Những ai sử dụng thư Ga-lát làm chất liệu để rao giảng sẽ phải đối diện với giáo huấn của thánh Phao-lô về sự công chính hóa. Vì thế, có lẽ sẽ hữu ích nếu cung cấp một vài nền tảng về giáo huấn này.

Ngôn ngữ công chính hóa lấy từ tòa án dân sự nơi một thẩm phán tha bổng hoặc kết án một bị cáo. Khi tha bổng cho một bị cáo, thẩm phán tuyên bố bị cáo vô tội bởi vì bị cáo đang đứng trong một tương quan phù hợp với Lề Luật. Bị cáo được “chứng thực” trong cái nhìn của Lề Luật. Khi ngôn ngữ này được chuyển sang địa hạt tôn giáo, thẩm phán là Thiên Chúa, bị cáo là con người, và lề luật là luật của Thiên Chúa. Những người Ít-ra-en đạo đức, vốn tuân giữ các chỉ định của Lề Luật, đã đứng trong tương quan giao ước hợp lệ với Thiên Chúa, và họ đã tin rằng Thiên Chúa sẽ chứng thực hoặc tha tội cho họ trong ngày chung thẩm.

Trước khi được gọi, thánh Phao-lô cũng mong được chứng thực hoặc tha tội nhờ sự tuân giữ lề luật như vậy. Trong lá thư của ngài gửi tín hữu Phi-líp-phê, thánh Phao-lô viết, “tôi nhiệt thành đến mức ngược đãi Hội Thánh; còn sống công chính theo Lề Luật, thì chẳng ai trách được tôi” (Phil 3:6). Tuy nhiên, khi Thiên Chúa mặc khải Con của Ngài cho thánh Phao-lô, thánh Phao-lô đã nhận ra rằng sự công chính ngài đã đạt được nhờ tuân giữ lề luật không có nghĩa gì: “những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Ki-tô, tôi cho là thiệt thòi” (Phil 3:7). Giờ đây, thánh Phao-lô đã hiểu rằng sự công chính vốn làm Chúa vui lòng không đến từ việc giữ luật, nếu không thì “Đức Ki-tô đã chịu chết vô ích” (Gal 2:21). Việc Đức Ki-tô đã chết cho tội lỗi chỉ ra rằng ngài đã làm điều gì đó mà Lề Luật đã không thể. Giờ đây, thánh Phao-lô đã xem Đức Ki-tô như là sự công chính của ngài (1 Cor 1:30), nguồn cội của sự công chính của ngài. Thánh Phao-lô đã hiểu rằng Thiên Chúa tha thứ cho một người dựa trên nền tảng của đức tin chứ không phải của việc giữ luật.

Trong thời kỳ Cải Cách Tin Lành đã có những cuộc tranh luận xoay quanh bản chất của sự công chính hóa. Trong khi các tín hữu Tin Lành tập chú vào chiều kích hợp pháp của phép ẩn dụ, Công Giáo lại nhấn mạnh để thực tại của điều đã xảy ra: những người được nên công chính thật sự được biến đổi và thánh hóa. Ngày nay, Tin Lành và Công Giáo đã có một sự đồng thuận thiết yếu về ý nghĩa của sự công chính. Công chính là công trình của Thiên Chúa, không của chúng ta. Hồi đáp đúng đắn của chúng ta đối với công trình này là phó thác đức tin vào điều Thiên Chúa đã thực hiện. Đi đôi với đức tin này là những hành động tốt; và, mặc dù chúng không chứng thực cho tín hữu, những việc như thế lại thiết yếu cho đời sống luân lý của những người được ân sủng Thiên Chúa chứng thực.

 

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 139-140.