Bài đọc tuần này trích từ phần cuối cùng của lời tạ ơn của thánh Phao-lô (1:3-12) và mở ra phần nội dung của lá thư trong đó ngài giải quyết một báo cáo sai lầm cho rằng ngày của Đức Chúa đã đến gần (2:1-12). Lấy bài đọc này làm chất liệu sẽ rất khó giảng bởi vì cộng đoàn vẫn chưa được nghe toàn bộ 2:1-12 trong đó thánh Phao-lô bàn về vấn đề ngày Đức Ki-tô trở lại. Hơn nữa, bởi vì phần đầu của bài đọc (1:11-12) được sử dụng tách rời khỏi phần còn lại của lời tạ ơn, cộng đoàn sẽ không được nghe điều thánh Phao-lô nói về ngày Đức Ki-tô trở lại ở 1:5-10. Vì thế, những ai sử dụng bản văn này để giảng phải đọc phần đầu của bản văn (1:11-12) trong ánh sáng của lời tạ ơn (1:3-11), và phần thứ hai của bản văn (2:1-2) phải được đọc trong ánh sáng của vấn nạn mà thánh Phao-lô bàn đến trong 2:1-12. Khi điều này hoàn tất, bài đọc sẽ cho phép các nhà giảng thuyết một cơ hội để tập trung vào cuộc Trở lại thứ hai của Đức Ki-tô.

 

Thư thứ 2 Thê-xa-lô-ni-ca đưa ra hai luận điểm về cuộc trở lại của Đức Chúa. Thứ nhất, đó sẽ là một ngày phán xét khi mà Thiên Chúa sẽ bào chữa cho dân của ngài (1:5-10). Hệ quả là niềm hy vọng không bị đánh mất những khi chịu đau khổ và hận thù không cần phải đòi đối với những kẻ tin. Việc phán xét tùy thuộc vào Thiên Chúa, và ngài sẽ thực hiện điều đó qua Đức Ki-tô ở cuộc trở lại của người. Đây là lý do thánh Phao-lô cầu nguyện rằng Thiên Chúa sẽ làm cho các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca “xứng đáng với ơn kêu gọi và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin” (1:11). Thứ hai, mặc dù thánh Phao-lô tin chắc cuộc trở lại sắp xảy ra, ngài biết rằng nó sẽ chưa xảy ra cho đến khi một vài thứ xảy ra trước (làn sóng chối đạo lớn lao, sự xuất hiện của kẻ vô đạo).

Ở bài đọc thứ nhất, có vẻ như thánh Phao-lô đang thiết lập một khung thời gian chi tiết giúp các tín hữu có thể tính toán chính xác thời gian Đức Ki-tô sẽ trở lại. Tuy nhiên, những khung thời gian như thế phổ biến trong Kinh Thánh, và mục đích của chúng không phải để tính toán ngày chung thẩm, ngày mà không ai biết, kể cả Người Con (Mc 13:32). Đúng hơn, chúng cho thấy rằng có một kế hoạch thánh thiêng vẫn điều khiển lịch sử nhân loại. Ngày chung thẩm sẽ đến sớm, nhưng có những việc sẽ phải xảy ra trước. Chỉ có Thiên Chúa mới biết được thời điểm và cách thức nó sẽ xảy ra.

Bản văn này cung cấp cho các nhà giảng thuyết một cơ hội để tuyên bố một thông điệp trung tâm của đức tin Ki-tô giáo: Đức Ki-tô sẽ trở lại. Tuy nhiên, vấn đề của hầu hết các cộng đoàn là Người sẽ trở lại khi nào và như thế nào? Liệu người có đến vào thời của tôi không? Hầu hết các tín hữu sẽ trả lời là không. Nếu Đức Ki-tô đã không đến trong 2000 năm, cớ sao người phải đến vào thời của họ? Người sẽ đến cách nào? Trên các tầng mây của bầu trời? Một lần nữa, hầu hết các tín hữu hiểu rằng đây là hình ảnh Thánh Kinh nhằm cố gắng trình bày một thực tại siêu việt bằng ngôn ngữ trần thế. Theo đó, các tín hữu không biết được khi nào Đức Ki-tô sẽ đến hoặc cách nào người sẽ trở lại, nhưng họ tin chắc rằng người sẽ trở lại theo cách thức và thời gian mà Thiên Chúa muốn. Cuộc trở lại thứ hai của Đức Ki-tô sẽ là lúc Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ một lần cho tất cả, khi mà Đức Ki-tô sẽ chiến thắng mọi quyền lực của tội lỗi và thế gian. Ý thức rằng ơn cứu độ cuối cùng của Thiên Chúa sẽ không diễn ra cho đến khi Đức Ki-tô trở lại, Giáo Hội tuyên bố: “Đức Ki-tô sẽ trở lại.”

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 
175 – 176.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *