Thư thứ nhất của thánh Phao-lô gửi tín hữu Cô-rin-tô
Bối cảnh văn chương
Cùng với bối cảnh lích sử, các nhà giảng thuyết phải để ý bối cảnh văn chương của bản văn. Bởi vì các bản văn của 1 Cô-rin-tô Năm B diễn ra trong ba bối cảnh văn chương khác nhau, cho nên tôi sẽ bình luận từng cái một.
Trong 1 Cr 5:1–6:20, thánh Phao-lô nói đến ba vấn nạn: trường hợp một người đàn ông sống loạn luân với vợ của cha mình (5:1-13); vấn đề các tín hữu kiện tụng nhau giữa tòa đời (6:1-8); và tiếp tục vấn đề về lối sống vô luân của cộng đoàn (6:9-20). Dù những vấn nạn này có vẻ không liên quan với nhau, nhưng giữa chúng vẫn chung chia một vấn đề. Tín hữu Cô-rin-tô non trẻ không hiểu như thế nào là một cộng đoàn được thánh hiến bởi vì họ không hiểu thấu sự khôn ngoan của tin mừng: Đức Ki-tô đã chịu đóng đinh.
Bởi vì tín hữu Cô-rin-tô không hiểu như thế nào là một cộng đoàn được thánh hiến, cho nên họ đã không trục xuất người đàn ông vô luân ra khỏi cộng đoàn, rồi họ còn để dân ngoại phân xử mình ở tòa đời thay vì tự mình giải quyết, và cuối cùng một số người trong bọn họ vẫn tiếp tục những hành vi vô luân. Chủ đề xuyên suốt chương 5–6 có thể được tóm tắt như sau: những ai thuộc về cộng đoàn thánh hiến phải từ bỏ lối sống vô luân.
Câu mở đầu của chương 7 cho thấy đây là phần đầu trong thư hồi âm của thánh Phao-lô dành cho lá thư tín hữu Cô-rin-tô gửi cho ngài: “Bây giờ, tôi đề cập tới những điều anh em đã viết cho tôi.” Sau đó thánh Phao-lô trích dẫn lá thư, “đàn ông không gần đàn bà là điều tốt” (1 Cr 7:1).
Chương 7 cho thấy rằng ngoài những người sống vô luân, thì ở Cô-rin-tô, có những người có nhiệt tâm hơn trong việc sống khổ hạnh. Họ thúc giục những cặp hôn nhân sống tiết dục. Mặc dù thánh Phao-lô đã chọn lựa sống đời độc thân một cách tự do, ngài không hề áp đặt lối sống này lên người khác, vì ngài xem lối sống độc thân là một ơn sủng. Hơn nữa, ngài e ngại việc khuyến khích các cặp vợ chồng sống tiết dục vì sợ rằng họ sẽ rơi vào lối sống vô luân. Do vậy, thánh Phao-lô cho phép các cặp vợ chồng sống tiết dục trong một thời gian miễn là họ không rơi vào lối sống vô luân, nhưng ngài không ra lệnh đó.
Sau khi bàn về sự tiết độ và các quan hệ vợ chồng, thánh Phao-lô nói đến nhiều vấn nạn liên quan đến hôn nhân. Niềm hy vọng sống động của ngài vào ngày trở lại của Đức Ki-tô đóng một vai trò quan trọng trong lập luận của ngài. Ngài quan niệm rằng bởi vì Đức Ki-tô sắp trở lại, tốt nhất là các tín hữu không nên thay đổi gì cả trong lối sống của mình. Hệ quả là ngài khuyên các bà góa đừng lấy chồng trừ khi họ không thể tự kiềm chế (7:8-9, 39-40), rồi ngài bảo các trinh nữ cứ giữ tình trạng ấy nếu họ có thể, nhưng ngài không cấm họ lấy chồng (7:25-38). Nói chung, thánh Phao-lô đặt nền tảng cho giáo huấn của ngài nơi sự trở lại của Đức Ki-tô. Bởi vì Đức Ki-tô sẽ sớm trở lại, các tín hữu không nên thay đổi tình trạng sống mà họ đã được kêu gọi, bởi vì thế giới như họ biết đang qua đi (7:17-24).
Ở 8:1–11:1, thánh Phao-lô lại nói đến một vấn nạn khác do tín hữu Cô-rin-tô khơi lên, “đồ cúng cho các ngẫu tượng” (8:1). Vấn nạn này khởi sinh khi một vài thành viên trong cộng đoàn, dù đã là Ki-tô hữu, vẫn tiếp tục dự tiệc của dân ngoại vốn có đồ cúng. Đối với người Cô-rin-tô, việc tham dự vào những bữa tiệc này quan trọng bởi vì chúng được tổ chức trong những dịp đám cưới, đám ma, và hợp đồng kinh doanh. Vì cho rằng các ngẫu tượng không hề tồn tại, một vài tín hữu không thấy khó khăn gì khi tham gia các bữa tiệc ấy. Nhưng đối với những người có lương tâm nhạy cảm, hành vi ấy gây sốc. Trong thư hồi âm, thánh Phao-lô khuyên những người có lương tâm vững vàng đừng tham gia vào những bữa tiệc ấy nữa vì e rằng họ xúc phạm những thành viên yếu đuối hơn trong cộng đoàn, những người cũng được Đức Ki-tô cứu qua cái chết của Người. Thánh Phao-lô cảnh giác những người mạnh mẽ rằng sự tự tin của họ có khả năng làm họ phạm tội thờ ngẫu tượng, như dân Ít-ra-en xưa.
Trong chương 9, thánh Phao-lô diễn tả sứ vụ tông đồ của ngài như được đánh dấu bởi sự từ bỏ vô vị lợi mọi quyền hợp pháp của ngài vì bình an của cộng đoàn. Vì vậy, ngài lấy chính ngài làm kiểu mẫu để tín hữu Cô-rin-tô bắt chước theo. Chất liệu trong chương 8-10 hình thành một cấu trúc song đối.
8:1-13 Cảnh báo đừng tham dự các bữa tiệc có đồ cúng.
9:1-27 Tấm gương của thánh Phao-lô người đã hy sinh những quyền lợi hợp pháp của mình như một vị tông đồ vì bình an của tha nhân.
10:1-11:1 Cảnh báo đừng tham dự các bữa tiệc nơi các ngẫu tượng được sùng bái vì e rằng tín hữu sẽ phạm tội thờ ngẫu tượng.
Phần trung tâm trong cấu trúc song đối này làm nổi bật lên tấm gương cuộc đời thánh Phao-lô và trình bày nó như một giải pháp cho những vấn đề tín hữu Cô-rin-tô đang phải đương đầu. Bắt chước tấm gương tông đồ của thánh Phao-lô, những ai mạnh mẽ phải hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự bình an của những người yếu đuối.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 64-66.