Bài đọc trong Chúa Nhật XXII, Thường Niên, Năm C: Dt 12:18-19, 22-24a

Bản văn này diễn ra ở phần đầu của lời kêu gọi cuối cùng của thư Do Thái (12:14-13:19). Theo đó, các nhà giảng thuyết sẽ cần phải đọc nó trong bối cảnh ấy nếu họ muốn hiểu hết ý nghĩa của nó.

Ngay trước bản văn của tuần này, thư Do Thái lần thứ ba đưa ra những lời cảnh báo gay gắt (12:14-17; hai lần trước là 5:11-6:20 và 10:26-39). Trong lần cảnh báo này, thư Do Thái gợi nhớ lại câu chuyện của Esau người đã vì một tô cháo yến mạch mà từ bỏ quyền trưởng nam và đã không thể nào lấy lại quyền đó. Bài học rõ ràng: nếu giờ đây độc giả thư Do Thái chùn bước thì sẽ không còn cơ hội để quay đầu lại. Kết cục, các tín hữu phải kiên gan bền chí nhiều hơn nữa.

(Ảnh từ Internet)

Sau lời cảnh báo gay gắt này, thư Do Thái quay trở lại với một chủ đề đã được nhắc đến trước đó: một sự so sánh giữa thế hệ nơi hoang địa vốn đã thất bại trong việc giữ lòng trung tín và cộng đồng mới vốn phải sống bởi đức tin (x. 3:7-4:11). Không như thế hệ trước vốn đã tiến đến Núi Xi-nai với một cái nhìn đầy hãi sợ, thế hệ mới đã tiến đến “thành đô của Thiên Chúa hằng sống là Giê-ru-sa-lem trên trời” (12:22). Chung cục, sự tự tin ấy hoàn toàn có lý nhờ đấng trung gian của giao ước mới là Chúa Giê-su mà bửu huyết của người lại quý giá hơn máu của Abel của giao ước cũ.

Trong phần theo sau bài đọc tuần này (12:25-29), thư Do Thái kêu gọi độc giả đừng từ chối đấng đã kêu gọi, tức là Thiên Chúa. Bởi vì, nếu Ít-ra-en xưa cũ đã không thể thoát khỏi sự trừng phạt, thì chắn chắn rằng họ cũng cùng chung số phận. Chính  ở trong phần này mà thư Do Thái đã giới thiệu ý niệm về “vương quốc không lay chuyển” (12:28), một hình ảnh khác cho thành đô của Thiên Chúa hằng sống.

Bài đọc này cung cấp cho các nhà giảng thuyết một cơ hội để thảo luận về mục đích tối hậu của đời sống Ki-tô hữu: hiệp nhất với Thiên Chúa. Thư Do Thái diễn tả khái niệm này với nhiều hình ảnh: thành đô của Thiên Chúa hằng sống, Giê-ru-sa-lem trên trời, vương quốc không thể lay chuyển. Trong một thời gian khi mà nhiều nhà giảng thuyết e ngại nói về những chủ đề cánh chung như ngày Chúa Giê-su trở lại, thiên đàng, hỏa ngục, và phán xét, bản văn này thách thức họ phản tỉnh về số phận của đời sống người Ki-tô hữu và tìm kiếm một cách thức đáng tin cậy để trình bày nó cho các tín hữu thời nay.

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong, S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 157
158.