Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy. Hà Nội: NXB Lao Động, Lịch Sử Triết Học và Các Luận Đề.
Học Viên: Đaminh Phan Văn Quỳnh, S.J.
Môn học: Triết Học Trung Cổ
Giáo sư: Lm. Phaolô Đậu Văn Hồng
[1] Allah, có khi người viết gọi Ngài bằng danh xưng Thiên Chúa.
[2] Averroes, Faith and Reason in Islam, Ibrahim Najjar dịch, (Oneworld Publications: 2014).
[3] Averroes, 17.
[4] Shari‘a trong tiếng A-rập cũng có thể được dịch là Luật (Law) hay Luật Thánh (Holy Law), hay Tôn giáo (Religion). Xem Averroes, 16.
[5] Averroes, 17.
[6] Averroes, 18.
[7] Averroes, 17.
[8] Averroes, 17.
[9] Averroes, 18-19.
[10] Kinh Qur’an: Trong những đoạn trích dẫn từ kinh Qur’an, người viết tham khảo bản Việt ngữ mang tựa đề Thánh Thư Koran, không rõ dịch giả là ai, (NXB Ahmadi: 1988).
[11] Averroes, 19-20.
[12] Averroes, 19-20.
[13] Averroes, 20.
[14] Averroes, 21.
[15] Averroes, 38.
[16] Averroes, 33.
[17] Averroes, 34.
[18] Averroes, 38.
[19] Stumpf, Samuel Enoch. Lịch sử triết học và các luận đề, Đỗ Văn Thuấn và Lưu Văn Hy dịch, (Hà Nội: NXB Lao Động, 2004), 149-152.