Dẫn nhập

Sách A-mốt là sách thứ ba trong bộ sách 12 ngôn sứ nhỏ. Sách có bố cục khá rõ gồm 4 phần:[1]

I. ÁN PHẠT TRÊN CÁC QUỐC GIA, TRONG ĐÓ CÓ ÍT-RA-EN (1,1 – 2,16)

II. NHỮNG LỜI CỦA ĐỨC CHÚA DÀNH CHO ÍT-RA-EN (3,1 – 6,14)

– Lời thứ nhất (3,1-15)

– Lời thứ hai (4,1-13)

– Lời thứ ba (5,1-9 ; trừ câu 5,7 chuyển xuống trước câu 5,10)

– Lời “khốn cho” thứ nhất (5,7-17)

– Lời “khốn cho” thứ hai (5,18-27)

– Lời “khốn cho” thứ ba (6,1-14)

III. NHỮNG THỊ KIẾN : LỜI ĐE DOẠ VÀ LỜI HỨA (7,1-9,8b)

– Thị kiến 1 : châu chấu (7,1-3)

– Thị kiến 2 : lửa (7,4-6)

– Thị kiến 3 : dây dọi (7,7-9)

– Cuộc đụng độ giữa A-mốt và A-mát-gia (7,10-17)

– Thị kiến 4 : giỏ trái cây mùa hạ (8,1-3)

– Chống bọn người gian lận và đầu cơ (8,4-14)

– Thị kiến 5 : Đền Thờ (9,1-10)

IV. LỜI KẾT : VIỄN TƯỢNG PHỤC HƯNG ĐẤT NƯỚC THỜI THIÊN SAI (9,11-15)

Phần chúng tôi phân tích trong bài viết này nằm trong phần I của sách. Cụ thể chúng tôi sẽ phân tích 2 câu đầu tiên trong Am 1,1-2 :“(1)Lời[2] của A-mốt[3]. Ông là một trong những người chăn cừu tại Tơ-cô-a, ông đã thấy thị kiến liên quan đến Ít-ra-en, dưới thời Út-di-gia làm vua nước Giu-đa, và Gia-róp-am – con vua Giô-át – làm vua nước Ít-ra-en, hai năm trước trận động đất. (2)Ông nói : Từ Xi-on, Đức Chúa gầm lên, và từ Giê-ru-sa-lem, Người lên tiếng ; đồng cỏ của mục tử nhuốm màu tang tóc, đỉnh núi Các-men nay đã héo tàn”.[4]

“Trong đoạn này, chúng tôi sẽ lần lượt phân tích từng yếu tố được đề cập trong hai câu trên. Qua phân tích này, chúng tôi muốn phác họa một phần nào đó chân dung của vị ngôn sứ A-mốt và nhất là để hiểu sứ điệp chính mà sách A-mốt diễn tả qua câu “Tựa đề” (câu 1) và câu “Khai đề” (câu 2) của sách. Đồng thời, chúng tôi sẽ rút ra vài điểm từ nội dung chính của sách để áp dụng vào đời sống đức tin của thời hiện tại.

Phân tích

Tựa đề

Những lời của A-mốt

Trong Am 1,1a, nhóm CGKPV đã chuyển dịch “những lời” thành “lời”. Trong tiếng Việt, “lời” và “những lời” không có phân biệt về ý nghĩa thần học. Sự so sánh Am 1,1 với các sách Gr 1,1 ; Cn 22, 17 & 30,1 & 31,1 và Gv 1,1 đã chỉ ra rằng lời của các người phàm thường được dùng ở hình thức số nhiều “những lời”. Cách chung, các sách ngôn sứ thường khởi đầu bằng “Lời Đức Chúa phán với…” (Hs 1,1 ; Ge 1,1 ; Mk 1,1 ; Xp 1,1 ; Ger 1,2). Trong tất cả các trường hợp này, “Lời của Đức Chúa” được dùng ở dạng số ít. [5]

Như vậy, Kinh Thánh Cựu Ước bản Do-thái thường trình bày “lời” ở số ít để ám chỉ về “lời của Đức Chúa” [6] và “những lời” [7] để nói về “những lời của A-mốt, Giê-rê-mi-a, A-gua, Lơ-mu-ên, Cô-he-lét-a,” vốn là những lời của con người. [8] Quả thật, tất cả những lời của các vị ngôn sứ, dùng ở số nhiều, dù vang lên trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, hướng đến những đối tượng khác nhau, truyền đạt nhiều nội dung và sứ điệp khác nhau đều là những lời truyền rao một Lời duy nhất của Đức Chúa.

Người chăn cừu

Ông A-mốt là một trong “những người chăn cừu”[9] ở vùng Tơ-cô-a. Câu này trình bày về nghề nghiệp và quê hương của ông A-mốt. Trước hết, về nghề nghiệp, có một chi tiết thú vị là từ ngữ “người chăn cừu”[10] trong câu này chỉ xuất hiện thêm một lần nữa trong sách các Vua quyền thứ II (2V 3, 4 : “Mê-sa, vua Mô-áp, là người nuôi chiên cừu”). Tại sao sách A-mốt lại dùng cùng từ ngữ chỉ nghề nghiệp của A-mốt cùng với nghề nghiệp của ông Mê-sa – vua Mô-áp vốn là một người giàu có? Thêm vào đó, trong sách, ông A-mốt có tố cáo tội của các nước Đa-mát, Ga-da và Phi-li-tinh, Tia và Phe-ni-xi, Ê-đôm, Am-môn, Mô-áp vốn là các nước láng giềng của Ít-ra-en. Nếu ông A-mốt chỉ là một người chăn cừu thuê thì ông không thể biết được tường tận tình hình các nước lân cận. Từ những dữ kiện ấy, có thể giả thiết rằng A-mốt có thể là một người thường xuyên có cơ hội đi qua lại các quốc gia này hoặc tiếp xúc với nhiều người đến từ các vùng lân cận. Quả thế, hầu chắc, ông A-mốt không phải là người chăn cừu thuê mà là người buôn bán lớn về cừu nên ông mới có điều kiện để đi nhiều, gặp nhiều và biết nhiều điều về các nước này. Thêm vào đó, khi tranh luận với A-mát-gia – tư tế đền thờ Bết-ên, ông A-mốt trả lời ông A-mát-gia rằng “Tôi không phải là ngôn sứ, cũng chẳng phải là người thuộc nhóm ngôn sứ. Tôi chỉ là người chăn nuôi súc vật[11] và chăm sóc cây sung. Chính Đức Chúa đã bắt lấy tôi khi tôi đi theo sau đàn vật, và Đức Chúa đã truyền cho tôi : “Hãy đi tuyên sấm cho Ít-ra-en dân Ta.” (Am 7, 14-15). Kế đến, về quê hương, A-mốt sinh sống tại vùng Tơ-cô-a vốn là một ngôi làng nhỏ của Giu-đa, ở phía Nam Bê-lem, cách Be-lem 8km và Giê-ru-sa-lem khoảng gần 20km (ngôi làng này được nhắc đến ở các sách : 2Sm 14, 2 ; Ger 6,1 và 2Sb 11, 6 & 20, 20).

Như vậy, với những dữ liệu trong sách, ta có thể hình dung ra rằng ông A-mốt có thể là một người thương gia buôn bán cừu vốn sống ở Tơ-cô-a đã được Đức Chúa chọn và được sai đi nói ngôn sứ ở phương Bắc.

Thị kiến

Trước tiên, khi trình bày về thị kiến, sách A-mốt dùng chủ ngữ ở ngôi thứ ba (Am 1,1: “Ông đã thấy thị kiến liên quan đến Ít-ra-en, dưới thời Út-di-gia làm vua nước Giu-đa, và Gia-róp-am – con vua Giô-át – làm vua nước Ít-ra-en, hai năm trước trận động đất.”). Trong khi đó, khi trình bày về thị kiến của các ngôn sứ I-sai-a (1Is 6,1 : “ …tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao…”), Giê-rê-mi-a ( Gr 1,4: “Có lời Đức Chúa phán với tôi rằng.”), Ê-dê-ki-en ( Ed 1,1: “Tôi nhìn thấy thị kiến Thiên Chúa cho xem.”) và I-sai-a II (2Is 6,1: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa thượng ngự trên tôi…”) các sách này lại miêu tả thị kiến ở ngôi thứ nhất. Thêm vào đó, về khía cạnh văn chương, khi trình bày về ơn gọi của ông A-mốt, sách A-mốt không có cùng cấu trúc như các sách miêu tả về trình thuật về ơn gọi của các ông I-sai-a, Giê-rê-mi-a, Ê-dê-ki-en và I-sai-a II.[12] Một cách rất giản dị, ông A-mốt kể về ơn gọi ngôn sứ của mình như một chuyện xảy ra ngoài ý muốn của ông và ông nhận mình không phải là ngôn sứ hoặc là người thuộc nhóm ngôn sứ.

Như vậy, rất có thể vì ông không làm “nghề” ngôn sứ chuyên nghiệp nên việc ông thấy thị kiến và việc ông được Đức Chúa chọn cũng được miêu tả bằng lối văn chương khác so với các ngôn sứ “chuyên nghiệp”. Có thể với cách nói dùng chủ ngữ ở ngôi thứ ba, sách muốn cho thấy rằng ông A-mốt là một người có uy tín trong dân nên ông được người ta nhớ rất rõ biến cố ông thấy thị kiến hoặc sách muốn khách quan biến cố ông thấy thị kiến hòng để khẳng định tính chân thực của thị kiến này.

Kế đến, cách sắp xếp thứ tự của các vua trong thị kiến của ông cũng khá đặc biệt. Sách A-mốt đặt tên của vua miền Nam trước tên của vua miền Bắc. Ngoài ra, trong sách ta cũng thấy sách kể tội của miền Nam (Am 2,4-5) trước miền Bắc (Am 2,6-16). Qua cách sắp xếp này của sách, ta có thể đưa ra hai giả thuyết : Thứ nhất, những lời trong (Am 1,1) được những người phương Nam soạn nên đã nhắc tới tên của vua miền Nam trước tên của vua miền Bắc với ngụ ý là họ tôn trọng Vua miền Nam hơn vua miền Bắc. Thứ hai trong việc kể tội, “thị kiến liên quan đến Ít-ra-en” muốn ám chỉ đến cả miền Nam lẫn miền Bắc giống như thời Ít-ra-en chưa bị chia hai.

Nếu chỉ dựa vào những dữ kiện trong sách, ta có thể hình dung ra rằng ngôn sứ A-mốt hoạt động dưới thời vua Gia-rop-am II (787-747) của nước Ít-ra-en và vua Út-di-gia làm vua Giu-đa khoảng 781-740 trước công nguyên. Dưới thời trị vì của hai vị vua này, hai vương quốc Bắc và Nam đang đạt tới đỉnh cao của sự thịnh vượng (2Sb 26 và 2V 14,25). Lúc đó Át-sua chưa nổi lên như là một sức mạnh thống trị thế giới. Ý tưởng về sự sụp đổ của vương quốc sắp xảy ra là điều mà dân Ít-ra-en không thể tin nổi (Am 6,1-13). Tất cả những gì họ nghĩ lúc đó là hưởng thụ và vui chơi (Am 2,6-8; 5,11-12; 6,4-6). Thiên Chúa cố gắng tạo cho dân Ngài cảm thức về sự nguy hiểm cận kề nên Ngài gởi hai nhân chứng Hô-sê và A-mốt. Quả thật, khối tài sản giàu có của Ít-ra-en hầu như trong tay các quan chức nhà vua, các tướng lãnh quân đội, các chủ nhân tai to mặt lớn, các thương gia và những người cho vay lấy nặng lãi. Ngược lại, bên cạnh họ là những người thường dân khốn khổ, những người dân thường bị họ khai thác bóc lột không chút xót thương.[13] Sách A-mốt đã miêu tả về tình cảnh này rằng : “Biệt thự mùa đông, biệt thự mùa hè, Ta sẽ triệt phá ; điện ngọc đền ngà sẽ sụp đổ, lâu đài dinh thự cũng tan hoang”[14] ; “Hãy nghe lời này, hỡi các mụ bò cái xứ Ba-san trên vùng núi Sa-ma-ri ! Các ngươi ngược đãi kẻ yếu hèn, chà đạp người nghèo đói, và bảo các ông chồng của mình : Đem rượu lại đây cho ta uống !”[15] ; “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. Các ngươi thầm nghĩ : Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa ; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra ? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm ; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ.Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.”[16] Trước tình cảnh khốn khổ và phải chịu nhiều bất công của những người nghèo, ngôn sứ A-mốt đã dùng những lời nói thẳng thắn và giàu hình ảnh thực tế, để lên án những thành phần giàu có trong xã hội . Trước hết, ông lên án các quan tòa. Ông chỉ trích họ đã “bán người công chính để lấy tiền, bán kẻ nghèo khổ với giá một đôi giày”[17]. Kế đến, ông vạch trần kiểu sống vô luân của những người chủ đối với những người nô lệ : “Vì cả con lẫn cha đi lại với cùng một ả”[18]. Ông đã lên tiếng bảo vệ những người phụ nữ ở giai cấp nô lệ vốn bị coi như món đồ chơi giải trí cho đàn ông. Tiếp theo, ông chỉ cho thấy sự vô tâm của những kẻ làm nghề cầm đồ, những kẻ cho vay lấy lời không biết xót thương. Họ vừa đối xử bất công với người nghèo và vừa bất trung với Thiên Chúa. Những gì tước đoạt nơi người cùng khổ lại được đem hưởng thụ trước mặt Đức Chúa, Ngài bị coi như ngẫu tượng.[19] Quả thật, căn cứ theo luật trong (x. Xh 22,26 ; Đnl 24,12-13), nếu người mắc nợ không có gì để trả thì có thể giữ quần áo làm vật thế chân, nhưng phải trả lại cho chủ nó trước khi đêm về. Có thể người ta phải nộp phạt bằng rượu thay vì bằng tiền. Nhưng điều làm ông giận nhất chính là lối sống hưởng thụ xa hoa của giới quý tộc, trong khi nông dân và thợ thủ công thì chết vì nghèo khổ.[20] Cuối cùng, ông lên án bọn người kinh doanh gian lận và đầu cơ vì họ đã buôn gian bán thiếu và chèn ép những người nghèo.[21] Có thể trong tất cả các ngôn sứ, không vị nào lên án những bất công xã hội với lời lẽ mạnh mẽ và giàu hình ảnh cho bằng ngôn sứ A-mốt.

Như vậy, với những chi tiết về bối cảnh xã hội trên, độc giả cũng có thể hình dung ra rằng khi toàn Ít-ra-en và Giu-đa đang tận hưởng thanh bình, ngôn sứ A-mốt lại lên tiếng báo trước về một tương lai đen tối của dân tộc mà có thể người thời đó không ai ngờ tới. Sau này, khi đọc lại kinh nghiệm đã qua dưới lăng kính của đức tin, toàn dân mới nghiệm thấy rằng những lời của A-mốt đã được ứng nghiệm. Rất có thể, biến cố về một trận động đất nào đó đã khiến người ta thức tỉnh và bắt đầu nhớ lại và ghi ra những sứ điệp mà A-mốt đã từng loan báo.

Hai năm trước trận động đất

Cụm từ “hai năm trước trận động đất” có thể cho người độc giả thiết rằng những lời tiên báo của ông A-mốt cách trận động đất hai năm đã thành hiện thực. Ngoài ra, chi tiết này cũng có thể giả thiết đóng khung sứ vụ của ông A-mốt diễn ra trong khoảng gần 2 năm. Tuy nhiên, có phải là ông A-mốt đã từng dự báo sẽ có trận động đất này hay không? Trong sách A-mốt, qua một số chi tiết, người đọc có thể dễ liên hệ đến một trận động đất ví như “ngày của Đức Chúa” (Am 5, 18-20 : “… Ngày đó sẽ là tối tăm…Ngày âm u, không một tia sáng nào !”). Rất có thể, một truyền thống nào đó đã hiểu những mô tả về ngày của Đức Chúa mà sách A-mốt mô tả giống như là một trận động đất. Cách đặc biệt, trong các chỗ khác, sách A-mốt có đề cập đến các rung chuyển của đất (Am 8,8 : “ …mặt đất rung chuyển…Cả mặt đất dâng lên như thể sông Nin…” và Am 9,5 : “…Người chạm đến địa cầu là địa cầu rung chuyển…” Ngày nay, với sự hỗ trợ của ngành khảo cổ học, người ta phỏng đoán rằng vào khoảng năm 750 trước Công nguyên, thời ngôn sứ A-mốt đã từng có một trận động đất lớn và cuộc động đất này có ảnh hưởng đến nền văn chương Do Thái.[22] Sau sách A-mốt mấy thế kỷ, sách Da-ca-ri-a vẫn nhắc lại biến cố này : “Các ngươi sẽ chạy trốn qua thung lũng giữa các núi của Ta, vì thung lũng giữa các núi chạy dài tới A-xan. Các ngươi sẽ trốn thoát như đã trốn thoát cơn động đất thời Út-di-gia d làm vua nước Giu-đa. Rồi Đức Chúa, Thiên Chúa của tôi, sẽ đến, cùng với toàn thể các thánh của Người.” (Dcr 15, 5). Tuy nhiên nếu dựa vào các mô tả trong sách Da-ca-ri-a để chứng minh rằng trận động đất trong sách A-mốt là có thật thì ta đang lập luận theo kiểu lập luận vòng quanh.

Như vậy, trận động đất có thể đã từng xảy ra sau hai năm kể từ thời điểm ông A-mốt nói những tuyên sấm cho Ít-ra-en[23]. Trận động đất này có thể chỉ là sự trùng hợp và không liên quan gì đến những hình ảnh về cơn thịnh nộ của Đức Chúa mà sách A-mốt tiên báo. Tuy nhiên, có thể qua biến cố động đất, dân Ít-ra-en và Giu-đa đã không coi nó đơn thuần là một hiện tượng thiên tai nhưng là một án phạt mà Đức Chúa dành cho họ.

Khai đề

Về mặt văn chương, phần Khai Đề[24] có cấu trúc như sau :

Từ Xi-on,(A) ———— Đức Chúa gầm lên (B)

Từ Giê-ru-sa-lem,(A’) ———— Người lên tiếng(B’)

Đồng cỏ của mục tử(A) ———— nhuốm màu tang tóc(B)

Đỉnh núi Các-men(A’) ———— nay đã héo tàn(B’)

Như thế, phần Khai Đề là một bài thơ với những yếu tố văn chương song đối rất rõ. Trước hết, Xi-on và Giê-ru-sa-lem là những nơi cụ thể biểu tượng cho sự thánh thiêng và uy quyền của Đức Chúa và từ đó Đức Chúa đã truyền đi thông điệp của Ngài cho toàn dân ví như một ông vua khi ban hành một tuyến bố quan trọng thường tuyên bố từ trên ngai vàng. Kế đến, đồng cỏ của mục tử và đỉnh núi Các-men diễn tả cảnh thái bình thịnh vượng của đất nước vốn là niềm tự hào của dân thì nay sẽ trở nên tang tóc và héo tàn.

Xi-on và Giê-ru-sa-lem

Xi-on là thành Chúa yêu chuộng nhất trong những nơi của dòng họ Gia-cóp (Tv 87, 2-3). Từ “xi-on” xuất hiện hơn 150 lần trong Kinh thánh, về cơ bản có nghĩa là “chiến lũy”. Trong Kinh thánh, Xi-on là thành Đa-vít và cũng là thành của Đức Chúa. Trải qua dòng thời gian lịch sử của Kinh thánh, từ “Xi-on” chuyển ý nghĩa từ một thành phố vật chất đến một ý nghĩa chỉ nơi thánh thiêng của Thiên Chúa.

Theo sách 2Sm 5, 7, Xi-on ban đầu là tên pháo đài của người Giơ-vút cổ xưa trong thành Giê-ru-sa-lem. Quả thật Xi-on không chỉ tượng trưng như là một pháo đài mà còn là một thành phố ở trong một pháo đài vững chắc. Sau khi Đa-vít chiếm đóng “pháo đài Xi-on” thì Xi-on được gọi là “thành của vua Đa-vít” (1V8,1; 1Sb 11,5 ; 2Sb 5,2).

Khi vua Sa-lô-môn xây Đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, Xi-on được mở rộng ra để bao gồm cả đền thờ và khu vực xung quanh nó (Tv 2,6; 48,2; 11-12; 132,13). Cuối cùng là Xi-on còn được sử dụng như là tên của thành Giê-ru-sa-lem, vùng đất của Giu-đa, và dân Ít-ra-en nói chung (Is 40,9 ; Gr 31,12; Dcr 9,13). Ý nghĩa quan trọng nhất của từ “Xi-on” là ý nghĩa thần học của nó. Dân Ít-ra-en được ví như là Xi-on của Đức Chúa (Is 60,14). Sau này, trong Tân Ước, Xi-on ám chỉ về vương quốc thiêng liêng của Thiên Chúa hay Giê-ru-sa-lem trên trời (Hr 12, 22; Kh14,1). Phê-rô ám chỉ Đức Ki-tô như là đá góc tường của nhà Xi-on (1Pr 2,6: “Quả thật, có lời Kinh Thánh chép : Này đây Ta đặt tại Xi-on một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường : kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng.”)

Như thế, sách A-mốt trình bày Đức Chúa truyền lời sấm của Ngài ở một nơi rất quan trọng “Xi-on và Giê-ru-sa-em”. Yếu tố này cho thấy lời sấm của Thiên Chúa là lời rất quan trọng và dân Ngài sẽ phải biết và làm theo. Tuy nhiên, tiếc thay dân thánh của Đức Chúa lại cố tình không nghe biết dù Đức Chúa đã “gầm lên”.

Đức Chúa gầm lên

Ngoài sách A-mốt ra, lối nói tương tự như thế này cũng được tìm thấy trong các sách Xh 19,16 : “Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Mô-sê nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm.” ; Gr 25,30 : “Từ trên cao Đức Chúa rống lên, từ thánh điện của Người, Người lên tiếng, Người rống lên vang dội để kết án lãnh địa của Người…” và G 37,3-4 : “Khắp chín tầng trời, Người khiến sấm ầm vang và cho chớp loé cả mười phương đất. Phía sau Người, một tiếng gầm vang dội, Người nổi sấm, dõng dạc oai hùng.” Động từ “gầm lên” thường được người ta dùng để tả về cho con sư tử khi nó muốn khẳng định sự hiện diện của nó trước những con vật khác. Trong sách Sáng thế, sư tử con là biểu tượng ám chỉ đến Giu-đa (St 49,9 : “Giu-đa là sư tử con. Con ơi, săn mồi xong con lại trở về. Nó quỳ xuống, nằm phục như sư tử và như sư tử cái : ai sẽ làm cho nó đứng dậy ?”) Ngai vàng của vua Sa-lô-môn cũng được trang trí bằng các con sư tử (1V10,19-20 : “Ngai có sáu cấp, phần trên của lưng ngai thì tròn; hai bên chỗ ngồi có tay tựa, đứng sát tay tựa là hai con sư tử, và mười hai con sư tử đứng trên sáu cấp ở hai bên. Chẳng vương quốc nào làm được như thế.”). Ngoài ra một cơn giận của vua Sa-lô-môn còn được ví như “tiếng gầm sư tử” (Cn19,12). Quả là rất thích hợp để sách A-mốt khẳng định Đức Chúa như “sư tử mẹ” của Ít-ra-en. Người là Đấng uy quyền nhất thiết lập luật trên Núi thánh Xi-on. Ngôn sứ A-mốt là người miền Nam đi ra miền Bắc để tuyên sấm về ngày tàn của Ít-ra-en. Ở Ít-ra-en lúc bấy giờ, các tư tế, các ngôn sứ và toàn dân đang tưởng rằng Đức Chúa đang hài lòng về họ và họ ước mong ngày của Chúa sẽ đến (Am 5,18, 21-23 : “Lễ lạt của các ngươi, Ta chán ghét khinh thường ; hội hè của các ngươi, Ta chẳng hề thích thú. Các ngươi có dâng lên Ta của lễ toàn thiêu…những lễ vật của các ngươi, Ta không vui nhận, chiên bò béo tốt các ngươi đem hiến tế, Ta chẳng đoái hoài. Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của ngươi, Ta không muốn nghe tiếng đàn của ngươi nữa.”). Quả thực trước ngôn sứ A-mốt, các ngôn sứ ở miền Bắc như E-li-a, Ê-li-sa và các con cái của các ngôn sứ không bao giờ tán thành việc liên minh tôn giáo với các thần ngoại bang như thần Ba-an mà vua Gia-róp-am I đã chủ trương lập các đền thờ trên núi để thờ kể từ khi 10 chi tộc tách khỏi nhà Đa-vít.

“Tiếng gầm” của Đức Chúa từ thành thánh Giê-ru-sa-lem có thể ngụ ý rằng Thiên Chúa sẽ xét xử tất cả những nơi trung tâm thờ các thần ngoại vốn lẽ ra phải là nơi để thờ phượng Thiên Chúa.[25] Như vậy khi dùng từ này cho Đức Chúa, sách A-mốt muốn cho thấy rằng Đức Chúa đang bừng cơn thịnh nộ và đe doạ đoán phạt. Ngoài ra ta cũng có thể hiểu theo nghĩa Đức Chúa muốn khẳng định uy thế của Ngài giữa bao vị thần khác mà dân Ít-ra-en đang tôn thờ.

Đồng cỏ của mục tử và Đỉnh Các-men

Trong ngày ấy, Đức Chúa sẽ làm cho “đồng cỏ của mục tử nhuốm màu tang tóc và đỉnh núi Các-men nay đã héo tàn”. Hình ảnh đồng cỏ của mục tử và đỉnh núi Các-men là hình ảnh thể hiện sự thái bình thịnh vượng của vùng phương Bắc. Cách cụ thể, đỉnh núi Các-men một trong những vùng đất màu mỡ nhất của xứ Pa-lét-tin. Ở đó, tiên tri Ê-li-a có thể thỉnh thoảng ở trong một hang động trên núi này. Trong sách các Vua (1V18,22-39), ông Ê-li-a thách thức 450 tiên tri của thần Ba-al tới tranh cãi ở bàn thờ trên núi Các-men để xác định xem vị Chúa nào đích thực kiểm soát vương quốc Israel. Các tiên tri của thần Ba-an kêu cầu thất bại, thì tiên tri Ê-li-a đã kêu cầu Chúa của mình khiến lửa từ trời xuống đốt cháy một con bò trên đống củi đẫm nước. Sau khi đốt cháy hy lễ, các đám mây tụ lại, bầu trời đen ngòm rồi mưa đổ xuống xối xả, chấm dứt kỳ hạn hán kéo dài. Kể từ đó trở đi, đỉnh Các-men có thể được coi là nơi mà Đức Chúa thể hiện vinh quang và uy quyền của Ngài vượt trên hết các thần của các dân. Nói cách khác, dân coi đỉnh Các-men là nơi thánh để thờ phượng Đức Chúa. Tuy nhiên, nếu như xưa kia đỉnh Các-men “tươi xanh” thế nào thì nay nó sẽ bị “héo tàn” vì nó đã bị biến thành nơi thờ các thần khác. Đức Chúa thấy buồn lòng nên Ngài sẽ ra tay phạt dân Ngài.

Tóm lại, có thể nói rằng từ khoá trong sách A-mốt là sự phán xét Ít-ra-en. Sự phán xét sẽ đến với Ít-ra-en bởi vì sự thánh thiện của Thiên Chúa và tội lỗi cuả dân Giao ước. Phần Khai Đề là bản tóm lược tất cả sứ điệp của sách A-mốt. Qua câu Khai Đề, sách muốn nói rằng chỉ có ngôn sứ A-mốt nghe được lời Thiên Chúa trong khi không ai nghe thấy Ngài. Đồng thời sách cũng báo trước một cảnh điêu tàn của Ít-ra-en.

Suy tư về tựa đề sách A-mốt dưới góc nhìn của thời nay

Cách chung, các sách ngôn sứ vào thời khoảng thế kỷ VIII trước công nguyên thường có cung giọng lên án và chỉ trích. Chắc hẳn thời nào cũng thế, khi đọc sách ngôn sứ A-mốt, người đọc có thể cảm thấy “mùi vị” vừa đả kích vừa khích lệ trong toàn bộ 9 chương của quyển sách này. Cách đặc biệt, trong hai câu tựa đề của sách này, tư tưởng thần học diễn tả Đức Chúa là Đấng thưởng phạt rất nghiêm minh được thể hiện rất rõ.

Tuy nhiên, Đức Chúa không phải như một vị quan tòa chỉ lo chuyện “xét xử” tội phạm. Quả thật, hình ảnh “Đức Chúa gầm lên” chính là hình ảnh ẩn dụ diễn tả Ngài như một “sư tử mẹ” luôn đồng hành cùng với “sư tử con” là toàn thể dân thánh của Ngài ở cả hai vương quốc Bắc và Nam.

Thiên Chúa là Chúa của lịch sử. Cách cụ thể Thiên Chúa tự mạc khải chính Ngài trong dòng lịch sử của dân It-ra-en[26]. Tùy vào bối cảnh lịch sử của dân tộc này, Thiên Chúa luôn gởi đến những thông điệp vừa có tính riêng nhưng cũng là chung cho toàn nhân loại. Quả thật thời nào cũng thế, nhân loại luôn phải đối diện với những vấn nạn đặc thù của từng thời. Một trong những vấn nạn muôn thuở của con người đó là sự bất công trong mọi xã hội. Cũng vậy, hơn bao giờ hết, thời hậu hiện đại ngày nay đang đặt ra những vấn nạn mới của tình trạng bất công xã hội. Cách chung, lời của A-mốt là một chất vấn cho Giáo Hội Công giáo trong căn tính ngôn sứ của mình, nhất là trong việc can đảm lên tiếng bảo vệ những người nghèo và kiên trì để đối thoại với các bên liên quan (các chính phủ, các tổ chức xã hội, các tập đoàn và các công ty…) hòng có thể tìm ra các giải pháp phát triển toàn diện và bền vững cho người nghèo. Cách riêng, đất nước Việt Nam chưa bao giờ con người làm ra nhiều của cải vật chất như bây giờ, nhưng cũng vì thế mà khoảng cách giàu nghèo càng gia tăng. Người nghèo càng ngày càng trở nên những đối tượng dễ bị lợi dụng và bị điều khiển. Đứng trước những thực tế khó khăn và phức tạp trong việc giúp người nghèo thăng tiến vật chất, tinh thần và tâm linh, những lời trong sách A-mốt có thể là lời gợi hứng cho mọi thành phần trong Giáo Hội Công giáo Việt Nam.

Quả thật, những lời ngôn sứ trong sách A-mốt sẽ rất khó nghe đối với những ai vốn đang coi người nghèo là phương tiện để họ trục lợi. Về phương diện cá nhân là một tu sĩ, để áp dụng tinh thần của sách A-mốt, tôi thiết nghĩ cá nhân tôi cần xác định rằng tôi đặt mình đứng về phía người nghèo và những kẻ bị áp bức để lên tiếng tố tội những ai đang ức hiếp những người nghèo. Rất có thể, khi lên tiếng chống lại những chính sách hay hành động của các thành phần đang ức hiếp người nghèo, tôi có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hoặc nguy hiểm. Tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam, người ngôn sứ thời nay luôn được mời gọi dấn thân cho người nghèo trong những việc : chỉ ra đâu là những cơ chế bất công vốn đang chèn ép những người nghèo ; cộng tác với mọi thành phần khác trong xã hội để lên tiếng bảo vệ những quyền lợi chính đáng trong kinh tế và đời sống của những người nghèo ; lên kế hoạch và thực hiện những phong trào để giúp những người nghèo trong những tình huống cấp bách, ví dụ gần đây các giáo xứ có chương trình “ Giải cứu dưa hấu, thanh long, khoai lang…” để giúp những nhà nông bán các sản phẩm với giá đúng với công sức mà họ đã bỏ ra ; vận động để xây dựng các quĩ nhằm giúp về học tập và y tế cho người nghèo.

Tựu trung lại, qua những gợi hứng của phần Tựa Đề và Khai Đề, bản thân tôi đọc sách A-mốt với cái nhìn của tình thương hơn là lên án những thói hư tật xấu của dân thời đó. Nói cho cùng, mọi tội của dân mà ông A-mốt lên án đều quy về nguyên nhân sâu xa nhất là dân phạm tội với Đức Chúa, không trung thành với Giao ước và chống lại con người. Những tội này ngày nay vẫn đang tồn tại nơi nơi. Như trước kia điều trên hết mà A-mốt đòi hỏi là dân phải trở về với Đức Chúa, sống theo sự chỉ dẫn của Ngài (5,4-7) thì ngày nay khi tôi đọc sách A-mốt, tôi cũng được mời gọi như vậy. Cái hay của A-mốt là ông vẫn tin tưởng vào tương lai là dân được cứu độ, dù chỉ là “số sót” (9,7-15).

Học Viên: Cornelius Đinh Chí Thiện, S.J.,
Lớp Thần học I – Năm học 2018-2019
Bộ môn : Các Ngôn Sứ
Giáo sư: Giuse-Maria Cao Gia An, S.J.,


[1] Nhóm phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ, Các Sách Ngôn Sứ,  trang 701.

[2] yrEäb.DI (dibrê, từ gốc từ: d®b¹rîm) = lo,goi(logoi) = The words = những lời

[3] עָמוֹס (aymos) là tên gọi tiếng Do thái của ông “A-mốt” =  tên ông có nghĩa là “được Thiên Chúa mang lấy ”.(x. Jonan Comay and Ronald Brownrigg, Who’s who in the Bible. New York : Barnes & Nobble Books, 1971, 51.

[4] Nhóm phiên dịch CGKPV, Các sách Ngôn Sứ, trang 703

[5] rb’D’ (d¹b¹r)

[6] “Lời Chúa là đèn soi cho chúng ta bước, là ánh sáng chỉ đường chúng ta đi” (x. Tv 118, 105)

[7] Lời trong ngôn ngữ Sê-mít còn có nghĩa là sự việc, biến cố và hành động (x. Gr 1,1 và Gr 7, 27)

[8] Cũng có những chỗ khác chẳng hạn St 30,34 : “Được, thì cứ như lời con nói”. Lời đây là lời của Gia-cóp, được dùng ở sốt ít! Trong khi đó G 42,7: “Sau khi [Đức Chúa] nói những lời ấy (số nhiều) với ông Gióp”

[9] ~ydIÞq.NO ( nōqedim) = nakkarim (nakkarim) = the sheep-dealers = những người buôn bán cừu

[10] Từ Do-thái được sử dụng ở đây “נֹּקֵד” (nōqēd) là một từ khác thường. Thông thường, để chỉ về người chăn cừu hay chăn chiên, từ thường dùng là “rō’eh” (St 4, 2 ; 26, 9 ; 29, 9 ; Xh 3,1 ; Tv 78, 70-72)

[11] rqEïAb = o` aivpo,loj = “a goatherd” nghĩa là người chăn dê, hoặc “a herdsman” nghĩa là người chăn gia súc

[12] Trình thuật về ơn gọi của các ông này có chung một cấu trúc văn chương vốn có sáu yếu tố : 1.Cuộc gặp thần linh; 2. Lời giới thiệu; 3. Sứ mạng; 4. Sự từ chối; 5.Sự an ủi; 6.Dấu chỉ (X. Habel, Norm, “The Form and Significance of the Call Narratives.”  ZAW 77 (1965): 297-323.)

[13] John Bright, A History of Israel, (SCM Press LTD, 1960), 241

[14] Am 3, 15

[15] Am 4, 1

[16] Am 8, 4-6

[17] Am 2, 6

[18] Am 2, 7

[19] x.Am 2, 8

[20] x.Am 4, 1

[21] x.Am 8, 4-6

[22] x. Steven A. Austin, Greatest Earthquakes of the Bible, 01/01/2010 <http://www.icr.org/article/greatest-earthquakes-bible/ truy cập ngày 05 tháng 3 năm 2019.

[23] x.Am 7, 15-16

[24] x. Am 1, 2

[25] Guenther, Allen R., Hosea, Amos Believers Church Bible Commentary, (Herald Press, 1998), 238-240.

[26] Dân It-ra-en được dùng để chỉ toàn bộ 12 chi tộc chứ không phải chỉ riêng vương quốc phía Bắc vào thời Bắc Nam chia hai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *