Các bài đọc trong thư thứ nhất gửi tín hữu Cô-rin-tô tập trung vào hai chủ đề: (1) Giáo Hội như một cộng đoàn được phú ban Thần Khí, (2) sự phục sinh của kẻ chết. Thế nên, thậm chí nếu các nhà giảng thuyết không dùng các bản văn Phao-lô mỗi tuần để giảng, họ có thể và rất nên khai triển các chủ đề này.

1. Giáo Hội như một cộng đoàn được phú ban Thần Khí

Trong khi các tín hữu hiện nay thường tỏ ra ngờ vực trước những bày tỏ đầy lôi cuốn, thánh Phao-lô đã cho rằng các cộng đoàn của ngài sẽ kinh nghiệm ân sủng của Thần Khí một cách sống động. Ví dụ, ở 1 Tx 5:19, ngài cảnh báo, “Đừng dập tắt Thần Khí,” và ở Gl 3:1-6, ngài xem sự hiện diện của Thần Khí như một dấu hiệu cho thấy các tín hữu Ga-lát đã được nên công chính.

Cộng đoàn Cô-rin-tô đã được phú ban ân sủng thần linh một cách dồi dào đến độ thánh Phao-lô phải viết, “… anh em chẳng thiếu ơn huệ nào cả trong khi chờ đợi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta phục sinh vinh hiển” (1 Cr 1:7). Tuy nhiên, trong trường hợp của các tín hữu Cô-rin-tô, có những nhu cầu về sự cân bằng và trưởng thành. Sau khi được phú ban quá nhiều ơn thiêng, một vài tín hữu lại suy nghĩ sai lầm rằng họ đã được hưởng trọn vẹn ơn cứu độ và họ bị cám dỗ khi cho rằng có những ơn huệ nào đó cao trọng hơn những ơn huệ khác. Vì thế, thánh Phao-lô cần phải nói đến các ân sủng và nhắc các tín hữu Cô-rin-tô rằng các ân sủng họ nhận được là vì cộng đoàn, và rằng lòng mến là con đường hoàn thiện hơn cả.

Các vấn đề về ân sủng tại Cô-rin-tô không còn là vấn đề của hầu hết các cộng đoàn ngày nay. Nhưng ngược lại, trong nhiều trường hợp, vấn đề ngày nay lại nằm ở chỗ Thần Khí đã bị loại trừ khỏi niềm tin của cộng đoàn. Thư 1 Cr là cơ hội để nói về Thần Khí một lần nữa và thắp sáng lại ngọn lửa mãnh liệt ngày xưa.

2. Sự phục sinh của kẻ chết

Trong Ki-tô giáo, có những giáo huấn trọng tâm đến nỗi người ta cứ ngỡ nó được cho không. Giáo huấn của thánh Phao-lô về sự phục sinh của kẻ chết là một trong số này. Tuần qua tuần, cộng đoàn tuyên bố, “Đức Ki-tô đã chết, Đức Ki-tô đã sống lại, Đức Ki-tô sẽ đến.” Mỗi Chúa nhật cộng đoàn tuyên xưng đức tin của nó vào sự phục sinh của kẻ chết. Nhưng tiếc thay, đời sống thực tiễn của các tín hữu không luôn tương ứng với đức tin họ tuyên xưng. Bởi vì họ sống trong một xã hội tục hóa, họ dễ dàng hài lòng với thứ hạnh phúc dễ dãi.

Thánh Phao-lô không quan niệm như vậy. Mặc dù ngài công bố chiến thắng của cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô, ngài biết rằng chiến thắng sau cùng của Thiên Chúa vẫn chưa đến. Chiến thắng này sẽ đến chỉ vào lúc Đức Ki-tô trở lại, khi kẻ chết sẽ được trỗi dậy và không còn bị hư nát và Thiên Chúa sẽ là tất cả cho tất cả.

1 Cr tạo cơ hội để các nhà giảng thuyết khai triển chủ đề về sự phục sinh của kẻ chết, trong đó, chiến thắng sau cùng của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô phải được đặt ở trung tâm. Trong Đức Ki-tô, điều gì đó đã xảy ra khi mà các tín hữu đã được hưởng ân sủng của Thần Khí trong cộng đoàn Giáo Hội. Nhưng chiến thắng sau cùng lại ở phía trước, và nó sẽ không xảy ra cho đến khi sức mạnh của tử thần bị tiêu diệt vào ngày phục sinh chung cuộc của kẻ chết. Khi điều đó xảy ra, các tín hữu sẽ cùng chia sẻ sự phục sinh của Đức Ki-tô, và Thiên Chúa sẽ trở nên tất cả trong tất cả.

 

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 124-125.