Tìm hiểu bối cảnh

Bối cảnh lịch sử. Bối cảnh lịch sử của Thư Do Thái thì mầu nhiệm giống như tư tưởng thần học thâm sâu của nó vậy. Tác giả, khán giả, và hoàn cảnh ra đời của công trình này vẫn còn trong vòng tranh luận. Trước tiên, mặc dù Giáo Hội tiên khởi xác định thánh Phao-lô là tác giả, tác giả của nó lại không hề minh định chính mình. Thứ đến, mặc dù nó được gọi là thư gửi tín hữu Do Thái, tiêu đề này lại đến từ một nhà thông luật sau này, người có lẽ cho rằng độc giả lá thư nhắm đến là người Do Thái bởi vì Thư Do Thái bàn về những vấn đề như niềm tin Lê-vi. Tuy nhiên, rất có thể độc giả là Các Dân Ngoại được niềm tin Do Thái thu hút. Cuối cùng, bởi vì chúng ta không biết chắc ai là tác giả hoặc độc giả, cho nên thật khó để xác định hoàn cảnh ra đời của bản văn này. Dẫu thế, việc lặp đi lặp lại những lời kêu gọi đừng đánh mất con tim và việc bàn luận kéo dài về chức thượng tế của Đức Ki-tô cho thấy rằng Thư Do Thái nhắm đến một nhóm tín hữu có nguy cơ đánh mất lòng sốt mến ban đầu. Vì vậy, Thư Do Thái nhắc nhở họ về công trình mang tính thượng tế của Đức Ki-tô được thực hiện thay cho họ và kêu gọi họ bước theo từng bước của Chúa Giê-su, người tiên phong và hoàn thiện niềm tin của họ (12:2).

Bối cảnh văn chương. Mặc dù Thư Do Thái theo truyền thống vẫn được gọi là một lá thư, nó lại không khởi đầu giống như những lá thư khác của Tân Ước. Thay vì chào hỏi và tạ ơn ở đầu thư, nó bắt đầu bằng một câu tao nhã công bố chủ đề mà tác giả của nó sẽ phát triển trong phần còn lại của bản văn (1:1-4) và rồi nó đi vào bàn thảo về tính siêu vượt của Chúa Giê-su đối với các thiên thần của Thiên Chúa (1:5-14). Vậy không có gì ngạc nhiên khi nhiều người vẫn xem bản văn này như một bài giảng kéo dài hơn là một lá thư. Tuy nhiên, vị tác giả vô danh lại xác định bản văn này như một “lời khuyên” (13:22), và có lẽ đó là cách tốt nhất để hiểu nó.

Thư Do Thái trình bày xen kẽ nhau giữa hai chủ đề: mời gọi sống luân lý và giáo thuyết về tính siêu vượt của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, vị thượng tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê. Trong khi việc tỏ bày giáo thuyết thu hút chú ý hơn nhờ vào nền Ki-tô học sâu sắc của nó, mục đích chính của Thư Do Thái lại ở nơi lời kêu gọi sống hợp luân vốn sử dụng học thuyết để khuyến khích khán giả chấn chỉnh lại lối sống của họ.

Suốt Năm B, Bài Đọc lấy từ những trích đoạn Thư Do Thái sau: 2:9-11; 4:12-13; 4:14-16; 5:1-6; 7:23-28; 9:24-28; 10:11-14, 18. Các trích đoạn này đa phần nằm ở chương 5 – 10, là phần trọng tâm nhất nói về nền Ki-tô học thượng tế để đạt được mục đích kêu gọi khán giả của nó đừng để mất linh hồn. Khi các nhà giảng thuyết xử lý những trích đoạn này, họ sẽ có cơ hội đào sâu vào một trong những chủ đề Ki-tô học lớn nhất trong Tân Ước, chức thượng tế của Đức Ki-tô Giê-su. Làm như vậy, họ phải nhớ rằng Thư Do Thái phát triển chủ đề này với mục đích chính là kêu gọi tín hữu sống đạo một cách cụ thể. Đó là tín hữu phải bước theo Chúa Giê-su, đấng khởi xướng và hoàn thiện đức tin của họ, đấng đã được làm cho nên hoàn thiện bằng đau khổ của người. Bởi vì một trong những lý do chính của việc giảng dạy là kêu gọi sống hợp luân, các nhà giảng thuyết ngày nay sẽ tìm thấy một kiểu mẫu để giảng dạy ở Thư Do Thái.

(Hết)

 

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 97-99.