Thư 1 Thê-xa-lô-ni-ca, bản văn được viết sớm nhất của Tân Ước, được soạn khoảng 50-51 S.C.N., không tới hai mươi năm sau cái chết của Chúa Giê-su. Bài đọc Phụng vụ sử dụng thư này để kết thúc năm phụng vụ bởi vì nó dạy về sự trở lại của Đức Chúa, điều được Tân Ước gọi là parousia.
Chiến Lược: Tìm Hiểu Bối Cảnh
Bối cảnh lịch sử. Thánh Phao-lô đã thiết lập cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca trong hành trình truyền giáo thứ hai của ngài. Được kêu gọi đi rao giảng tin mừng trong một thị kiến ở Hy Lạp (Cv 16:9-10), ngài và ông Xi-la đã đến Phi-líp-phê (Cv 11:12) rồi đến Thê-xa-lô-ni-ca để rao giảng rằng Chúa Giê-su là Đấng Mê-si-a (Cv 17:3). Mặc dù ngài đã thiết lập một cộng đoàn nhỏ ở đó, những kẻ từ chối tin mừng đã đuổi ngài ra khỏi thị trấn. Từ Thê-xa-lô-ni-ca, ngài đã đến Beroea (Cv 17:10), A-then (Cv 17:15), và Cô-rin-tô (Cv 18:1). Lo lắng cho các cộng đoàn của mình, thánh Phao-lô đã gửi ông Ti-mô-thê đến Thê-xa-lô-ni-ca để xem xét tình hình. Vào dịp ông Ti-mô-thê trở lại, thánh Phao-lô đã viết thư 1 Thê-xa-lô-ni-ca từ Cô-rin-tô, nơi ngài đang cư ngụ.
Nói chung, báo cáo của Ti-mô-thê tích cực. Vì thế, thánh Phao-lô đã viết 1 Thê-xa-lô-ni-ca nhằm mục đích củng cố đức tin cho cộng đoàn bởi vì cộng đoàn đang trải qua một sự lầm lạc xã hội nào đó khi nó trước đó đã du nhập một đức tin mà những người khác xem là nguy hiểm và phá hoại. Do đó, trong lá thư này thánh Phao-lô sử dụng lời kêu gọi luân lý để nhắc cộng đoàn về điều ngài đã dạy và để khuyến khích các thành viên sống theo đức tin họ đã ôm ấp.
Gần với lời kêu gọi này nhất là giáo huấn của thánh Phao-lô về ngày trở lại (parousia) của Đức Chúa. Các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca lo lắng rằng các tín hữu đã qua đời sẽ không được chia sẻ vinh quang vào ngày trở lại của Đức Chúa, vì họ suy nghĩ sai lầm rằng chỉ những người còn sống mới được hưởng vào ngày ấy. Thánh Phao-lô sử dụng lá thư này để dạy họ rằng những ai đã tin vào Đức Ki-tô sẽ chia sẻ vinh quang của người vào ngày trở lại, dù cho họ đã qua đời. Hơn nữa, xuyên suốt lá thư, ngài nhắc các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca về sự trở lại của Đức Ki-tô đã gần kề để thúc đẩy họ sống theo tin mừng.
Bối cảnh văn chương. Thư 1 Thê-xa-lô-ni-ca có hai phần. Phần thứ nhất (chương 1-3) là một lời tạ ơn mở rộng trong đó thánh Phao-lô tạ ơn Thiên Chúa vì đức tin, đức cậy, và đức mến của cộng đoàn. Phần thứ hai (chương 4-5) là một lời kêu gọi luân lý mở rộng trong đó ngài nhắc các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca về điều ngài đã dạy về đời sống luân lý và kêu gọi họ sống một đời sống thánh thiện và không thể chê trách khi họ chuẩn bị cho ngày trở lại của Đức Chúa, đấng sẽ cứu họ khỏi cơn thịnh nộ đang đến của Thiên Chúa.
Nhiều chủ đề xuất hiện trong cả hai phần của lá thư. Theo sau đây là những chủ đề quan trọng nhất của chúng: (1) Thiên Chúa đã kêu gọi, đã chọn lựa, và đã tuyển chọn các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca để được ơn cứu độ; (2) Đời sống mới của các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca là đời sống của đức tin, đức cậy, và đức mến; (3) Các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đã bắt chước thánh Phao-lô và trở thành một mẫu gương cho tha nhân; (4) Các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca đã được kêu gọi sống thánh thiện và phải từ bỏ sự vô luân; (5) Sự trở lại của Đức Chúa đã gần kề, vì thế, các tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca phải thánh thiện và không tì vết vào ngày của Đức Chúa.
Chuyển ngữ: Phaolô Nguyễn Hữu Phong S.J.
Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul
(Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 53-55.