Tượng Thánh Phaolô trước vương cung thánh đường Thánh Phêrô

Lời Chúa 1 Cr 6:13-15a, 17-20
Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức ăn. Thiên Chúa sẽ huỷ diệt cả cái này lẫn cái kia. Nhưng thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Chúa Ki-tô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Ki-tô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Ki-tô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào!  Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người. Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình.  Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa,vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em. (1 Cr 6:13-15a, 17-20)

Tìm hiểu 1 Cr 6:13-15a, 17-20
Bản văn này thuộc về những bàn thảo của thánh Phao-lô về tính vô luân vốn đã được bắt đầu bằng phán đoán của ngài về những kẻ ăn ở với vợ kế của cha mình (5:1-13). Sau khi hướng dẫn cộng đoàn trục xuất những kẻ vô luân ra khỏi cộng đoàn thánh, thánh Phao-lô bắt đầu trả lời những câu hỏi của việc tố tụng (6:1-8) rồi sau đó ngài kêu gọi cộng đoàn tránh xa sự dâm ô (6:9-20).
Để bắt đầu, thánh Phao-lô nhắc tín hữu Cô-rin-tô về tình trạng của họ trước khi hoán cải. Họ là những con người vô luân cho đến khi họ được thanh tẩy, thánh hóa, và công chính hóa nhân danh Đức Ki-tô Giê-su và trong Thần Khí của Thiên Chúa (6:11). Nhưng giờ đây họ trở thành thành một cộng đoàn thánh thiêng nhờ những điều Đức Ki-tô và Thần Khí đã làm nơi họ.
Tin rằng mình đã được tự do khỏi luật luân lý thông thường, một vài thành viên trong cộng đoàn lấy khẩu hiệu “tôi được phép làm mọi sự” (6:12) để biện hộ cho những hành động vô luân của họ. Họ tin rằng cái bụng là để ăn còn thân xác là để dâm ô. Những tín hữu non kém này không thể thấy sự đối nghịch giữa lối sống vô luân của họ với lối sống mới được gọi là sống trong Đức Ki-tô. Chính ở điểm này mà thánh Phao-lô mới nhắc họ rằng thân xác của họ không phải để gian dâm nhưng thuộc về Đức Ki-tô. Thân xác của họ là chi thể của Đức Ki-tô, và thánh Phao-lô không thể tưởng tượng nổi việc họ bỏ mặc thân xác mình trong những hành vi vô luân.
Để kết luận, thánh Phao-lô đưa ra một cảnh cáo mạnh mẽ rằng các tín hữu Cô-rin-tô phải tránh xa những hành vi vô luân. Lý luận của ngài có một nền tảng thần học sâu sắc: thân xác của họ không còn là của họ. Cái giá để chuộc lại họ chính là máu của Đức Ki-tô. Thân xác của mỗi tín hữu là đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Mặc dù bài đọc hôm nay không bao gồm khẩu hiệu “Tôi được phép làm mọi thứ” (1 Cr 6:12), nhưng đó lại là một khởi điểm phù hợp bởi vì nó phản ánh quan điểm luân lý của nhiều người Mỹ hiện nay, những người tin rằng thân xác của họ là của riêng họ và họ có quyền làm mọi thứ họ muốn. Quan điểm như thế là đối nghịch với tin mừng bởi vì các tín hữu thuộc về đấng mà nhờ cái chết của ngài đã tẩy rửa, thánh hóa, và công chính hóa họ. Đây là khỏi điểm đúng đắn cho nền luân lý tính dục trong cộng đoàn thánh.

Nguồn: Frank J. Matera, Strategies for Preaching Paul, (Nguyễn Hữu Phong chuyển ngữ) (Minnesota: The Liturgical Press, 2001), 66-67.