CÁC CHỦ ĐỀ THẦN HỌC

Thư Do Thái là bản văn khó hiểu nhất trong Tân Ước. Một mặt, nó là bản văn có thiêng liêng nhất trong Tin Mừng, nền tảng cho một thần học thờ phượng và tư tế. Mặt khác, nó dẹp bỏ mọi chức tư tế và sự thờ phượng vốn có bằng khẳng định: chỉ có một tư tế là Đức Ki-tô Giê-su.

Để hiểu nghịch lý này, chúng ta cần nhớ rằng chỉ trong một thời gian rất ngắn, Giáo Hội sơ khai đã tách biệt chính mình ra khỏi truyền thống thiêng liêng và thờ phượng vốn có của Ít-ra-en. Chức tư tế Lê-vi đã không còn được sử dụng, và tín ngưỡng đền thờ cũng không còn trong các hiến lễ đền tội hằng ngày. Hơn nữa, khi Ki-tô giáo đến vùng Tiểu Á và Hy Lạp, nó nhanh chóng trở thành một hiện tượng của Dân Ngoại. Kết quả là các Ki-tô hữu đầu tiên không hề có đền thờ hoặc những nơi thờ phượng của riêng họ. Họ cũng không có các tư tế để dâng hy lễ cho họ. Thế giới xung quanh xem nhóm Ki-tô hữu nhỏ bé này như những kẻ vô thần; vì nó không có đền thờ hoặc tư tế. Các Ki-tô hữu đã không thờ phượng trong đền thờ, và cũng không dâng hy lễ lên Thiên Chúa.

Tình trạng vắng bóng đền thờ, hy lễ, và tư tế chắc hẳn là nguyên nhân làm nhiều Ki-tô hữu thuở sơ khai lo âu, và đối với một số tín hữu ắt hẳn cũng là một cám dỗ khiến họ tham gia vào việc thờ phượng, với người Do Thái hoặc những người Dân Ngoại đương thời. Tóm lại, Ki-tô giáo lúc bấy giờ vẫn còn ở giai đoạn phôi thai.

Chính trong hoàn cảnh trái ngược ấy mà việc Thư Do Thái nhấn mạnh vào chức tư tế và tín ngưỡng rất có ý nghĩa cho các tín hữu. Ý thức được những khó khăn đã được diễn tả ở trên, Thư Do Thái nhắc độc giả rằng họ có một vị thượng tế, một tín ngưỡng đền thờ, và một của lễ hiến tế, nhưng của lễ, tín ngưỡng, và tư tế này không phải ở trần gian. Vị thượng tế của họ là Đức Ki-tô Giê-su đấng đã bước vào cõi trời qua cái chết của người, và của lễ hiến tế của họ là cái chết của vị tư tế ấy đấng đã chuộc mọi tội lỗi, một lần cho tất cả. Vì vậy, chức tư tế Lê-vi hoặc đền thờ để dâng hy lễ hằng ngày không còn cần thiết nữa.

Thần học về chức thượng tế của Thư Do Thái được cắm sâu vào thập giá của Đức Ki-tô Giê-su. Mặc dù tác giả nói về các tư tế, cung thánh, và của lễ, nhưng đôi mắt của ông luôn ngước nhìn lên thập giá của Chúa Giê-su. Nơi thập giá, ông nhìn thấy bàn thờ để dâng hy lễ và thấy con đường vào cõi trời. Trên thập giá, ông nhìn thấy một vị thượng tế vĩ đại theo phẩm trật Men-ki-xê-đê. Người ta có thể nói rằng nghịch lý của Thư Do Thái nằm ở chỗ nó là bản văn Tân Ước vừa thế tục nhất mà cũng vừa thiêng liêng nhất. Nó thiêng liêng nhất bởi vì nó bàn luận rất nhiều về chức tư tế và hy lễ. Nó thế tục nhất bởi vì những bàn luận này tập trung vào cái chết của một người mà đã bị cả thế giới xử tử như một tên tội phạm. Nói cách khác, thần học thiêng liêng của Thư Do Thái là một suy niệm sâu sắc về ý nghĩa của cái chết nhục nhã trên thập giá của Đức Ki-tô.

Ai dùng Thư Do Thái cho bài giảng cần nói về những nghịch lý này cho các cộng đoàn của họ để nhắc họ về mầu nhiệm đức tin sâu xa này. Như tác giả Thư Do Thái, các nhà giảng thuyết phải phản tỉnh về tính thế tục lớn nhất của mọi sự kiện, đó là sự kết án và cái chết của người bị cả thế giới kết án là một tay tội phạm.

 

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 108-109.