Trào lưu khôn ngoan có mặt hầu như trong tất cả mọi dân tộc, thuộc mọi thời đại. Dầu vậy, việc nghiên cứu nền văn chương khôn ngoan Thánh Kinh chỉ được nở rộ vào hậu bán thế kỷ XIX nhờ những khám phá về nền văn chương khôn ngoan của vùng Lưỡng Hà, Ai Cập. Điều này cho thấy mối tương quan mật thiết giữa nền văn chương khôn ngoan Thánh Kinh và bối cảnh văn hóa, xã hội, tôn giáo của vùng Trung Đông cổ.
Thật vậy, văn chương khôn ngoan đã phát triển rất sớm trong các khu vực mà dân Israel sinh sống. Tuy nhiên, từ cảm nghiệm về Thiên Chúa hiện diện và hoạt động trong lịch sử dân tộc, dân Israel đi đến xác tín về sự hiện diện và hoạt động của Người trong cuộc sống hàng ngày. Vì thế, từ lối khôn ngoan nhân loại thường ít bận tâm về vấn đề tôn giáo, chỉ muốn soi sáng cuộc sống nhờ kinh nghiệm, các hiền triết Israel, với ánh nhìn tôn giáo sâu xa, không chỉ kết hợp tuyệt vời giữa tinh hoa cuộc sống và kinh nghiệm tôn giáo mà còn làm cho dấu ấn tôn giáo trở thành điểm qui chiếu cho mọi nhận thức, suy tư. Chính vì thế, Cha Phanxico Xavie Vũ Phan Long đề cập đến bốn nguồn của nền văn chương khôn ngoan Israel. Trước hết là truyền thống của tổ tiên; kế đến là kinh nghiệm cá nhân và nền học vấn tại trường lớp, và sau cùng nhưng quan trọng hơn cả là đời sống cầu nguyện.
Với Giáo hội Công giáo, dựa theo tiêu chí sắp xếp của Bản Bảy Mươi – tiếng Hy Lạp, nền văn chương khôn ngoan Thánh Kinh được gồm tóm trong bảy quyển: Gióp, Thánh Vịnh, Châm ngôn, Giảng Viên, Diễm Ca, Khôn ngoan và Huấn ca. Đây là khối sách thứ ba trong bộ Cựu Ước, được đặt sau khối Ngũ Thư, Lịch sử và trước khối Ngôn sứ. Khối này thường được gọi là Các Sách Giáo Huấn, dù trong thực tế, hai sách Thánh vịnh và Diễm ca thuộc thể loại thi ca.
Trong nền văn chương khôn ngoan Thánh Kinh, nhân cách hóa, hay thậm chí, “ngôi vị hoá” Đức Khôn Ngoan là một điểm nổi bật. Thật vậy, trong nhiều bản văn, Khôn Ngoan được mô tả như một phụ nữ duyên dáng mời con người đến gặp gỡ và học hỏi để đạt được sự khôn ngoan đích thực, sự phụng thờ xứng đáng đối với Thiên Chúa và sự thiết tha trung thành với Lề Luật. Riêng trong Châm ngôn chương 8, Đức Khôn Ngoan được mô tả như một ngôi vị có nguồn gốc thần linh “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất” (Cn 8,22). Ngôi vị này sống gắn kết hài hòa với Thiên Chúa lẫn con người “Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người” (Cn 8,30-31).
Đến thời Tân Ước, diện mạo Đức Khôn Ngoan được tỏ hiện nơi chính Đức Giêsu – Đấng tự đồng hoá với Đức Khôn Ngoan: “Đức Khôn Ngoan đã được tất cả con cái mình biện minh cho” (Lc 7,35). Nếu trong sách Huấn ca chương 24, Đức Khôn Ngoan tự đồng hoá với Lề Luật và kêu gọi người ta đến với mình thì trong Tân Ước vang vọng lời Chúa Giê-su: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng…hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,28-29).
Tóm lại, “Đối với chúng ta ngày nay, các sách Giáo Huấn của Cựu Ước vẫn có vai trò rất quan trọng. Những lời giáo huấn trong các sách là Lời Chúa soi sáng cuộc sống chúng ta. Các sách Giáo Huấn giúp chúng ta hiểu Tân Ước, hiểu mầu nhiệm Chúa Giê-su Ki-tô… Đồng thời, các sách giáo huấn cũng dạy chúng ta suy nghĩ về thế giới, về con người, về cuộc sống hôm nay dưới ánh sáng của Đức Khôn Ngoan là chính Ngôi Lời Thiên Chúa đã làm người, cắm lều ở giữa chúng ta và ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế” (KT 2011, Dẫn nhập Các sách Giáo huấn).
Tài liệu tham khảo
- Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ, Kinh Thánh ấn bản 2011, Hà Nội 2011.
- Nhóm Phiên dịch Các Giờ kinh Phụng vụ, Các sách Giáo Huấn, Hà Nội 2018.
- Lm FX Vũ Phan Long, Nền Văn Chương Khôn Ngoan, Đồng Nai 2021.
- P. Rossano, G. Ravassi, A. Ghirlanda (ed.), Nuovo dizionario di teologia biblica, Milano 1988.
- S. Pinto, I segreti della sapienza, Milano 2013.