Yves-Marie BLANCHARD

(trích trong : Revue La Maison Dieu, số 255, 2008, trang 7-24

Nxb Du Cerf

 

Thành ngữ “trong thần khí và sự thật” lấy trực tiếp từ Tin Mừng thứ tư. Nó xuất hiện trong cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và người đàn bà Samari mà Người gặp ở bờ giếng Giacóp. Do vậy, nó không thể được giải thích một cách độc lập với ngữ cảnh mà nó được rút ra. Bài nghiên cứu này đề nghị làm rõ cách hiểu : trước hết, ở mức độ của bản văn, mà tầm quan trọng về truyền giáo được nhấn mạnh do lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ ; tiếp đến, nhờ ý nghĩa của các từ “thần khí” và “sự thật” theo thánh Gioan, được dùng rộng rãi trong Tin Mừng thứ tư ; cuối cùng, trong phần gọi là các dấu chỉ, được giới hạn bởi hai trình thuật Cana và trình bày cách đan xen những cuộc đàm thoại mang tính đối lập với ông Nicôđêmô và với người đàn bà Samari. Từ việc nhận thức theo bối cảnh qua ba góc độ, người ta có thể thấy rằng thành ngữ “trong thần khí và sự thật” định nghĩa phụng tự kitô giáo, trong mục đích phổ cập cũng như trong chức năng đặc thù của nó, là biểu thị điều gì đó khác với chính nó.

Đối với người thời nay, thành ngữ “trong thần khí và sự thật” gợi lên, ít nhiều một cách có ý thức, một sự đối nghịch giữa chân lý của Thiên Chúa, thuộc phạm vi thiêng liêng, nên phi vật thể và vô hình, và những tác phong tôn giáo, dĩ nhiên thuộc thế tục, nên là thể chất, theo nghĩa ảo tưởng và hoàn toàn không thích ứng với chính thực tại của Thiên Chúa. Người ta biết những tổn hại phạm phải do sự phản biện hữu lý giữa hữu hình và vô hình, vật chất và thiêng liêng, thế gian và thiên đàng, ảo tưởng và chân thực[1] … Vì vậy, nếu muốn giúp vượt qua sự hiểu lầm, cần phải định vị lại lời phát biểu trong bản văn của Gioan :

–  Trước hết, trong ngữ cảnh văn chương của cách trình bày (chương 4 của Tin  Mừng theo thánh Gioan, tập trung vào cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đàn bà Samari, ở bờ giếng Giacóp) ;

–  Kế đó, trong ngôn ngữ riêng biệt của các văn bản Gioan, thứ ngôn ngữ được rút ra từ việc đối chiếu với nhiều lần gặp những từ “nghi nghĩa” (thần khí và sự thật) ; 

– Cuối cùng, trong khung cảnh của ”chiến lược” tổng thể được triển khai bởi các tác giả của Tin Mừng thứ tư, nhằm phục vụ cho một dự án truyền đạt đã được bàn soạn đầy đủ.

Cuộc gặp gỡ ở bờ giếng Giacóp

 Dù lịch sử biên soạn văn bản Gioan là thế nào, thì chương 4 trong giai đoạn hoàn thành, được trình bày như một vở kịch đích thực, chia làm năm hồi, mà người ta dễ xác định như sau :

*Hồi 1 – bối cảnh một mình Chúa Giêsu – (câu 1-6) : cuộc hành trình của Chúa Giêsu, việc Người đến Samari, dừng lại ở bờ giếng Giacóp, tình trạng mệt mỏi của Người dưới sức nóng giữa ban ngày.

*Hồi 2 – Chúa Giêsu và người đàn bà Samari – (câu 7-15) : việc xuất hiện của người đàn bà, câu hỏi của Chúa Giêsu, cuộc đối thoại xảy ra tiếp đó ; câu hỏi về nước trở thành trung tâm của cuộc đối thoại ; sự trao đổi dẫn đến lời nói diễn tả sự mong ước của người đàn bà, chính là được nhận nước hằng sống mà Chúa Giêsu đề nghị.

*Hồi 3 – cũng là Chúa Giêsu và người đàn bà – (câu 16-25) : cuộc đối thoại tiếp tục với đề tài về (những) người chồng của người đàn bà ; sau đó mở rộng ra vấn đề về những nơi thờ phượng ; rồi dẫn đến lời tuyên bố liên quan đến việc chờ đợi Đấng Mêsia ; Chúa Giêsu kết thúc, khi tự đồng hóa mình với dung mạo của Đấng được chờ đợi.

*Hồi 4 – Chúa Giêsu và các môn đệ – (câu 27-38) : việc xuất hiện của các môn đệ trùng hợp với việc rút lui của người đàn bà, khi bà đi gặp những người dân trong làng ; việc tranh luận về lương thực, rồi mở rộng ra chủ đề về mùa gặt sắp bắt đầu đầu ; Chúa Giêsu gợi lên một sự áp dụng tượng trưng, trong lãnh vực sứ vụ.

*Hồi 5 – Chúa Giêsu và những người dân làng – (câu 39-42) : được người đàn bà thông báo, những người dân làng đến gặp Chúa Giêsu và mời Người ở lại với họ ; rõ ràng về phía họ, đây là một cuộc vận hành niềm tin vào Chúa Giêsu.

Người ta thấy sự biến đổi diễn ra trong chương này thật xúc động. Chúa Giêsu, khi đến chỉ có một mình và kiệt sức, cuối cùng lại được vây quanh bởi một cộng đoàn bạn hữu, những người dành cho Người một sự tiếp đón ân cần bền bỉ. Khi đó, chỉ cần một cuộc trò chuyện với một người đàn bà mà Người tình cờ gặp gỡ nơi bờ giếng, để Chúa Giêsu, từ tư thế một khách bộ hành đơn độc, tiến đến tư thế một khách mời mà ai cũng biết. Đồng thời, người đàn bà cũng đã thay đổi vị thế : từ một người dân ngoại ly giáo (trước mắt Chúa Giêsu, với tư cách là người Do thái), bà đã trở thành đối tác trong một cuộc đối thoại thân tình, dẫn đến thái độ hiếu khách thật sự ; từ người vợ hay thay lòng đổi dạ và không có tổ ấm, bà đã gần như đạt được cương vị của bà chủ nhà, bởi vì chính nhờ sáng kiến của bà mà Chúa Giêsu được hưởng sự đón tiếp ân cần của những người dân làng. Về phần các môn đệ, các ông nhận được từ Chúa Giêsu sự xác nhận rằng ơn gọi truyền giáo của các ông sẽ phải được thi hành vượt lên những sự phân biệt chủng tộc và tôn giáo. “Phép lạ” nhỏ bé tại Samari đi trước việc khai mở công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, và việc đi ngang qua các dân tộc. Sự cận kề thời các mùa gặt gợi cho Chúa Giêsu sự cấp thiết của việc truyền giáo, ngay từ thời đầu câu truyện và dĩ nhiên còn xa hơn, trong suốt lịch sử kitô giáo.

Người ta thấy điều này là thành ngữ “trong thần khí và sự thật” được đặt trong một bối cảnh rất rộng : trái với việc chỉ liên hệ tới phượng tự, thậm chí toàn bộ những sản phẩm hữu hình của Giáo Hội, xem ra nó đề cao “tôn giáo” mới trong nét đặc thù của tôn giáo đó (điều đã được thánh Phaolô diễn tả rất hay), nghĩa là ơn gọi truyền giáo của các môn đệ và điểm đến phổ quát của sứ điệp được trao phó cho công việc tông đồ của họ. Vì thiếu việc đặt lại vấn đề như thế trong bối cảnh kịch tính, nên mối nguy sẽ lớn, hoặc tách riêng những câu 23-24 ra, bằng cách áp dụng chúng ngay vào bất kỳ yếu tố nào của thực tại Kitô giáo (chẳng hạn như phụng vụ), hoặc ưu đãi không đúng phép một trong những “hồi” của vở kịch, rất thường gây thiệt hại cho tầm mức truyền giáo, đã được nhấn mạnh trong cuộc đối thoại với các môn đệ. Thế nhưng, người ta nhận thấy rằng hồi thứ tư này, có rút sâu vào đôi chút so với hành động (không phải đúng trường hợp của những hồi thứ tư trong những bi kịch cổ điển của chúng ta?), đã có kết quả đề nghị những chìa khóa giải thích cho toàn chương này. Nói cách khác, trước hết, chính vì nhằm sứ vụ và ơn gọi Kitô hữu hướng về phổ quát mà nên nghe tiếng gọi tôn thờ trong “thần khí và sự thật” [2].

Các từ “thần khí” và “sự thật”

 Một cách tự nhiên, hai từ khóa là “thần khí” và “sự thật”. Không nên phạm sai lầm trong việc lượng định nữa, chẳng hạn như áp đặt ngay lập tức nghĩa của thần học Ba Ngôi cho từ “thần khí”. Vậy mà, câu 24 lại vừa nói rằng “Thiên Chúa là thần khí” : từ đó, dĩ nhiên sẽ là một sai lầm khi xác định từ “thần khí” ngay khi thấy nơi đây, trong chính chương này, Ngôi Ba Thiên Chúa, được phân biệt với Chúa Cha và Chúa Con. Hoặc là, ngược lại, cách hiểu hiện đại về từ “thần khí” có khuynh hướng ưu đãi chiều kích trí thức, làm thiệt hại cho thực tại cụ thể và nhập thể. Thế nhưng, người ta biết rõ điều này, khái niệm kinh thánh “thần khí” không thuộc phạm vi tinh thần, nhưng được áp dụng cho đời sống cụ thể, được diễn tả cách biểu tượng bằng hơi thở sống. Về từ “sự thật”, mối nguy cũng to lớn khi thấy ở đây một quá trình tri thức luận, phát xuất từ sự “vén tỏ”, theo đúng ngữ nguyên học của từ Hy lạp alêtheia, trong khi sự bén rễ sâu mang tính Cựu Ước nhấn mạnh đến các đặc tính về sự bền vững và lâu dài, khiến từ Hipri ‘emet’, vừa có nghĩa là “sự thật” vừa có nghĩa là “trung thành”. Tóm lại, trong bản dịch tiếng Pháp, người ta phải đối mặt với những từ dễ gây hiểu lầm ; nên cần phải xác minh cách sử dụng hai từ này của Gioan, trước khi suy nghĩ về mối tương quan hỗ tương của chúng.

Thần Khí và thần khí

Trong tin Mừng thứ tư, từ “thần khí” rõ ràng là có nhiều nghĩa khác nhau. Thật vậy, trong phần các bài diễn từ ly biệt, thần học Ba Ngôi được thấy rất rõ : Thần Khí, Đấng Phù Trợ (14, 16 ; 14, 26 ; 15, 26 ; 16, 7) – cũng được gọi là “Thần Khí Sự Thật” (14, 17 ; 15, 26 ; 16, 13), chúng ta sẽ trở lại với điều này – chỉ rõ ân ban đến từ Chúa Cha và Chúa Con dành cho các môn đệ, để soi sáng cho các ông trong việc đón nhận lời của Chúa Giêsu (14, 26 ; 15, 26), hướng dẫn họ trong sự hiểu biết (16, 13 : nghĩa Kinh Thánh còn nghiêng về tương quan liên vị), và bênh vực họ trong những cuộc bách hại và đối đầu với thế giới thù nghịch (14, 16-17 ; 16, 7-11). Nhưng, ngoài phần những bài diễn văn này, ý nghĩa của từ “thần khí” cũng hay thay đổi. Phải chăng nó đã không được trình bày như tiêu đề của một tiến triển nội tâm khá uyển chuyển để chấp nhận rằng những lời của Chúa Giêsu nói về cuộc “sinh ra từ trên” chỉ về điều gì đó hoàn toàn khác hơn là việc đến trong trần gian theo cách thức thông thường : “Thần khí (gió) muốn thổi đâu thì thổi … Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy” (3, 8) ? Theo nghĩa này, người ta có thể nói rằng Nicôđêmô thật phàm tục (duy vật chủ nghĩa) khi ông cật vấn Chúa Giêsu về sự bất khả logic của một cuộc sinh ra lần thứ hai (3, 4). Thế mà, Chúa Giêsu không nói về một cuộc sinh ra lần thứ hai (phản nghĩa là vấn đề của Nicôđêmô), nhưng về một cuộc sinh ra khác, không cùng giới hạn với sự sinh ra cách tự nhiên (hãy xem, ngay từ lời tựa, những câu 1, 12-13). Như thế, Nicôđêmô chứng tỏ mình không thể đạt tới nghĩa “thiêng liêng” trong những giáo huấn của Chúa Giêsu ; ông chứng tỏ mình bị cầm hãm trong những điều hiển nhiên không bị phê bình, và không thể chấp nhận điều mới lạ của Chúa Giêsu, kể cả trên bình diện ngữ nghĩa học. Phải chăng vấn đề cũng gần giống như vậy, khi người đàn bà Samari gợi lên những đặc tính về chủng tộc và địa lý của những đền thờ lớn, theo não trạng chung của thời Cổ đại ? Thần linh được coi như thuộc về một dân tộc và cư ngụ ở một nơi xác định. Nhưng đối với Chúa Giêsu, điều này không còn đúng nữa : Thiên Chúa mà Người mặc khải vượt trên những chủ nghĩa đặc thù về chủng tộc và tự do đối với mọi quy định về địa lý. Chính trong “tinh thần” ấy mà ta phải hiểu cách hành động của Chúa Giêsu, tự do đối với những cấm cách của thời ấy, trước sự ngỡ ngàng của các môn đệ : “Vừa lúc đó, các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Người nói chuyện với một người đàn bà” (c.27).

Ý nghĩa kép của từ “thần khí”, chỉ về Ngôi Ba Thiên Chúa cũng như khả năng các tín hữu đón nhận sứ điệp Tin mừng ở mức ý nghĩa thật của nó, cũng hé lộ trong hai lời công bố gây bất ngờ của Chúa Giêsu. Lời đầu tiên, ở cuối bài diễn văn về bánh trường sinh, được diễn tả trong một châm ngôn đầy ấn tượng : “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống” (6, 63). Như vậy, vai trò của Thần Khí rõ ràng là hướng dẫn cách đón nhận lời của Chúa Giêsu, để những lời ấy cho phép đạt tới một cuộc sống mà con người không thể tự mang lại cho chính mình, nếu bị bỏ mặc với sức riêng (nguyên văn : xác thịt). Dĩ nhiên, điều đó không ngăn cản Thần Khí có một chiều kích cá vị, như nó sẽ được trở nên sáng tỏ trong phần kế tiếp của các bài diễn văn trước cuộc Thương Khó. Lời công bố thứ hai (7, 38), được phát biểu trong Đền Thờ, vào ngày cuối cùng của lễ Lều (7, 37), và vì thế mang một vẻ trang trọng đặc biệt : “Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống, như Kinh Thánh đã nói : Từ lòng Người, sẽ tuôn chảy những dòng nước hằng sống”. Hẳn là ngày nay cách hiểu câu này vẫn còn được bàn luận, và dù sao thì cũng không thể xác định được bản văn Kinh Thánh mà Chúa Giêsu đã nhắc đến. Tuy nhiên, một điều rất rõ là : những dòng nước hằng sống tuôn chảy từ lòng “của Người” [hẳn là lòng của Chúa Giêsu] chỉ về Thần Khí, được mời đến để hiển lộ khắp nơi khởi đi từ mầu nhiệm Vượt Qua. Ít ra đây là cách giải thích đã được người kể chuyện đề ra qua những lời bình luận : “Đức Giêsu muốn nói về Thần Khí mà những kẻ tin vào Người sẽ lãnh nhận. Thật thế, bấy giờ họ chưa nhận được Thần Khí, vì Đức Giêsu chưa được tôn vinh” (7, 39). Trong bối cảnh này, Thần Khí chính là nhân vật phát xuất từ Thiên Chúa (14, 16 ; 14, 26 ; 15, 26) mà việc Người đến, được Chúa Giêsu báo trước, sẽ tiếp theo sau việc Chúa Giêsu rời khỏi thế gian : “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em, nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (16, 7).

Liên kết mật thiết với Chúa Giêsu, cách nào đó Người bảo đảm sự thay thế trong vai trò là Đấng Bảo Trợ (14, 16), Thánh Thần có chức năng rõ ràng là dạy dỗ các môn đệ, qua việc tưởng niệm những lời của Chúa Giêsu : “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (14, 26). Cũng nên hiểu từ ngữ “nhân danh Thầy” theo nghĩa đầy đủ của nó : chắc chắn là sự tác động của Thánh Thần, Đấng Phù Trợ sẽ làm cho những lời nói thuộc về quá khứ của Chúa Giêsu lịch sử trở nên nơi hiện diện sống động của Người (hiểu sát nghĩa : danh của Người), vượt trên cả sự chia cách trong cuộc Vượt Qua. Sự hoạt động như vậy của Thần Khí có giá trị làm chứng cho chính Đức Kitô Phục Sinh. Đối lại, Thần Khí thúc đẩy sự dấn thân của các môn đệ cũng trong vai trò nhân chứng đối với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giêsu : “Khi Đấng Bảo Trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha, Người là Thần Khí sự thật đến từ nơi Chúa Cha – bản dịch sát nghĩa, ít bị tranh cãi hơn là động từ nổi tiếng “phát xuất” – Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu” (15, 26-27). Một chứng cứ như vậy được chờ đợi từ nơi các môn đệ, giả định một sự hiệp thông thân mật với chính con người của Đức Kitô : “Anh em ở với Thầy ngay từ đầu”. Thế mà, công trình của Thần Khí chính là không ngừng thực tại hóa mối tương giao này, trong bối cảnh tranh tối tranh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm vừa diễn tả sự vắng mặt (xem câu Chúa nói với Maria Magđala : Noli me tangere – Đừng giữ Thày lại – 20, 17), vừa diễn tả sự hiện diện của Đấng Phục Sinh, được chứng thực bởi lời tuyên xưng đức tin của Thánh Tôma tông đồ : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” (20, 28). Như vậy, cách trình bày của Gioan về Thần Khí mang một chiều kích chú giải đặc biệt, hàm ý về Đấng Phù Trợ  trong vị thế là người giải thích, cũng như về các môn đệ được gọi để nhận lấy lời sống động của Đấng Phục Sinh.

Sự thật

Thế nhưng, chức năng gần như mang tính sư phạm của Thần Khí lại liên kết chặt chẽ với ý niệm sự thật. Chúng ta đã thấy điều đó : ba lần Đấng Phù Trợ được gọi là “Thần Khí sự thật” (dịch sát nghĩa : Thần Khí của sự thật duy nhất :14, 17 ; 15, 26 ; 16, 13). Hơn nữa, Thần Khí ấy có sứ mệnh dẫn dắt con người (16, 13) “đến sự thật toàn vẹn” (giới từ eis + đối cách), hoặc, theo những thủ bản khác : “trong sự thật toàn vẹn” (giới từ en + tặng cách). Vậy nên, dù được trình bày như một mục đích hay phương tiện, thì sự thật cũng ở trung tâm của hoạt động được thực hiện bởi tác động của Thánh Thần. Như thế, khi quy hướng đời sống các tín hữu về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh, và khi khơi gợi việc tưởng niệm những lời của Người, Thần Khí cùng một lúc đặt các môn đệ trong sự thật và hướng dẫn họ trên đường đưa tới sự thật. Nhưng sự thật nào ? Đó là điều bây giờ nên xác định, khi biết rằng khái niệm Kinh Thánh của từ ’èmèt không thể tách rời các ý tưởng về sự vững chắc và trung thành (gốc ’âman) cả về phía sáng kiến của Thiên Chúa lẫn sự chờ đợi lời đáp trả của con người (lời tung hô “amen” và danh xưng ’èmouna = đức tin). Vậy sự thật là thế nào trong ngôn ngữ riêng biệt của Tin Mừng thứ tư ?

Từ “sự thật” (tiếng Hy lạp là alêtheia) trở đi trở lại hai mươi lăm lần trong Tin Mừng thứ tư, mà trong đó có bốn trường hợp liên hệ trực tiếp đến Thần Khí Phù Trợ. Ngay trong bài tiền ngôn (1, 14.17), cặp từ “ân sủng và sự thật” – trong đó dễ nhận ra cặp từ híp-ri hèsèd wè’èmèt – chỉ về Ngôi Lời Thiên Chúa, trong hữu thể là con thảo của Người (sát chữ : sự vinh quang) biểu lộ qua việc nhập thể của Chúa Con duy nhất : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm… chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người… đầy tràn ân sủng và sự thật” (1, 14) ; “Ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (1, 17). Sự thật, theo thánh Gioan, như được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô, không phải là một đối tượng trí tuệ có thể đạt tới bằng lý trí hay khoa học, mà nó gắn liền với chính hữu thể của Thiên Chúa, như Người đã tỏ mình ra nơi Đức Giêsu Kitô. Chính vì vậy, trong phần tiếp theo của Tin Mừng, cuộc tranh luận về vấn đề sự thật, nhất là trong suốt những cuộc tranh luận ở chương 8, cho thấy sự đối lập giữa Chúa Giêsu, khi mời gọi các môn đệ đến với sự tự do nhờ sự thật (8, 32), với các đối thủ pharisêu, những kẻ bị giam hãm trong tình trạng nô lệ cho tội lỗi. Trong khi Chúa Giêsu đòi phải dấn thân để “nói sự thật” (8, 40.45.46), thì những kẻ phản biện chỉ làm theo ma quỷ, kẻ bị coi như thù địch của sự thật, nên là cha sự gian dối (8, 44). Vì thế, sự thật đúng là ở phía Thiên Chúa, đối ngược với những “sự thật sai lạc” được con người bảo vệ, nhất là khi chúng có thể phục vụ cho các mối lợi của những quyền lực trên thế gian này. Philatô đã có kinh nghiệm chua chát về điều này : sự hoài nghi rõ rệt của ông – “Sự thật là gì ?” (18, 38) – là một câu hỏi nhạt nhẽo trước những lời phát biểu hết sức mạnh mẽ của Chúa Giêsu : “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (18, 37). Việc nhận về mình lời chứng thực TA LÀ nói lên bản tính Con Thiên Chúa của Đức Giêsu (âm hưởng của Xh 3, 14). Bản tính này được diễn tả trong ba từ coi như không thể tách biệt, vào lúc Thiên Chúa tỏ mình ra cho loài người và ban cho họ người Con duy nhất : “THÀY LÀ con đường, sự thật và sự sống” (14, 6). Thật vậy, nếu con đường và sự sống gợi lên mối liên hệ hỗ tương giữa Thiên Chúa và các tín hữu, thì việc gợi lại sự thật lại đặt cuộc mạo hiểm của đức tin, dưới dấu chỉ của sự trường tồn tuyệt đối của Thiên Chúa, được mặc khải qua việc dấn thân của Đức Giêsu, Đấng ý thức mình hoàn toàn phục vụ cho sự thật.

Lời nguyện “hiến tế” ở chương 17 cũng không nói điều gì khác : “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (17, 17-19). Như vậy, mối liên hệ được diễn tả như thế giữa “sự thật” và “sự thánh thiện” xác nhận rằng khái niệm sự thật của Gioan chỉ Thiên Chúa là gì nơi chính Người, và rằng không chỉ bằng lòng chia sẻ với Con Một duy nhất, mà Người lại còn ban cho các môn đệ như ban cho Người Con, ơn được sai đi trong một thế giới thường là thù nghịch. Khái niệm sự thật nơi thánh Gioan không phải là một khái niệm trừu tượng, mà nó bất khả phân ly với cuộc chiến chống lại sự gian dối : cuộc chiến của Chúa Giêsu chống lại những người Pharisêu và những kẻ thông thái khác hợp lại để chống đối Người (chương 8), cũng như cuộc chiến của những cộng đoàn Kitô hữu bị vùi dập, thời hậu phục sinh, giữa một thế giới ngoại giáo, cũng hung hăng như những nhà cầm quyền tôn giáo thời Chúa Giêsu. Chúng ta không quá xa với bối cảnh bao quanh lời tuyên bố ở đoạn 4, 23-24 : sự thờ phượng “trong thần khí và sự thật” ở ngay trung tâm căn tính Kitô hữu, căn tính được mời gọi vượt qua những ranh giới của Israel xưa cũ, và không vì thế mà chắc gặp được sự đón tiếp nồng hậu, từ một thế giới phần đông là ngoại giáo. Những nhận xét như thế, ngày nay vẫn luôn mang tính thời sự, là điều không phải không thể xảy ra…

Chân thật và thật sự (vrai – véritable)

Ngoài danh từ “sự thật”, các tính từ “thật”, “chân thật”  (alêthês, alêthinos) tạo nên một tập hợp khoảng hai mươi lăm từ trùng lặp, mà dường như không thể phân biệt được hai từ này về mặt ý nghĩa. Ngược lại, những cách dùng từ này hay từ kia xác nhận những lời nhận xét đã được trình bày từ thể từ (substantif) : chỉ phẩm chất “chân thật” hay “thật sự” (vrai, véritable) thường được áp dụng cho Thiên Chúa, hoặc trực tiếp (3, 33 : “Thiên Chúa là Đấng chân thật” – Dieu est vrai ; 7, 28 : “Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật” – il est véritable celui qui m’a envoyé ; cũng vậy ở chương 8, câu 26 ; “Thiên Chúa duy nhất và chân thật” – toi le seul véritable Dieu” : 17, 3), hoặc qua lời chứng mà chính Người làm chứng về Chúa Giêsu (5, 32 ; 8, 17-18). Thậm chí có khi từ chỉ phẩm chất lại chỉ về Chúa Giêsu, trong cách thức mà chính Người làm chứng một cách hoàn hảo về Chúa Cha, Đấng đã sai Người (7, 18 ; 8, 14 ; 8, 17-18). Hơn nữa, cũng có thể xác nhận những lời chứng của con người, bắt đầu từ người Môn Đệ yêu dấu – mắt xích chính yếu của việc phát sinh và lưu lại truyền thống Gioan (19, 35 ; 21, 24). Khi tính từ được áp dụng cho một thực tại nhân sinh (ánh sáng thật : 1, 9 ; bánh đích thực bởi trời : 6, 32 ; của ăn và của uống đích thực : 6, 55 ; cây nho đích thực : 15, 1), thì nó ít nhằm tới việc loại trừ ý nghĩa của thực tại thông thường, là cái có thể bị coi là dối trá, hơn là gợi lên một mức độ ý nghĩa khác trong việc sử dụng thuật ngữ phổ thông. Như vậy, ánh sáng thật chỉ Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, chứ không phải ánh sáng tự nhiên. Bánh đích thật bởi trời không phải là bánh theo nghĩa vật chất, thậm chí cũng không phải là manna, như bài diễn từ ở Caphanaum đã nhấn mạnh, một thành ngữ để diễn tả cách biểu tượng chính Chúa Con được sai đến để cứu độ trần gian. Điều này cũng vậy đối với của ăn và của uống được gọi là đích thực : đó là vấn đề về bí tích Thánh Thể, về sự hiện diện cách bí tích của Đấng Phục Sinh, qua hình bánh và hình rượu. Cuối cùng, cây nho đích thật không phải là một loài thực vật, nhưng là hình bóng những mối liên hệ hiệp nhất được coi như khuôn mẫu giữa một mình Chúa Giêsu Kitô và những thành viên khác nhau của cộng đoàn được tụ họp nhân danh Người, theo cách một cây nho trong đó tất cả mọi cành nhận lấy sự sống và thức ăn của thân cây duy nhất. Vì vậy, tính từ “đích thật” (“vrai” hay “véritable”) có tác dụng là thực hiện sự chuyển tiếp từ nghĩa thông dụng của các từ ngữ đến một nghĩa mang tính biểu tượng, hay ẩn dụ, khi vận dụng những thực tại của sự sống Thiên Chúa, được ủy thác cho các môn đệ qua trung gian của Chúa Con đã được sai đi (từ đây, người ta có thể hiểu thành ngữ “ trong thần khí và sự thật” theo nghĩa là “theo một thần khí đích thật”, nghĩa là bằng sự chuyển đổi mang tính ẩn dụ, nhằm không để cho các hành vi tôn giáo có một giá trị tuyệt đối có thể che khuất chiều kích biểu tượng của chúng. Cách hiểu như vậy có thể là cùng quan điểm với nhiều tác giả (R. E Brown và X. Léon-Dufour), coi thành ngữ như một sự “ghép đôi từ” (hendiadys) : hình thái văn phong dùng hai hạn từ phối hợp để diễn tả một thực tại duy nhất, được đề cập theo hai quan điểm bổ sung cho nhau. Nhưng theo ý kiến chúng tôi thì không vì thế mà phải dịch là “thần khí sự thật” : nguy cơ có thể xảy ra là sự lẫn lộn nội dung của thành ngữ “trong thần khí và sự thật” với thực tại ngôi vị của Chúa Thánh Thần, Đấng Bào Chữa, Đấng được gọi là “Thần Khí sự thật” trong những câu : 14, 17 ; 15, 26 ; 16, 13. Thế nhưng, như chúng ta đã thấy điều đó, thành ngữ “trong thần khí và sự thật” không trực tiếp chỉ về Chúa Thánh Thần, nếu chỉ vì lời khẳng định trước đó nói rằng “Thiên Chúa là thần khí.” [3]

Phân đoạn những dấu chỉ

Nếu bây giờ chúng ta quan sát vị trí của chương 4 ở trọng tâm “dụng ý” trong Tin Mừng thứ tư, thì câu chuyện về cuộc gặp gỡ với người đàn bà Samari có vẻ như được liên kết chặt chẽ với vấn đề các dấu chỉ. Thật vậy, sự bao gồm rõ ràng giữa trình thuật thứ nhất và thứ hai về tiệc cưới Cana – được chỉ rõ ở những câu 2, 11 ; 4, 46 ; 4, 54 – phân định một không gian tập trung vào vấn đề giả thiết về các dấu chỉ, khiến cho hoàn toàn là chính đáng để nghĩ rằng không những hai “phép lạ” ở Cana hay cử chỉ ngôn sứ được thực hiện ở Đền Thờ (2, 13-22), mà toàn bộ các sự kiện được trình bày trong những chương 2 và 4 có thể được coi như những “dấu chỉ”, kể cả những cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô và người đàn bà Samari. Hơn nữa, hai  cuộc gặp gỡ được nói đến làm thành một loại tranh xếp, nơi mà hai diễn cảnh hoàn toàn bị đảo ngược. Trong lúc cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô xảy ra ngắn ngủi, và nhân vật được trình bày với chúng ta được cấp cho những tước hiệu lẫy lừng (3, 1), thì cuộc trao đổi lâu giờ với người đàn bà xứ Samari vô danh và cô độc, cũng mang những kết quả tuyệt vời, không chỉ về số phận của chính người đàn bà, mà còn rộng hơn thế nữa, khi mang lại lợi ích cho toàn thể cộng đồng người Samari. Một sự tương phản như vậy được nhấn mạnh bởi cách nhìn có chủ ý của người kể : một mặt, đêm tối (3, 2) được liên kết với sự không tin được nói tới từ bài tiền ngôn của Tin Mừng ; mặt khác, ánh sáng chói chang giữa trưa (4, 6), “giờ thứ sáu” – chính là ánh sáng sẽ được nhận ra vào thời điểm ở tòa án Philatô (19, 14) – là giờ mặc khải trọn vẹn của Chúa Giêsu, khi được gỡ bỏ khỏi mọi sự giả tạo hay dáng vẻ lừa dối.

Như thế, sự kiện Chúa Giêsu gặp gỡ người đàn bà Samari, tiếp đó việc Người lưu lại Samari, hoặc, do vị trí của nó theo dụng ý, có thể được coi như một “dấu chỉ” kêu mời chúng ta suy nghĩ về mối tương quan khả dĩ giữa thần học về các dấu chỉ của thánh Gioan với kiểu nói “trong thần khí và sự thật”. Quả vậy, có thể là trong suốt Tin Mừng, nhiều dấu chỉ đã được Chúa Giêsu thực hiện (nhiều hơn bảy “phép lạ” thường được các nhà chú giải ghi nhận ; xem bản tổng kết của đoạn 20, 30-31, cũng như nhiều ám chỉ về các con số : 7, 31 ; 11, 47 ; 12, 37), vấp phải sự cản trở (2, 18 ; 6, 30), nếu không phải là việc từ chối tin  (12, 37). Nếu người ta tin những lời giải thích mà Chúa Giêsu đã đưa ra ở hội đường Caphanaum, thì, trong trường hợp làm cho bánh ra nhiều, căn cớ của sự hiểu lầm có lẽ là do lòng quảng đại và hiệu quả của việc đã hoàn thành hầu như đã che lấp ý nghĩa của dấu chỉ, căn cớ đã được khai triển rộng rãi trong diễn từ của Chúa Giêsu :“Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê” (6, 26). Hơi giống như ông Nicôđêmô quá “thiên về vật chất” trong việc hiểu những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, những đám đông ở Caphanaum cũng dừng lại ở mức độ “vật chất”, về một thứ lương thực dồi dào và ngon lành. Họ cảm thấy mình không thể phân biệt được ý nghĩa của cử chỉ, đó là việc Đức Giêsu tỏ mình ra như Con của loài người được Thiên Chúa gửi đến để cứu độ trần gian. Được no nê bởi bánh hóa ra nhiều, dân Caphanaum đã không biết nhận ra bánh “đích thật” là chính con người Đức Kitô ; họ đã không thể đạt tới ý nghĩa “thiêng liêng” của cử chỉ của Chúa Giêsu. Họ đã muốn thu hẹp những “dấu chỉ” để chỉ còn là những “điều kỳ diệu”, như chính Chúa Giêsu đã khiển trách những kẻ đối thoại với Người tại Cana, ở phần cuối chương 4 (câu 48).

Hẳn là ông Nicôđêmô tự giới thiệu mình như phát ngôn viên của tất cả những người cho rằng mình đã nhận được đức tin, chỉ do việc nhìn thấy các dấu chỉ (3, 2 âm hưởng của 2, 23). Tuy nhiên, trong khoảng cách (2, 24-25), người kể chuyện đã long trọng dựa vào ý thức của Chúa Giêsu (uy quyền tối thượng, trang bị thuyết phục được điều hành bởi soạn giả Gioan !) để hạ giá một sự tự phụ về lòng tin như thế. Thực sự, những người tưởng rằng mình tin vào Chúa Giêsu, trong khi họ chỉ muốn thỏa mãn ước muốn riêng của mình là tìm kiếm các biến cố ly kỳ. Về phần mình, Chúa Giêsu không đặt một chút tin tưởng nào vào những cách biểu dương phù phiếm đó, bởi vì –  người kể gợi ý – Chúa Giêsu “biết họ hết thảy” và “không cần ai làm chứng về con người, vì Người biết có gì trong lòng con người” (2, 24-25). Một lời cảnh cáo như vậy được đặt ở giữa phân đoạn về các dấu chỉ, soi sáng cho tất cả Tin Mừng : những con người, bất kể họ là ai, cũng phải vất vả lắm mới nhìn xa hơn những dáng vẻ bên ngoài : họ cảm thấy những khó khăn lớn để phân biệt các dấu chỉ, vì lý do đơn giản là họ thường dừng lại nơi cái biểu đạt (thực tại hữu hình, đơn giản, coi như tự đủ) và từ đó, họ không cho phép mình nhận thức về cái được biểu đạt (thực tại ẩn dấu, được diễn tả qua dấu chỉ). Chính những người đó, những người coi trọng nơi chốn và chủng tộc (đền thờ Do Thái ở Giêrusalem và đền thờ Samari thù nghịch trên núi Garidim), phản bội chính lý do của mọi việc thờ phượng là tỏ lòng tôn kính một Thiên Chúa lớn hơn vô hạn những biểu thị của thế gian. Trong ngữ cảnh này, lời mời gọi tôn thờ “trong thần khí và sự thật” có tác dụng nhắc lại tầm mức ẩn dụ của mọi cử chỉ tôn giáo, bắt đầu bằng việc thờ phượng : chính Thiên Chúa vô hình lại được phụng thờ qua những cử chỉ hữu hình. Chính là để dâng kính Thiên Chúa vô biên mà các thiết chế ngẫu nhiên cũng như những đền thờ bằng đá, được xây dựng trong những địa thế rõ ràng. Nói một cách chính xác, Đền Thờ đích thực duy nhất có thể biểu lộ sự hiện diện thần thiêng đích thật không là gì khác, ngoài chính con người Đức Giêsu với tư cách là Người Con Duy Nhất (2, 21), được Chúa Cha sai đến và có đầy đủ tư cách để đại diện cho Người trên cõi đất (xem 6, 27).

Điều này không muốn nói rằng những cử chỉ bên ngoài có thể là vô giá trị và, do đó, cần phải biến mất. Ngược lại, tính hợp lý của các dấu chỉ đòi hỏi rằng sự nghiêm túc đặc thù của cái được biểu đạt phải được bảo đảm và nhìn nhận, vì nếu không, sẽ không có dấu chỉ. Tuy nhiên, tính vật chất của cái biểu đạt phải trong sáng đối với một điều gì khác hơn là chính nó là cái được biểu đạt, và chức năng chính xác của nó là biểu thị, mà không muốn làm cạn kiệt những khả năng hàm chứa ý nghĩa. Chính để nói về điều đó mà những lời của Chúa Giêsu kêu gọi : các thiết chế tôn giáo vẫn giữ tính thích đáng của chúng – chẳng phải Chúa Giêsu vừa  mới nhắc lại rằng : “ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái hay sao” (4, 22)[4] – miễn là chúng không phải là sự biện minh cho chính mình. Nhưng, điều xảy ra là, khi sự đòi hỏi căn tính vượt trên niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, thì cuộc tranh chấp giữa các đền thờ (Giêrusalem hay Garidim được coi như độc chiếm, tùy theo sắc tộc) che giấu thực tại thần linh trong tính phổ quát của nó. Đề nghị thay thế chính con người của Chúa Giêsu cho các đền thờ, đúng ra là đã chuyển đổi cái biểu đạt để làm cho minh bạch cái được biểu đạt. Con người Chúa Giêsu, Đấng Trung Gian duy nhất và tính phổ quát của “sứ điệp” của Người mà cả ngoại quốc lẫn Do Thái đều có thể đạt tới – đó là điều chủ chốt mang tính truyền giáo của chương 4 –, trả lại cho các thiết chế phụng tự và tôn giáo “giá trị đầy đủ của chúng” là dấu chỉ, đến mức khi được giải thích theo chiều kích “trong thần khí và sự thật” thì chúng có thể không biến mất cũng như không bị xóa nhòa trước điều chúng có nhiệm vụ phải biểu đạt. Như vậy, người ta thấy bản văn của Gioan về người đàn bà Samari tham dự trọn vẹn vào luận lý về các dấu chỉ đến mức độ nào và nhận được một sự gia tăng ý nghĩa do chính sự tiếp cận với dấu chỉ về Đền Thờ, dấu chỉ không được biết đến ngay lúc đó – nào các người Do Thái đã chẳng yêu cầu một dấu chỉ phụ trội hay sao (2,18) – nhưng được kêu mời đi đến một một sự hiểu biết đầy đủ hơn, theo mức độ đức tin vào sự phục sinh được ban cho các môn đệ sau này (2, 22).

Kết luận

Ở phần kết của một chặng đường như vậy, câu hỏi được đặt ra liên quan đến tính thích đáng của chính đề tài : “phụng tự trong thần khí và sự thật” là gì. Chắc hẳn, việc phụng tự được nói tới trong Ga 4, 21-24 chỉ những gì khác hơn là các việc thờ phượng ; nó dẫn đến toàn bộ những cơ chế tôn giáo riêng, một bên cho người Do thái, bên kia cho người Samari ; từ đó, nó loan báo không những thể chế của phụng tự kitô giáo, mà còn cả sự ngự trị của hệ thống “tôn giáo kitô” trong tính toàn bộ của nó. Thế mà, thực tại tôn giáo mới này sẽ phải tỏ rõ đặc tính của nó, trước tất cả mọi sự, do tính phổ quát của nó, nghĩa là có thể đạt tới cho “muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân”, theo lời của sách Khải Huyền (5, 9). Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đàn bà Samari rõ ràng là có giá trị “dấu chỉ” của một sự mới mẻ tôn giáo như thế ; không chỉ người đàn bà ngoại quốc, ly giáo và phạm luật, được Chúa Giêsu đón tiếp và thấy mình được thừa hưởng một mặc khải chính thức (trong ánh sáng chói chang lúc giữa trưa !), mà còn chính dân của bà trở thành hạt nhân đầu tiên của cộng đoàn được liên kết với Chúa Giêsu bởi niềm tin. Một kinh nghiệm như vậy có giá trị đặt nền tảng cho cuộc mạo hiểm truyền giáo của Giáo Hội, như điều ấy đã được nhấn mạnh trong cuộc nói chuyện riêng tư giữa Chúa Giêsu với các môn đệ của Người, khi người đàn bà vắng mặt để đi báo tin cho những người đồng hương. Sự xóa mình đi của người đàn bà trong thời điểm này lại thật là tế nhị và có ý nghĩa : thay vì tập trung mọi ánh mắt vào chính mình, người đàn bà biến mất khỏi khung cảnh và trở nên trung gian cho những người khác, những người rồi ra sẽ biết vượt qua lời nói của chính bà, để gắn bó trước hết với lời của Chúa Giêsu (4, 42). Cũng vậy, để ở “trong thần khí và sự thật”, nghĩa là hoàn tất chức năng “dấu chỉ” của mình, việc phụng tự sẽ phải biết dung hòa giữa uy tín đặc thù nơi cái biểu đạt (nét đẹp của các cử chỉ, sức mạnh của lời nói, sự tinh tế của các biểu tượng) và sự ưu tiên dành cho cái được biểu đạt (mầu nhiệm được cử hành, loan báo, soi dẫn) đến độ không có sự liên hệ tới ngẫu tượng trong các hình thức phụng vụ, cũng không có việc gắn bó cách độc đoán với các thừa tác viên cử hành phụng vụ. Điều đó có thể làm cho sự sai lầm của ông Nicôđêmô lại xảy ra và dừng lại ở mức “vật chất”, trong việc không thể đạt tới ý nghĩa “thiêng liêng”. Nó cũng còn là sự lẫn lộn bánh trần gian và vật chất, cho dù được làm ra cách kỳ diệu, với bánh “đích thực”, bánh không thuộc trần gian cũng chẳng phải bánh vật chất, nhưng hoàn toàn là bánh bởi trời và thiêng liêng.

Vậy, nếu đỉnh điểm của bản văn này chính là truyền giáo, liên hệ với ơn gọi phổ quát của Giáo Hội và đối lập triệt để với những căn tính địa phương chật hẹp và khép kín mình lại (như người Do thái và người Samari trong thời đối nghịch vô bổ của họ), thì việc áp dụng thành ngữ “trong thần khí và sự thật” cho phụng tự kitô giáo, mời gọi chú trọng đến phẩm chất ít nhiều quan trọng là thái độ mở ra, nghĩa là khả năng quy tụ hơn là loại trừ và sẵn sàng vượt qua những xác quyết cứng nhắc và phe phái của mình. Nó bắt nguồn từ bản chất của căn tính Kitô giáo, cũng như từ khả năng được dành cho việc phụng tự làm dấu chỉ “trong thần khí và sự thật”, với cái giá của một sự pha trộn bất ổn giữa phần của cái phải được cho để thấy, để nghe, để hiểu, và phần bị che dấu đưa tới mầu nhiệm, vượt xa hẳn những cử chỉ, những ngôn từ và những ý niệm… Rồi ra người ta sẽ hiểu rõ điều này, vấn đề không phải là “chơi đùa” một lần nữa trên mối căng thẳng giữa cái hữu hình và vô hình, nhân danh sự mất giá của trí thức trên cảm tính. Đơn giản, đó là làm hiệu bằng cách cho phỏng đoán, thậm chí một cái gì thật khác hơn cái được cho thấy, theo kiểu một ngôi mộ trống đã cho phép Người Môn Đệ thấy và tin (20, 8), trong khi đúng ra, không còn gì để thấy : ngôi mộ bấy giờ đã trống !

 

Chuyển ngữ :  Sr. Trần Thị Kim Huê, FMSR

 ………

[1] Dù có quen thuộc với khá nhiều độc giả thế nào đi nữa, cách giải thích “duy tâm” luôn bị các nhà bình luận hiện đại cẩn thận gạt bỏ, như R. Bultmann ; và hơn nữa, như R. Schnackenburg, R. E. Brown, X. Léon-Dufour …

[2] Điều đáng chú ý là những nhà chú giải chính yếu, ít khi thiết lập mối tương quan giữa thành ngữ “trong thần khí và sự thật” và công cuộc truyền giáo của bối cảnh gặp gỡ này, nhưng lại nhạy bén với mức độ bản văn được lượng giá trong toàn bộ ngữ cảnh của nó. Do đó, R. Bultmann nhấn mạnh về ý nghĩa cánh chung của thành ngữ : việc thờ phượng mà Chúa Giêsu đòi hỏi chỉ có thể là lời đáp trả cho việc công bố biến cố cứu độ đã xảy đến nơi Đức Giêsu Kitô. Còn R. Schnackenburg lại đề cao giá trị việc tham chiếu thần học : việc thờ phượng mà người ta chờ đợi sẽ phải được diễn tả đúng với chính bản tính của Thiên Chúa, không phải theo nghĩa triết học của bản thể, nhưng trong tương quan với tính siêu việt và sự thánh thiện vốn được nhận biết nơi Thiên Chúa trong Kinh Thánh. Còn R. E. Brown hay X. Léon-Dufour, thì lại nhấn mạnh nhiều hơn đến chiều kích Kitô học, việc phượng tự Kitô giáo chỉ có thể hợp với lời chứng của Chúa Giêsu, nên được nuôi dưỡng bởi tinh thần con thảo, và được thiết lập trên việc lắng nghe Ngôi Lời nhập thể. Người ta sẽ nhận ra những chìa khóa của cách đọc bản văn, không chỉ có giá trị cho toàn bộ Tin Mừng thứ tư, mà còn làm hòa hợp giữa các chiều kích thần học quen thuộc nơi các tác giả này. Ngược lại, bối cảnh kể chuyện gần dường như ít được chú ý : phải chăng đó chính là hệ quả của một lối chú giải gắn liền với nghĩa sát mặt chữ cũng như với việc giải thích tổng quát của cuốn sách, làm tổn hại cho tính hợp lý nội tại đối với một bản văn mà sự thống nhất về kịch tính nổi bật lên từ sự khảo sát trên đây.

[3] Từ đây, người ta có thể hiểu thành ngữ “ trong thần khí và sự thật” theo nghĩa là “theo một thần khí đích thật”, nghĩa là bằng sự chuyển đổi mang tính ẩn dụ, nhằm không để cho các hành vi tôn giáo có một giá trị tuyệt đối có thể che khuất chiều kích biểu tượng của chúng. Cách hiểu như vậy có thể là cùng quan điểm với nhiều tác giả (R. E Brown và X. Léon-Dufour), coi thành ngữ như một sự “ghép đôi từ” (hendiadys) : hình thái văn phong dùng hai hạn từ phối hợp để diễn tả một thực tại duy nhất, được đề cập theo hai quan điểm bổ sung cho nhau. Nhưng theo ý kiến chúng tôi thì không vì thế mà phải dịch là “thần khí sự thật” : nguy cơ có thể xảy ra là sự lẫn lộn nội dung của thành ngữ “trong thần khí và sự thật” với thực tại ngôi vị của Chúa Thánh Thần, Đấng Bào Chữa, Đấng được gọi là “Thần Khí sự thật” trong những câu : 14, 17 ; 15, 26 ; 16, 13. Thế nhưng, như chúng ta đã thấy điều đó, thành ngữ “trong thần khí và sự thật” không trực tiếp chỉ về Chúa Thánh Thần, nếu chỉ vì lời khẳng định trước đó nói rằng “Thiên Chúa là thần khí”.

[4] Trái với nhiều nhà chú giải toan tính làm giảm mức độ lời tuyên bố này của Chúa Giêsu – lời gây ngạc nhiên trong bối cảnh mời gọi vượt qua những sự đặc thù của Do Thái cũng như của  Samari – và để làm điều này, họ gợi lại lịch sử biên soạn. Ngược lại, đối với chúng tôi, điều xem ra rất quan trọng là dành cho lời khẳng định như thế tất cả giá trị sự thật của nó. Thật vậy, trong Tin Mừng thứ tư, người kể chuyện thường viện dẫn uy quyền của Chúa Giêsu, khi Người minh định quan điểm riêng của mình về những việc được kể lại. Như thế, trong cùng một bối cảnh nói về các dấu chỉ, xen giữa các chương 2 và  3, sự qui chiếu về ý thức của Chúa Giêsu có tác dụng áp đặt lên độc giả, cách giải thích mà theo đó, các dấu chỉ được thực hiện trong thời Người sống công khai, thực sự chỉ nhận được một sự tin nhận hời hợt (2, 24-25). Chỉ có biến cố thập giá – Dấu chỉ trống, hay mặt trái của các dấu chỉ – sẽ thanh tẩy các dấu chỉ khỏi mọi ảo tưởng về quyền lực và cho phép chúng khơi lên hay đồng hành với sự tiến triển của lòng tin được câu kết luận đầu tiên của Tin Mừng kêu mời (20, 30-31). Cũng vậy, đặt nơi miệng Chúa Giêsu, lời tuyên bố : “ơn cứu độ phát xuất từ dân Do thái” (4, 22) được tác động bởi hệ số cao nhất về quyền lực, ít ra là trong hiện trạng của bản văn, mà là bản duy nhất, kiến tạo nên một thực tại khách quan và được thừa hưởng sự công nhận theo quy điển của các Giáo Hội.