Môn Học: Tin Mừng Maccô
Giáo Sư: Phạm Tuấn Nghĩa,S.J.
Học Viên: Nguyễn Đức Thắng,S.J.
Đối diện đau khổ và cái chết, Đức Giê-su đã trở thành mẫu gương sống động tuyệt vời về thái độ tín thác và diễn tả đức tin chân thực, trọn vẹn. Kinh nghiệm của Ngài trong vườn Dầu được người viết tập trung phân tích và khai thác chiều sâu dưới góc nhìn hiện sinh đã cho thấy bài học quan trọng: học theo Đức Giê-su, chúng ta có thể vượt qua thách đố trong đức tin nhờ dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa qua cầu nguyện. Vấn đề thực tế còn lại đó là, rốt cuộc, chúng ta có cầu nguyện và cầu nguyện một cách bền bỉ trong tín thác hay không mà thôi.
1. DẪN NHẬP
Cuộc sống hiện sinh ắt hẳn đã nhiều lần cho chúng ta những kinh nghiệm thử thách, đau khổ và cô đơn. Có lẽ cũng không ít lần chúng ta toan tính đầu hàng, thoái lui trước các khó khăn xảy đến với đời ta. Và dường như chúng ta cũng đã từng có những lúc cảm nghiệm thấy Thiên Chúa bỏ rơi, hay không hiểu được những dằn vặt, đau khổ của kiếp sống nhân loại. Tuy nhiên, có thật thế không? Niềm tin Kitô giáo cho ta biết rằng, Đức Giêsu Kitô – Đấng vừa là Thiên Chúa vừa là con người hoàn toàn có thể hiểu và chia sẻ tất cả những kinh nghiệm này của chúng ta. Vì Người đã trở lên giống chúng ta mọi đàng, trừ tội lỗi (x. Dt 4, 15). Câu chuyện Đức Giêsu cầu nguyện trong vườn Gethsemane cùa Marcô (14, 32-42) có thể là một bằng chứng sống động nhất diễn tả cho người đọc về điều niềm tin trên.
Thế nên, trong bài viết này chúng ta thử tìm hiểu bản văn Mc 14,32-42 để làm sáng tỏ khẳng định đó qua các bước sau: trước hết chúng ta sẽ tìm hiểu bối cảnh và cấu trúc bản văn. Sau đó, chúng ta cùng đối chiếu bản văn của Marcô vả các Tin Mừng khác trước khi đi vào phân tích cụ thể bản văn. Cuối cùng là một vài suy tư phản tỉnh thần học từ bản văn liên hệ đến hoàn cảnh thực tế.
2.BỐI CẢNH BẢN VĂN
Vị trí của đoạn trích Mc 14, 32-42 này dường như cho thấy nó là điểm khởi đầu cho hành trình vượt qua và có thể là một “bản lề” chuyển tiếp giữa việc tiên báo về cuộc vượt qua của Đức Giêsu và việc Ngài đi vào cuộc vượt qua cách hiên ngang. Thật vậy, ngay ở phía trước đoạn văn này, chúng ta có khá nhiều những trình thuật tiên báo về cuộc vượt qua như là một kế hoạch của Thiên Chúa hơn âm mưu từ phía con người. Trong từ cách là Con Thiên Chúa, Đức Giêsu đã tiên báo 3 lần (8, 31–33; 9, 3 0–32; 10, 32–45) về điều này[1]; Ngài cũng nói về xức dầu tại Betania như sự báo trước việc táng xác (14,8-9), ăn Bữa Tiệc Ly với các môn đệ và báo trước việc Giuđa phản bội (14,12-25), tiên báo về việc chối Thầy và sự tán loạn của đàn chiên mất chủ (14, 26-31).[2] Tiếp đến là bản văn Mc 14,32-42. Và sau đó là lần lượt những gì tiên báo ở trên sẽ thành hiện thực: Giuđa dẫn người đến bắt Chúa và các môn đệ chạy tán loạn (14, 43-52); Phêrô chối thầy như tiên báo (14, 66-72) và Đức Giêsu bị kết án tử và mai táng (15, 1-47). Như thế câu chuyện Đức Giêsu cầu nguyện trong vườn Gethsemane này được chen ngang vào giữa các biến cố trên như là điểm nối kết giữa việc tiên báo và việc thành hiện thực.
Trong đoạn Kinh Thánh (14, 32-42) này, Marcô trình bày cho chúng ta câu chuyện Đức Giêsu dẫn các môn đệ vào vườn Gethsemane cầu nguyện trước khi Ngài bước vào cuộc vượt qua. Đây Có lẽ là một trong những đoạn Kinh Thánh cho thấy nhân tính của Đức Giêsu cách rõ ràng nhất. Theo Collins và Attridge, cả ba lần tiên báo về biến cố tử nạn của mình trước đó (8, 31–33; 9,3 0–32; 10, 32–45), Đức Giêsu chưa bao giờ diễn tả sự xao xuyến, buồn phiền của Ngài. Và đây dường như là lần đầu tiên Marcô trình bày Đức Giêsu buồn sầu và lo lắng đứng trước mầu nhiệm thập giá.[3] Ở câu chuyện này, Marcô cho thấy sự giằng co nội tâm của Đức Giêsu trong tiến trình nhận định và vâng phục Thánh Ý Cha (Mc 14, 35–36, 39)[4]. Đồng thời, Marcô cũng phác họa cho thấy sự “thất bại của các môn đệ” trước lời mời gọi của Đức Giêsu là tỉnh thức vào cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ.
Phần tiếp theo sau đây, chúng ta cùng đi vào phân tích cấu trúc của đoạn văn này nhằm thấy rõ hơn ý tưởng chủ đạo mà Marcô muốn nhắm tới.
Dựa vào tình tiết, những thay đổi vể nhân vật, khung cảnh hay nội dung của bản văn Mc 14, 32-42 chúng ta có thể phân tích cấu trúc chi tiết như sau:
Câu 32-33a: Đức Giêsu và các môn đệ vào vườn Gethsemane cầu nguyện
Câu 33b-34: Đức Giêsu buồn rầu, xao xuyến
Câu 35-35: Đức Giêsu cầu nguyện để vâng theo Ý Cha
Câu 37-41a: Yếu đuối của các môn đệ
Câu 41b -42: Rời khỏi nơi cầu nguyện và đối diện với kẻ nộp mình.
Theo nhận xét của R.E. Brown, cầu nguyện dường như là mục đích chính của việc Chúa Giêsu và các môn đệ đến vườn Gethsemane này.[5] Và trong bản văn này, Marcô dường như cho người đọc thấy hai hình ảnh trái ngược liên quan tới việc cầu nguyện. Hình ảnh đầu tiên (c.33-36), Marcô phác họa là Đức Giêsu trong bản tính nhân loại đã buồn rầu sợ hãi đến tột cùng trước chén Chúa Cha trao (33b-34). Nhưng cuối cùng, sau khi cầu nguyện, Ngài đã chọn lựa để đón nhận Thánh Ý Cha và từ bỏ ý riêng của mình (35-36). Chân dung thứ hai được Marcô nhắm đến là các môn đệ. Họ không đáp lại lời mời gọi của Thầy là tỉnh thức và cầu nguyện. Ngược lại họ liên tục mê mệt, yếu đuối (37-41a). Như thế, phải chăng với đoạn trích này Marcô muốn hy vọng người đọc nhìn đến hai chân dung trên đây để chọn cho mình một lối sống đức tin thích hợp: bắt chước Đức Giêsu đón nhận chén đắng Cha trao, tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa; cũng như tránh thái độ thiếu cầu nguyện và tỉnh thức của các môn đệ hầu có thể chống trả lại những cám dỗ và yếu đuối của con người
4. ĐỐI CHIẾU BẢN VĂN VỚI CÁC TIN MỪNG NHẤT LÃM
Cả bốn sách Tin Mừng đều đề cập tới câu chuyện Đức Giêsu cầu nguyện trong Vườn Gethsemane (Mt 26, 47-56; Mc 14, 43-50; Lc 22, 47-53, Ga 18,1-2 ). Xét về mặt sử tính, câu chuyện này vẫn còn là một vấn đề tranh luận giữa các học giả. Tuy nhiên có một điều mà đa số các học giả đều đồng ý đó là câu chuyện này chắc chắn có trong truyền thống của Giáo Hội Sơ Khai.[6] Nếu so sánh giữa các bản văn Tin mừng chúng ta có thể thấy rằng: (1) bản văn Marcô và Matthêu có nhiều nét giống nhau. Điều này nhiều học giả kết luận rằng Matthêu đã vay mượn hoàn toàn bản văn Marcô trong câu chuyện ở vườn Gethsemane này[7]. (2) Còn giữa Marcô và Luca, dù có nhiều điểm tương đồng, nhưng bản văn Luca có vẻ giản lược hơn và dường như ông dùng một bản văn khác nữa độc lập với Marcô.[8] (3) Đối với Gioan, câu chuyện này dường như không có gì nổi bật nhưng chỉ như đoạn dẫn vào bối cảnh Đức Giêsu bị bắt (x18,1-2). Như thế, ở đây chúng ta tập trung đối chiếu các bản văn Nhất lãm mà thôi.
Trước hết, nếu dựa trên nội dung chúng ta thấy rằng bản văn Matthêu và Marcô có khác nhiều so với bản văn của Luca. Tuy nhiên cả ba dường như có một điểm nhấn chung quan trọng là sự cầu nguyện. [9] Theo một số nhà chú giải, bản văn Luca ở đây dường như cho thấy vai trò của Đức Giêsu như là gương mẫu cầu nguyện cho các môn đệ. Đức Giêsu cầu nguyện (Lc 22, 40;46) và ngài đã làm gương cho các ông trong việc cầu nguyện này (Lc 22, 41-45).[10] Bản văn của Marcô và Matthêu nhấn mạnh tới sự cầu nguyện như là mục đích của Đức Giêsu khi vào vườn Gethsemane này hầu đón nhận Ý Cha cách trọn vẹn như đã đề cập ở trên.
Tuy nhiên có nhiều chi tiết khác giữa Luca và hai Tin mừng Nhất Lãm còn lại. Ở đầu câu chuyện này, Marcô và Matthêu cho chúng ta biết rõ cụ thể nơi Đức Giêsu và các môn đệ đến là vườn Gethsemane. Trong khi Luca bỏ sót yếu tố này. R.M Brown cho rằng sở dĩ Luca làm vậy vì ông muốn tránh dùng từ Gethsemane vì đây là tên gọi lai Semit (exotic Semitic names). Tin Mừng Gioan cũng chỉ đề cập đến khu vườn, không có tên gọi cụ thể.[11] Cũng vậy, so sánh tiếp Marcô và Luca, ta thấy Luca không đề cập tới việc Đức Giêsu dắt ba môn đệ tách riêng ra (c.33) và cũng không đề cập tới ba lần Đức Giêsu tách riêng cầu nguyện và trở lại nhắc nhở các môn đệ. Theo các học già sở dĩ Marcô có thêm yếu tố này, vì ông muốn nhắm đến việc Đức Giêsu phải chiến đấu với giờ của Ngài trong một sự đơn độc hoàn toàn, dù Ngài muốn có sự trợ giúp tinh thần của những người thân thiết nhất.[12]
Ngoài ra so sánh với bản văn của Matthêu và Marcô, trong bản văn Luca từ 22, 43-44, ông thêm vào những chi tiết khác mà Matthêu và Marcô không có (các thiên thần đến tăng sức; mồ hôi như những giọt máu rơi xuống đất). Theo nhận định của các học giả, những câu này được thêm vào sau này nhằm hướng dẫn các tín hữu, tuy nhiên nó không thích hợp với bối cảnh của truyền thống Nhất Lãm. Ngược lại, một số học giả cho rằng đây là những câu nguyên thủy của Luca vì nó cho thấy đặc tính của Luca: (1) nhấn mạnh tới sự xuất hiện của thiên thần (1,11, 26; 2,13, 15; Cv 5,19; 7,30; 8,26; 10,3; 12,7), (2) thể văn so sánh ví von của Luca “mồ hôi Ngài như những giọt máu rơi xuống đất,” câu 44 tương tự như ở 3,22; 10,18; 11,44; 22.[13] Ngoài ra, một số học giả cho rằng chi tiết “thiên thần đến tăng sức cho người” diễn tả câu chuyện vườn Dầu này như một cuộc chiến mang tính vũ trụ trong nhãn quan thần học của Luca.[14] Dù thế nào đi nữa thì việc những diễn tả khác biệc này của Luca cũng làm nổi bật phần nào những đau khổ của Đức Giêsu lúc này.
Như thế, có thể tóm lại rằng, tùy vào nhãn quan và ý định thần học của từng tác giả Phúc âm mà câu chuyện Đức Giêsu cầu nguyện trong vườn Gethsemane có chút khác biệt nhau. Trong phần tiếp theo, chúng ta thử phân tích chi tiết một vài điểm trong bản văn của Marcô để thấy được những đặc nét thần học mà ông muốn gửi gắm cho người đọc.
5. MỘT VÀI Ý TƯỞNG THẦN HỌC CỦA BẢN VĂN
C.32 anh em ngồi đây trong khi Thầy đi cầu nguyện: Trong Tin Mừng Marcô, nhiều lần thánh sử đã đề cập tới việc Chúa Giêsu cầu nguyện hay Ngài dạy về cầu nguyện: thức dậy sớm và cầu nguyện ở nơi thanh vắng (1,35); sai các môn đệ đi trước còn Ngài lên núi cầu nguyện (6,46); Ngài dạy phải cầu nguyện mới trừ được quỷ (9,29); Ngài dạy các môn đệ về lòng tin và cầu nguyện (11,24-25); Ngài dạy các môn đệ tránh thái độ cầu nguyện của các kinh sư (12,40). Tuy nhiên, các học giả nhận xét rằng việc Ngài đi cầu nguyện ở câu 32 này tương tự như ở và 6,36, nghĩa là Ngài thường cầu nguyện trước những biến cố quan trọng đang và sẽ diễn ra.[15] Theo nhận xét của Brooks và Lane, Marcô đã phác họa Đức Giêsu cầu nguyện ở ngay đầu (1,35), giữa (6,36) và cuối (14,32) Tin Mừng của ông như muốn diễn tả cầu nguyện là đặc tính thiết yếu trong đời sống của Đức Giêsu.[16]
C.33a đem ông Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo: đây là ba môn đệ luôn được chia sẻ những kinh nghiệm thân thiết với Thầy của mình: ở 5,37-43 họ được chứng kiến phép lạ chữa con gái ông Jairô; ở 9,2-8 họ được thấy Chúa biến hình và được nghe thấy tiếng Chúa Cha. Như thế, họ là những người đã tận mắt thấy quyền phép và vinh quang của Đức Giêsu. Giờ đây họ tiếp tục được mời gọi nhìn khía cạnh khác về thuộc nhân tính của Ngài. Ba nhân vật này cũng là người đã tuyên xưng sẵn sàng chia sẻ đau khổ với Đức Giêsu (10,38-39;14,29-31); bây giờ dường như họ có cơ hội để sống điều họ đã tuyên xưng đó. Tuy nhiên, họ chưa đủ mạnh mẽ để chia sẻ kinh nghiệm này với thầy của mình.[17]
C.33b-34 Người bắt đầu hãi hùng xao xuyến và… buồn đến chết được: Theo Van Iersel, đây là lần thứ 5 Marcô cho thấy Đức Giêsu thể hiện cảm xúc của mình (x.1,43;3,5;10,14;10,21) và Marcô cũng đã từng nói đến nỗi buồn của chàng thanh niên giàu có (10,22), hay nỗi sợ và ngạc nhiên của các môn đệ (4,38–41;6,50–51;10,24,32). Tuy nhiên chưa lần nào thánh sử mô tả nhấn mạnh giống như ở đây.[18] Thật vậy, câu 33b cho thấy Marcô đã dùng liên tục hai từ ἐκθαμβεῖσθαι và ἀδημονεῖν để diễn tả tâm trạng buồn rầu và xao xuyến khủng khiếp của Đức Giêsu. Con Thiên Chúa làm người cũng có nhu cầu cần sự nâng đỡ trong giờ thử thách tột cùng này.[19] Và Ngài là con người trọn vẹn đến độ Ngài không chỉ chia sẻ những nhu cầu cơ bản như ăn uống, ngủ nghỉ mà còn cả nỗi sợ chết tự nhiên của con người.[20] Chú giải về điểm này, R.E. Brown cho rằng tâm trạng của Đức Giêsu ở đây tương tự với những gì được Tv 55,5-6 (bản LXX) miêu tả: “Nghe trong mình tim đau thắt lại, bóng tử thần khủng khiếp chụp xuống con. Bao run sợ nhập cả vào người, cơn kinh hãi tư bề phủ lấp.”[21] Các học giả giải thích về tâm trạng này của Đức Giêsu rằng: dù biết rằng cái chết của của mình sẽ là giá chuộc cho muôn người (Mc 10, 45) [22] nhưng Ngài không tránh khỏi sự buồn rầu cùng cực vì Ngài đã mang lấy số phận của người công chính đau khổ[23] của Tv 55,4-5 vì Ngài đã mang cái chết bị nguyền rủa của chúng ta (Gal 3,13); đã biến thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta (2 Cr 5,21);[24] Hơn nữa, một vài nhà chú giải còn cho rằng, sỡ dĩ Đức Giêsu dẫn theo 3 môn đệ không chỉ vì Ngài cảm thấy cô đơn và cần sự nâng đỡ, nhưng đúng hơn Ngài muốn giúp họ chuẩn bị cho chính họ như Ngài đã chuẩn bị cho mình trước những biến cố sắp xảy ra.[25] Dù điều này đúng đi chăng nữa, chúng ta không thể chối bỏ tâm trạng buồn rầu cực độ của Đức Giêsu ở đây.
C.35 Sấp mình xuống đất và cầu xin cho khỏi giờ này: Đây là câu tường thuật kể lại của Marcô, nó cho thấy gián tiếp thái độ cầu nguyện của Đức Giêsu. Thái độ này là một cử chỉ cầu nguyện không bình thường (xem Mc 6,41; Lc 18,11). Nó cho thấy một sự khẩn khoản nài xin tha thiết của Đức Giêsu.[26] Joseph Ratzinger cho rằng việc sấp mình này diễn tả thái độ vâng phục tuyệt đối với Ý Muốn của Thiên Chúa, một sự vâng phục triệt để.[27] Ở đây, Marcô như tóm kết lại những gì Đức Giêsu sẽ cầu nguyện ở câu sau: “xin cho khỏi giờ này, nếu có thể được.” Marcô đã từng nhắc đến “giờ” ở 13,11; 13,32 trong ý nghĩa bách hại và cánh chung; và “giờ” này cũng xuất hiện ở câu 41 và được giải thích rõ ở câu 42 – “giờ mà con người bị nộp vào tay người tội lỗi.” Đỉnh cao của giờ này dường như chính là giờ Đau khổ và hy sinh tính mạng của Ngài như đã tiên báo với các môn đệ ở 8,31; 9,31 và 10,33. Đó là giờ Đức Giêsu hoàn tất lời tiên báo về mình. [28]
C. 36a Cha có thể làm được mọi sự: Lời xác tín này của Đức Giêsu gợi nhớ tới lời Ngài nói ở 9,23: “tất tả mọi sự đều có thể đối với người tin tưởng”; cũng như ở 10,27: “Đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể.” Tuy nhiên ở đây, trong bối cảnh Ngài cầu nguyện ở câu 36 này, sự xác tín và tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa Cha càng thể hiện rõ. Xác tín này cũng là điều mà Đức Giêsu đã từng dạy các môn đệ trong cầu nguyện ở 11, 22b–24.[29] Và chính trong niềm tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của cha như vậy mà Ngài cầu xin.
C. 36b xin cất chén này xa con, nhưng xin đừng theo ý con: Ở trên Đức Giêsu đã xin Cha cho qua khỏi “giờ” và ở đây Ngài xin Cha cất “chén” đi khỏi mình. Theo Lane cả hai cách diễn tả này tương tự nhau, ám chỉ đến cuộc vượt qua.[30] Từ ngữ “chén” cũng gợi nhớ tới câu hỏi của Đức Giêsu với Giacôbê và Gioan về việc uống chén mà Ngài sắp chịu (10,38).[31] Hơn nữa, một số nhà chú giải còn cho rằng có lẽ Marcô cũng ám chỉ “chén” ở đây với “chén của con thịnh nộ” trong (Is 51,17-22; Gr 25,15-16, Ezek 23,33) như một sự liên hệ với Đức Giêsu, mặc dù Ngài vô tội, nhưng đã gánh lấy con thịnh nộ lẽ ra người khác phải gánh chịu.[32] Một số học giả khác cho rằng “chén” ở đây cũng có thể ám chỉ đến “chén” của đau khổ và sự chết như là vận mệnh, an bài trong Cựu ước. Cách hiểu này có vẻ đúng nếu đối chiếu với Dt 2,9 hay Mc 10,38-39; hay với 14,23-24.[33] Dù hiểu theo ý nghĩa nào đi nữa, chúng ta cũng có thể thấy chén ở đây là điều gì đó khủng khiếp với Đức Giêsu. Dầu vậy, những lời cầu nguyện tiếp theo cũng cho thấy rõ thái độ vâng phục tuyệt đối của Ngài: “Xin đừng theo ý con”. Đức Giêsu hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối “Cha có thể làm mọi sự” nhưng Ngài hoàn toàn phó thác đời mình cho Cha. Như thế, dầu ý thức được sự khủng khiếp của “chén” của “giờ” mình sắp phải trải qua (x.Ga 12,27), nhưng Đức Giêsu không nổi loạn, phản kháng nhưng khuôn mình theo Ý muốn của Cha.[34] Sự vâng phục này thống nhất với việc Đức Giêsu dạy các môn đệ trong cầu nguyện “xin cho Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9-10; Lc 11,2-3).[35]
C. 37-41a Marcô hướng sự tập trung đến sự yếu đuối của các môn đệ. Trước hết là Simon -Phêrô. Ông dường như là người đại diện cho các môn đệ, người mà Đức Giêsu nghĩ là sẽ có thể hỗ trợ tinh thần cho Ngài trong lúc buồn rầu xao xuyến này, đã hoàn toàn đầu hàng trước sức nặng của xác thịt (c.38). Ở đây, Marcô dùng từ ngữ “Simon” như một diễn tả về sự thất vọng, châm biếm trái ngược với tên mới “Phêrô –Đá” mà Chúa Giêsu đã đặt cho ông lúc lập nhóm 12.[36] Cùng với hai người con ông Giêbêđê, ông không đủ tỉnh thức, cầu nguyện và đồng hành cùng Đức Giêsu trong giờ phút thử thách này. Cả ba ông đã không bắt chước những gì Thầy đang làm và không nghe theo sự hướng dẫn của Thầy.[37] Marcô dường như cho thấy sự trái ngược với những tuyên bố của họ “sẽ uống chén Thầy sẽ uống”(10,39) và “dầu mọi người có vấp ngã con cũng không”(14,29).[38] Và Đức Giêsu dường như hoàn toàn thất bại khi muốn đưa họ “nhập cuộc” với mình. Bản văn cho thấy họ đã ba lần ngủ mê mệt dù Đức Giêsu đã hai lần đánh thức và hai lần căn dặn họ tỉnh thức và cầu nguyện. Chi tiết “Canh thức và cầu nguyện để khỏi xa chước cám dỗ”, này gợi nhớ đến lời căn dặn tỉnh thức của Đức Giêsu trong viễn cảnh cánh chung ở 13, 33-37.[39] Và có lẽ nó cũng phần nào gợi nhớ tới Lời Kinh Lạy Cha mà Đức Giêsu dạy các ông: “xin khỏi sa chước cám dỗ”. Hơn nữa, có lẽ người đọc cũng có thể liên hệ tới câu chuyện Đức Giêsu nói về người mạnh hơn trong câu chuyện về satan ở 3, 26-27 như sự cảnh báo về sự yếu đuối của các môn đệ lúc này.[40] Và ở đây cũng có thể liên hệ tới câu chuyện các môn đệ không trừ nổi quỷ vì thiếu cầu nguyện (9,29). Ngoài ra, Marcô cũng lưu ý về sự nặng trĩu của đôi mắt và sự ấp úng của đôi môi ở (14,40). Theo nhận định của France, những điều trên dường như Marcô cho thấy sự bối rối, u tối của các môn đệ trước những gì đã và đang diễn ra nơi cuộc đời Đức Giêsu. Một số học giả nối kết chi tiết “mắt họ nặng trĩu” ở c.40 với lời Đức Giêsu ở 8,18 khi Ngài trách họ có mắt mà không thấy.[41] Và chi tiết “họ không biết nói sao với Người” ở c.40 lặp lại sự bối rối, hoảng hốt của họ ở biến Biến Hình (9,6).[42] Như thế, tới những giây phút gần như bắt đầu vào cuộc vượt qua của Đức Giêsu rồi, các môn đệ vẫn còn u mê và lạc lõng với con đường mà Thầy đã sống và mời gọi họ bước theo.
Nói tóm lại, từ những phân tích trên đây chúng ta thấy được một bức tranh sống động phản ánh hai chân dung trái ngược Giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Đức Giêsu dù phải đối diện với nỗi kinh sợ với vẫn mạnh mẽ và phó thác đời mình cho Cha, không để bản tính con người chi phối. Ngược lại với điều này là sự yếu đuối của các môn đệ, bất chấp Đức Giêsu nhiều lần khuyến khích và thúc dục, họ dường như vẫn nặng nề và yếu đuối, không có sức chống trả trước xác thịt, thử thách. Từ hai chân dung trái ngược này chúng có thể rút ra được điều gì? Phần dưới đây chúng tôi sẽ cố gắng làm công việc đó.
6. MỘT VÀI SUY TƯ VÀ PHẢN TỈNH
Từ những phân tích chi tiết bản văn ở trên, chúng ta có thể thấy một vài phản tỉnh liên hệ đến chính cuộc sống thường ngày của mỗi người chúng ta.
Trước hết, Marcô là tác giả cho thấy sự thiếu thiểu biết của các môn đệ về Đức Giêsu.[43] Câu chuyện trong vườn Gethsemane này dường như cho chúng ta thấy rõ điều này. Và qua câu chuyện, có lẽ Marcô muốn cho thấy đau khổ và thử thách là phần thiết yếu trong đời sống đức tin Kitô Giáo. Vì chính cộng đoàn Kitô hữu của Marcô thời kỳ này cũng đang phải đương đầu với những khó khăn bắt bớ[44]. Tuy nhiên có thể điều này vẫn đúng cho Kitô hữu trong mọi thời khi họ luôn phải sống trong thử thách của thời đại để giữ vững căn tính Kitô hữu của mình. Đặc biệt trong thời đại chúng ta ngày nay, chúng ta dường như đang phải đương đầu mạnh mẽ với chủ nghĩa khoái lạc, hưởng thụ và cá nhân.
Hơn nữa, qua câu chuyện Đức Giêsu cầu nguyện trong vườn Gethsemane này, Mark dường cho chúng ta một bằng chứng loại bỏ đi sự biện minh mà chúng ta là “xác thịt yếu đuối”. Thật vậy, trong tư cách là con người hoàn toàn giống như ta, Đức Giêsu đã đi vào kinh nghiệm buồn rầu xao xuyến đến tột cùng như Marcô đã phác họa cho chúng ta thấy. Ngài cũng bị bỏ rơi và cô độc hoàn toàn trước thử thách của mình. Nhưng qua cầu nguyện và nhờ cầu nguyện, Ngài đã sẵn sàng từ bỏ ý riêng để đón nhận Ý Cha trong sự tin tưởng tuyệt đối. Như thế Ngài trở thành gương mẫu cho mỗi người chúng ta, thay vì biện minh, đổ lỗi cho thân xác yếu đuối, chúng ta biết bám víu vào Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện để đối diện với những thử thách của cuộc sống.
Ngoài ra, từ kinh nghiệm của các môn đệ chúng ta thấy rằng tôi có thể “ngủ” trước những đau khổ, dằn vặt của nhân loại và thậm chí của chính tôi. Tôi vẫn luôn có nguy cơ không nghe được lời mời gọi tỉnh thức và cầu nguyện của Thiên Chúa. Nói như Ratziger, sự buồn ngủ này có thể làm tê cóng tâm hồn, lấy mất đi sự nhạy cảm trước quyền lực của cái xấu. Đó cũng có thể là sự vô cảm không muốn nhìn tất cả, hay yên tâm tự nhủ không có gì quá trầm trọng, để có thể tìm một thỏa mãn, khoái cảm.[45] Đây là cơn cám dỗ mọi thời và xuất hiện dưới mọi hình thức: tìm một lối sống dễ dãi, thỏa mãn cá nhân dưới mọi hình thức và sẵn sàng quên đi tha nhân hay gạt Thiên Chúa ra bên ngoài đời mình.
[1] Green, McKnight, & Marshall, tr. 265.
[2] Xem Stanley, tr.127.
[3] Collins, & Attridge, tr. 676.
[4] Green, McKnight, & Marshall, tr. 265.
[5] Brown, tr. 150
[6] Evans, tr.408; Lane, tr.514. và Brooks, tr. 233.
[7] Green, McKnight, & Marshall, tr. 265
[8] Hooker, tr. 346.
[9] Hendriksen, & Kistemaker, tr.583.
[10] Green, McKnight, & Marshall, tr. 267.
[11] Brown, tr. 149.
[12] France, tr. 581. Và Lane, tr. 514.
[13] Green, McKnight, & Marshall, tr.266.
[14] Ibid, tr.266.
[15] Evans, tr. 409.
[16] Brooks, tr.233. và Lane, tr. 515.
[17] France, tr. 582. Và Hooker, tr.347.
[18] Van Iersel, tr.432.
[19] France, tr. 582.
[20] Collins, tr. 675 Và Hendriksen, & Kistemaker, tr.585.
[21] Brown, tr. 153.
[22] Hendriksen, & Kistemaker, tr.586.
[23] Witherington III, tr. 378.
[24] Brown, tr. 154.
[25] Xem Witherington III, tr. 378
[26] France, tr.583.
[27] Ratzinger, tr.188
[28] Collins, & Attridge, tr. 678
[29] Ibid, tr.679.
[30] Lane, 517.
[31] Collins, & Attridge, tr.680
[32]Collins, & Attridge, tr.680. Và Brown, tr. 168-9.
[33] Xem Brown, tr. 169-70.
[34] Lane, tr. 518. và Ratzinger, tr. 190-192.
[35] Evans, tr.413.
[36] Collins, & Attridge, tr. 680.
[37] Evans, tr. 415.
[38] France, tr. 586.
[39] Xem France, tr. 586 và Collins, & Attridge, tr. 681.
[40] Evans, tr. 415.
[41] Collins, & Attridge, tr. 682.
[42] Xem France, tr. 582 và Brooks, tr. 235.
[43] D. M. Stanley, tr.121.
[44] Ibid, tr.122.
[45] Xem Ratzinger, tr. 187-88.