HÌNH ẢNH ĐỨC KI-TÔ

Chúa Nhật VII, Thường Niên, Năm C: 1 Cr 15:45-49

 

1. Bản văn

45 Như có lời đã chép: con người đầu tiên là A-đam được dựng nên thành một sinh vật, còn A-đam cuối cùng là thần khí ban sự sống.46 Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó.47 Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến.48 Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến.49 Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.

 

2. Tìm hiểu

Bài đọc ngắn này, vốn bị tách rời khỏi bối cảnh của nó, sẽ trở nên khó hiểu với các cộng đoàn trừ khi các nhà giảng thuyết bổ túc một vài nền tảng. Nền tảng ẩy bắt đầu với câu hỏi của thánh Phao-lô, “Nhưng có người sẽ nói, ‘Người chết trỗi dậy cách nào? Khi họ trỗi dậy thì họ mặc lấy thân xác nào?”. Những câu hỏi này cho thấy rằng vấn đề của các tín hữu Cô-rin-tô phần nào là do sự hiểu lầm về sự phục sinh thân xác. Trong khi thánh Phao-lô xem phục sinh như sự biến hình, nhiều tín hữu Cô-rin-tô lại hiểu phục sinh từ cõi chết như sự hồi sinh thân xác: một sử trở về với tình trạng sống trước khi người đó chết.

Thánh Phao-lô không nhìn sự phục sinh từ cõi chết theo cách này. Vì thế, trong phần thứ hai của chương 15, ngài chuyển sự chú tâm của mình sang bản chất của sự phục sinh thân xác và giải thích cách thức người chết sẽ trỗi dậy. Để hiểu bản văn, các nhà giảng thuyết phải làm quen với lập luận của thánh Phao-lô trong 15:35-58.

Thánh Phao-lô bắt đầu bằng một ví dụ trong thiên nhiên (cc. 36-41). Có một sự khác nhau giữa thứ người ta gieo và cái người ta gặt. Cũng có một sự khác nhau giữa các loại thân xác (con người, thú vật, chim trời, cá biển). Cuối cùng, thậm chí có những sự khác nhau giữa những vật thể thuộc thiên giới như mặt trăng và các vì sao. Mỗi cái có hào quang riêng của nó.

Sau khi xác định rằng có những sự khác nhau như thế trong thiên nhiên, trong cc. 42-44, thánh Phao-lô áp dụng sự so sánh ấy cho câu hỏi về sự phục sinh thân xác. Giống như có những sự khác nhau trong thiên nhiên, thì cũng có một sự khác nhau giữa thân xác phàm tục và sự phục sinh thân xác. Cái trước có thể hư nát, đáng khinh, và yếu đuối, nhưng  nó sẽ được nâng dậy và được biến hình thành một thân xác không hư nát, đáng kính, và mạnh mẽ. Được gieo trong cái chết như một thân xác tự nhiên, nó sẽ được nâng dậy như một thân xác thiêng liêng.

Chính ở điểm này mà bài đọc tuần này, một sự so sánh giữa Adam và Đức Ki-tô, xuất hiện (cc. 45-49). Adam là con người đầu tiên được Thiên Chúa thổi hơi thông truyền sinh khí. Vì thế, Adam trở thành tổ tiên loài người. Tuy nhiên, giống như Adam được nắn tạo từ đất, thì hậu duệ của ông ta cũng như vậy. Thân xác mỗi người sở hữu là một thân xác phàm tục theo hình ảnh của Adam.

Ngược lại với Adam, Đức Ki-tô là người trời vốn được nâng dậy từ cõi chết. Ngài là Adam mới với thân xác đã được biến hình nhờ quyền năng của sự phục sinh. Giống như giờ đây chúng ta mang hình ảnh của thân xác phàm tục (Adam), thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh của thân xác thiên giới (Đức Ki-tô), khi thân xác của chúng ta được nâng dậy, được thay đổi và biến hình theo kiểu mẫu của thân xác phục sinh của Đức Ki-tô trong sự phục sinh chung của kẻ chết.

Đây là bài đọc đầy thách đố cho các nhà giảng thuyết, nhưng nó có thể rất đáng giá. Lý do là vì trong khi các tín hữu hiện nay tuyên xưng đức tin của họ một cách máy móc vào sự phục sinh của kẻ chết, hầu hết họ đều bị bối rối, giống như  các tín hữu Cô-rin-tô xưa. Khi nói chúng ta sẽ được trỗi dậy từ cõi chết vào ngày sau hết có nghĩa là gì? Câu trả lời của thánh phao-lô là “sự biến hình”. Thân xác phàm tục sẽ được thay đổi và biến hình theo kiểu mẫu của Chúa phục sinh. Thân xác sẽ không bị bỏ lại phía sau, nhưng nó cũng sẽ không giống như trước. Nó sẽ được thay đổi và biến hình theo một cách thức chúng ta không thể tưởng tượng được. Nhưng đó là điều chính ta tiền dự được mỗi khi chúng ta tuyên xưng đức tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh.

 

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 122 – 123.