HỌC VIỆN THÁNH GIUSE – DÒNG TÊN VIỆT NAM
Tự do và Bình đẳng trong lý thuyết Công bình của John Rawls
– và một phản tỉnh về chúng xét từ Thông điệp Fratelli Tutti
Luận văn tốt nghiệp
chương trình Triết Học
tại Học Viện Thánh Giuse – Dòng Tên Việt Nam
Học viên thực hiện
Phêrô Phan Văn Cương, S.J.
Giáo sư hướng dẫn
Antôn Trần Khắc Bá, S.J.
Tháng 05 năm 2021
Mục Lục
- DẪN NHẬP
- CHƯƠNG 1 Lý Thuyết Công Bình Của Rawls
- CHƯƠNG 2 Tự Do Và Bình Đẳng Trong Lý Thuyết Công Bình Của Rawls
- CHƯƠNG 3 Một Phản Tỉnh Về Tự Do Và Bình Đẳng Xét Từ Thông Điệp Fratelli Tutti
- KẾT LUẬN
- Thư Mục Tham Khảo
DẪN NHẬP
Lý do chọn đề tài
“Công bình là nhân đức đầu tiên của các thể chế xã hội, cũng giống như chân lý là nhân đức trước nhất của các hệ thống tư tưởng.”[1] Lời khẳng định này của John Rawls cho thấy vai trò và giá trị của công bình đối với sự phát triển của bất kỳ xã hội nào.
Trong dòng chảy tư tưởng về công bình xã hội, lý thuyết truyền thống về khế ước xã hội là một trong bốn hướng tiếp cận về công bình xã hội. Ba hướng tiếp cận kia là chủ nghĩa vị lợi (Utilitarianism), trực giác thuyết (Intuitionism), và chủ nghĩa cầu toàn (Perfectionism). Trong khi những người theo chủ nghĩa vị lợi coi phúc lợi xã hội là một tổng thể, nghĩa là từng cá nhân không được quan tâm đến, họ có thể phải hi sinh cho lợi ích của xã hội. Những người theo trực giác thuyết nhấn mạnh đến khả năng cảm nhận đạo đức qua sự phán đoán hay tính toán lợi hại, họ ái ngại về những chính sách của chủ nghĩa vị lợi khi chủ thuyết này phạm đến quyền nhận biết qua trực giác của con người. Còn chủ nghĩa cầu toàn lại xem sự hoàn hảo của con người như kim chỉ nam cho sự sáng tạo xã hội. Theo Rawls, ba cách tiếp cận trên không đưa đến công bình xã hội.
Đối với thuyết vị lợi, Rawls cho rằng nó không bảo vệ “những sự tự do và quyền lợi căn bản của công dân xét như những con người tự do và công bằng.”[2] Bởi lẽ, sự ưu tiên của nó tập trung vào ý tưởng về lợi ích, và công bình phải bảo đảm việc tạo ra lợi ích tổng hợp lớn nhất cho cộng đồng (người viết sẽ bàn sâu hơn chủ thuyết này ở phần sau).
Tiếp đến, trực giác thuyết không cung cấp một phương pháp có hệ thống cho những đánh giá đạo đức, nó chỉ là một sự cảm nhận trong hoàn cảnh lý tính, không có khả năng biện minh. Lý thuyết của trực giác thuyết không bao hàm một phương pháp minh nhiên, không có những nguyên tắc ưu tiên, đơn giản chỉ là cố gắng cân bằng qua trực giác để chỉ ra những cấu trúc luân lý.[3]
Còn với chủ nghĩa cầu toàn, Rawls cho rằng con người không thể hoàn hảo để có thể làm cho xã hội tốt đẹp trong mọi lĩnh vực, lý thuyết về công bình không phải là một lý thuyết gia tăng tối đa lợi ích. Trong khi công bình cho phép những giá trị của sự trổi vượt (excellence) được công nhận trong một xã hội được tổ chức tốt, thì sự hoàn hảo của con người lại phải theo đuổi trong những giới hạn của nguyên tắc liên kết tự do.[4] Mặt khác, chủ nghĩa cầu toàn không tương hợp với nguyên tắc về quyền. Bởi vì các quyền trong một xã hội hoàn hảo phải được sắp xếp, đo lường bởi khả năng đóng góp sản phẩm trổi vượt trong xã hội, hoặc tối đa hóa tới mức cao nhất đóng góp của tất cả các cá nhân trong xã hội hơn là từng cá nhân. Các cá nhân không đạt được sự trổi vượt trong các công việc của họ thì có sự tự do và giá trị ít hơn. Ngược lại, cá nhân nào có được sự trổi vượt lớn hơn thì đồng nghĩa có sự tự do và các quyền lợi nhiều hơn.
Đối với người viết, tự do và bình đẳng là những vấn đề của quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Để một xã hội có thể phát triển tốt đẹp thì hai yếu tố trên phải được thực thi. Tuy nhiên, qua dòng lịch sử phát triển của nhân loại, hai vấn đề này dẫn những công dân trong một xã hội tới việc không ngừng đặt câu hỏi: Tự do là gì? Bình đẳng là gì? Chúng đang được vận hành ra sao trong đời sống xã hội? Rộng hơn nữa, khi một thể chế phát triển đến một mức độ nào đó, liệu sự phát triển tự do vượt mức của người này, hay những bất bình đẳng về của cải và thu nhập có là sự bất công đối với những người kém may mắn trong xã hội? Từ những tra vấn này, người viết tìm hiểu tác phẩm A Theory of Justice (Lý thuyết công bình) với mong ước có thể tìm ra phần nào câu trả lời cho những bận tâm trong lòng. Đặc biệt, khi tìm hiểu tác phẩm này cũng là một sự trùng hợp khi người viết đọc và suy ngẫm về thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả là anh em) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Qua việc đọc và suy tư về hai tác phẩm, người viết nhận thấy có những mối liên hệ trong cách thức mà hai tác giả nói đến tự do, bình đẳng và tình huynh đệ. Đặc biệt cả những quan điểm trái chiều trong những suy tư của Đức Giáo Hoàng về công bình xã hội khi quy chiếu với tác phẩm của Rawls. Vì thế, người viết được thôi thúc để thực hiện một suy tư nho nhỏ như một đóng góp cho việc áp dụng những giá trị này trong cuộc sống.
Với chiều hướng đó, bài viết được chia thành các mục nhỏ. Trước tiên là một vài nét chính về tác giả John Rawls và tác phẩm A Theory of Justice. Tiếp đến, để có thể hiểu được hai nguyên tắc công bình của Rawls, chương một sẽ tập trung vào tìm hiểu những yếu tố nền tảng làm nên lý thuyết của Rawls: đây là một suy tư mang tính triết học về một khế ước giả tưởng. Theo ý hướng của Rawls, để đạt được sự công bình cần phải có một tiến trình, tiến trình đó khởi đi từ một vài hoàn cảnh (khách quan và chủ quan). Sau đó, các bên tham gia chọn lựa các nguyên tắc chung ở vị thế ban đầu xét như là điểm khởi để lý thuyết có thể xảy ra. Tuy vậy, vị thế bình đẳng ban đầu cần giả định một điều kiện mà tất cả mọi người, những người tham gia vào khế ước, có thể chấp nhận, Rawls gọi là bức màn vô minh. Trọng tâm của bài viết nằm ở chương hai, chương này khai triển về hai nguyên tắc tự do và bình đẳng với những ý niệm và đặc nét của chúng. Sau khi nhấn mạnh đến hai nguyên tắc, bài viết sẽ giải thích về mối tương quan giữa tự do và bình đẳng qua trình tự ưu tiên, nguyên tắc thứ nhất có tầm quan trọng hơn nguyên tắc thứ hai. Chương ba là những liên hệ giữa suy tư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và John Rawls về công bình xã hội được thể hiện qua những khía cạnh của tự do, bình đẳng và tình huynh đệ. Cuối cùng, người viết đưa ra một số suy nghĩ và liên hệ thực tế với ước mong có thể gợi mở một vài chân trời mới dựa trên những tư tưởng của tác giả, cùng với đó là một vài kết luận sau cùng.
John Rawls và tác phẩm A Theory of Justice
Trong các triết gia chính trị của thế kỷ 20, có thể nói John Rawls là một trong những nhà triết học có ảnh hưởng nhất. Ông được nhiều người đánh giá rất cao bởi danh tiếng, tầm ảnh hưởng và những đóng góp trong lĩnh vực triết học chính trị – đạo đức. Robert Nozick miêu tả lý thuyết công bình của Rawls là một tác phẩm sâu sắc và đầy sức mạnh trong tư tưởng chính trị và cũng như trong nền chính trị đạo đức.[5] Với lối nhìn và cách tiếp cận về công bình xã hội, Rawls đã khai mở những hướng đi mới, mặc dùẫn tiếp thu những tư tưởng của truyền thống khế ước xã hội đã được định hình từ trước bởi Aristotle, Locke, Hobbes về một xã hội tự do và bình đẳng. Từ đánh giá trên, những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của Rawls cũng nên được điểm qua nhằm giúp hiểu hơn về tư tưởng của ông.
John Rawls (1921 – 2002) tên đầy đủ là John Bordley Rawls, sinh ra và học tập tại Baltimore, Maryland, Mỹ. Tuổi trẻ của Rawls đã trải qua một biến cố đau buồn khi hai năm liên tiếp hai người em trai bị nhiễm bệnh bạch hầu (diphtheria) và bệnh viêm phổi (pneumonia), và sau đó qua đời.[6] Từ đây, cảm thức sâu đậm về sự độc tài của vận mệnh (arbitrariness of fortune) đã tác động lên những kinh nghiệm đầu đời của ông. Về sau, trong tác phẩm A Theory of Justice, Rawls đưa yếu tố vận may tự nhiên vào trong những suy tư của mình.
Những năm sau đó, ông dấn thân vào việc học và chú tâm vào việc giảng dạy của mình qua sự cố gắng tìm kiếm cách thức kết hợp giữa tự do và bình đẳng vào trong khái niệm công bình xã hội. Lý do ông làm việc này cũng khởi đi từ thời đại của ông với nhiều biến động lớn trên thế giới, chúng tác động mạnh mẽ tới đời sống tri thức của Rawls. Do đó, để có thể hiểu thêm về Rawls và bối cảnh ra đời tác phẩm, người viết xin được nêu ra hai khía cạnh quan trọng được xem như là những bước ngoặt để hình thành nên tác phẩm này.
Thứ nhất, là một triết gia của thế kỷ 20, Rawls đã chứng kiến những cuộc chiến tranh và xung đột đau thương như: Chiến tranh thế giới thứ II (World War II), Chiến tranh lạnh (Cold War), và Phong trào đòi quyền tự do cá nhân (Civil Rights Movement). Các cuộc chiến tranh này không chỉ để lại những thảm họa và bất công đối với khía cạnh kinh tế – xã hội, nhưng còn là sự bất công giữa người giàu và người nghèo, người da màu và da trắng, đảng phái này và đảng phái khác. Cụ thể, chiến tranh thế giới thứ II đã ghi dấu sâu sắc trong những suy tư của Rawls về công bình. Những kinh nghiệm trực tiếp về chiến tranh đã kéo ông tới việc tra vấn về sự công bình trong thế giới này. Hàng loạt những câu hỏi được đặt ra: liệu chăng có một xã hội công bình? Đâu là tiêu chuẩn của sự công bình? Làm thế nào những giá trị về kinh tế xã hội và sức mạnh chính trị được phân bổ trong xã hội đáp ứng sự công bằng cho tất cả mọi người?
Thứ hai, bối cảnh triết học. Trong thời đại của Rawls, truyền thống Anglo – Saxon về tư tưởng chính trị chiếm giữ vị thế trong một thời gian dài. Triết học chính trị và đạo đức hầu như được định hình bởi truyền thống của những người theo chủ nghĩa vị lợi (Utilitarianism) bắt đầu từ thế kỷ 19 tới giữa thế kỷ 20.[7] Rawls không đồng ý với những ý niệm của chủ thuyết này về công bình, vì thế ông cố gắng xây dựng một học thuyết công bằng và hợp đạo đức về công bình để chống lại chủ nghĩa vị lợi. Rawls muốn thiết lập một học thuyết vốn “đưa ra một sự thay thế có hệ thống và hợp lý đối với chủ nghĩa vị lợi.”[8] Ông lập luận rằng, chủ nghĩa vị lợi không cung cấp một nền tảng thỏa đáng cho nền dân chủ lập hiến (constitutional democracy), bởi vì nó cố gắng để “gia tăng hết mức sự cân bằng thực của sự thỏa mãn.”[9]
Như vậy, những người theo chủ nghĩa vị lợi quan tâm tới sự tổng hợp của phúc lợi xã hội, xã hội được xem như một tổng thể. Trong một xã hội như thế, các cá nhân có thể hi sinh cho lợi ích chung. Rawls chống lại học thuyết này, bởi vì chủ nghĩa vị lợi không đảm bảo “các quyền căn bản và tự do của công dân xét như là những cá nhân tự do và bình đẳng, một đòi hỏi quan trọng bậc nhất cho sự giải thích của các thể chế dân chủ.”[10] Do đó, những sự tự do căn bản của con người không thể bị bỏ qua vì lợi ích chung hay sự tối đa hóa phúc lợi xã hội. Mặt khác, đối với Rawls, chủ nghĩa vị lợi không thể đảm bảo cho sự tự do của công dân, bởi vì ưu tiên của nó là ý tưởng về lợi ích, ở đó quyền chịu sự chi phối của lợi ích. Ngược lại, trong lý thuyết của Rawls “ý niệm về quyền đặt trên ý niệm về lợi ích.”[11]
Do đó, trong lý thuyết về công bình, Rawls cho thấy khuynh hướng quân bình của mình. Ông đề xuất chủ nghĩa quân bình tự do (liberal egalitarianism), trong đó sự đòi hỏi căn bản của công bình là các thành viên trong xã hội phải được đối xử như là những con người tự do và bình đẳng. Ông cố gắng xây dựng một lý thuyết về công bình, trong đó hai yếu tố tự do và bình đẳng được nhấn mạnh và nối kết với nhau, với sự nhấn mạnh đặc biệt vào tự do. Như thế, có thể nói, Rawls là người theo chủ nghĩa quân bình (egalitarianism)[12], bởi vì ông xem quyền tự do cá nhân phải được ưu tiên, phải được đặt trên các giá trị khác của xã hội. Vì vậy, những vấn đề về bình đẳng cơ hội, quyền lợi cá nhân phải được tôn trọng, được pháp luật bảo vệ và phải là lý tưởng của xã hội. Từ những phân tích trên, bài viết sẽ đi sâu vào tìm hiểu những yếu tố nổi bật làm nên tác phẩm này của Rawls trong những phần tiếp theo.
CHƯƠNG 1
Lý Thuyết Công Bình Của Rawls
1. Tổng quan về lý thuyết công bình của Rawls
1.1 Công bình và lý thuyết công bình
Ngay chương đầu tiên của tác phẩm, Rawls đã đưa ra một định nghĩa quan trọng về công bình. Theo ông “công bình là nhân đức đầu tiên của các thể chế xã hội, cũng giống như chân lý là nhân đức trước nhất của các hệ thống tư tưởng.”[13] Một hệ thống công bình là một hệ thống mà ở đó không có quyền hay sự tự do nào của con người bị xâm phạm. “Mỗi người chiếm giữ một sự bất khả xâm phạm đến mức lợi ích của xã hội xét một cách tổng thể cũng không thể có quyền cao hơn.”[14] Tự do và bình đẳng của từng cá nhân có tầm quan trọng và quan tâm như nhau. Do đó, không một xã hội nào được phép chất gánh nặng lên sự tự do và quyền lợi của cá nhân trong bất cứ trường hợp nào. Các quyền được bảo vệ bởi công bình không thể phục tùng cho những mục tiêu chính trị hay những đong đếm của lợi ích xã hội.[15] Tuy vậy, Rawls cũng mở ngỏ rằng, sự bất bình đẳng chỉ có thể được cho phép khi và chỉ khi điều ấy khả dĩ tránh khỏi một sự bất công lớn hơn.[16] Vì thế, trong các phẩm tính của con người, hầu chắc công bình là một nhân đức không thể thỏa hiệp.
Trong một xã hội, các thành viên cần hợp tác với nhau để tạo ra những lợi ích cho nhau, điều này cũng đồng nghĩa với việc cần có những nguyên tắc chung để vận hành sự hợp tác ấy. Tuy vậy, một vấn đề nảy sinh là, luôn có sự xung đột về lợi ích xuất phát từ những khác biệt về quan điểm liên quan tới việc phân phối những trách nhiệm và lợi ích giữa các thành viên (người viết sẽ phân tích điểm này kỹ hơn trong phần sau). Do đó, một vài nguyên tắc là cần thiết để định hướng những quyết định sao cho sự phân phối được thỏa mãn. Lý thuyết công bình của Rawls, nổi bật là nguyên tắc tự do và bình đẳng, là một giải pháp hữu hiệu cho vấn đề trên. Ở đây, Rawls không phủ nhận hay né tránh vấn đề khác biệt quan điểm liên quan tới sự sắp xếp những lợi ích chung, nhưng ông muốn mọi người đi đến một sự đồng thuận chung xoay quanh sự phân phối quyền và lợi ích; từ đó họ sẵn sàng thực hiện dựa trên những nguyên tắc ấy. Bởi vì, các thành viên trong xã hội lưu tâm đến những nguyên tắc này không chỉ cho sự tiến bộ của đồng loại nhưng còn đáp ứng cho lợi ích của chính mình.
1.2 Tính khách quan và chủ quan của hoàn cảnh công bình
Thông thường, một xã hội cần dựa trên sự hợp tác hỗ tương giữa các thành viên. Vì mục đích của sự hợp tác, các thành viên cần tuân theo một vài quy tắc chung để đảm bảo lợi ích cho chính họ trong xã hội đó. Mặc dù xã hộiính hợp tác cho lợi ích chung, tuy nhiên nó lại được đánh dấu bằng một sự xung đột cũng như đồng nhất về lợi ích.[17] Một mặt, con người nhận ra rằng sự đồng nhất về lợi ích và sự hợp tác có thể làm cho cuộc sống của tất cả mọi người tốt hơn, và nếu chỉ sống bằng những nỗ lực của chính mình thì không thể sản sinh ra những kết quả thuận lợi. Mặt khác, sự xung đột về lợi ích giữa các cá nhân luôn xảy ra khi hợp tác với nhau, vì họ thích phần lợi ích được chia lớn hơn chứ không muốn phần nhỏ hơn. Do đó, cả sự hợp tác và xung đột nảy sinh dưới các hoàn cảnh khách quan và chủ quan. Nếu những hoàn cảnh này không tồn tại thì cũng không cần thiết để nói bất cứ điều gì về công bình. Bởi lẽ, qua chúng con người mới có thể hiểu những gì đang diễn ra trong cuộc sống, từ đó mới có thể tìm ra những phương cách để dung hòa chúng.
Vậy, Rawls nói gì về những hoàn cảnh này? Trước hết, những hoàn cảnh khách quan là những sự kiện của cuộc sống vốn làm cho sự hợp tác của con người trở nên khả tính và cần thiết. Khi các cá nhân sống trong cùng thời điểm và cùng vùng lãnh thổ địa lý, họ khá tương đồng với nhau trong các nguồn sức mạnh thể chất và tinh thần. Do đó, không ai trong số họ có thể kiểm soát phần còn lại.[18] Lại nữa, họ sống dưới điều kiện mà các nguồn tài nguyên tự nhiên và các nguồn khác không quá dồi dào để những kế hoạch hợp tác có thể thực hiện. Hệ quả là, hàng hóa không đủ để đáp ứng toàn bộ những mong đợi của tất cả mọi người.
Tiếp đến, những hoàn cảnh chủ quan là những điều kiện liên quan tới các cá nhân riêng lẻ. Dẫu cho các bên tham gia hầu như có những lợi ích và nhu cầu giống nhau để làm cho sự hợp tác cùng có lợi có thể diễn ra, tuy nhiên, họ cũng có những kế hoạch riêng cho cuộc sống. Những kế hoạch này, hay những ý niệm về lợi ích (good), dẫn họ tới những mục đích và đích đến khác nhau, từ đó phát sinh những xung đột trên những nguồn lực tự nhiên và xã hội.[19] Hơn nữa, khi đề cập đến những hoàn cảnh chủ quan này, Rawls còn chỉ ra rằng con người chịu đựng những khiếm khuyết khác nhau về tri thức, tư tưởng, và phán đoán. Tri thức của họ hầu chắc không đầy đủ, sức mạnh về lý trí, trí nhớ, và sự tập trung cũng giới hạn; những phán đoán dường như bị méo mó bởi sự lo lắng, thành kiến, và mối bận tâm với những công việc của chính họ.[20] Vậy những thiếu sót này đến từ đâu? Rawls cho rằng, một vài những sai sót này đến từ sự sai lầm về đạo đức, nhưng ở một mức độ lớn hơn, chúng đơn giản là một phần của hoàn cảnh tự nhiên của con người.
Vì thế, để các thể chế xã hội giải quyết những hoàn cảnh này trong một cách thức công bằng, chúng cần phải được sắp xếp theo các nguyên tắc công bình. Những nguyên tắc này đạt được thông qua một tiến trình công bằng. Vậy, làm thế nào để một tiến trình khả dĩ công bằng có thể diễn ra? Trước hết, Rawls giới thiệu một giả tưởng thực nghiệm: một khế ước giả thuyết (hypothetical contract) mà ông gọi là vị thế ban đầu (original position).
1.3 “Vị thế ban đầu” (original position) là khởi điểm cho Lý thuyết công bình của Rawls
Để tạo ra những nguyên tắc công bình, Rawls bàn tới “công bình là công bằng” (Justice as fairness). Đối với Rawls, khi sự công bằng được đảm bảo, con người có thể đồng ý với các nguyên tắc công bình. Vì thế, ông truyền tải ý tưởng “các nguyên tắc công bình được đồng ý trong một hoàn cảnh ban đầu thì công bằng.”[21] Điều này không có nghĩa là những ý niệm về công bình và công bằng đều giống nhau, công bình không lẫn lộn với công bằng và công bình không nhất thiết phải là công bằng. Tính khả thi của các nguyên tắc công bình được xác định bởi vị thế ban đầu mà chúng được chọn. “Một ý niệm về công bình hợp lý hơn một ý niệm khác nếu những người có lý trí trong vị thế ban đầu có thể chọn chính các nguyên tắc đó hơn là chọn các nguyên tắc khác đối với vai trò của công bình.”[22] Rawls gọi hoàn cảnh bình đẳng ban đầu đó là “vị thế ban đầu.”
Đối với Rawls, những điều kiện mà con người có trong cấu trúc căn bản (basic structure)[23] của xã hội thì rất khác nhau, và những sự khác nhau này có thể có một sự ảnh hưởng lớn ngay từ khởi đầu. Cụ thể, xuất phát điểm của một số người tốt hơn những người khác vì những điều kiện kinh tế và xã hội khác nhau, và vì thế nó có thể trở thành nguyên nhân của sự bất bình đẳng. Hơn nữa, “sự bất bình đẳng có lẽ không thể được biện minh bởi việc nại đến những ý niệm của công trạng hay sự xứng đáng.”[24] Đó là lý do tại sao con người cần sự công bình xã hội được khởi phát từ một hoàn cảnh công bằng và bình đẳng.
Để làm được điều này, Rawls tạo ra vị thế bình đẳng ban đầu xét như là “thuần giả thuyết” (purely hypothetical): một quan điểm khế ước cho rằng những nguyên tắc nhất định có thể được chấp thuận trong một hoàn cảnh ban đầu được định rõ.[25] Trong vị thế ban đầu, tất cả các bên tham gia vào sự đồng thuận thì có lý trí và có những ý hướng tốt. Những cá nhân này bình đẳng với nhau, và vì thế mọi người có những quyền pháp lý như nhau. Đối với Rawls, ông muốn mọi người có thể suy nghĩ trong cách thức “vốn đảm bảo rằng những sự đồng thuận nền tảng đạt được trong vị thế ban đầu là bình đẳng.”[26] Theo những quan sát của Rawls về các hình thức khác của xã hội, điển hình là chủ nghĩa vị lợi, ông thấy rằng chúng không giải quyết được các vấn đề xã hội đã – đang tồn tại. Chủ nghĩa này không thể thành công vì thiếu sự đảm bảo cho công bình, và vì thế con người không thể ở trong một tình trạng công bằng thực sự với người khác.
Để đảm bảo các bên tham gia có thể suy xét các nguyên tắc dựa trên các điều kiện công bằng, nghĩa là để thiết lập nền tảng chung từ đó các bên tham gia có thể chấp nhận hay từ khước những nguyên tắc công bình, Rawls đòi hỏi các bên tham gia hoàn toàn có lý trí (rational). Qua điều này, Rawls muốn nói rằng trong việc lựa chọn các nguyên tắc, mỗi bên cố gắng hết sức để có thể gia tăng những lợi ích của chính mình.
Các bên tham gia, hành động như các tác nhân có lý trí, được nhìn nhận là tự do và bình đẳng có thể định rõ những điều kiện hợp tác từ các nguyên tắc công bình, từ đó họ có thể đi tới một sự đồng thuận cho việc xây dựng cấu trúc căn bản của xã hội. Sự nhất trí mà các bên tham gia đồng ý có thể suy luận bởi lý trí “khởi đi từ việc làm thế nào các bên tham gia được đặt vào hoàn cảnh với những sự lựa chọn mở ra với họ. Và từ những suy xét mà các bên tham gia tính đến xét như là những lý do và những thông tin có giá trị đối với họ.”[27]
Lại nữa, sự tự trị của lý trí (autonomy of reason) được trình bày trong vị thế ban đầu làm cho các bên tham gia chọn lựa các nguyên tắc công bình mà họ giả định rằng chúng được chấp nhận và thích hợp cho xã hội. Vì thế, họ có thể tự do lựa chọn dựa trên những nguyên tắc khả dĩ phù hợp với những giới hạn được áp đặt bởi chính vị thế ban đầu, nghĩa là, luôn suy xét điều gì sẽ là thích hợp nhất và có lợi nhất cho các cá nhân khi họ đóng vai trò là những công dân.
Rawls cho rằng, điều quan trọng là con người cần vươn tới một mức độ nào đó về công bằng ngay từ khởi điểm của suy nghĩ. Nói cách khác, Rawls muốn loại bỏ tới mức có thể sự bất bình đẳng được đưa ra bởi những vị thế khác nhau trong xã hội và những thái độ con người hướng tới những vị thế đó. Làm sao để đạt được mục đích này? Rawls lập luận rằng: “có lẽ sẽ hợp lý và có thể chấp nhận khi không ai có ưu thế hay bất lợi bởi vận may tự nhiên hay những hoàn cảnh xã hội trong việc lựa chọn các nguyên tắc. Dường như có nhiều sự đồng thuận rằng, sẽ không khả thi để gắn những nguyên tắc vào hoàn cảnh của từng người.”[28]
Mặc dù trong vị thế ban đầu, con người cần xóa bỏ tất cả những ưu thế hay bất lợi đã được định trước mà những vị thế xã hội khác nhau có thể cung cấp. Thế nhưng, về mặt tự nhiên, con người vẫn muốn bảo vệ những vị thế, những lợi ích mà chính họ đang ở trong đó. Vì thế, đối với Rawls, suy nghĩ dưới vị thế ban đầu là chưa đủ.
Do đó, vấn đề được đặt ra là, con người có thể tạo ra và đồng ý với các nguyên tắc công bình như thế nào? Làm thế nào một người có thể đạt được sự bình tâm đến mức họ không thiên về những hoàn cảnh và lợi ích cho chính mình, nhưng hơn thế là sự chọn lựa công bằng cho tất cả mọi người? Như đã trình bày ở trên, nguyên tắc công bình của Rawls là công bằng. Nghĩa là, con người cần một hoàn cảnh công bằng trong suốt tiến trình tạo ra các nguyên tắc. Vì thế, vị thế bình đẳng ban đầu giả định một điều kiện mà tất cả mọi người, những người tham gia vào khế ước, có thể chấp nhận. Điều kiện Rawls đề xuất đó là “bức màn vô minh”.
2. “Bức màn vô minh” (veil of ignorance) xét như điều kiện cho Lý thuyết công bình của Rawls
Như Rawls đã đề cập khi ông bắt đầu nói về bức màn vô minh: “ý tưởng về vị thế ban đầu là thiết lập một tiến trình công bằng (fair procedure) đến mức bất cứ nguyên tắc nào được đồng thuận sẽ công bằng.”[29]
Bức màn vô minh được hiểu là con người không biết mối quan tâm và những nội dung cụ thể trong viễn tượng của họ. Rawls nói rằng, bức màn vô minh ngăn các bên tham gia khỏi việc khuôn những quan điểm đạo đức của họ theo những lợi ích và sự quyến luyến cụ thể của chính họ. Họ không nên nhìn trật tự xã hội từ hoàn cảnh cụ thể của mình nhưng phải áp dụng quan điểm rằng tất cả mọi người có thể chọn một chỗ đứng bình đẳng.
Ý tưởng của Rawls như sau: giả sử khi tụ tập lại để chọn các nguyên tắc, các bên tham gia không biết những tình trạng đặc thù của nhau. Hãy tưởng tượng họ chọn lựa sau “bức màn vô minh” tạm thời ngăn không cho họ biết ai là ai. Trước hết, không ai biết vị thế của họ trong xã hội (địa vị, tình trạng xã hội). Nói cách khác, các bên tham gia trong vị thế ban đầu không được cho phép để biết liệu họ là người giàu hay người nghèo, da đen hay da trắng, phụ nữ hay đàn ông… Thêm vào đó, không ai biết “vận may của họ trong việc phân phối các tài sản và tài năng tự nhiên, sự thông minh, sức mạnh và ý niệm về lợi ích, hay những chi tiết về kế hoạch nào đó dựa trên lý trí.”[30] Nghĩa là, họ không biết họ được sinh ra với tài năng về thể thao, âm nhạc, hội họa hay thậm chí có bất cứ những tài năng đặc biệt đáng chú ý nào. Tiếp đến, họ không biết “ý niệm về lợi ích của mình” hay “những đặc thù trong kế hoạch sống của mình”[31]… cho dù họ muốn trở thành một diễn viên điện ảnh tài năng, một Kitô hữu tốt lành, một người bảo vệ nhân quyền. Lại nữa, họ không biết hoàn cảnh kinh tế – chính trị của họ trong xã hội, không có thông tin về thế hệ họ thuộc về. Ví dụ, nếu tôi biết tôi là người da trắng tôi sẽ giao kèo những nguyên tắc có lợi cho người da trắng, ngược lại, nếu tôi không biết thực tế này, tôi không có lý do gì để làm như thế. Hay, nếu tôi là người được giao cắt chiếc bánh vừa ngon vừa đắt tiền thành mấy phần, trong trường hợp tôi là người lấy miếng bánh đầu tiên, rất có thể tôi sẽ cắt không đều và lấy miếng to nhất. Ngược lại, nếu tôi biết tôi là người cuối cùng lấy miếng bánh, tôi sẽ tính toán để cắt cho các phần bằng nhau. Vì thế, điểm trọng tâm của bức màn vô minh là thúc đẩy con người suy nghĩ về vấn đề công bình xã hội từ quan điểm công bằng.[32]
Như vậy, nếu chúng ta có được một điều kiện để có thể tẩy ra khỏi đầu mình tất cả mọi thông tin vốn tác động lên tư duy về công bình của mình (làm cho nó bị thiên lệch) để trả lại vị thế ban đầu, trong đó tư duy ta nhìn mọi người cách công bằng, thì khi đó ta mới có những suy xét đúng đắn về công bình. Tuy nhiên, ta có thể thắc mắc: liệu có thật sự bỏ được thông tin không? Phải dẹp bỏ thông tin đến mức độ nào thì mới có thể đạt được vị thế ban đầu? Và nếu bỏ cách triệt để thì liệu còn khả năng tư duy không? Như đã bàn ở trên, bức màn vô minh không có nghĩa là con người hoàn toàn không biết gì, họ chỉ bị che khuất sự hiểu biết về các sự kiện đặc thù (particular facts). Ngoài ra, họ biết những sự kiện chung (general facts) về xã hội loài người, bao gồm: hiểu biết khái quát về tâm lý, kinh tế, và các ngành khoa học vật lý, sinh học, xã hội tương xứng khác.[33] Tuy nhiên, ở điểm này, có một vài vấn đề nảy sinh: làm thế nào các bên tham gia làm được điều này nếu họ không biết những ý niệm cụ thể về lợi ích của họ? Làm thế nào họ có thể biết nguyên tắc nào sẽ gia tăng những quyền lợi của họ? Câu trả lời của Rawls là các bên sẽ cố gắng làm gia tăng tới mức cao nhất sự chia sẻ cá nhân của họ về “những lợi ích căn bản.”[34] Vậy, những lợi ích này là gì? Rawls liệt kê gồm “quyền và nghĩa vụ, các cơ hội, thu nhập và của cải” cũng như “cảm thức về sự tôn trọng chính mình (self – respect).”[35] Vì thế, các bên tham gia sẽ tìm cách gia tăng giá trị tuyệt đối của những lợi ích căn bản mà họ có thể nhận. Cả chủ nghĩa vị lợi và cách giải thích của Rawls về công bình đều được thực hiện bởi các tác nhân có lý trí. Điểm khác biệt ở chỗ những người theo chủ nghĩa vị lợi đánh giá lợi ích theo mục đích của chính họ, trong khi đó những lợi ích căn bản theo cách đánh giá của Rawls đơn thuần là những phương tiện để đi tới mục đích.
Khi xem xét công cụ mà Rawls sử dụng trong tác phẩm, có thể nói, bức màn vô minh là một giá trị cần thiết. Nó “đảm bảo rằng không ai có lợi thế hay gặp bất lợi trong việc lựa chọn các nguyên tắc ngang qua vận may tự nhiên hay hoàn cảnh xã hội.”[36] Tuy nhiên, Rawls khẳng định, bức màn vô minh cho phép các bên tham gia biết họ thực sự có một vài kế hoạch dựa trên lý trí về cuộc sống. Họ chỉ không biết chi tiết kế hoạch gồm những gì, không biết những mục đích và lợi ích cụ thể mà kế hoạch được tính toán để thực hiện.
Như vậy, vị thế ban đầu và bức màn vô minh có thể cung cấp điều kiện cho việc tạo nên các nguyên tắc công bình. Hơn nữa, cả hai cho thấy sự tương hỗ thích hợp và công bằng giữa các cá nhân. Trong giả định của Rawls, các cá nhân ở trong vị thế ban đầu là những người có lý trí, vì thế họ có thể đưa ra những quyết định an toàn, hợp lý và khách quan về những nguyên tắc công bình cho dầu những nguyên tắc này được chọn đằng sau bức màn vô minh. Vậy, hai nguyên tắc tự do và bình đẳng được Rawls khai triển như thế nào? Phần tiếp theo của bài viết sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.
CHƯƠNG 2
Tự Do Và Bình Đẳng Trong Lý Thuyết Công Bình Của Rawls
Làm thế nào các nguyên tắc mà Rawls trình bày làm sáng tỏ những giá trị của chúng? Trong tác phẩm A Theory of Justice, Rawls giả định rằng cấu trúc xã hội có thể chia thành hai khía cạnh. Những khía cạnh của hệ thống xã hội xác định và đảm bảo sự tự do căn bản nền tảng, và những khía cạnh làm sáng tỏ và thiết lập các bất bình đẳng về kinh tế và xã hội.[37] Vì thế, ông đề xuất hai nguyên tắc. Hai nguyên tắc này là tự do và bình đẳng. Rawls áp dụng chúng đối với cấu trúc căn bản của xã hội trong lĩnh vực kinh tế và xã hội. Để trả lời cho câu hỏi ở trên, người viết sẽ tìm hiểu nội dung của hai nguyên tắc này, cũng như mối tương quan của chúng trong suy tư về công bình của Rawls.
1. Nguyên tắc tự do (liberty) trong lý thuyết công bình của Rawls
1.1 Ý niệm về tự do
Rawls lập luận rằng, các bên tham gia trong vị thế ban đầu có thể đồng ý với nguyên tắc tự do này. “Mỗi người phải có quyền ngang bằng tới mức phổ quát nhất những sự tự do căn bản nền tảng vốn tương thích với sự tự do của người khác (nguyên tắc tự do bình đẳng cao nhất).”[38]
Với phát biểu trên, Rawls khẳng định những sự tự do căn bản (basic liberties) phải ngang bằng cho tất cả. Vậy, một câu hỏi được đặt ra là: những sự tự do căn bản gồm những gì? Rawls cho rằng, công bình xã hội đòi hỏi một hệ thống các sự tự do căn bản “hoàn toàn thỏa đáng” cần được bảo vệ và dành sự ưu tiên hơn so với các lợi ích xã hội khác như sự thịnh vượng, tính hiệu quả.[39] Đòi hỏi này không ép buộc tự do vào trong sự trừu tượng, nhưng hướng đến sự tôn trọng đối với những sự tự do căn bản vốn được khởi đi từ những quyền đã có trong dòng lịch sử nhân loại. Rawls liệt kê một danh sách những sự tự do căn bản: “tự do lương tâm và tư tưởng; tự do chính trị (quyền bỏ phiếu và nắm giữ các chức vụ). Tự do ngôn luận, hội họp, tự do của con người (bao gồm tự do khỏi áp bức tâm lý và hành hung thể lý); quyền nắm giữ tài sản cá nhân. Những sự tự do này phải công bằng trong nguyên tắc thứ nhất.”[40]
Mỗi người đều có quyền bất khả xâm phạm, dựa trên công bình, mà công bình thì không thể vi phạm dù cho người ta có biện minh là vì quyền lợi của toàn xã hội đi chăng nữa. Do đó, trong một xã hội công bình, sự bình đẳng về các quyền công dân và các quyền tự do cho mọi người là bất di bất dịch, những quyền mà công bình đòi hỏi thì không thể đem ra để mặc cả chính trị hoặc tính toán trên cơ sở những lợi ích xã hội. Những quyền tự do căn bản này có một sức nặng tuyệt đối so với những lý lẽ của lợi ích chung (reasons of public good) và những giá trị tuyệt đối (perfectionist values).[41] Ví dụ, sự tự do công bằng về chính trị không thể bị phủ nhận đối với những nhóm xã hội dựa trên lập luận rằng, nhờ sự tự do này, họ có thể ngăn cản các chính sách đem lại hiệu quả cho xã hội và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Vì thế, sự tự do căn bản có thể bị giới hạn hay bị từ chối duy chỉ cho mục đích của một hay nhiều sự tự do căn bản khác, chứ không bao giờ dùng cho những lý do của lợi ích công cộng hay lợi ích của người theo chủ nghĩa cầu toàn.[42]
1.2 Tự do lương tâm là sự tự do không thể thỏa hiệp (uncompromising)
Trong phần này, người viết chủ yếu tập trung vào sự tự do lương tâm dưới góc độ tôn giáo. Lập luận cho sự tự do lương tâm như sau: đằng sau bức màn vô minh, các bên tham gia không biết về ý niệm lợi ích của họ. Theo đó, họ không biết về các quan điểm đạo đức và tôn giáo của họ. Rawls cũng lập luận rằng, các bên tham gia không biết tôn giáo nào đang hiện diện trong xã hội hay tôn giáo nào đang chiếm đa số hay chỉ là thiểu số.[44] Vì thế, các bên tham gia không thể liều lĩnh rằng tôn giáo của họ sẽ đứng vị trí hàng đầu nếu các nguyên tắc công bình ủng hộ cho một tôn giáo cụ thể. Hệ quả là, các bên tham gia sẽ đảm bảo sự tự do lương tâm bao lâu nó không làm phát sinh những bất ổn chung. “Tự do lương tâm phải bị giới hạn chỉ khi có một mong đợi hợp lý rằng nếu không làm như thế sẽ hủy hoại sự ổn định chung mà chính quyền có thể duy trì.”[45] Tương tự như các sự tự do khác, tự do lương tâm không được bảo đảm một cách an toàn một khi nó sản sinh ra những kết quả xấu buộc các chính quyền phải hạn chế sự tự do tôn giáo.
Khi bàn về tự do lương tâm, Rawls đưa ra một sự điều tiết giữa khoan dung (toleration) và lợi ích chung (common interests). Giữa hai yếu tố này, yếu tố nào quan trọng hơn? Rawls không có ý lập luận rằng lợi ích chung xếp trên sự tự do, nhưng hơn thế lợi ích chung là “một điều kiện cần thiết cho việc đạt đến cùng đích của con người.”[46] Do đó, sự phá vỡ những trật tự chung là một mối nguy cho sự tự do của mọi người. Vì thế, lập luận này tương thích với nguyên tắc về tự do.
Một vấn đề khó khăn hơn nữa là, liệu công bình có đòi hỏi sự khoan dung của những người không khoan dung (toleration of the intolerant)? Và nếu có thì dưới những điều kiện nào? Về phía tôn giáo, liệu các giáo phái tôn giáo có quyền để than trách nếu như họ không bao dung không? Câu trả lời của Rawls là không, vì chính những người không bao dung vi phạm nguyên tắc về tự do. Lẽ dĩ nhiên, những người khoan dung có quyền để không khoan dung với những ai gây nguy hiểm cho sự an toàn của họ. Người bao dung có trách nhiệm gìn giữ thể chế công bằng của xã hội, cho dù người khác có khuynh hướng hành động bất chính. Như vậy, “trong khi những bè phái bất bao dung không có tư cách để phàn nàn về sự không dung thứ, thì sự tự do của những bè phái đó có thể bị giới hạn. Bởi vì, người khoan dung tin rằng sự an toàn của họ và sự an toàn của các thể chế tự do đang gặp nguy hiểm.”[47]
Do đó, sự khoan dung về mặt tôn giáo cũng phải dựa trên giá trị công bình, chứ không phải dựa trên sự thực dụng.[48] Ở đây, tự do lương tâm cần thiết cho việc duyệt xét lại niềm tin của mỗi người, ý niệm về điều thiện, và cung cách sống. Để có thể xem xét lại những niềm tin hiện tại và cách sống của mỗi người, họ phải được tự do để thực hiện những ý tưởng và những dấn thân mới, và có khi rơi vào những sai lỗi.[49] Như thế, không có sự tự do lương tâm, những điều trên dường như có rất ít giá trị và không đáng để theo đuổi.
Tự do lương tâm là một sự tự do căn bản mà không thể thỏa hiệp. Không có tôn giáo nào được cho phép để ra lệnh cho người khác điều gì họ phải làm hay phải suy nghĩ. Tự do lương tâm thừa nhận rằng niềm tin tôn giáo có thể được chấp nhận là tuyệt đối, tuy nhiên đó lại là vấn đề với tôn giáo. Các tôn giáo khác, nếu không phải là tất cả, cũng có những niềm tin như thế. Nếu một tôn giáo nào đó nói điều họ cho là đúng, thì việc ép buộc họ phải chấp nhận điều sai là không thể. Mỗi tôn giáo đòi buộc phải tùng phục một luật cao hơn, và khi bị đòi hỏi tin vào những điều khác thì phải chấp nhận những niềm tin thấp hơn.[50]
Tất cả mọi người có quyền tin vào những gì họ chọn, nhưng họ không có quyền áp đặt chúng trên người khác. Điều ấy đến từ vị thế ban đầu trong bức màn vô minh vốn đảm bảo rằng không một tôn giáo nào bị đối xử một cách thiên vị hay được hưởng đặc ân. Không một cách giải thích cụ thể nào về chân lý tôn giáo có thể được nối kết một cách phổ quát trừ khi nó được chọn lựa bởi những con người tự do, và thậm chí họ không có quyền áp đặt nó trên những thế hệ tương lai.[51] Tất cả mọi người trong xã hội, từ vị thế ban đầu, qua thời gian đồng ý với hệ thống công bình, và bất kỳ ai cũng có thể xem lại để kiểm tra sự công bình vẫn đang được thực hiện theo các nguyên tắc mà vị thế ban đầu chấp nhận. Như vậy, tự do lương tâm là sự tự do đưa đến công bình xã hội.
Trong nguyên tắc về tự do, Rawls trình bày một đòi hỏi mạnh mẽ đối với tự do chính trị. Lập luận của Rawls về tự do chính trị và giá trị của nó được đặt nền trên ý niệm về sự tôn trọng chính mình (self – respect). Ý niệm này là một trong những lợi ích căn bản (primary goods) trong suy tư của Rawls.
Vậy, tại sao sự tôn trọng chính mình lại quan trọng trong việc áp dụng vào tự do chính trị? Trong tác phẩm A Theory of Justice, Rawls khẳng định “tôn trọng chính mình và sự tin tưởng chắc chắn trong cảm thức về giá trị của chính mình có lẽ là lợi ích căn bản quan trọng nhất mà một con người có thể nắm giữ.”[52] Thực vậy, không có điều này, cuộc sống tự nó trở nên vô nghĩa đối với ai thiếu nó, và vì lý do này các bên tham gia trong vị thế ban đầu “hầu chắc muốn tránh bằng bất cứ giá nào những điều kiện xã hội làm xói mòn sự tôn trọng mình.”[53] Rawls biện luận rằng tôn trọng chính mình là quan trọng đối với công dân vì “không có sự tôn trọng mình dường như chẳng có điều gì có giá trị để thực hiện hay nếu có một vài điều gì đó có giá trị với chúng ta, thì chúng ta cũng thiếu lòng muốn để đạt được chúng. Tất cả các ao ước và hành động trở nên trống rỗng và vô nghĩa, và chúng ta sẽ rơi vào sự thờ ơ và thích chỉ trích.”[54] Việc thực thi chính trị theo đúng nghĩa là để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của xã hội. Nếu không có một cảm thức vững chắc về tôn trọng bản thân, thì con người sẽ chẳng bao giờ thấy đích đến của mình có giá trị để theo đuổi, như thế cũng sẽ chẳng có động lực để góp phần xây dựng xã hội. Như thế, ý niệm về chính trị của Rawls đặt nền trên con người. Ông muốn lý thuyết về con người phải là một lý thuyết được xây dựng cho những lý do chính trị. Vì thế, Rawls cố gắng rút ra ý niệm về con người từ ý tưởng nền tảng trong lý thuyết của mình: sự hợp tác xã hội cho lợi ích của nhau giữa những con người tự do và công bằng.[55]
Trong quan điểm của Rawls, con người được xem như có hai nguồn sức mạnh đạo đức (moral powers). Thứ nhất là cảm thức về công bình, cảm thức này là “khả năng để hiểu, áp dụng, và hành động từ ý niệm chung về công bình vốn biểu thị những điều kiện công bằng của sự hợp tác xã hội.”[56] Thứ hai là khả năng thu nhận ý niệm về lợi ích (capacity for a conception of the good), đây là khả năng để định hình, suy xét, và theo đuổi về mặt lý trí một ý niệm được xác định về lợi ích, ý niệm về điều có giá trị trong cuộc sống con người.”[57]
Trong giới hạn của bài viết, người viết chỉ tập trung vào sức mạnh đạo đức đầu tiên (cảm thức về công bình) để minh giải cho ý niệm chính trị về con người của Rawls. Rawls xác định “cảm thức công bình” là một cảm nghĩ đạo đức (moral sentiment) bao gồm “một khao khát để áp dụng và hành động từ những nguyên tắc công bình và từ quan điểm công bình.”[58] Cảm nghĩ đạo đức này là cần thiết cho sự ổn định của một xã hội được tổ chức tốt, và sự hiện diện của cảm nghĩ này bảo đảm cho tình trạng công bằng của các công dân. Sự ổn định của xã hội phụ thuộc vào việc thủ đắc và khẳng định về cảm thức công bình của “phần lớn các công dân tích cực về mặt chính trị.”[59] Đó là lý do tại sao cảm thức này không chỉ đòi hỏi sự bằng lòng với các thể chế công bằng nhưng còn đòi hỏi sự cải tổ các thể chế đang tồn tại khi công bình đòi hỏi.[60] Do đó, con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là không thể phát triển và thực hiện những khả năng đạo đức của họ nếu họ bị từ chối sự tự do tham gia chính trị. Vì thế, trong suy tư của mình, Rawls coi trọng cảm thức về công bình trong tự do ngôn luận[61](freedom of speech) ở cả khía cạnh ổn định chung của xã hội và cá nhân. Bởi vì, Rawls không chỉ liệt kê sự tự do này trong danh sách những quyền và sự tự do căn bản, nhưng còn dành gần một phần của tác phẩm để trình bày về tầm quan trọng của nó.[62]
Vậy, tại sao Rawls nhấn mạnh đến sự tự do này? Thứ nhất, tự do ngôn luận đảm bảo cho nguyên tắc của sự tham gia dân chủ công bằng và cam kết rằng những cuộc bầu cử là tự do và bình đẳng.[63] Như thế, sự công bình của thể chế dân chủ đòi hỏi sự tự do ngôn luận. Bởi lẽ, nếu không có sự tham gia của các thành viên trong xã hội để nói lên những mong đợi đối với những thành viên trong bộ máy chính trị, thì xã hội đó sẽ bị thiên lệch bởi những quyết định của một nhóm người có quyền. Vì thế, tự do ngôn luận đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của một nền dân chủ thể chế công bằng, nó thực hiện một vai trò thiết yếu trong việc vận hành xã hội.[64] Khi công bình đòi hỏi một thể chế đang tồn tại thay đổi chính sách nào đó nhằm thăng tiến đời sống chung, tự do ngôn luận là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nói lên lợi ích của toàn dân.
Thứ hai, khi nói đến sự tự do này, Rawls muốn nói đến những tác động của nó trên các cá nhân, chứ không phải toàn xã hội. Bởi vì, tự do ngôn luận là cần thiết để cá nhân nhận ra sự tự trị và lý trí của mình. Nghĩa là, nó đảm bảo tính công bằng về ảnh hưởng trong diễn đàn công khai và cho phép mỗi người đánh giá và xúc tiến các chính sách công nhằm thúc đẩy việc theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp của họ.[65] Do đó, mỗi cá nhân sẽ thấy vai trò của mình trong xã hội. ọ cảm thấy mình thuộc về gia đình nhân loại này đơn giản vì họ được diễn tả những nhu cầu, ao ước của một công dân. Thực vậy, trong một xã hội có tổ chức tốt, trở thành một người tốt là một điều tốt cho chính người đó.[66]
Như vậy, giá trị của con người được tôn trọng qua các thể chế xã hội chỉ khi tất cả các cá nhân có những quyền và sự tự do chính trị như nhau. Nếu con người muốn đảm bảo một cảm thức chắc chắn về sự tôn trọng chính mình, họ không thể đồng ý hay chấp nhận bất cứ điều gì mà ít có giá trị hơn sự tự do chính trị. Một khi cá nhân nào đó bị tha hóa bởi những lợi ích về kinh tế – xã hội, họ dễ dàng khuôn mình theo những việc làm sai trái, lẽ dĩ nhiên giá trị của công bình bị hạ thấp khi thực thi chính trị. Đối với Rawls, giá trị của công bình bảo vệ sự tự do chính trị. Ông khẳng định: “dù cho địa vị kinh tế và xã hội của họ như thế nào, tự do chính trị đảm bảo sự công bằng theo nghĩa mọi người có cơ hội ngang nhau để nắm giữ các chức vụ và ảnh hưởng tới kết quả của các quyết định chính trị.”[67] Đặc biệt, sự tự do chính trị phải gắn liền với cảm thức công bình. Rawls nhấn mạnh, nếu không có cảm thức về công bình, con người “không thể cảm thấy sự phẫn nộ và bực bội, họ không có những mối dây bằng hữu và sự tin tưởng lẫn nhau. Họ thiếu những yếu tố nền tảng của bản chất con người.”[68]
2. Nguyên tắc bình đẳng (equality) trong lý thuyết công bình của Rawls
2.1 Ý niệm về bình đẳng
Ý niệm về bình đẳng, cũng như ý niệm về tự do đã bàn ở phần trên, đóng một vai trò quan trọng trong lý thuyết công bình của Rawls. Điều gì sẽ xảy ra với xã hội loài người nếu mọi người chọn những gì dường như có lợi cho mình và chỉ quan tâm tới người khác trong một cách thức tiêu cực và để xã hội tồn tại một mình? Nguyên tắc bình đẳng gồm hai phần. Phần thứ nhất đòi hỏi “bình đẳng về cơ hội” cho tất cả mọi người, bình đẳng không chỉ trong những cơ hội việc làm nhưng còn trong những cơ hội của cuộc sống. Con người với những khả năng và kỹ năng như nhau phải có những cơ hội trong cuộc sống giống nhau, bất chấp tầng lớp họ được sinh ra. Phần thứ hai, “nguyên tắc khác biệt” chỉ được biện hộ cho những bất bình đẳng về kinh tế và xã hội làm gia tăng tới mức có thể những lợi ích cho những thành viên yếu thế nhất trong xã hội.[69] Vậy, Rawls lập luận như thế nào về nguyên tắc này đối với công bình xã hội? Phần tiếp theo sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.
2.2 Bình đẳng cơ hội mở ra cho tất cả mọi người
Nguyên tắc này bao hàm ý niệm về bình đẳng vốn áp dụng cho tất cả mọi người, không loại trừ một ai. Bình đẳng cơ hội đảm bảo hai điều: các vị trí kinh tế và xã hội mở ra cho tất cả mọi người; và từng thành viên trong xã hội có được cơ hội như nhau để phát triển những khả năng cần thiết cho việc cạnh tranh những vị trí phù hợp với họ.
Trước hết, sự bình đẳng về cơ hội mở ra cho mọi người trong các vị trí kinh tế xã hội nhằm ngăn chặn hình thức tích lũy tài sản quá mức vốn cho phép những nhóm đặc quyền giữ độc quyền những lợi ích xã hội.[70] Rawls nhấn mạnh rằng con người “với những khả năng và kỹ năng như nhau có thể có những cơ hội trong cuộc sống tương tự nhau.”[71] Theo cách này, họ có thể đạt được những chức vụ mà họ xứng đáng được nhận mà hoàn toàn độc lập với tầng lớp xã hội của họ. Như vậy, sự bình đẳng này đòi hỏi tất cả mọi người, dù cho vị trí khởi đầu cuộc sống của họ như thế nào, nên có cùng cơ hội để phát triển những tài năng tự nhiên của mình. Sau đó, họ có thể cạnh tranh một vị trí nào đó trong xã hội, với điều kiện là không gặp những bất lợi vì một hoàn cảnh túng quẫn. Ví dụ, một đứa trẻ đến từ một gia đình có điều kiện và một đứa trẻ đến từ gia đình nghèo khó nên có những cơ hội ngang nhau để đạt được những sở nguyện nghề nghiệp theo những tài năng tự nhiên của chúng. Rawls khẳng định: “ở đây ý tưởng về các chức vụ không chỉ mở ra trong một nghĩa hình thức, nhưng tất cả mọi người nên có cơ hội ngang bằng để đạt được chúng.”[72] Thêm vào đó, chính quyền trong một xã hội được tổ chức tốt, một mặt phải đề phòng sự tích góp lợi ích riêng. Mặt khác bảo đảm sự công bằng kinh tế “bằng việc cung cấp các hướng dẫn cho các nhà sản xuất và các công ty tư nhân, ngăn chặn việc thiết lập các giới hạn độc quyền và các cản trở đối với các vị trí đáng ao ước.”[73]
Tiếp đến, nguyên tắc này nhấn mạnh rằng, mỗi công dân nên có những cơ hội ngang nhau để có được một vị trí xã hội thích hợp bằng việc đảm bảo đầy đủ sự tiếp cận công bằng các dịch vụ như y tế, giáo dục, đào tạo kỹ năng. Những chính sách để đạt được sự công bằng cơ hội này bao gồm đảm bảo nền giáo dục công bằng cho tất cả mọi người và loại bỏ những phân biệt đối xử bất công.[74] Ở điểm này, Rawls dành sự ưu tiên cao nhất đối với việc “duy trì cơ hội bình đẳng giáo dục cho tất cả.”[75] Ví dụ, hệ thống trường học, dù là công lập hay tư nhân, phải được thiết kế để loại ra những chướng ngại tầng lớp.”[76] Bởi vì, khi việc tiếp cận với giáo dục được đảm bảo, những nhóm người có xuất phát điểm ít lợi thế hơn có cơ hội để phát triển những kỹ năng cần thiết hầu có thể có cơ hội sống tốt hơn.
Với những phân tích trên, có thể thấy, Rawls đồng ý với sự bình đẳng cơ hội dưới sự bình đẳng dân chủ (democratic equality), nhưng ông không đồng thuận với ý niệm về bình đẳng theo cách hiểu tự do tự nhiên (natural liberty). Bởi vì “tự do tự nhiên vẫn cho phép sự phân chia của cải và thu nhập phải được xác định bởi sự phân chia tự nhiên về các khả năng và tài năng.”[77] Vì thế, những sự bất bình đẳng sản sinh từ những nhân tố ngẫu nhiên của tự nhiên và xã hội là không công bằng. Đặc biệt, khi miêu tả về bình đẳng cơ hội, Rawls tái khẳng định: “những người có cùng tài năng, khả năng và lòng muốn để sử dụng những món quà được ban nên có cùng những viễn cảnh thành công như nhau bất chấp vị trí ban đầu của họ trong hệ thống xã hội. Nghĩa là, không tính đến tầng lớp họ được sinh ra.”[78] Như vậy, qua việc nhấn mạnh tới sự bình đẳng cơ hội cho tất cả mọi người, Rawls cổ võ cho quan điểm đạo đức tôn trọng con người. Con người có phẩm giá, và vì thế họ xứng đáng có cơ hội để phát triển bản thân, họ có cơ hội để theo đuổi những điều họ mong muốn mà không bị yếu tố vận may tự nhiên, hay những yếu tố ngẫu nhiên của xã hội chi phối.
2.3 Nguyên tắc khác biệt (difference principle)
Nguyên tắc khác biệt (difference principle) có lẽ là một trong những nét nổi bật và cũng là một yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất trong tư tưởng về công bình của Rawls, trong khi bình đẳng về cơ hội được chấp nhận bởi hầu hết mọi người. Nguyên tắc này liên quan đến sự bình đẳng về xã hội và kinh tế. Rawls phát biểu như sau: “mặc dù không đòi hỏi phải cào bằng thu nhập và của cải, nguyên tắc này chỉ cho phép tồn tại những bất bình đẳng về xã hội và kinh tế nếu những bất bình đẳng này phục vụ lợi ích của các thành viên yếu thế nhất trong xã hội.”[79]
Theo lý thuyết về công bình của Rawls, một khi những đòi hỏi của nguyên tắc thứ nhất – nguyên tắc tự do bình đẳng căn bản – được thỏa mãn, và một khi sự bình đẳng cơ hội tồn tại, thì nguyên tắc khác biệt bắt đầu có hiệu lực.[80] Nguyên tắc này đòi hỏi rằng, cấu trúc căn bản của xã hội phải được tổ chức tới mức mà tất cả những bất bình đẳng về kinh tế và xã hội gia tăng hết mức những mong đợi[81] của những thành viên yếu thế trong xã hội.
Vậy, đối tượng nào là “những thành viên yếu thế nhất” (the least advantaged) trong lý thuyết của Rawls? Rawls không cố gắng cung cấp một định nghĩa chính xác, duy nhất về những người yếu thế nhất. Thay vào đó, ông đề xuất xác định các thành viên hoặc là những người không được đáp ứng đầy đủ những lợi ích căn bản (primary goods)[82]. Hay cụ thể hơn là có thu nhập và của cải ít hơn mức trung bình của người lao động không có chuyên môn (nghĩa là, qua việc quy chiếu đến một vài vị trí đặc thù trong xã hội), hoặc là những người ít hơn 50% thu nhập và của cải.[83] Ở đây, Rawls muốn nói tới những người yếu thế nhất trong ý nghĩa của sự chia sẻ những lợi ích căn bản của một nhóm. Những người yếu thế nhất trong xã hội có thể được xem là những người yếu thế về mặt kinh tế; những người làm công ăn lương nhưng kiếm được ít tiền nhất; và những người yếu kém về kỹ năng làm việc so với đòi hỏi của công việc. Đặc biệt, Rawl không xem những người khuyết tật là những người yếu thế, vì ông hiểu xã hội bằng sự hợp tác, tương hỗ và tạo ra sản phẩm. Vì thế, một người khi tham gia vào sự hợp tác xã hội đòi hỏi phải có những khả năng cần thiết cho sự hợp tác, và sẵn sàng chia sẻ một cách công bằng những đóng góp của mình.[84] (Điều này không có ý nói rằng, người khuyết tật không tham dự vào sự hợp tác và không đóng góp sản phẩm trong nghĩa hẹp. Rõ ràng, nhiều người khuyết tật có khả năng tạo ra sản phẩm).
Tuy nhiên, ở đây nảy sinh sự tra vấn về tính hợp lý của nguyên tắc khác biệt. Con người ở trong vị thế ban đầu không chỉ chú tâm vào sự phân phối các lợi ích căn bản nhưng còn là sự đền bù cho những bất công tự nhiên. Rawls chỉ tính đến những người yếu thế trong lĩnh vực kinh tế, nhưng người khuyết tật có khi cần sự trợ giúp nhiều hơn. Ví dụ, nếu một người mù không phải là người yếu thế, nguyên tắc khác biệt không cung cấp những trợ cấp hay những lợi ích thêm cho họ. Như vậy, Rawls dường như đã giới hạn những đối tượng cần trợ giúp.
Rawls hiểu xã hội loài người là một “hệ thống hợp tác”, trong đó sự xung đột chính yếu xoay quanh vấn đề làm thế nào những lợi ích vốn được tạo ra bởi sự hợp tác có thể được phân chia. Lý thuyết của Rawls không nhắm tới một sự phân chia cụ thể hay duy nhất các lợi ích nhưng là toàn bộ sự tổ chức thể chế của một xã hội, ông gọi điều này là “cấu trúc nền tảng” (như đã nói ở trên). Cấu trúc nền tảng phân chia các giá trị xã hội đã được xác định hay “những lợi ích căn bản” mà con người có thể muốn có nhiều hơn, hơn là ít hơn. Rawls cho rằng, tất cả giá trị xã hội như: tự do và cơ hội, thu nhập và của cải, và những nền tảng của sự tôn trọng chính mình phải được phân chia một cách công bằng. Trừ khi một sự phân chia bất công về bất kỳ, hay tất cả, giá trị nào trong những giá trị này đem đến lợi ích cho tất cả.[85] Ở điểm này, Nozick, một người theo chủ nghĩa tự do, phản đối lập luận của Rawls. Nozick cho rằng, Rawls vi phạm quyền tư hữu tài sản (self – ownership). Bởi vì, xã hội của Rawls là một xã hội tổng thể (comprehensive) hơn là xã hội đơn lẻ (minimal) vốn nhắm đến việc tái phân phối các nguồn lực nhân danh những người yếu thế. Vì thế, nó gạt qua một bên những quyền tư hữu tài sản đang thực sự tồn tại: “thực vậy, việc tái phân phối là một vấn đề nghiêm trọng, nó nhắm đến việc chế ngự quyền con người.”[86] Nozick cho rằng, bao lâu những bất bình đẳng về kinh tế là kết quả của một sự trao đổi tự nguyện, thì chúng là công bằng. Do đó, công bình theo Rawls không thể thực hiện sự công bình đối với quyền tư hữu tài sản.
Lại nữa, nguyên tắc khác biệt phải điều chỉnh những bất bình đẳng tự nhiên. Không ai xác định được nhóm nào họ sẽ thuộc về bởi dòng dõi. Theo Rawls, tài năng và khả năng vốn là những quà tặng từ bản chất thì không thể bị dùng cho việc có thêm những lợi ích. Người được sinh ra trong một gia đình quyền thế, có sự sắp đặt và huấn luyện tốt hơn sẽ bỏ mặc phía sau những người được sinh ra từ một nhóm ít đặc quyền hơn. Rawls xem những trường hợp này là bất bình đẳng và muốn điều chỉnh chúng qua việc áp dụng nguyên tắc khác biệt.
Rawls thừa nhận một sự bình đẳng ban đầu và cho rằng những cái xuất phát từ sự bình đẳng này chỉ có thể được coi là đúng nếu chúng tạo ra những lợi ích đầy đủ.[87] Tuy vậy, một trong những vấn đề quan trọng nảy sinh đó là: làm thế nào những bất bình đẳng có thể hướng tới tối đa hóa vị thế của những người yếu thế nhất? Trong thực tế, những bất bình đẳng rất hữu ích trong kinh tế. Chúng có thể đáp ứng như một lực đẩy cho những động cơ của con người để làm việc này thay vì làm việc khác. Ví dụ, nếu mọi người đều nhận một khoản tiền lương giống nhau cho những công việc khác nhau thì lợi ích cho sự cạnh tranh và tạo ra sản phẩm sẽ bị đánh mất. Ngoài ra, con người cũng sẽ có xu hướng chọn những việc không cần đòi hỏi sự cố gắng, trình độ, giờ giấc… Do đó, có khi rất nhiều ngành nghề sẽ bị đóng cửa vì lực lượng lao động tái phân bổ vào thị trường, và có thể dẫn tới một nền kinh tế trì trệ và thiếu hiệu quả. Lập luận này chống lại cách tiếp cận theo hướng quân bình của Rawls, vì chủ nghĩa quân bình bị cho là phi lý và không hiệu quả. Cohen phê bình nguyên tắc khác biệt này của Rawls, ông thấy có lỗ hổng khi áp dụng nó đối với những động cơ cụ thể. Cụ thể, nguyên tắc khác biệt không phải là một sự biện hộ cho sự phân phối công bằng khi những động cơ chỉ cho phép khuyến khích con người làm những công việc họ thích. Nghĩa là, những công việc này không đòi tiền đền bù cho phí tổn sức lực hay sự không thỏa mãn của người lao động. Cohen cho rằng, sự phân phối bất bình đẳng như thế được đòi hỏi để trợ giúp cho những người yếu thế khi hoạch định một chính sách thì không có đặc tính của người theo chủ nghĩa quân bình.[88] Tuy nhiên, Rawls chấp nhận khẳng định có điều kiện rằng nếu sự bất bình đẳng là cần thiết để giúp mọi người khấm khá hơn, đặc biệt, để giúp những người yếu thế nhất tốt hơn điều họ có thể có, thì nó có thể được cho phép.[89]
Một giá trị khác của nguyên tắc khác biệt đó là nó cung cấp một sự giải thích về nguyên tắc của tình huynh đệ. Trong sự so sánh với tự do và bình đẳng, ý tưởng về tình huynh đệ có vị thế thấp hơn trong lý thuyết về bình đẳng dân chủ.[90] Tuy nhiên, nếu ý tưởng này được hiểu trong phạm vi của nguyên tắc khác biệt, nó đóng một vai trò quan trọng trong việc thực thi sự công bình. Khi nhấn mạnh tới sức mạnh của công bình đối với tính bền vững (stability), Rawls chỉ ra chìa khóa để đảm bảo sự vững chắc cho công bình là “con người cần có cảm thức công bình hay một sự quan tâm đối với người yếu thế. Khi những tình cảm này đủ mạnh để vượt qua những cám dỗ vi phạm luật lệ, thì những sự sắp xếp chính đáng được củng cố.”[91] Điều này gắn kết chặt chẽ với tình huynh đệ và được Rawls sử dụng để phát triển những thái độ của sự rộng lượng và lòng trắc ẩn. Theo Rawls, cảm thức cộng đồng (sense of community), hay nói cách khác là cảm thức tình huynh đệ (sense of fraternity) nhắm tới tình bạn công dân và liên đới xã hội. Như vậy, nguyên tắc khác biệt của Rawls là một nguyên tắc kiểu mẫu, nó nhắm tới điều hòa xã hội theo cách mà các lợi ích xã hội (social good) phải được phân bổ theo bất cứ điều gì làm cho tình trạng của những người yếu thế nhất trong xã hội đó tốt hơn.
3. Mối liên hệ giữa tự do và bình đẳng
3.1 Trật tự ưu tiên của hai nguyên tắc
Khi bàn đến sự ưu tiên (priority) giữa tự do và bình đẳng, Rawls cho thấy tự do có trọng lượng hơn bình đẳng. Trong khi tự do có vị trí tuyệt đối xét như một quyền vô điều kiện, thì bình đẳng có vị trí cân xứng xét như một quyền có điều kiện vốn có thể bị lay chuyển và phụ thuộc vào hoàn cảnh chính trị, luật pháp. Vì thế, sự ưu tiên về tự do luôn đóng vai trò trung tâm trong lý thuyết của Rawls. Do đó, sức mạnh của công bình dường như phát sinh từ hai điều: sự đòi hỏi đối với những bất bình đẳng phải biện minh cho những người yếu thế nhất, và sự ưu tiên đối với tự do.
Mặc dù cả hai nguyên tắc này đều quan trọng đối với bất kỳ xã hội nào, tuy nhiên Rawls xem nguyên tắc tự do phải được “ưu tiên” hơn nguyên tắc bình đẳng. Trong phần đầu của tác phẩm, Rawls cho thấy tính ưu việt của công bình đưa đến “tính không thể xâm phạm” về những quyền của mỗi cá nhân, điều này nguyên tắc tự do bảo vệ, bởi lẽ trong một xã hội công bằng những sự tự do của công dân phải được thiết lập.[92] Rawls dường như thừa nhận rằng hai nguyên tắc có một thứ bậc, ông tái khẳng định những nguyên tắc công bình này như là những nguyên tắc của sự ưu tiên:
Nguyên tắc ưu tiên thứ nhất (ưu tiên sự tự do) là nguyên tắc công bình, nó phải được sắp xếp trong trật tự ngữ học (lexical order) và vì thế tự do có thể bị hạn chế chỉ cho mục đích của tự do. Nguyên tắc ưu tiên thứ hai (sự ưu tiên của công bình trên hiệu suất và phúc lợi) thì có trước nguyên tắc của hiệu suất và nguyên tắc gia tăng tới mức cao nhất tổng lợi ích; và sự bình đẳng cơ hội có trước nguyên tắc khác biệt.[93]
Ở đây, có hai trật tự ưu tiên. Trước hết là nguyên tắc ưu tiên giữa tự do và bình đẳng. Tiếp đến là nguyên tắc ưu tiên giữa bình đẳng cơ hội và nguyên tắc khác biệt. Với trật tự ưu tiên thứ nhất, tự do phải được tuân theo một cách đầy đủ trước khi bình đẳng được suy xét. Như vậy, tự do có một sức nặng tuyệt đối so với các giá trị khác, “những xâm phạm đối với những sự tự do căn bản được bảo vệ bởi nguyên tắc thứ nhất không thể được biện minh, hay được đền bù bởi những lợi ích kinh tế và xã hội lớn hơn.”[94] Sự ưu tiên này bảo vệ tầm quan trọng nền tảng của con người, nghĩa là, nền tảng cho sự tôn trọng chính mình trong một xã hội công bằng không phải là sự chia sẻ thu nhập nhưng là sự phân phối một cách công khai những quyền và lợi ích căn bản.[95] Theo trật tự ưu tiên thứ hai, bình đẳng cơ hội đi trước nguyên tắc khác biệt. Trật tự này nhấn mạnh đến các thể chế căn bản của xã hội phải cung cấp những điều kiện cho sự bình đẳng cơ hội trước khi nguyên tắc khác biệt vận hành. Nếu như sự bình đẳng cơ hội không được đảm bảo thì những yếu tố kinh tế – xã hội trong nguyên tắc khác biệt cũng không có giá trị. Vì thế, bình đẳng cơ hội được chú trọng như một yếu tố quan trọng của việc xây dựng thể chế kinh tế của bất kỳ xã hội nào.
Với những phân tích trên, sự phân biệt căn bản nhất giữa hai nguyên tắc mà Rawls trình bày đó là: tự do bàn đến những yếu tố căn bản của thể chế, trong khi bình đẳng hướng tới sự vận hành của những yếu tố căn bản (tức là nguyên tắc thứ nhất). Do đó, nguyên tắc tự do vốn quan tâm tới những sự tự do căn bản có vị trí cao hơn so với nguyên tắc bình đẳng vốn nhắm tới những bất bình đẳng về kinh tế và xã hội. Vậy, đâu là lý do cho sự ưu tiên này? Rawls cho rằng, những sự tự do được đảm bảo căn cứ theo hiến pháp là hình thức cao nhất của quyền lực chính trị. Nghĩa là “quyền lực của người dân để thiết lập nên hình thức quản trị,” điều này có thể đối nghịch với “quyền lực thông thường được thực thi một cách đều đặn bởi các quan chức của một chế độ.”[96] Một lý do khác là những sự tự do căn bản tồn tại để “bảo vệ những lợi ích căn bản vốn có tầm quan trọng đặc biệt.”[97]
Rawls nhấn mạnh đến ý tưởng tự do đứng trước bình đẳng. Bởi lẽ, không ai muốn đánh mất sự tự do khi bức màn được vén lên. Sau đó, nếu có bất kỳ sự bất bình đẳng về kinh tế và xã hội nào đang tồn tại, thì xã hội sẽ can thiệp để đảm bảo tất cả các công dân có được sự ngang bằng về cơ hội. Cuối cùng, xã hội sẽ cho phép những bất bình đẳng chỉ trong những trường hợp mà trong xã hội đó các thành viên nhắm tới gia tăng lợi ích cho những người yếu thế nhất.
Tuy nhiên, một vấn đề khác nảy sinh: liệu con người ở trong vị thế ban đầu có thực sự quyết định chọn những nguyên tắc này? Có thể nhiều người trong số họ không chọn, bởi vì họ thực sự muốn mạo hiểm và muốn gia tăng tới mức cao nhất lợi lộc mà họ có thể đạt được. Mặt khác, theo ý niệm về quyền ưu tiên đối với tự do, các bên tham gia vào khế ước xã hội giả thuyết không thể trao đổi những sự tự do của họ cho lợi ích kinh tế. Sự ưu tiên đối với tự do không có nghĩa là tự do có tầm quan trọng lớn hơn trong trường hợp có một số người trao đổi tự do, nhưng nó nhắm đến thực tế rằng những sự tự do không thể bị trao đổi. Ý niệm này phụ thuộc vào đòi hỏi của Rawls, đó là con người có những khả năng khác nhau để “sắp xếp, điều chỉnh và theo đuổi những ý niệm về lợi ích của họ và cách thức trong đó những sự tự do căn bản là cần thiết để thực hiện khả năng đó.”[98] Trong thực tế, điều này có thể kiểm chứng. Ví dụ, nếu tôi đang ở trong vị thế của việc trao đổi những sự tự do nào đó (như tự do tư tưởng hay tự do lương tâm) lấy tiền bạc, liệu tôi có sẵn sàng mạo hiểm và từ bỏ một vài sự tự do để đổi lấy một số tiền chăng? Thông thường, câu trả lời phụ thuộc vào tình trạng tài chính của người đưa ra quyết định. Nếu một người nghèo khổ, hầu chắc họ sẽ đổi tự do lấy tiền của. Hoặc, nếu một người nghèo ở trong vị thế để chọn giữa thức ăn và tự do, thì hầu chắc thức ăn được chọn. Tuy nhiên, để bảo vệ lập luận của mình về vị thế ban đầu dưới bức màn vô minh, Rawls giả định rằng mọi người trong xã hội đạt tới một vị thế nào đó về sự thỏa mãn kinh tế và sự độc lập tài chính trước khi đi vào khế ước xã hội giả thuyết. Chỉ khi điều kiện này được hoàn thành, thì ý niệm về sự ưu tiên đối với tự do mới có thể có hiệu lực một cách trọn vẹn.[99]
3.2 Sự cân bằng giữa tự do và bình đẳng làm nên sự công bình
Theo Rawls, ý niệm về công bình thích hợp cho việc nhận ra các giá trị của tự do và bình đẳng trong các thể chế. Vì thế, lý thuyết về công bình của ông đòi hỏi làm sáng tỏ những giá trị của hai nguyên tắc này.
Sở dĩ nguyên tắc công bình với hai yếu tố căn bản là tự do và bình đẳng được coi là nền móng của khế ước xã hội vì nó nhắm đến hai câu hỏi: các thành viên của xã hội có những quyền lợi và nghĩa vụ gì? Và của cải, phúc lợi xã hội cần được phân phối ra sao? Một mặt, nguyên tắc công bình của Rawls khẳng định tự do là bản chất của con người. Mặt khác, nó cũng xác định phạm vi quyền tự do mà mỗi công dân được hưởng được đảm bảo trong nguyên tắc thứ nhất; và sự phân phối các của cải xã hội vừa đảm bảo bình đẳng giữa các công dân lại vừa đảm bảo sự bất bình đẳng cũng được phân phối công bằng. Vì thế, trong vị thế ban đầu, mỗi thành viên của xã hội có quyền tự do như nhau trong các vấn đề cơ bản như: quyền tự do lương tâm, quyền tự do tham gia vào chính trị, quyền nắm giữ các chức vụ công cộng, quyền tự do tư tưởng… Vì mỗi người phải được bình đẳng về các quyền tự do cơ bản phù hợp với quyền tự do tương ứng của người khác.
Tiếp đến, nguyên tắc thứ hai đề cập đến việc phân phối lại các của cải và phúc lợi xã hội trong điều kiện có sự bình đẳng về các quyền tự do, thì tất yếu nảy sinh sự bất bình đẳng về chức vụ, quyền hành và quyền sở hữu tài sản. Vì thế, một xã hội công bình cần có những nguyên tắc phân phối các của cải công bằng. Khi con người nhận thức và hành động theo nguyên tắc công bình, tức là sự tự do và bình đẳng, thì sẽ giải đáp cho câu hỏi: làm sao để mỗi cá nhân với những lợi ích khác nhau có thể đóng góp cho xã hội?[100]
Do đó, hai nguyên tắc này kết hợp với nhau sẽ tạo nên sự công bình xã hội. Nguyên tắc thứ nhất đảm bảo các sự tự do căn bản, nguyên tắc thứ hai bảo đảm mức độ tối thiểu của các nguồn lực được gia tăng hết mức. Rawls cho rằng, hai nguyên tắc đòi hỏi “cấu trúc căn bản của xã hội phải được sắp xếp để gia tăng hết mức giá trị của những người yếu thế nhất trong toàn bộ sự phối hợp của tự do công bằng được chia sẻ cho tất cả mọi người.”[101]
Như vậy, Rawls rút ra một sự nối kết giữa những nguyên tắc công bình và những lý tưởng của tự do, bình đẳng và tình huynh đệ. Ông cho rằng, chúng ta có thể liên kết những ý tưởng truyền thống của tự do, bình đẳng, tình huynh đệ với sự giải thích dân chủ của hai nguyên tắc công bình. Nghĩa là, tự do tương xứng với các quyền và sự tự do căn bản, bình đẳng tương xứng với sự bình đẳng về cơ hội, và tình huynh đệ ứng với nguyên tắc khác biệt.
CHƯƠNG 3
Một Phản Tỉnh Về Tự Do Và Bình Đẳng Xét Từ Thông Điệp Fratelli Tutti
Đối với người viết, xã hội công bình là một xã hội cần thoát ra khỏi một ý thức hệ nào đó. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng mời gọi con người cần thoát ra khỏi “những vận động, tiếp thị, và tuyên truyền. Những thứ này gieo chia rẽ, xung đột, và gieo một thái độ hoài nghi tiêu cực không có khả năng cổ vũ người ta theo đuổi thiện ích chung.”[102] Trong thông điệp Fratelli Tutti (Tất cả là anh em) ban hành ngày 04/10/2020, Đức Giáo Hoàng tha thiết mời gọi con người trong thế giới hôm nay nhìn về sự tự do, bình đẳng, và huynh đệ mà họ dành cho nhau. Trong tác phẩm A Theory of Justice, Rawls cố gắng xây dựng một lý thuyết nhằm đưa con người tới một sự đồng thuận qua việc chọn lựa những nguyên tắc công bình. Một mặt, những suy tư đóng góp của Rawls cho thấy một sự quan tâm lớn của ông về công bình, nhưng mặt khác vẫn còn những giới hạn trong lối nhìn mang tính toàn thể về công bình. Mục đích của phần này là một suy tư liên hệ về công bình hướng tới tất cả mọi người dưới ánh sáng của thông điệp, chứ không chỉ nhắm tới các Kitô hữu. Vì thế, chương này sẽ tìm ra những nét tương đồng trong suy tư của hai tác giả về công bình xã hội dưới hai khía cạnh tự do và bình đẳng, đồng thời người viết cũng muốn rút ra những phê bình dành cho Rawls dựa trên tư tưởng của Đức Giáo Hoàng.
1. Một sự tự do siêu vượt hơn
Như đã đề cập trong phần I của chương 2, khi Rawls trình bày về những quyền căn bản của con người, ông nhấn mạnh đến quyền của cá nhân thì không thể bị xem nhẹ và xâm phạm. Do đó, trong một xã hội công bình, các quyền ấy phải được thiết lập. Ở điểm này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nêu bật giá trị của việc tôn trọng quyền con người, ngài nói:
Việc tôn trọng các quyền ấy là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế xã hội của một quốc gia. Khi phẩm giá của nhân vị được tôn trọng, và các quyền của người ta được bảo đảm, thì tính sáng tạo và tính phụ thuộc lẫn nhau sẽ triển nở, và khả năng sáng tạo của nhân cách con người sẽ phát tiết xuyên qua những hành động thúc đẩy thêm thiện ích chung.[103]
Có thể nói, cả Rawls và Đức Giáo Hoàng đều hướng tới việc xây dựng một xã hội công bình mà ở đó những quyền căn bản của con người được nhìn nhận, tôn trọng, và bảo vệ. Do đó, tính không thể xâm phạm tới tự do và phẩm giá phải đặt lên hàng đầu. Xã hội lý tưởng là như thế, tuy nhiên, Đức Giáo Hoàng chỉ ra rằng, trong thực tế, các quyền của con người không bình đẳng cho tất cả. Vẫn còn đó những bất công được nuôi dưỡng bởi một mô hình kinh tế dựa trên lợi nhuận, từ đó những lợi ích xã hội: tự do và cơ hội, thu nhập và tài sản, và những nền tảng của lòng tự trọng bị vứt bỏ. Chẳng hạn, trong khi một bộ phận của nhân loại sống dư thừa xa xỉ, thì một phần khác thấy phẩm giá của mình bị phủ nhận, những quyền căn bản của mình bị xâm phạm và chà đạp. Có lẽ, trong tác phẩm của mình, Rawls cũng hơi tham vọng khi muốn xây dựng một xã hội dường như là hoàn hảo.
Tiếp đến, theo quan điểm của John Rawls về tự do chính trị, việc thực thi chính trị phải tách khỏi sự chi phối của các yếu tố kinh tế, bởi khi tiền bạc len lỏi vào các quyết định chính trị thì sự công bình sẽ có nguy cơ sai lạc. Trong khi bàn về sự tự do này, mối quan tâm của các bên tham gia trong vị thế ban đầu là tránh những điều kiện xã hội vốn làm hư hoại sự tôn trọng chính mình, điều này có tính quyết định đối với lập luận về sự ưu tiên của tự do. Lợi ích kinh tế luôn có một sức hút mạnh mẽ đối với lòng tham của con người, nếu xã hội bị chi phối bởi nguyên tắc vị lợi thì con người sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tin tưởng vào giá trị của chính mình, đặc biệt là những người yếu thế. Cũng thế, trong thông điệp Fratelli Tutti, Đức Giáo Hoàng cũng nêu lên nguy cơ của những thế lực kinh tế đối với tự do con người “đời sống chính trị sẽ trở nên ngày càng mong manh trước những thế lực kinh tế vốn vận hành theo nguyên tắc “chia để trị.”[104] Con người dễ đánh mất sự tôn trọng chính mình khi đằng sau họ là những khối tài sản kếch xù đang mời gọi.
Một điểm đáng chú ý khác nữa là, khi nói về tự do lương tâm trong khía cạnh khoan dung tôn giáo, cả Rawls và Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tới sự khoan dung, yêu thương kẻ khác không có nghĩa là cho phép kẻ ấy, nhóm ấy tiếp tục áp bức mình. Với Rawl, khoan dung về tôn giáo cũng phải dựa trên giá trị công bình, chứ không phải dựa trên sự thực dụng.[105] Hoặc, nếu các giáo phái tôn giáo cố chấp, không khoan dung mà lại đòi hỏi sự bao dung, gây nguy hiểm cho sự an toàn của người khác thì phải bị đối xử theo công bình; bị trừng phạt theo những gì họ đã gây ra. Khi nói về sự xung đột chính đáng và tha thứ, Đức Giáo Hoàng nói rằng: “chúng ta được kêu gọi yêu thương mọi người, không trừ ai. Đồng thời, lương tâm cũng lên tiếng rằng, việc yêu thương một kẻ áp bức không có nghĩa là cho phép kẻ ấy tiếp tục áp bức mình, hay cho phép kẻ ấy nghĩ rằng điều y làm có thể được chấp nhận.”[106] Ví dụ, nếu một ai đó cố ý hại tôi hay người thân trong gia đình tôi, hiển nhiên không ai cấm tôi đòi sự công bằng và tìm cách để chắc chắn rằng kẻ ấy không hại tôi và những người khác. Việc làm này của tôi hoàn toàn công bằng. Tuy nhiên, nếu dừng lại ở đây thì có lẽ sự oán thù và chiến tranh sẽ vẫn còn xảy ra.
Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề này? Có lẽ, Đức Giáo Hoàng đi xa hơn Rawls trong tầm nhìn về sự tự do lương tâm này. Ngài đưa ra giải pháp đó là tha thứ, dù không nhất thiết phải quên lãng. Thoạt nghe có vẻ như hơi tiêu cực, tuy nhiên, điều này có nghĩa là “đứng trước một điều gì đó không thể bị quên lãng vì bất cứ lý do gì, chúng ta vẫn có thể tha thứ.”[107] Một sự tự do siêu vượt là một sự tự do không chịu thua chính cái nguyên nhân, chính cái lực hủy diệt đã gây ra quá nhiều đau khổ cho ta. Có khi trả thù chỉ làm con người thỏa mãn trong chốc lát, nhưng sẽ không giải quyết được những oán thù trong lòng. Nói như thế không có nghĩa là miễn hình phạt. Vậy nên, tính siêu vượt của tự do được Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh ở điều này “công bình được tìm kiếm cách đúng đắn chỉ từ tình yêu đối với chính công bình, từ lòng tôn trọng đối với các nạn nhân, chứ không phải như một nút xả trút giận. Sự tha thứ mới chính là cái giúp chúng ta theo đuổi công lý mà không rơi vào vòng xoáy của báo thì hay sự bất công của việc quên lãng.”[108]
2. Bình đẳng kiến tạo sự thăng tiến con người
Sự bình đẳng cơ hội phải mở ra cho tất cả mọi người để họ có thể phát triển hết những gì mà họ được ban. Tuy nhiên, những người khuyết tật, sinh ra trong một gia đình nghèo khó cùng cực. Hay, những người thiếu một nền giáo dục tốt, và khả năng tiếp cận với sự săn sóc y tế thích đáng sẽ chẳng còn cơ hội bình đẳng nếu xã hội đó được điều hành bởi những tiêu chuẩn của thị trường tự do và hiệu năng.[109] Đã là con người, ai cũng có phẩm giá và có sự bình đẳng về các cơ hội trong cuộc sống. Rawls khẳng định rõ điều này trong những lập luận về sự bình đẳng: “những người có cùng tài năng, khả năng và lòng muốn để sử dụng những món quà được ban nên có cùng những viễn cảnh thành công như nhau bất chấp vị trí ban đầu của họ trong hệ thống xã hội. Nghĩa là, không tính đến tầng lớp họ được sinh ra.”[110] Đức Giáo Hoàng cũng nhấn mạnh:
Những người làm việc thúc đẩy sự sống chung hòa bình phải đừng bao giờ quên rằng sự bất bình đẳng và tình trạng thiếu phát triển nhân bản toàn diện làm cho chúng ta không thể đạt được hòa bình. Thật vậy, nếu không có sự bình đẳng về các cơ hội, những hình thức quá khích và xung đột khác nhau sẽ tìm thấy một mảnh đất màu mỡ để lớn lên và cuối cùng bùng nổ.[111]
Chúng ta nên thừa nhận rằng, những bất bình đẳng về thu nhập và của cải là điều hiển nhiên. Sẽ chẳng có gì để nói về thế giới này nếu như ai cũng có thu nhập và của cải như nhau cho dù công việc của mỗi người khác nhau. Áp dụng điều Rawls gọi là “nguyên tắc khác biệt”: chỉ cho phép những bất bình đẳng kinh tế và xã hội nào làm gia tăng lợi ích của các thành viên kém may mắn nhất trong xã hội. Liệu những bất bình đẳng đó có được tạo ra trong một hệ thống, xét một cách tổng thể, vận hành vì lợi ích của những người yếu thế nhất không? Ví dụ, nếu luơng của bác sĩ cao hơn lương của công nhân xây dựng, tình cảnh của những người nghèo có thể được cải thiện bằng cách gia tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho họ. Vậy, tài sản khổng lồ của Bill Gates thì sao? Tài sản này có chịu một mức thuế lũy tiến đánh thuế người giàu nhằm cung cấp dịch vụ giáo dục, y tế và phúc lợi cho người nghèo không? Nếu có và nếu hệ thống này làm người nghèo khá hơn so với hệ thống chia đều tất cả, thì sự bất bình đẳng này phù hợp với nguyên tắc khác biệt.[112] Tuy nhiên, Rawls chỉ giới hạn việc xác định người yếu thế là những người nghèo về mặt kinh tế. Đức Giáo Hoàng Phanxicô không nghĩ như thế, ngài xác định các đối tượng cần sự chia sẻ, quan tâm không chỉ là người nghèo về vật chất nhưng còn là “những người không có khả năng sản xuất, hoặc có những giới hạn bẩm sinh do hoàn cảnh.”[113] Rõ ràng, một mặt Rawls nhắm tới việc tôn trọng phẩm giá con người, nhưng mặt khác khi nói về sự công bình phân phối thì dường như không nhắm tới việc áp dụng ở cấp độ lớn hơn, mở rộng cho những đối tượng khác ngoài những người yếu thế về kinh tế.
Với lối nhìn mở ra với thế giới, Đức Giáo Hoàng khẳng định: những người khiếm khuyết về thể lý cần được quan tâm nhiều hơn, khi xét đến sự “yếu thế”, Rawls chỉ mới chú trọng đến khía cạnh “kinh tế”, chứ chưa để ý nhiều đến những chiều kích khác. Đức Giáo Hoàng nói “sự khiếm khuyết không làm giảm phẩm giá cao cả của họ trong tư cách là những nhân vị, một phẩm giá không đặt nền trên những hoàn cảnh cuộc sống, nhưng trên giá trị nội tại của hữu thể con người.”[114] Với những nhận định này, thông điệp Fratelli Tutti mở ra một sự bình đẳng để con người có thể phát triển đời sống của mình. Với Rawls, có lẽ ông đã đụng chạm đến những vấn đề bình đẳng về kinh tế, xã hội nhưng chưa đi đến tận cùng của sự bình đẳng ấy như cách mà Đức Giáo Hoàng đã chỉ ra trong thông điệp của ngài.
KẾT LUẬN
Một số suy nghĩ và liên hệ thực tế
Trước hết, một xã hội thịnh vượng hầu chắc cần dựa trên sự hợp tác, tôn trọng và tương trợ lẫn nhau. Thế nhưng, có một thực tế đau buồn là, con người đang sống trong một thế giới mà họ phải gánh chịu những quyết định vô lý từ các nhà lãnh đạo thế giới. Các cuộc chiến tranh về chính trị, kinh tế thường xuyên xảy ra nhằm phục vụ cho những mục đích như phô diễn quyền lực, sức ảnh hưởng, hay quyền tài phán của quốc gia này trên quốc gia kia. Rawls kinh nghiệm được điều này khi ông từng sống trong bối cảnh của các cuộc chiến tranh thảm khốc, đặc biệt là cuộc chiến tranh thế giới thứ II. Các nguồn tài nguyên khan hiếm đi đôi với nhu cầu ngày càng lớn về các nguồn năng lượng khác nhau nhằm phục vụ cho lối sống xa hoa của con người. Hệ quả là, con người có thể sẵn sàng hủy diệt nhau và chất sự đau khổ lên nhau mà chẳng cần biết giới hạn. Do đó, những nguyên tắc công bình là cần thiết để những con người có lý trí đi đến sự đồng thuận về một vài nguyên tắc chung nhằm bảo vệ những lợi ích căn bản của mình mà không gây tổn hại cho người khác.
Ở đây, một câu hỏi được đặt ra là: tự do và bình đẳng là điều kiện hay là cùng đích của công bình? Trong lý thuyết của Rawls, ông xem cả hai vừa là điều kiện (đảm bảo lợi ích cho tất cả mọi người), vừa là cùng đích (duy trì sự tự do bình đẳng cho tất cả mọi người) của công bình. Đối với người viết, tự do và bình đẳng phải là cùng đích của công bình. Rawls khẳng định điều này khi ông bàn về vai trò của công bình “mỗi người đều có quyền bất khả xâm phạm trên nền tảng công bình …công bình từ chối sự phủ nhận tự do của một số người cho dù nó có thể được bù trừ bởi công ích lớn hơn. Nó không cho phép áp đặt sự hy sinh lên một số người ngay khi nó được cân bằng bởi tổng số lợi ích cho nhiều người khác.”[115] Như vậy, chỉ có công bình khi có tự do.
Do đó, khi tự do là cùng đích của công bình, con người sẽ sử dụng sự tự do ấy để đóng góp cho xã hội. Rawls xem “tự do lương tâm và tư tưởng; tự do chính trị (quyền bỏ phiếu và nắm giữ các chức vụ). Tự do ngôn luận, hội họp; tự do của con người (bao gồm tự do khỏi áp bức tâm lý và hành hung thể lý); quyền nắm giữ tài sản cá nhân”[116] là những yếu tố quan trọng làm nên công bình xã hội. Tuy nhiên, sự tự do sẽ trở nên lệch lạc khi các quyền căn bản của con người không được tôn trọng, lợi ích chung của xã hội bị bỏ qua. Ví dụ như: cho phép phá thai ở một số nước dân chủ; các công dân và các tổ chức bị ngăn cản tham gia vào việc xây dựng đời sống xã hội. Những người có tôn giáo không được nắm giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, tự do hội họp trong các hoạt động tôn giáo bị cấm cản. Một điều đáng lưu ý trong thời gian của đại dịch Covid 19 là: các quốc gia dân chủ đề cao tự do, việc bắt buộc đeo khẩu trang là điều vi phạm sự tự do của công dân. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người viết cho rằng sự tự do nên được giới hạn để bảo vệ sự an toàn cho mình và người khác, cũng như cổ võ sự liên đới cộng đồng.
Tiếp đến, trong thực tế, không có một xã hội nào thực sự có một cơ chế hợp tác trong đó con người tham gia một cách hoàn toàn tự nguyện theo đúng nghĩa của nó. Vì mỗi người được sinh ra ở một vị thế xã hội nhất định và vị trí ấy ảnh hưởng đến đời sống của họ. Nhưng nếu một xã hội thỏa mãn những nguyên tắc công bình, xã hội đó sẽ tiến gần hơn tới cơ chế tự nguyện, bởi những nguyên tắc mà mọi cá nhân tự do và bình đẳng cùng lựa chọn trong một tình huống công bằng được đáp ứng. Ở đây, khi suy nghĩ tới nguyên tắc khác biệt, một câu hỏi được đặt ra là: cách thức nào là tốt nhất để có thể chia sẻ lợi ích cho mọi người, đặc biệt là những người yếu thế? Có lẽ, công bình xã hội không chỉ đơn thuần là phép tính toán các con số theo tính hợp lý của nó, nhưng còn có cả yếu tố hợp tình trong đó. Mặc dù, Rawls không nói quá nhiều về tình huynh đệ so với tự do và bình đẳng trong tác phẩm của mình, nhưng có lẽ cảm thức về tình liên đới là nền tảng cho ý niệm về công bình. Ví dụ, trong thời gian của đại dịch Covid – 19, nhiều người đã có những sáng kiến để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn vì thất nghiệp, bệnh tật, già yếu… Ví dụ: cây ATM gạo, cây ATM khẩu trang, giảm giá hoặc không lấy tiền phòng trọ của người lao động…những hành động như thế không chỉ là làm từ thiện, mà vì những người có điều kiện, hoặc có thiện chí muốn chia sẻ với những người khó khăn. Họ cảm thấy không nỡ nhìn anh chị em của mình rơi vào bế tắc, hay dồn những người khốn khó vào bước đường cùng khi họ không có thu nhập để trả tiền thuê nhà. Nếu xét trên nguyên tắc có đi có lại thì người thuê trọ phải trả tiền cho chủ nhà trọ là điều đương nhiên. Tuy nhiên, làm sao những cá nhân này làm như thế nếu họ không quan tâm tới những người yếu thế này? Do đó, những sự quan tâm tự nó là một hành vi của tình yêu, tình yêu qua tiếng nói của lương tâm là nền tảng cho những suy nghĩ của cá nhân về công bình.
Thêm vào đó, sự công bình không chỉ đặt nền móng nơi cá nhân, nhưng ý niệm công bình cũng diễn tả cảm thức chung của cộng đồng qua các trợ giúp xuyên quốc gia, hay qua đối thoại tôn giáo. Trước mối lo ngại về việc các nước giàu chiếm ưu thế trong việc tiếp cận với vaccine ngừa Covid – 19, trong khi các nước nghèo thì đành chịu thiệt thòi vì không có đủ tài lực để mua vaccine. Đối diện tình thế này, tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra sáng kiến COVAX (công bằng vaccine) nhằm phân phối vaccine Covid – 19 công bằng trên toàn cầu. Mục tiêu của COVAX là đạt những thỏa thuận mua vaccine với số lượng lớn từ các công ty dược phẩm, đồng thời nhận vaccine quyên góp của các nước giàu. Những quốc gia nghèo hơn có thể nhận vaccine miễn phí từ chương trình, trong khi nước giàu cũng có thể mua từ đây để đa dạng hóa nguồn cung.[117] Mặc dù sáng kiến này vấp phải nhiều trở ngại về nguồn cung, nhưng đây là một tín hiệu tốt cho thấy tính nhân đạo của các quốc gia trên thế giới trong vấn đề ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Về mặt tôn giáo, cảm thức chung về công bình diễn tả qua việc cổ võ sự đoàn kết, tôn trọng và xây dựng tình huynh đệ đại đồng giữa các tôn giáo. Sự quan tâm và bảo vệ những người yếu thế vẫn là một ưu tiên vì họ là những đối tượng chịu tác động trực tiếp bởi bạo lực, xung đột tôn giáo, chính trị. Chuyến thăm lịch sử của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tới Iraq (từ 05/03 – 09/03/2021) là một minh chứng rõ nét về sự khao khát xây dựng mối dây hiệp nhất giữa các tôn giáo và mọi thành phần trong xã hội. Như vậy, sự tự do và bình đẳng là cùng đích của việc xây dựng sự công bình. Thế giới sẽ là ngôi nhà chung đầy yêu thương của tất cả mọi người khi các cá nhân và các tổ chức khác nhau đặt để tình yêu, tình huynh đệ làm nền móng cho những phán đoán của mình.
Cuối cùng, liệu công bình có cần thoát ra khỏi một ý thức hệ nào đó và cần một chút tưởng tượng hay không? Có một thực tế là, mỗi người khi sinh ra đã ở trong một ý thức hệ được tiếp nối từ thế hệ trước. Tuy nhiên, điều quan trọng là sống trong ý thức hệ đó như thế nào là tốt, đúng với tính chất người. Trong xã hội hôm nay, có những ý thức hệ cho thấy sự méo mó, chê giấu của nó; con người bị nhấn chìm, cúi đầu nhận chịu hoàn toàn trong đó. Ví dụ: sự tự do ngôn luận bị hạn chế, quyền tham gia vào các hoạt động chính trị, an sinh xã hội như giáo dục hay y tế bị hạn chế vì lý do tôn giáo… Vì thế, những điều này dẫn nhiều người đến một sự vun vén hay thu tích cho cá nhân và gia đình, sống thái độ “an phận thủ thường.” Xã hội công bình (tự nó cũng là một ý thức hệ) là nơi mọi người đều có quyền nói lên ý kiến, cùng thảo luận và đưa ra giải pháp thích đáng khi có xã hội vấn đề. Xã hội ấy không bị bắt buộc phải theo đường hướng chỉ đạo của một bộ phận nhỏ những người ở trong ý thức hệ đó, bởi lẽ nhiều khi tiếng nói của công dân đi ngược lại với lợi ích của họ. Rawls kinh nghiệm được những tác động không hề nhỏ của chủ nghĩa vị lợi (thế kỷ 19 – giữa thế kỷ 20) khi chủ nghĩa này đề cao đến tổng phúc lợi xã hội mà quên đi sự tôn trọng phẩm giá của mỗi cá nhân. Vì thế, lý thuyết của Rawls nhấn mạnh đến nguyên tắc công bình nhằm phê bình ý tưởng của chủ nghĩa vị lợi. Do đó, để có thể thỏa thuận với nhau, truyền thông cho nhau, con người cần thoát ra khỏi ý thức hệ. Một điểm khá thú vị khác nữa là: trong một ý thức hệ, tưởng tượng đóng một vai trò khá đặc biệt nhằm giúp điều chỉnh những cái chung của xã hội. Khi đọc tác phẩm của Rawls, có lẽ nhiều người sẽ phê bình ông về tính ảo tưởng trong việc đề ra vị thế ban đầu và bức màn vô minh. Tuy nhiên, người viết cho rằng, Rawls tiếp cận lý thuyết của mình bằng một sự không tưởng tích cực, nghĩa là, ông chọn lựa các nguyên tắc công bình nhằm giúp thăng tiến xã hội, giúp con người sống đậm đà hơn, thăng tiến hơn chứ không phải là một sự không tưởng tiêu cực trốn chạy thực tại. Vì vậy, công bình cần loại ra những ý thức hệ không giúp xã hội thăng tiến, không giúp con người sống tốt hơn; thêm vào đó cần một chút tưởng tượng để hướng xã hội đến sự tự do, bình đẳng và huynh đệ.[118]
Một vài đúc kết sau cùng
Có thể nói tự do và bình đẳng là hai yếu tố quan trọng trong lý thuyết công bình của Rawls. Rawls muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, nơi đó con người được tôn trọng, phát triển và giúp đỡ hầu có thể sống đúng với phẩm giá của mình. Người viết xin được tóm kết một vài nét chính yếu như là lời kết cho những suy tư cá nhân về lý thuyết của Rawls.
Đối với Rawls, các nguyên tắc công bình được minh chứng nếu chúng được hiểu như là một sự đồng thuận giữa những con người được đặt trong một hoàn cảnh chọn lựa giả thuyết mà ông gọi là “vị thế ban đầu.” Mục đích của vị thế ban đầu là giúp con người thấy những hệ quả của công bình trong một nền dân chủ tự do, ở đó các công dân được xem là những người tự do, có lý trí và bình đẳng. Tuy nhiên, để có thể thấy một bức tranh đơn giản hơn, làm thế nào các nguyên tắc công bình có thể xuất hiện từ vị thế ban đầu? Rawls đòi hỏi một điều kiện để những người tham gia vào khế ước có thể chấp nhận, ông gọi đó là “bức màn vô minh.” Việc không biết những hoàn cảnh xã hội của từng người diễn tả sự công bằng đạo đức trong cuộc sống thực của tất cả mọi người. Rawls cố gắng đảm bảo rằng việc chọn lựa những nguyên tắc trong vị thế ban đầu sẽ không bị bóp méo bởi sự thành kiến trong cuộc sống thực. Như vậy, từ vị thế của sự vô minh, sự chọn lựa có lý trí của các bên tham gia đảm bảo sự công bằng. Họ thúc đẩy sự chia sẻ công bằng trừ khi sự chia sẻ không công bằng có thể cải thiện hoàn cảnh của những người yếu thế.
Lý thuyết công bình của Rawls xác định con người là cùng đích, chứ không phải là phương tiện. Điều này ngụ ý rằng, con người phải được đối xử đúng với các nguyên tắc mà họ ưng thuận trong vị thế ban đầu. Rawls khẳng định:
Xem chính con người như cùng đích trong sự hoạch định nền tảng của xã hội là phải đồng ý bỏ đi những lợi ích vốn không đóng góp cho những mong đợi của họ. Ngược lại, xem con người như là phương tiện thì phải đồng ý áp đặt trên họ những viễn tượng thấp hơn của cuộc sống vì mục đích của những mong đợi cao hơn của người khác.[119]
Với nhận định này, giá trị của con người xứng đáng được tôn trọng ở trong nguyên tắc thứ nhất (tự do). Không ai có thể bị sử dụng để phục vụ cho lợi ích của người khác. Như vậy, Rawls bắt đầu với tiền đề về tính không thể bị xâm phạm của cá nhân (individual inviolability), con người không phải là phương tiện để đạt được cùng đích, nhưng hơn thế con người là cùng đích trong chính họ. Rawls nhấn mạnh đến yếu tố con người, tôn trọng con người trong những quyền căn bản nhất là đang thực thi sự công bình. Nếu tôn trọng con người như những cá nhân công bằng, chúng ta phải bảo vệ từng người trong sự sắp xếp của các quyền và sự tự do vốn không thể bị xâm phạm cho mục đích của bất kỳ xã hội lý tưởng nào.
Lý thuyết công bình của Rawls cho thấy, nếu xã hội được chi phối bởi công bình, con người sẽ đạt được một sự khao khát để hành động một cách phù hợp với những đòi hỏi của xã hội. Họ sẵn sàng chia sẻ với người khác trong sự tương hỗ và chấp nhận nhau xét như là những con người bình đẳng. Trong một xã hội tự do, nguyên tắc về bình đẳng cơ hội phải được thỏa mãn, không ai gặp bất lợi bởi chủng tộc, giới tính, tầng lớp xã hội, hay văn hóa. Bình đẳng cơ hội nghĩa là nghề nghiệp mở ra với tài năng của tất cả mọi người, họ có những quyền hợp pháp bình đẳng để tiếp cận với các vị trí đáng mơ ước trong xã hội. Như thế, Rawls khẳng định con người với những kỹ năng và khả năng như nhau đều có quyền tiếp cận với những cơ hội trong cuộc sống.
Hơn nữa, điểm nhấn trong lý thuyết của Rawls được cụ thể hóa qua nguyên tắc khác biệt. Nguyên tắc này là một sự biểu lộ những hành động mà một cá nhân có thể thực hiện trong mối tương quan với người khác để thúc đẩy sự bình đẳng ngay từ ban đầu. Nó cũng biểu thị cách thức diễn tả sự tôn trọng một cách khách quan với những người không thể đạt được sự thịnh vượng qua những nỗ lực của họ. Từ đó, Rawls hướng tới sự công bằng phân phối bằng cách đem lại lợi ích cho những người yếu thế. Những người này là những người gặp bất lợi bởi tầng lớp xã hội, nguồn gốc gia đình cũng như bởi sự thấp kém về những tài năng tự nhiên và kém may mắn. Tuy nhiên, Rawl lại bỏ ngỏ những người khuyết tật về thể lý hay tâm lý xét như tiêu chuẩn để trở thành những thành viên trong nhóm những người yếu thế nhất. Dù sao những người này cũng là những công dân cần được quan tâm và giúp đỡ nhiều hơn. Nguyên tắc khác biệt, hay công bình phân phối, cũng thu hút những bàn luận và phản đối. Theo nguyên tắc này, một giả định chung là lợi ích giữa tất cả công dân được phân phối công bằng. Tuy nhiên, nếu theo nguyên tắc công bình, sẽ không có chỗ cho sự thúc đẩy hay khuyến khích phát triển vì mọi thứ ngang bằng nhau nên chẳng cần phải cố gắng làm gì.
Trong mối liên hệ với thông điệp Fratelli Tutti của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Lý thuyết của Rawls có nhiều nét tương đồng trong việc nhấn mạnh đến yếu tố tự do, bình đẳng và tình huynh đệ. Tuy nhiên, Rawl mới chỉ giới hạn những suy tư của mình trong một xã hội đóng, nói cách khác, trong nội bộ một xã hội nào đó mà chưa có sự mở ra ở cấp độ quốc tế. Ở điểm này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh hơn việc kiến tạo một thế giới mở, tôn trọng sự tự do, bình đẳng, và trợ giúp lẫn nhau ở cấp độ vĩ mô. Tuy vậy, cho dù có thành công hay không, lý thuyết của Rawls đã thu hút sự chú ý của nhiều người và là một trong những nghiên cứu hấp dẫn về công bình.
Thư Mục Tham Khảo
Rawls, John. A Theory of Justice. Revised. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1999.
—. Collected Papers. Edited by S. Freeman. Cambridge, MA: Harvard University Press, 1999.
—. Justice as fairness: A restatement. Cambridge, MA: Havard University Press, 2001.
—. Political Liberalism. New York: Columbia University Press, 1996.
—. The Law of Peoples. Cambridge: Harvard University Press, 1999.
Cohen, Gerald Allan. Rescuing Justice and Equality. Cambridge, MA: Harvard University Press, 2008.
Freeman, Samuel. Rawls. New York: Routledge, 2007.
Jonathan, Wolff. An Introduction to Political Philosophy. New York: Oxford University Press, 1996.
Lovett, Frank. Rawls’s A Theory of Justice: a reader’s guide. New York: Continuum, 2011.
Mike, Magee. John Rawls, a Theory of Justice as Fairness. n.d. http://www.askwhy.co.uk/truth/b50rawlstoj.php (accessed February 27, 2021).
Mulgan, Tim. Understanding Utilitarianism. Stocksfield: Acumen, 2007.
Ngọc, Ánh. “Sáng kiến ‘công bằng vaccine’ Covid – 19, nhiều trắc trở của WHO.” Báo điện tử VnExpress. n.d. https://vnexpress.net/sang-kien-cong-bang-vaccine-covid-19-nhieu-trac-tro-cua-who-4239896.html (accessed March 9, 2021).
Nozick, Robert. Anarchy, State, and Utopia. New York: Basic Books, 1974.
Phanxicô, Đức Giáo Hoàng. Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội. Translated by Đức Công Lê. Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2020.
Richardson, Henry S. “John Rawls (1921 – 2002).” Internet Encyclopedia of Philosophy. n.d. https://iep.utm.edu/rawls/ (accessed January 5, 2021).
Runcheva, Hristina. “John Rawls: Justice as Fairness behind the Veil of Ignorance.” Iustinianus Primus Law Review 4:2 (2013): 8.
Sandel, Michael J. Justice: What’s the right thing to do? New York: Farra, Straus and Giroux, 2015.
Schaller, Walter E. “Rawls, The Difference Principle, And Economic Inequality.” Pacific Philosophical Quarterly 79, 1998: 368–391.
Swift, Adam. Political Philosophy. Oxford: Polity Press, 2007.
Trần, Nguyên Thảo. Triết học kinh tế trong “Lý thuyết về công lý của nhà triết học Mỹ – John Rawls”. Hà Nội: Nxb Thế Giới, 2006.
[1] John Rawls, A Theory of Justice, Revised Edition (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1999), 3.
[2] Ibid., xii.
[3] John Rawls, A Theory of Justice, 30.
[4] Ibid., 289.
[5] Robert Nozick, Anarchy, State, and Utopia (New York: Basic Books, 1974), 183.
[6] Henry S. Richardson, ‘John Rawls (1921 – 2002)’, Internet Encyclopedia of Philosophy, accessed January 05, 2021. https://iep.utm.edu/rawls/.
[7] Tim Mulgan, Understanding Utilitarianism (Stocksfield: Acumen, 2007), 7.
[8] John Rawls, A Theory of Justice, xi.
[9] John Rawls, A Theory of Justice, 24.
Một cá nhân tìm cách để gia tăng sự thỏa mãn những ao ước của họ bằng cách cân bằng những được, mất. Họ tính toán những lợi ích và thiệt hại; nếu sự cân bằng thực là tích cực, họ thỏa mãn. Ngược lại, họ sẽ thất vọng. Xã hội cũng vậy, nó cũng có thể cân bằng những lợi ích và thiệt hại của chính nó.
[10] Ibid., xii.
[11] Ibid., 28.
[12] Niềm tin rằng mọi người đều quan trọng như nhau và do đó, nên có quyền lợi và cơ hội giống nhau.
[13] John Rawls, A Theory of Justice, 3.
[14] Ibid.
[15] Ibid., 4.
[16] Ibid.
[17] John Rawls, A Theory of Justice, 109.
[18] John Rawls, A Theory of Justice, 110.
[19] Ibid., 109.
[20] Ibid., 110.
[21] John Rawls, A Theory of Justice, 11.
[22] Ibid., 15.
[23] Cấu trúc căn bản là “cách thức trong đó các thể chế xã hội và chính trị hợp nhất với nhau trong một hệ thống hợp tác xã hội, cách phân bổ các quyền và nghĩa vụ, và điều hợp sự phân chia các lợi ích vốn phát sinh từ sự hợp tác xã hôi qua thời gian.” Thể chế chính trị, các hình thức tư hữu được cho là hợp pháp, cấu trúc kinh tế… thuộc về cấu trúc căn bản. John Rawls, Justice as fairness: A restatement (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2001), 10.
[24] John Rawls, A Theory of Justice, 7.
[25] John Rawls, A Theory of Justice, 14.
[26] Ibid., 11.
[27] John Rawls, Justice as fairness: A restatement (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2001), 17.
[28] John Rawls, A Theory of Justice, 16.
[29] John Rawls, A Theory of Justice, 118.
[30] Ibid., 11.
[31] John Rawls, A Theory of Justice, 118.
[32] Frank Lovett, Rawls’s A Theory of Justice, A Reader’s Guide (London: Continuum, 2011), 80.
[33] Samuel Freeman, Rawls (New York: Routledge, 2007), 155.
[34] Những lợi ích căn bản được định nghĩa là những thứ: “được giả thiết rằng một người có lý trí muốn bất cứ điều gì mà họ muốn. (John Rawls, A Theory of Justice, 79)
[35] John Rawls, A Theory of Justice, 79.
[36] Ibid., 16.
[37] John Rawls, A Theory of Justice, 53.
[38] Ibid.
[39] John Rawls, Political Liberalism (New York: Columbia University Press, 1996), 291.
[40] John Rawls, A Theory of Justice, 53.
[41] Những cụm từ này lần lượt được sử dụng để nhắm tới những ý niệm về lợi ích trong những học thuyết đạo đức mục đích của chủ nghĩa vị lợi và chủ nghĩa cầu toàn.
[42] John Rawls, Political Liberalism, 295.
[43] John Rawls, A Theory of Justice, 179.
[44] Ibid., 181.
[45] Ibid., 187.
[46] John Rawls, A Theory of Justice, 187.
[47] Ibid., 193.
[48] Ibid., 188.
[49] Ở đây, người viết không chủ trương cổ vũ cho việc “cứ để lương tâm tự do phạm sai lầm”, nhưng đặt trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống, nếu ai đó mắc sai lầm thì họ có tự do lương tâm để sửa sai.
[50] Mike Magee, “John Rawls, a Theory of Justice as Fairness,” accessed February 27, 2021, http://www.askwhy.co.uk/truth/b50rawlstoj.php.
[51] Mike Magee, “John Rawls, a Theory of Justice as Fairness”.
[52] John Rawls, A Theory of Justice, 348.
[53] Ibid., 386.
[54] John Rawls, Political Liberalism, 318.
[55] John Rawls, Political Liberalism, 11 – 12.
[56] Ibid., 19.
[57] Ibid.
[58] John Rawls, A Theory of Justice, 497.
[59] John Rawls, Political Liberalism, 38.
[60] John Rawls, A Theory of Justice, 415.
[61] Trong phần này, người viết sử dụng cụm từ “tự do ngôn luận” để nói đến cả tự do hội họp, phát biểu và sự tự do để thiết lập các tổ chức chính trị (cf. 195).
[62] John Rawls, A Theory of Justice, 195–198.
[63] Ibid., 195.
[64] Ibid., 194 – 195.
[65] Ibid., 197 – 198.
[66] John Rawls, A Theory of Justice, 505.
[67] John Rawls, Political Liberalism, 327.
[68] John Rawls, Collected Papers, S. Freeman (ed.) (Cambridge, MA: Harvard University Press, 1999), 96.
[69] John Rawls, A Theory of Justice, 72.
[70] Ibid., 63.
[71] Ibid.
[72] John Rawls, A Theory of Justice, 63.
[73] Ibid., 243.
[74] John Rawls, The Law of People (Cambridge: Harvard University Press, 1999), 115.
[75] John Rawls, A Theory of Juctice, 63.
[76] Ibid.
[77] John Rawls, A Theory of Justice, 64.
[78] Ibid., 63.
[79] Ibid., 72.
[80] Walter E. Schaller, “Rawls, The difference Principle, And Economic Inequality.” Pacific Philosophical Quarterly 79, (1998), 368–391.
[81] Ở đây những mong đợi được đo lường bằng những lợi ích căn bản của xã hội, ví dụ như của cải và thu nhập.
[82] Rawls định nghĩa những lợi ích căn bản là “những điều kiện xã hội mà tất cả những người có lý trí được cho là muốn để phát triển những sức mạnh đạo đức của họ và để hình thành, theo đuổi và điều chỉnh ý niệm đã xác định về lợi ích của họ. Vì đơn giản, giả định rằng, những lợi ích căn bản chính yếu trong sự sắp xếp của xã hội là các quyền và sự tự do căn bản; các cơ hội để theo đuổi các mục đích khác nhau. Ví dụ: quyền lực và các đặc quyền, thu nhập và tài sản, các nền tảng xã hội của sự tôn trọng chính mình. (John Rawls, A Theory of Justice, 54)
[83] John Rawls, A Theory of Justice, 84.
[84] Samuen Freeman, Rawls, 106.
[85] John Rawls, A Theory of Justice, 54.
[86] Robert Nozick, Anarchy, State, and Utopia, 168.
[87] Trần Thảo Nguyên, Triết học kinh tế trong “Lý thuyết về công lý của nhà triết học Mỹ – John Rawls (Hà Nội: Nxb Thế Giới, 2006), 108.
[88] Gerald Allan Cohen, Rescuing Justice and Equality (Cambridge, MA: Harvard University Press, 2008), 83.
[89] Wolff Jonathan, An Introduction to Political Philosophy (New York: Oxford University Press, 1996), 175.
[90] John Rawls, A Theory of Justice, 90.
[91] Ibid., 435.
[92] John Rawls, A Theory of Justice, 3.
[93] John Rawls, A Theory of Justice, 266.
[94] Ibid., 53 – 54.
[95] Ibid., 477.
[96] Rawls John, Justice as Fairness: A Restatement, 46.
[97] Ibid.
[98] Adam Swift, Political Philosophy (Oxford: Polity Press, 2007), 25.
[99] Hristina Runcheva, “John Rawls: Justice as Fairness behind the Veil of Ignorance,” Iustinianus Primus Law Review 4:2 (2013): 8.
[100] Trần Thảo Nguyên, Triết học kinh tế trong “Lý thuyết về công lý của nhà triết học Mỹ – John Rawls, 103.
[101] John Rawls, A Theory of Justice, 179.
[102] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội, trans. Lê Công Đức (Hà Nội: Nxb Tôn giáo, 2020), số 197, 150.
[103] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội, số 22, 24.
[104] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội, số 12, 17 – 18.
[105] John Rawls, A Theory of Justice, 187.
[106] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội, số 241, 182.
[107] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội, số 250, 189.
[108] Ibid., số 252, 190.
[109] Ibid., số 109, 86.
[110] John Rawls, A Theory of Juctice, 63.
[111] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội, số 235, 178 – 179.
[112] Michael Sandel, Justice: What’s the right thing to do? (New York: Farra, Straus and Giroux, 2015), 81.
[113] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội, số 107, 85.
[114] Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Thông điệp Fratelli Tutti về tình huynh đệ và tình thân hữu xã hội, số 107, 85.
[115] John Rawls, A Theory of Justice, 3.
[116] John Rawls, A Theory of Justice, 53.
[117] Ánh Ngọc, “Sáng kiến ‘công bằng vaccine’ Covid – 19, nhiều trắc trở của WHO,” Báo điện tử VnExpress, accessed March 09, 2021, https://vnexpress.net/sang-kien-cong-bang-vaccine-covid-19-nhieu-trac-tro-cua-who-4239896.html.
[118] Người viết không cố gắng đưa ra một định nghĩa cụ thể: thế nào là ý thức hệ? Ngụ ý ở đây là xét nội hàm “ý thức hệ” ở mức chung. Nếu ý thức hệ đóng khung xã hội trong một lồng kính, trong khi xã hội luôn biến chuyển, thì cần một sự thay đổi, uyển chuyển với hoàn cảnh, nghĩa là ý thức hệ cần có tính cách hướng dẫn hơn là áp đặt. Một điểm khác cũng cần lưu tâm là, khi đưa ra lý thuyết thì Rawls đặt ở mức lý tưởng hóa và khái quát hóa, tức là sẽ không thể đạt được mức tuyệt đối trên thực tế.
[119] John Rawls, A Theory of Justice, 157.