Bài đọc tuần này cũng đến từ cùng phần với 2 Tm ở tuần trước (1:16-2:13), vì thế các nhà thuyết giảng phải đọc bản văn này trong bối cảnh của nó. Nếu họ làm như vậy, họ sẽ thấy rằng ngay trước bài đọc này, thánh Phao-lô kêu gọi Ti-mô-thê phó thác vào điều anh đã nghe từ thánh Phao-lô khi ngài nói với các tín hữu để họ cũng sẽ có thể dạy dỗ người khác (2:2). Sau đó, thánh Phao-lô lặp lại điệp khúc được tìm thấy ở bài đọc tuần trước, “hãy đồng lao cộng khổ với tôi như một người lính giỏi của Đức Ki-tô Giê-su” (2:3, xem 1:8).

Sau khi kêu gọi Ti-mô-thê như thế, thánh Phao-lô nhắc đến tin mừng mà vì nó ngài phải chịu đau khổ. Đó là tin mừng về Đức Ki-tô Giê-su, thuộc dòng dõi của vua Đa-vít, người đã trỗi dậy từ cõi chết. Chỉ vì đã trung thành với tin mừng, thánh Phao-lô đã phải chịu xiềng xích như một tên gian phi. Tuy nhiên, những xiềng xích ấy không làm ngài thoái chí, cũng chẳng làm Ti-mô-thê phải ngã quỵ. Bởi vì, dù các thừa tác viên của tin mừng có bị xiềng xích, thì Lời của Thiên Chúa cũng không thể nào bị xích xiềng.

Chính ở điểm này mà thánh Phao-lô đã giới thiệu một trong những lời đáng tin cậy nhất vốn diễn ra xuyên suốt Các-Thư-Mục-Vụ. Lời ấy gồm bốn khổ, trong đó khổ thứ bốn đã phá bỏ mẫu thức được thiết lập nơi ba đoạn đầu.

Nếu ta cùng chết với Người,
ta sẽ cùng sống với Người.
Nếu ta kiên tâm chịu đựng,
ta sẽ cùng hiển trị với Người.
Nếu ta chối bỏ Người,
Người cũng sẽ chối bỏ ta.
Nếu ta không trung tín,
Người vẫn một lòng trung tín,
vì Người không thể nào chối bỏ chính mình. (2:11-13)

Hai khổ đầu hứa hẹn một sự đáp đền cho các tín hữu biết sống theo một cách thức cụ thể: nếu họ chết với Đức Ki-tô, họ sẽ cùng sống với người; nếu họ kiên tâm chịu đựng, họ sẽ cùng hiển trị với Người. Tiếp đó, khổ thứ ba nói đến một cảnh báo khắc khe: Đức Ki-tô sẽ chối bỏ những ai chối bỏ người. Tuy nhiên, khổ thứ tư lại phá bỏ mẫu thức này. Theo đó, thánh Phao-lô không nói rằng nếu chúng ta bất tín với Đức Ki-tô, Người cũng sẽ bất tín với chúng ta. Vì nếu Đức Ki-tô bất tín, ngài cũng sẽ chối bỏ chính ngài. Chung cục, thánh Phao-lô kết luận rằng Đức Ki-tô vẫn trung tín dù cho chúng ta bất trung. Sự tín trung là đặc tính thiết yếu của Đức Ki-tô, đấng mà thánh Phao-lô rao giảng.

Ai sử dụng bản văn này để giảng lễ có thể tập trung vào lời nói trung tín ấy, đặc biệt là vào kết cục khó hiểu của nó khi nó nói về sự trung tín của Đức Ki-tô. Hầu hết tất cả mọi người có thể ngay lập tức hiểu được ba khổ đầu, nhưng nhiều người sẽ bị bối rối bởi khổ cuối: nếu chúng ta bất tín, Đức Ki-tô sẽ vẫn trung tín. Khổ cuối này, vốn có hình thức quá khác biệt so với ba khổ trước, là một cơ hội để nói về sự trung tín mà Đức ki-tô dành cho Cha của ngài và dành cho chúng ta. Quan trọng nhất là nó cho các tín hữu một lý do sâu xa để giữ lòng trung tín của họ với Người Con tín trung của Thiên Chúa.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 169 – 170.