Đọc qua lần đầu, ta thấy thư Phi-lê-môn có vẻ là một lá thư khá đơn giản. Không như vẻ ngoài của nó, lá thư mang một thông điệp sâu sắc: tin mừng thay đổi hoàn cảnh xã hội của những ai tin vào Đức Ki-tô. Vì thế, ngay cả khi Ô-nê-xi-mô hầu như chắc chắc trở về với vai trò nô lệ của Phi-lê-môn, thì mối tương quan giữa hai người không thể nào giống như trước được nữa bởi vì cả hai giờ đây đều thuộc về Đức Ki-tô. Dầu cho thánh Phao-lô không giảng dạy những điều ngược lại với chế độ nô lệ, ngài gieo những hạt mầm khả dĩ phá đổ nó khi ngài xác định Ô-nê-xi-mô là anh em của Phi-lê-môn trong Đức Ki-tô (c. 16).
Câu chuyện về Ô-nê-xi-mô và Phi-lê-môn tạo cơ hội để các nhà giảng thuyết giải thích sức mạnh của tin mừng vốn đập tan mọi rào cản của chủng tộc, giới tính, và giai cấp (xem Gal 3:26). Người ta không thể “ở trong Đức Ki-tô” rồi lại đòi hỏi những vinh dự của chủng tộc, giới tính, và giai cấp mà lại không phản bội chân lý của tin mừng. Đây là điều mà thánh Phao-lô đã hiểu khi gửi trả Ô-ni-xi-mô về cho Phi-lê-môn và là điều mà Phi-lê-môn đã phải tiếp thu khi người nô lệ của ông trở về.
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 160.