Thư thánh Phao-lô gửi Phi-lê-môn chỉ có 25 câu, và chỉ được sử dụng một lần trong Bài đọc Thánh Lễ. Bởi vì Bài đọc chỉ trích lại các cc. 9-10, 12-17, cho nên việc đọc toàn bộ lá thư một cách cẩn thận là điều thật quan trọng đối với các nhà giảng thuyết.
Chiến lược: Hiểu bối cảnh
Chúng ta có thể tóm tắt bối cảnh của lá thư như sau. Ô-nê-xi-mô, một nô lệ trong nhà ông Phi-lê-môn, đã trốn khỏi chủ mình và gặp thánh Phao-lô – người đang ở trong tù, ở Ê-phê-sô hoặc ở Rô-ma. Trong suốt thời gian này, Ô-nê-xi-mô đã trở thành Ki-tô hữu và giờ đây thánh Phao-lô xem anh ta như con của ngài, và ngài như cha của anh ta (c. 10). Tên nô lệ vốn đã từng vô dụng đối với chủ của mình nay lại trở nên hữu dụng đối với thánh Phao-lô, và hai người đã có một mối liên kết bền chặt với nhau.
Tuy nhiên, tình huống mới này làm phát sinh một loạt những vấn đề đối với Ô-nê-xi-mô, thánh Phao-lô, và ông Phi-lê-môn. Đầu tiên, nếu Ô-nê-xi-mô trở về với Phi-lê-môn, anh ta sẽ có khả năng phải chịu trừng phạt một cách nghiêm trọng và khắt khe, thậm chí có thể phải chết. Thứ đến, nếu thánh Phao-lô không trả Ô-nê-xi-mô về cho Phi-lê-môn, tình bằng hữu giữa họ sẽ bị phá hủy. Cuối cùng, nếu Ô-nê-xi-mô trở về thật, Phi-lê-môn phải quyết định cách xử lý anh ta.
Để giải quyết tình trạng khó xử này, thánh Phao-lô viết lá thư này thay mặt cho đứa con mới của ngài trong đức tin, Ô-nê-xi-mô, xin Phi-lê-môn nhận lại anh ta “không còn như một nô lệ nhưng còn hơn thế nữa, như một người anh em, rất thân mến đặc biệt đối với tôi, và thậm chí đối với anh lại càng thân mến hơn biết mấy, cả về tình người cũng như về tình anh em trong Chúa” (c.16). Cách thức thánh Phao-lô bày tỏ thỉnh cầu của ngài thật thú vị.
Thứ nhất, vào đầu thư, ngài chào thăm Phi-lê-môn như người cùng lao tác mới mình (c. 1) và rồi nhắc ông về tình bằng hữu của họ (cc. 6, 17). Thứ hai, thay vì sử dụng quyền tông đồ của mình để ra lệnh cho Phi-lê-môn làm điều ngài muốn, thánh Phao-lô tận dụng hoàn cảnh của mình như một ông già đang ở tù và “bởi lòng mến” (c. 9) để thúc giục Phi-lê-môn thực hiện điều ngài xin. Thứ ba, thánh Phao-lô nói rằng nếu có bất cứ điều gì mà Ô-nê-xi-mô đã cư xử bất công với Phi-lê-môn, Phi-lê-môn cứ tính hết vào ngài. Sau đó ngài thêm, “Tôi khỏi cần nói với anh là anh còn mắc nợ tôi: món nợ đó là chính anh” (c.19).
Thật ra, thánh Phao-lô tận dụng ba lập luận mạnh mẽ: tình bằng hữu trong tin mừng, hoàn cảnh sống của ngài, và sự báo đáp. Thứ nhất, Phi-lê-môn là bạn đồng lao cộng khổ với của thánh Phao-lô trong tin mừng, vì thế, ông ta phải có thiện chí với thỉnh cầu với thỉnh cầu được thực hiện nhân danh tin mừng. Thứ hai, thánh Phao-lô không sử dụng quyền của mình nhưng hành động vì tình yêu. Cuối cùng, Phi-lê-môn mắc nợ thánh Phao-lô, nhưng thánh Phao-lô sẵn lòng tha nợ cho Phi-lê-môn nếu Phi-lê-môn chịu tha nợ cho Ô-nê-xi-mô. Vì vậy, mặc dù đây là lá thư ngắn nhất của thánh Phao-lô, nó lại là một bài học về sức mạnh của diễn văn thuyết phục.
Chuyển ngữ: Học viên Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 159.