Thư 1 và 2 Ti-mô-thê, cùng với thư Ti-tô, thường được nhắc đến như những bức thư mục vụ bởi vì chúng cung cấp cho Ti-mô-thê và Ti-tô những hướng dẫn mục vụ để dẫn dắt các cộng đoàn mà thánh Phao-lô đã ủy thác cho họ. Thư 1 Ti-mô-thê tiền giả định rằng thánh Phao-lô đã đặt Ti-mô-thê ở lại Ê-phê-sô “để truyền cho một số người đừng dạy một giáo lý khác, cũng đừng chú ý đến những chuyện hoang đường và những gia phả dài dòng” (1 Tim 1:3-4). Lá thư gửi Ti-tô cho thấy thánh Phao-lô đã đặt Ti-tô ở lại trên đảo Cơ-rê-ta để anh có thể “bổ nhiệm các kỳ mục ở mỗi thành” (Tt 1:5), như thánh Phao-lô đã hướng dẫn anh.
Đã có một vài câu hỏi về việc liệu thánh Phao-lô có phải tác giả của những bức thư này hay không bởi vì phong văn và những khái niệm thần học của chúng thường khác lạ với những bức thư không gây tranh cãi của thánh Phao-lô (Rm, 1 & 2 Cr, Gl, Pl, 1 tín hữu Cô-rin-tô, và Phi-lê-môn). Hơn nữa, thật khó để tìm thấy những sự kiện trong cuộc đời thánh Phao-lô (được kể trong Công Vụ Tông Đồ và trong những hồi đáp không gây tranh cãi của thánh Phao-lô) vốn tương ứng với những lá thư này. Vì lý do nào đó, nhiều học giả về thánh Phao-lô liệt những lá thư này vào loại Giả-Phaolô. Một mặt, các nhà giảng thuyết cần ý thức điều này, nhưng mặt khác họ cũng không cần nêu lên những khúc mắc này trong bài giảng và thậm chí họ được khuyến khích nói về thánh Phao-lô như tác giả thực thụ của những lá thư này bởi vì quy điển Tân Ước đã hiểu như thế.
Thật không may, những lá thư mục vụ này đã bị hạ giá bởi một vài người vốn xem chúng như một thứ làm tổn hại giáo huấn của thánh Phao-lô về sự công chính hóa bởi đức tin và ước mong rực cháy của ngài về việc ngày trở lại của Đức Ki-tô đã gần kề. Vì vậy, một vài người tố cáo những bức thư này đã sửa đổi tin mừng cho phù hợp với đời sống trung lưu an nhàn vốn đề cao phẩm trật giáo hội và những mối tương quan tốt đẹp với xã hội rộng hơn, và tố cáo một “đạo Công giáo sơ khai” vốn tán thành phẩm trật ba cấp của giáo sĩ: phó tế, linh mục, và giám mục.
Mặc dù sự nhấn mạnh thần học của những lá thư mục vụ này quả có khác với điểm nhấn thần học trong các hồi âm không gây tranh cãi của thánh Phao-lô, nhưng có một sự phát triển chân thật của truyền thống Phao-lô vốn đã thích ứng thần học của thánh Phao-lô với hoàn cảnh mới của Giáo Hội ở thời điểm sau cuối của thế kỷ thứ nhất. Hơn nữa, bởi vì các lá thư mục được dành cho các chủ chăn hơn là các cộng đoàn tín hữu, cho nên không hề ngạc nhiên nếu chúng bàn về những vấn đề của phẩm trật và chức vụ trong Giáo Hội.
Tuy nhiên, những lá thư mục vụ không chủ yếu quan tâm đến những câu hỏi về phẩm trật và chức vụ, cũng không cổ xúy một lối sống trung lưu an nhàn, như 2 Ti-mô-thê cho thấy khi nó kêu gọi Ti-mô-thê chịu đựng đau khổ vì tin mừng. Nếu được đọc một cách cẩn thận, các lá thư mục vụ cho thấy chúng chứa đựng một nền Ki-tô học quan trọng vốn trình bày chủ đề về sự hiện ra hoặc hiển linh của Thiên Chúa trong Đức Ki-tô. Chúng cũng trình bày một giáo huấn luân lý phong phú vốn kéo theo một nối kết thân mật giữa học thuyết sâu sắc và đời sống luân lý. Tắt một lời, nếu các nhà giảng thuyết hiểu biết về các lá thư mục vụ, họ sẽ tìm thấy một cánh đồng màu mỡ mà từ đó họ có thể gặt một mùa bội thu.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 160 – 161.