Thần học luân lý phân biệt giữa hành vi nhân linh (acti human) và hành vi nhân sinh (acti hominis). Mọi hành động tự nguyện, có chủ ý và có ý thức do một người thực hiện một cách tự do đều là hành vi nhân linh. Bất kỳ hoạt động nào liên quan đến ý chí tự do của con người đều được coi là hành vi nhân linh, và mọi hành vi nhân linh trên thực tế đều là hành vi luân lý. Bất cứ điều gì được thực hiện theo bản tính tự nhiên của chúng ta hoặc đặc thù của giống loài chúng ta đều là một hành vi nhân sinh, như đi lại bằng hai chân hoặc nói năng.
Đi lại là một hành vi nhân sinh, trừ khi người ta cố tình chọn đi đến một nơi mà họ không nên đến; ví dụ, nếu một người đàn ông đã kết hôn đến một nhà thổ. Anh ta tự do chọn lựa phạm tội, và anh ta đã sử dụng các phương tiện để đạt được điều đó. Cho dù anh ta lái ô tô, đi xe buýt hay đi bộ đến nhà thổ cũng không quan trọng. Hành vi của ý chí là đi đến đó và tội lỗi đã biến hành vi nhân sinh cụ thể này trở thành một hành vi nhân linh tội lỗi. Tương tự như vậy, học bơi là một hành vi nhân sinh. Nhảy xuống hồ để cứu một người chết đuối là một hành nhân linh vì người đó phải tự do quyết định bơi ra và cứu người chết đuối.
Những việc được thực hiện khi đang ngủ không phải là hành vi nhân linh vì bạn phải ý thức để sử dụng ý chí tự do của mình. Mọi hành vi tự do đều là hành vi nhân linh và do đó đều là hành vi luân lý. Động vật hoạt động theo bản năng, vì vậy khi chúng tấn công vì bị đe dọa hay khi chúng giao phối trong lúc động dục, nó không có gì khác ngoài bản tính động vật đang làm việc. Khi con người quan hệ tình dục, đó không phải là vì họ bị ép buộc theo bản năng. Đó là một sự lựa chọn tự nguyện và có chủ ý để tham gia vào hoạt động đó. Vì vậy, đó là một hành vi nhân linh và là một hành vi luân lý. Khi thực hiện ngoài hôn nhân, đó là tội lỗi.
Bản thân hành vi, tức là đối tượng của ý chí, cùng với ý hướng và hoàn cảnh tạo nên “nguồn gốc” luân lý của các hành vi nhân linh. Cả ba quyết định tính luân lý của bất kỳ hành vi nhân linh nào. Do đó, nếu đối tượng là hành vi giết một người vô tội một cách có chủ đích và có ý hướng, thì nó không bao giờ được biện minh, cho dù với ý định tốt đến đâu đi nữa – thậm chí là để cứu hàng trăm mạng người – vì mục đích không bao giờ biện minh cho phương tiện. Tương tự như vậy, ý hướng xấu có thể hủy hoại một đối tượng tốt; Ví dụ, những tội phạm cho tiền làm từ thiện tỏ ra đáng kính chỉ để nhận bản án nhẹ nhàng nếu bị kết tội. Người ta không bao giờ được phép cố ý làm điều xấu bất kể họ nghĩ rằng điều xấy đó có thể sinh ra điều tốt nhiều đến đâu đi nữa. Một số đối tượng hoặc hành vi về bản chất là xấu và luôn luôn phi luân khi thực hiện. Các hoàn cảnh có thể làm giảm nhẹ hoặc gia tăng thêm tội trạng hoặc sự thiện luân lý hay sự dữ luân lý của một hành vi nhưng chúng không bao giờ có thể làm cho những gì về bản chất là xấu chuyển thành tốt. Ngay cả khi tôi đang ở trong một tình trạng hay một hoàn cảnh rất tuyệt vọng cũng không thể thay đổi tính chất xấu xa của một hành động xấu xa, chẳng hạn như giết người (cố ý giết một người vô tội).
Chuyển ngữ: Nhóm Majorica, Học viện Dòng Tên
Nguồn: Rev. John Trigilio JR., Ph.D., and Rev. Kenneth D. Brighenti, Ph.D.,
The Catholicism Answer Book- The 300 Most Frequently Asked Question,
(Naperville, Illinois: Sourcebooks, Inc., 2007), 177-178.