Tượng Thánh Phaolô trước vương cung thánh đường Thánh Phêrô-Vaitcan

  1. Lời Chúa

1 Có Đức Ki-tô chứng giám, tôi xin nói sự thật, tôi không nói dối và lương tâm tôi, được Thánh Thần hướng dẫn, cũng làm chứng cho tôi rằng:2lòng tôi rất đỗi ưu phiền và đau khổ mãi không ngơi.3 Quả vậy, giả như vì anh em đồng bào của tôi theo huyết thống, mà tôi có bị nguyền rủa và xa lìa Đức Ki-tô, thì tôi cũng cam lòng.4 Họ là người Ít-ra-en, họ đã được Thiên Chúa nhận làm con, được Người cho thấy vinh quang, ban tặng các giao ước, lề luật, một nền phụng tự và các lời hứa;5 họ là con cháu các tổ phụ; và sau hết, chính Đức Ki-tô, xét theo huyết thống, cũng cùng một nòi giống với họ. Người là Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi sự. Chúc tụng Người đến muôn thuở muôn đời. A-men. (Rm 9,1-5)

  1. Tìm Hiểu Rm 9,1-5[1]

Đây là những câu mở đầu của thánh Phao-lô trong phần luận bàn về Ít-ra-en. (trong bối cảnh thánh Phao-lô rời bỏ họ mà đến với dân ngoại (Cvtđ 13: 44-46) [ND]). Để hiểu chúng, độc giả phải đọc toàn bộ chương 9  trong đó thánh Phao-lo sử dụng thần học tuyển chọn của ngài để loan báo lòng thương xót của Thiên Chúa. Sự bất tín lúc bấy giờ của Ít-ra-en không có nghĩa rằng Thiên Chúa cũng đối xử bất công với họ, mặc dù (theo một quan điểm thuần túy con người) nó có vẻ bất công khi Thiên Chúa đã chọn những người này thay vì những người khác. Không ai có thể nói Chúa sai lầm khi Ngài chọn lựa người mà Ngài lựa chọn. Làm như thế thì thật ngớ ngẩn, giống như một mảnh gốm lại đi tranh cãi với thợ gốm, người nhào nặn ra nó.

Vấn đề thật sự không phải ở Thiên Chúa nhưng ở những người Ít-ra-en, những kẻ chỉ tin vào dòng dõi phàm tục của Áp-ra-ham mà không tin vào những lời hứa của Thiên Chúa. Nếu họ tin vào những lời hứa ấy, họ cũng sẽ thuộc về thành phần được tuyển chọn. Khi thánh Phao-lô lên tiếng giải thích ở cuối chương 9 và xuyên suốt chương 11, dân Ít-ra-en lại nỗ lực biện hộ cho sự công chính của riêng họ hơn là nương tựa vào sự công chính đến từ Thiên Chúa: “Quả thế, cứu cánh của Lề Luật là Đức Ki-tô, khiến bất cứ ai tin đều được nên công chính.” (Rm 10:4)

  1. Câu hỏi phản tỉnh

– Tại sao thánh Phao-lô “ưu phiền và đau khổ” (Rm 9,2)?

– Nhìn lại cách sống của mình, tôi đang góp phần làm gia tăng ưu phiền của thánh Phao-lô hay tôi đang xoa dịu những đau khổ của ngài? Tại sao?

[1]

Chuyển ngữ: Nguyễn Hữu Phong, SJ.

Nguồn:  Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 39.