Thánh Christopher cõng Chúa, tranh của Hieronymus Bosch, 1485 (Hình ảnh từ internet)
Công đồng Vaticanô II đã sửa đổi lịch phụng vụ của Giáo hội. Để nhường chỗ cho các vị thánh địa phương, một số vị thánh có trong lịch chung Hội Thánh, chẳng hạn như Thánh Christopher và Philomena, đã bị đưa ra khỏi lịch phụng vụ vì một số lý do; tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các ngài không còn là thánh nữa. Thứ do thứ nhất khiến Thánh Christopher và Philomena không còn được ghi trong lịch phụng vụ là vì, một trong những chức năng của một vị được phong thánh là có một đời sống xứng đáng để các tín hữu noi theo. Trong trường hợp của Thánh Christopher và Philomena, ta không biết được nhiều về cuộc đời của các ngài.
Thánh tích của Thánh Philomena, một vị tử vì đạo ở thế kỷ III, chỉ được phát hiện tại hang toại đạo Priscilla ở Rôma vào năm 1805. Điều duy nhất người ta biết về thánh nhân là một trinh nữ tử đạo. Yếu tố này có thể được chứng minh bằng hai biểu tượng Kitô giáo thời xa xưa được sử dụng trong hang toại đạo – cây dương xỉ tượng trưng cho trinh tiết và một lọ đựng máu của thánh nữ, đã đổ ra vì Đức Kitô.
Tên của Thánh Christopher có nghĩa là “Người mang Đức Kitô” vì truyền thuyết kể rằng một ngày nọ, thánh nhân nhìn thấy một cậu bé muốn băng qua sông. Christopher đã cõng đứa trẻ trên vai và tiến xuống dòng nước. Nhưng càng đi, đứa trẻ trên vai càng nặng, cho đến khi Christopher gần như gục ngã. Khi họ đã qua bên kia sông, cậu bé tiết lộ rằng Ngài chính là Chúa Giêsu và đã gánh vác sức nặng của cả thế giới trên vai, đó là lý do tại sao Ngài lại nặng như thế. Mặc dù người ta tin rằng thánh nhân sống vào thế kỷ III, nhưng việc thiếu tài liệu về những chi tiết này là nguyên nhân khiến ngài bị đưa ra khỏi lịch phụng vụ (chứ không phải ra khỏi thiên đàng). Ngài vẫn là vị thánh bảo trợ của những du khách vì việc ngài đã cõng Chúa Giêsu qua sông.
Mặc dù thiếu tài liệu lịch sử cụ thể, các ngài vẫn được tôn vinh là thánh. Tiến trình phong thánh đã thay đổi trong vài thế kỷ qua và trở nên nghiêm ngặt hơn. Tuy nhiên, vì ơn bất khả sai lầm trong việc phong thánh, các ngài không bao giờ có thể bị tuyên bố không còn là thánh nữa.
Với việc có thêm rất nhiều vị thánh mới, nên không thể mừng kính tất cả các thánh trong Giáo hội hoàn vũ được. Do đó, Giáo hội cho phép các vị thánh địa phương được mừng kính trong một Hội đồng Giám mục hoặc trong cộng đoàn tu trì mà vị thánh đó thuộc về. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho hàng trăm vị thánh nam nữ, và châm ngôn phụng vụ mới này cho phép các ngài được mừng kính tại địa phương. Để một vị thánh được ghi vào lịch chung Hội Thánh, vị thánh đó phải có tầm ảnh hưởng phổ quát, phải là một nhân vật nổi tiếng và vững mạnh, hoặc phải đã có tiền lệ trong lịch sử được mừng kính trên toàn cầu.
Quy trình phong thánh đã trở nên nghiêm ngặt hơn kể từ Công đồng Trentô vào thế kỷ XVI. Có bốn giai đoạn:
Tôi Tớ Chúa: quy trình phong thánh chính thức đã được mở ra bởi Đấng Thường Quyền địa phương.
Đấng Đáng Kính: người có những đặc điểm đáng chú ý để được cân nhắc là một vị thánh.
Chân Phước: người đã có một phép lạ xuất phát từ sự chuyển cầu của ngài.
Thánh: bước cuối cùng và không thể sai lầm dành riêng cho Đức Giáo Hoàng
Sau một quá trình xem xét lâu dài tất cả tài liệu được viết bởi một vị chân phước, phỏng vấn bất kỳ người còn sống nào có liên hệ với chân phước ấy, và xác nhận một phép lạ khác do sự chuyển cầu của chân phước, Đức Giáo Hoàng có thể tuyên bố phong thánh trong một Thánh Lễ rất đẹp và long trọng. Tuy nhiên, vị thánh này có thể chỉ được mừng kính theo lịch địa phương, mặc dù có thể cử hành một Thánh Lễ ngoại lịch để mừng kính ngài ở bất cứ đâu. Ví dụ, Cha Thánh Piô Pietralcina, người Ý, không có trong lịch phụng vụ của Mỹ, nhưng một Thánh Lễ ngoại lịch có thể được cử hành để mừng kính vào ngày lễ của ngài.
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007). 366-367.