Bài đọc tuần trước tập trung vào nguồn gốc thánh thiêng của chức tông đồ của thánh Phao-lô và mối nguy trong lời dạy của các nhà truyền giáo mà, theo thánh Phao-lô, đang bóp méo tin mừng ngài đã loan báo cho các tín hữu Ga-lát. Ở bài đọc tuần này, điểm tập trung chuyển qua tin mừng của thánh Phao-lô. Giống như việc ngài không nhận chức tông đồ từ hoặc qua con người (1:1), thì tin mừng mà ngài rao giảng giữa các Dân Ngoại cũng không được nhận lãnh, hoặc không được truyền dạy, từ con người. Thật ra, “nó đến từ một mặc khải của Chúa Giê-su Ki-tô” (1:12).
Mặc khải ấy nói đến ơn gọi hoặc ơn hoán cải của thánh Phao-lô, được thánh sử Luca mô tả đến ba lần trong sách Công Vụ Tông Đồ (các chương 9, 22, 26). Trình thuật của thánh Phao-lô về ơn gọi của chính ngài không mang nhiều chi tiết giống ở sách Công Vụ Tông Đồ, nhưng ngài và thánh Luca đồng ý với nhau ở những điểm chính yếu. Mặc dù thánh Phao-lô đã từng nhiệt thành với Lề Luật đến nỗi bắt bớ Giáo Hội, ngài lại được kêu gọi để rao giảng tin mừng mà ngài đã từng muốn tiêu diệt cho các Dân Ngoại. Bài đọc hôm nay có nhiều phần: nguồn gốc tin mừng của thánh Phao-lô; một trình thuật về đời sống trước hoán cải của ngài; ơn gọi trở thành vị Tông Đồ cho các Dân Ngoại của thánh Phao-lô; chuyến thăm viếng đầu tiên của ngài ở Giê-ru-sa-lem ba năm sau khi ngài được kêu gọi.
Việc thánh Phao-lô khẳng định rằng tin mừng của ngài đến từ một mặc khải của Chúa Giê-su Ki-tô, giống như khẳng định về nguồn gốc thánh thiêng nơi chức tông đồ của mình, là rất quan trọng đối với lập luận của ngài trong thư gửi các tín hữu Ga-lát. Bởi vì, nếu nhờ sự bổ nhiệm của con người mà ngài có thể rao giảng thì những kẻ gây gối kia có thể nói với các tín hữu Ga-lát, “Khi Phao-lô rao giảng tin mừng mà không bắt các vị chịu cắt bì, ông ta đã lạc xa điều ông ta được bổ nhiệm và truyền dạy.” Nhưng, nếu tin mừng của thánh Phao-lô và chức tông đồ của ngài bắt nguồn trong Thiên Chúa và trong Đức Ki-tô, thì tin mừng phi-cắt-bì mà ngài loan báo giữa các Dân Ngoại có nguồn gốc từ chính Thiên Chúa.
Để chứng minh nguồn gốc thánh thiêng của tin mừng của mình, thánh Phao-lô kể lại đời sống trước kia của ngài và ơn gọi biến ngài thành vị Tông Đồ Dân Ngoại. Khi nói đến quá khứ của mình, thánh Phao-lô nhấn mạnh đến lòng nhiệt thành của mình đối với Lề Luật đến nỗi đã khiến ông bách hại các Ki-tô hữu vì họ đã làm điều mà chính ngài giờ đây đang làm: loan báo tin mừng cho các Dân Ngoại mà không đòi họ bắt chước lối sống của người Do Thái như Lề Luật dạy. Nhắc lại lòng nhiệt thành xưa kia của mình đối với Lề Luật, thánh Phao-lô không chỉ khẳng định nguồn gốc Do Thái của mình, mà ngài còn ám chỉ rằng có điều gì đó chắc hẳn đã xảy ra giải thích cho lối cư xử hiện tại của ngài.
Sự kiện đầy kịch tính mà thánh Phao-lô ám chỉ đến chính là ơn gọi hoặc ơn hoán cải của ngài. Sử dụng ngôn ngữ gợi nhớ đến ơn gọi của ngôn sứ Giê-rê-mi-a (Gr 1:4-10) và của Người Tôi Tớ trong sách I-sai-a (Is 49:1-6), thánh Phao-lô diễn tả ơn hoán cải của ngài tương tự với một ơn gọi ngôn sứ. Trước khi ngài chào đời, Thiên Chúa đã thương kêu gọi ngài rao giảng cho các Dân Ngoại bằng cách mặc khải Người Con cho ngài.
Bản chất của mặc khải Thiên Chúa ban cho thánh Phao-lô nằm ở chỗ Chúa Giê-su chịu đóng đinh là Con Thiên Chúa. Trước ơn gọi/hoán cải của mình, khái niệm về một đấng Mê-si-a chịu đóng định đối với thánh Phao-lô là một sự mâu thuẫn; vì, Đnl 21:23 (được trích trong Gl 3:13) xác định những kẻ bị treo trên một cây gỗ (những kẻ bị đóng đinh) là những kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa. Vậy, lập luận tiền-hoán-cải của thánh Phao-lô về Chúa Giê-su có thể tóm tắt trong tam đoạn luận sau: Lề Luật xác định những kẻ bị treo lên một cây gỗ như những kẻ bị Thiên Chúa nguyền rủa (x. Đnl 21:23); Chúa Giê-su bị treo lên một cây gỗ, vì ngài bị đóng đinh; kết luận, Chúa Giê-su bị Thiên Chúa nguyền rủa.
Điều đã xảy ra trên đường đi Đa-mát không chỉ đối nghịch với điều thánh Phao-lô đã nghĩ về Chúa Giê-su, nó còn chất vấn sự hiểu biết của ngài về Lề Luật. Hệ quả là thánh Phao-lô đã hiểu sai lầm về Lề Luật khi ngài bách hại những người tin theo đấng Mê-si-a bị đóng đinh. Giờ đây ngài nhận ra rằng Thiên Chúa đã kêu gọi ngài để ngài loan báo về Đức Ki-tô giữa các Dân Ngoại mà không đòi họ phải chịu cắt bì. Ý nghĩa của mặc khải này rất rõ ràng, và ngài không cần đi Giê-ru-sa-lem để tìm giải thích hoặc minh chứng nào khác. Ngài đã biết và hiểu điều mặc khải muốn truyền tải. Vì thế, ngài đã đi đến Ả Rập để rao giảng tin mừng cho các Dân Ngoại, rồi lại trở lại Đa-mát.
Ba năm sau, thánh Phao-lô mới đi đến Giê-ru-sa-lem để thỉnh ý Ce-pha (Phê-rô). Cuộc gặp đã diễn ra ngắn gọn chỉ trong mười lăm ngày. Ngài đã không gặp được các tông đồ khác. Kết quả là thánh Phao-lô cho rằng giáo hội Giê-ru-sa-lem đã không trao sứ mạng cho ngài hoặc không dạy ngài tin mừng ấy. Trước đó, ngài đã loan báo tin mừng phi-cắt-bì giữa các Dân Ngoại ở Ả Rập được ba năm rồi. Như thế, chức tông đồ và tin mừng của thánh Phao-lô có nguồn gốc trong Thiên Chúa, và các tín hữu phải tin ngài chứ đừng tin những kẻ gây rối kia.
Thánh Phao-lô vẫn là một mầu nhiệm cho hầu hết các tín hữu, đặc biệt là các tín hữu Công Giáo. Ngài có vẻ kiêu ngạo, tự tôn, và đầy xét đoán. Bản văn này là cơ hội để dập tắt quan điểm ấy về thánh Phao-lô bởi vì nó cho thấy rằng sự tự tin của thánh Phao-lô được bắt nguồn trong một ơn gọi thánh vốn đã biến ngài thành vị Tông Đồ của các Dân Ngoại. Ngài không chỉ là một nhà truyền giáo nào đó; ngài là vị Tông Đồ của Đức Ki-tô, người mà Thiên Chúa đã tuyển chọn để mang tin mừng phi-cắt-bì cho các Dân Ngoại. Chính thánh Phao-lô hiểu rõ nhất những ý nghĩa của biến cố Đức Ki-tô và làm cho nó khả dĩ đối với các Dân Ngoại để họ có thể chia sẻ những phúc lợi của Đấng Mê-si-a của Ít-ra-en. Đây là lý do tại sao Giáo Hội đọc các thư của thánh phao-lô như đọc Kinh Thánh (được linh ứng) và tại sao chúng ta phải tìm hiểu tư tưởng của ngài chứ không phớt lờ nó.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 131-133.