Ngoài vấn đề về Ngày của Đức Chúa, thánh Phao-lô trình bày thêm một vấn đề khác trong thư thứ 2 Thê-xa-lô-ni-ca: sự vô kỷ luật. Chúng ta không biết lý do là gì, nhưng một vài thành viên của cộng đoàn đã sống vô kỷ luật: “trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào” (3:11). Lối sống vô kỷ luật ấy cũng bao gồm việc lười biếng làm việc và sống ăn bám người khác (3:10). Chúng ta không biết chính xác được tại sao xảy ra tình trạng này, nhưng nếu một vài thành viên trong cộng đoàn nghĩ rằng Ngày của Đức Chúa đã gần kề, họ có lẽ đã cho rằng không cần phải lao động nữa.

Để hồi đáp thái độ vô kỷ luật này, thánh Phao-lô trình bày chính ngài như một tấm gương xứng đáng để noi theo. Khi ở Thê-xa-lô-ni-ca, ngài đã làm việc đêm ngày để không trở thành gánh nặng cho cộng đoàn. Ngài tự cung tự cấp lương thực cho mình và không lệ thuộc ai cả. Thái độ của thánh Phao-lô rất quan trọng bởi vì ngài có một niềm hy vọng sống động rằng Ngày trở lại của Đức Chúa sẽ sớm xảy ra, có lẽ ngay trong lúc ngài còn sống (1 Tx 4:15). Dẫu vậy, ngài vẫn cứ chu toàn những công việc hằng ngày như lao động và tự chu cấp cho mình. Tấm gương của ngài là bài học để các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca phải noi theo.

Mặc dù bài đọc này bàn về một vấn đề xa lạ với những cộng đoàn hiện đại, nó vẫn hữu ích khi cho thấy được cách thánh Phao-lô đã sống giữa khoảng thời gian Đức Ki-tô phục sinh và ngày Người trở lại. Sự phục sinh của Đức Ki-tô làm ngài tin chắc rằng Ngày người trở lại đã gần kề. Bởi vì Đức Ki-tô đã được trỗi dậy từ cõi chết (hoa trái đầu tiên của sự phục sinh chung cuộc của kẻ chết), thánh Phao-lô biết rằng Ngày Người trở lại có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thậm chí ngay trong thời của ngài. Vì thế, ngài sống trong thế giới với niềm hy vọng. Tuy nhiên, niềm hy vọng của ngài vào sự trở lại gần kề của Đức Ki-tô không làm ngài “buông thả” như thể thế giới này không còn ý nghĩa gì nữa. Thay vào đó, ngài tiếp tục làm việc và chu cấp cho mình khi ngài sống trong một thế giới đang qua đi.

Những ai dùng bản văn này để giảng có thể sử dụng tấm gương của thánh Phao-lô để giải thích cách thức các tín hữu hiện đại phải sống trong thế giới này. Sống một cách trật tự nghĩa là làm việc một cách âm thầm và tự chu cấp cho mình. Khi làm như vậy, các tín hữu ý thức một cách mãnh liệt rằng thế giới mà họ biết đến đã qua đi rồi, và ơn cứu độ chung cuộc của Thiên Chúa có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

 

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 177178.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *