Theo 1 Ti-mô-thê, thánh Phao-lô đã đặt Ti-mô-thê ở Ê-phê-sô để cai quản giáo hội ở đó khi ngài đi Mác-cê-đô-ni-a thuộc Hy Lạp, một tỉnh của đế quốc Rô-ma (1:3). Để hỗ trợ cho Ti-mô-thê trong nhiệm vụ này, ngài giao cho ông những nhiệm vụ cụ thể và hướng dẫn ông cai quản dân Thiên Chúa, chính là Giáo Hội. Lá thư xen kẽ giữa những mục trong đó thánh Phao-lô chỉ định Ti-mô-thê hành động theo một cách thức cụ thể và những mục trong đó ngài đưa ra cho ông những hướng dẫn để cai quản hội thánh. Lá thư có thể được cấu trúc theo cách sau:

1Tm 1:3-20. Thánh Phao-lô nhắc Ti-mô-thê về trách nhiệm ban đầu ngài đã trao cho ông: ở lại Ê-phê-sô và “hướng dẫn một số người đừng dạy những học thuyết sai lạc” (1:3). Sau đó ngài trình bày chính ngài như một mẫu gương trổi vượt trong việc làm cho ân sủng của Thiên Chúa nơi ngài sinh ích.

1Tm 2:3-16. Phao-lô nhắc Ti-mô-thê về trách nhiệm ban đầu của Ti-mô-thê; thánh Phao-lô đưa ra những hướng dẫn để anh cai quản dân Thiên Chúa. Trong mục này, thánh Phao-lô diễn tả những phẩm tính của các giám mục và phó tế.

1 Tm 4:1-16. Thánh Phao-lô làm mới lại trách nhiệm của ngài đối với Ti-mô-thê và cảnh báo anh về giáo huấn sai lạc vốn sẽ hủy hoại Giáo Hội trong những ngày sau cuối. Ti-mô-thê phải tự huấn luyện chính mình để có lòng sùng đạo và phải tham gia vào đọc Kinh Thánh.

1 Tm 5:1-6:2a. thánh Phao-lô trao thêm cho Ti-mô-thê những hướng dẫn dành cho dân Thiên Chúa. Hướng dẫn này bàn về những bà góa, các trưởng lão, và các nô lệ.

1 Tm 6:2b-21. Thánh Phao-lô giao cho Ti-mô-thê một trách nhiệm thứ ba và cũng là sau cùng. Anh ta phải tìm kiếm sự công chính, lòng mộ đạo, và đức tin hơn là sự giàu có, và anh phải bảo vệ kho tàng phong phú của đức tin vốn được ủy thác cho anh.

Cách thức mà trong đó lá thư xen kẽ giữa những trách nhiệm và hướng dẫn cho thấy rằng quyền hướng dẫn và ra lệnh cho dân Chúa đòi hỏi Ti-mô-thê sự trung tín với giáo huấn lành mạnh được ủy thác cho ông.

So với 1 Ti-mô-thê, những hoàn cảnh và phong văn của 2 Ti-mô-thê khá khác biệt. Giờ đây, thánh Phao-lô đang bị giam trong tù và phải đối diện với viễn tượng bị xử tử. Chịu đau khổ vì tin mừng, ngài kêu gọi Ti-mô-thê noi gương ngài. Sau đó, lá thư đóng vai trò như lời trăn trối và chứng từ của thánh Phao-lô dành cho người bạn đường trung tín của ngài, nhắc nhở Ti-mô-thê về điều thánh Phao-lô đã dạy bảo và chịu đau khổ, và khuyến khích anh noi gương ngài. Lá thư bao gồm hai lời kêu gọi và một chỉ thị trịnh trọng. Nó có thể được cấu trúc theo cách sau:

2Tm 1:6-2:13. Thánh Phao-lô kêu gọi Ti-mô-thê cùng san sẻ nỗi khó nhọc của ngài vì tin mừng (1:8; 2:3) mà vì nó thánh Phao-lô đang phải chịu cư xử như một tội phạm (2:9).

2Tm 2:14-3:9. Thánh Phao-lô kêu gọi Ti-mô-thê kiên vững đối diện với giáo huấn sai lạc vốn chắc chắn xảy đến trong những ngày sau cuối và cũng đã xuất hiện rồi.

2Tm 3:10-4:8. Thánh Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê về đau khổ của ngài vì tin mừng và kêu gọi anh đứng vững vì ích lợi của tin mừng. Thánh Phao-lô nhận ra rằng cái chết của ngài đã gần kề. Cho nên điều quan trọng hơn cả là Ti-mô-thê noi theo tấm gương của ngài.

Đọc thư thứ 2 gửi cho Ti-mô-thê, ta có ấn tượng rằng Ti-mô-thê, vốn còn trẻ trung, có lẽ cảm thấy sợ hãi bởi vì anh phải đối diện với viễn cảnh phải chịu đau khổ vì tin mừng. Theo đó, thánh Phao-lô nhắc anh rằng anh phải san sẻ nỗi đau khổ của ngài. Vì thế, 2Tm là một lời kêu gọi tuyệt diệu đối với các thừa tác viên ở mọi lứa tuổi, những người mà vì loan báo tin mừng phải chịu những đau khổ và thử thách quá sức chịu đựng.

 

Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong SJ
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 162 – 164.