Bản văn này đến từ một mục trong 2 Tm trong đó thánh Phao-lô kêu gọi người trợ tá trẻ tuổi của ngài cùng chia sẻ với ngài nỗi khó nhọc mà Tin Mừng đòi hỏi (1:6–2: 13). Bởi vì bài đọc tuần tới đến từ những câu cuối của mục này (2:8-13), các nhà giảng thuyết nên phản tỉnh hết mục này, dù họ có chọn giảng từ bản văn của tuần này hay không.

Bản văn của tuần này được sắp ngay sau lá thư chào hỏi và tạ ơn (1:1-5) trong đó thánh Phao-lô nhắc nhớ đức tin chân thành của mẹ và bà nội của Ti-mô-thê, một đức tin mà ngài tin rằng giờ đây cũng đang sống động nơi Ti-mô-thê. Thánh Phao-lô đang bị bỏ tù ở Rô-ma (1:17) vì Tin Mừng (1:8). Gần như tất cả mọi đều bỏ rơi ngài (1:15; 4:16), và giờ đây ngài bị xiềng xích như thể ngài là một tên tội phạm (2:9). Lo rằng Ti-mô-thê có thể nản chí, thánh Phao-lô kêu gọi anh “hãy khơi dậy” (1:6) ân sủng anh đã nhận được khi thánh Phao-lô đặt tay trên anh.

Qua việc đặt tay trên Ti-mô-thê, thánh Phao-lô phong chức cho anh để anh phục vụ tin mừng và ủy thác cho anh giáo huấn lành mạnh vốn cần thiết cho ơn cứu độ mà giờ đây đang bị các thầy dạy giả hiệu tấn công. Thánh Phao-lô có vẻ lo sợ rằng Ti-mô-thê sẽ xấu hổ vì ngài và vì tin mừng anh nhận được từ ngài trong hoàn cảnh ô nhục như thế. Cho nên, ngài kêu gọi Ti-mô-thê chia sẻ với ngài nỗi khó nhọc mà Tin Mừng đòi hỏi (1:8–2:3). Giống như thánh Phao-lô đã chịu đau khổ vì tin mừng, thì Ti-mô-thê phải sẵn sàng để làm điều tương tự.

Thật không may khi Bài đọc bỏ các câu 9-12 bởi vì chúng làm sáng tỏ điều thánh Phao-lô muốn nói qua tin mừng: đó là, Thiên Chúa đã kêu gọi chúng ta đến một đời sống thánh thiện không phải nhờ vào các việc chúng ta làm nhưng nhờ vào ý định của ngài và vào ân sủng được ban cho chúng ta trong Đức Ki-tô Giê-su từ thuở đời đời (1:9). Ân sủng và ý định ấy đã được tỏ lộ trong Đức Ki-tô Giê-su đấng đã tiêu diệt thần chết và mang lại sự sống và bất tử thông qua tin mừng. Đó không phải là điều mà thánh Phao-lô phải chịu đau khổ. Bởi vì đó là kế hoạch và ân sủng của Thiên Chúa, thánh Phao-lô không xấu hổ vì tin mừng, và Ti-mô-thê phải sẵn sàng để chia sẻ với ngài nỗi khó nhọc mà Tin Mừng đòi hỏi.

Nếu Ti-mô-thê có bất cứ nghi vấn gì về cách cư xử cần có, anh phải nhận “giáo lý tốt đẹp” (1:13) anh nghe được từ thánh Phao-lô làm nguyên tắc sống cho riêng mình. Giáo lý tốt đẹp này là “lòng tin phong phú” mà Ti-mô-thê phải bảo vệ (1:14), và vì nó mà anh phải sẵn sàng chịu đau khổ. Để đảm bảo rằng giáo lý tốt đẹp này sẽ được truyền trao cho thế hệ tiếp nối, Ti-mô-thê cũng phải ủy thác giáo lý này “cho tín hữu vốn sẽ có khả năng dạy dỗ người khác” (2:2).

Bài đọc cho Chúa Nhật tuần này đề nghị nhiều chủ đề liên quan với nhau: chia sẻ với người khác nỗi khó nhọc mà Tin Mừng đòi hỏi, không xấu hổ vì tin mừng, giữ gìn giáo lý lành mạnh của tin mừng vốn được ủy thác cho Giáo Hội. Tùy vào bối cảnh của cộng đoàn mà nhà giảng thuyết sẽ lựa chọn chủ đề cho phù hợp. Ví dụ, nhà giảng thuyết có thể nhắc một cộng đoàn mà có lối sống quá thoải mái với thế giới rằng lời chứng đích thật cho tin mừng đòi hỏi sự khó nhọc, và cộng đoàn không thể nào thỏa hiệp kho tàng phong phú của giáo lý lành mạnh vốn được ủy thác cho nó. Dù chọn chủ đề nào đi chăng nữa, các nhà giảng thuyết sẽ tìm thấy một điểm khởi đầu thuận lợi cho bài giảng của họ nơi mẫu gương của thánh Phao-lô người đã bị xiềng xích như một tên tội phạm vì ích lợi của tin mừng.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 167 – 168.